Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Triển khai xét duyệt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS 2019

Họp Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước nhiệm kỳ 2018-2023 ngày 20/6.

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 20/6, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ - Chủ tịch Hội đồng giáo sư (GS) nhà nước đã chủ trì phiên họp lần thứ nhất Hội đồng chức danh GS Nhà nước nhiệm kỳ 2018-2023.

Trước đó, ngày 14/6, Hội đồng GS nhà nước đã công bố danh sách 28 ủy viên Hội đồng GS nhà nước nhiệm kỳ 2018-2023. Những GS này đồng thời làm Chủ tịch của 28 Hội đồng GS ngành, liên ngành năm 2019. Các thành viên Hội đồng GS ngành/liên ngành được tuyển chọn theo tiêu chí mới của Quy chế Hội đồng GS Nhà nước.

Năm 2019, tổng số thành viên Hội đồng GS ngành là 276 người; trong đó có 162 thành viên đã tham gia từ nhiệm kỳ 2014-2019; số thành viên mới là 114 người. Số thành viên có chức danh GS là 256 chiếm tỷ lệ 92,75%, số thành viên có chức danh PGS là 20 người, chiếm 7,25%. Điểm mới của nhiệm kỳ này là có 3 GS Thường trực chuyên sâu về 3 nhóm lĩnh vực lớn; 1 Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng tới đây sẽ kiện toàn.

Chúc mừng các GS được giao nhiệm vụ với tín nhiệm, uy tín khoa học rất cao để tham gia Hội đồng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Hội đồng có sứ mạng, trách nhiệm rất lớn; không đơn thuần chỉ là xét duyệt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS, mà rộng hơn là phát triển đội ngũ tinh hoa cho đất nước. Bên cạnh nhiệm vụ rất quan trọng là chỉ đạo, thẩm định, phê duyệt những ứng viên đủ tiêu chuẩn chức danh GS, PGS theo quy định của Nhà nước, Hội đồng GS Nhà nước còn có nhiệm vụ tư vấn cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trong việc định hướng phát triển đội ngũ GS, PGS; chất lượng đào tạo tiến sĩ và tham gia xây dựng chính sách phát triển đội ngũ GS, PGS. Đây là chìa khóa quyết định thành công của đổi mới giáo dục đại học và tự chủ đại học.

Lưu ý về công tác xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS năm 2019, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu ở vòng Hội đồng cơ sở, thủ trưởng các cơ sở giáo dục đại học phải đề cao trách nhiệm trong việc thẩm định tính pháp lý, sự chuẩn xác của hồ sơ ứng viên theo quy định tại Quyết định số 37/2018/QĐ- TTg ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh GS, PGS. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc thẩm tra thâm niên đào tạo, công nhận giờ giảng, bằng cấp và đánh giá về tiêu chuẩn, đạo đức nhà giáo…

Với các Hội đồng GS ngành, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhah nhấn mạnh cần tập trung thẩm định về mặt khoa học, nhất là tổ chức đánh giá năng lực ngoại ngữ phục vụ công tác chuyên môn và tiếng Anh giao tiếp của ứng viên theo đúng quy định. Một trong những tiêu chuẩn của thành viên Hội đồng GS nhà nước, Hội đồng GS ngành, liên ngành và Hội đồng GS cơ sở là sử dụng thành thạo ngoại ngữ phục vụ công tác chuyên môn và giao tiếp tốt bằng tiếng Anh. Nếu ứng viên ngoại ngữ không tốt mà qua được là trách nhiệm của Hội đồng GS ngành.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo