Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Từ bài học về sự quyết tâm của Bác Hồ

Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Đảng bộ, nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh tư liệu)

(Thanhuytphcm.vn) - Từ khi Bác Hồ bị bệnh, theo lời khuyên của các thầy thuốc, Bác có kế hoạch quyết tâm bỏ thuốc lá. Bác nói: “Bác hút thuốc từ lúc còn trẻ nay đã thành thói quen, bây giờ bỏ thì tốt nhưng không dễ, các chú phải giúp Bác bỏ tính xấu này”. Rồi Bác tự đề ra chương trình bỏ thuốc dần. Lúc đầu là giảm số lượng điếu hút trong ngày. Khi thèm hút thuốc Bác làm một việc gì đó để thu hút sự chú ý, tập trung… Bác bảo đồng chí giúp việc để cho Bác một vỏ lọ Penicillin ở nơi làm việc và phòng nghỉ. Hút chừng nửa điếu Bác dụi đi để vào lọ đó. Sau hút lại nửa điếu để dành, anh em can bảo thuốc lá hút dở không có lợi, Bác bảo: "Nhưng hút thế để có cữ". Với cách làm đó, Bác đã giảm từ cả bao xuống ba bốn điếu một ngày. Cứ như vậy, Bác hút thưa dần.

Đầu tháng 3/1968, nhân khi bị cảm ho nhẹ, Bác tự quyết định bỏ hẳn. Mấy ngày sau, trong một tuần lễ anh em vẫn để gói thuốc chỗ bàn làm việc của Bác, nhưng Bác không dùng. Sau một tuần thấy Bác quyết tâm như vậy, mọi người cất hẳn thuốc lá. Một tháng sau, khi tiếp Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam Vũ Quang, Bác nói: “Bác đã bỏ thuốc lá rồi, chú về vận động thanh niên đừng hút thuốc lá”. Liên quan đến việc này, Bác có bài thơ Vô đề bằng chữ Hán, được nhà thơ Khương Hữu Dụng dịch:

"Thuốc kiêng, rượu cữ đã ba năm,

Không bệnh là tiên sướng tuyệt trần

Mừng thấy miền Nam luôn thắng lớn,

Một năm là cả bốn mùa Xuân".

Câu chuyện trên hẳn để lại nhiều bài học quý. Chẳng hạn, bỏ thuốc lá cũng là một bài học đối với một số người nghiện thuốc. Thực ra hút thuốc là một hành vi thói quen chứ không thể hiện vấn đề đạo đức. Nhưng hút thuốc nhiều không chỉ có hại cho sức khỏe của bản thân mà lắm khi còn ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của người khác nếu không có sự điều chỉnh hợp lý cơn ghiền thuốc... Hay bài học về sự kiên nhẫn cũng rất đáng chú ý. Bởi với một số việc khó, nếu chúng ta không nhẫn nại, bền chí thì có thể sẽ không đạt được kết quả như mong muốn…

Một bài học lớn khác nên quan tâm là về sự quyết tâm. Bởi trong cuộc sống, trong công tác, nếu có quyết tâm thì khả năng thành công sẽ lớn hơn, kết quả đạt được sẽ mỹ mãn hơn.

Từ điển tiếng Việt giải thích, quyết tâm là “quyết và cố gắng thực hiện bằng được điều đã định, tuy biết là có nhiều khó khăn và trở ngại”. Ở góc độ tâm lý học, quyết tâm có thể hiểu là một trạng thái thuộc về tinh thần, được cụ thể bằng hành động không ngừng nỗ lực để thực hiện bằng được mục tiêu đã đặt ra. Nhờ có quyết tâm mà chúng ta có được ý chí, nghị lực cũng như sự kiên trì trong mọi công việc, để đi đến thành công.

Như vậy, chúng ta có thể hiểu rằng, sự quyết tâm là tập trung năng lượng và nỗ lực vào một nhiệm vụ cụ thể nào đó và gắn bó với nó cho tới khi hoàn thành. Sự quyết tâm là cách chúng ta sử dụng trí lực để hành động dù đó là một công việc đơn giản. Khi ta có quyết tâm để làm gì đó, ta tin rằng việc đó quan trọng; và ta quan tâm tới việc mình làm, dù nó thực sự khó khăn thì ta vẫn tiếp tục thực hiện.

Quyết tâm thường thể hiện rõ nét khi chúng ta thực hiện các công việc, nhiệm vụ khó khăn, quá sức, có nhiều trở ngại, kể cả những việc chưa từng có tiền lệ, chưa có chỉ dẫn cụ thể nào để làm căn cứ… Khi đó, để đạt được mục tiêu, chúng ta phải nỗ lực và tập trung cao độ cả về tâm, trí, lực. Chẳng hạn, trong một trận đấu bóng đá, khi thời gian còn rất ít mà tỷ số đang bất lợi, toàn đội phải tập trung sức lực, tinh thần và có quyết tâm giành thắng lợi cao nhất, thể hiện qua việc dâng cao đội hình, chắt chiu từng pha bóng, chăm chút từng quả chuyền, phối hợp thật tốt với đồng đội, cẩn thận từng bước chạy để có thể dứt điểm thuận lợi nhất, ngõ hầu đạt kết quả cao nhất. Khi đó, bước chạy phải nhanh hơn, sức rướn phải tốt hơn, không từ bỏ bất kỳ cơ hội nào dù nhỏ khi tranh bóng, khi cứu bóng… Nếu thiếu sự quyết tâm, một cầu thủ có thể không xông xáo tìm bóng, chỉ làm đúng vai của mình, không quan tâm động viên, truyền cảm hứng cho đồng đội…, và như vậy kết quả có thể sẽ khó đạt được như mong đợi.

Hay trong thực hiện nghị quyết, chúng ta thường nghe câu, đại ý: “toàn đảng bộ quyết tâm “chủ trương 1, chương trình 10, hành động 100’”, có nghĩa là thể hiện rõ sự nỗ lực từ trong ý tưởng, văn bản cho đến hành động mà chính qua việc làm mới khẳng định được sự phấn đấu, bởi kết quả chỉ thể hiện qua hoạt động chứ không phải qua ý tưởng. Đó cũng là lời động viên, nhắc nhở nhau phải hành động và vượt khó để hành động, đồng thời qua hành động thì khắc phục các khó khăn, để đi đến một mục tiêu nhất định.

Quyết tâm khác với sự bảo thủ, cứng nhắc. Khi biết đã nhầm về phương hướng, đã sai về chỉ đạo, đã lệch về hành động nhưng vẫn cố giữ rồi động viên, yêu cầu bản thân hoặc người khác (nhất là với cấp dưới) phải ra sức thực hiện thì đó không phải là quyết tâm. Bởi dù phải cố gắng nhưng kết quả cuối cùng có thể không phù hợp hoặc không như mong muốn thì là sự lãng phí tâm, trí, lực của nhiều người. Giả sử một đảng bộ phường đưa ra nghị quyết xóa 100% hiện tượng lấn chiếm lòng lề đường trên địa bàn và xây dựng chương trình hành động, phân công đảng viên thực hiện, thường xuyên kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh… Về hình thức, đó là một chủ trương tốt; nhưng trên thực tế, việc chấn chỉnh triệt để hành vi vi phạm về lĩnh vực đó cần gắn với nhiều yếu tố, như điều kiện giao thông của phường, điều kiện sinh sống của người dân, việc thực hiện chủ trương tương tự ở các địa bàn khác, chủ trương, định hướng của cấp trên… Nếu chỉ tự mình áp đặt mà không cân nhắc nhiều yếu tố khác thì có thể trở thành duy ý chí.

Sự quyết tâm nên vừa là một chỉ dẫn cho mỗi cá nhân, nhất là với cán bộ, đảng viên, vừa cho tập thể, nhất là với tổ chức đảng. Khi có quyết tâm, mỗi người sẽ không dễ dàng bỏ cuộc và sẽ nỗ lực ở mức cao nhất để đạt được kết quả tốt nhất; khi một tập thể có nhiều cá nhân như vậy thì chất lượng, hiệu quả trong thực hiện các nhiệm vụ sẽ cao hơn. Với mỗi người, thường chúng ta có thể làm được nhiều hơn những gì ta đã từng làm hoặc ta nghĩ rằng mình có thể làm được, nếu được đặt trong một điều kiện phù hợp, có sự giúp sức đắc lực và nhất là có một quyết tâm cháy bỏng. Với mỗi cán bộ, đảng viên, điều đó lại càng có ý nghĩa, bởi đây là những người luôn đóng vai trò dẫn dắt, truyền cảm hứng đến nhiều người khác thì chính sự quyết tâm sẽ không chỉ tạo nên hình ảnh một đảng viên gương mẫu mà còn thúc đẩy mọi người cùng nỗ lực.

Năm xưa, Bác Hồ nói, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho kỳ được độc lập dân tộc, thể hiện một khao khát cháy bỏng về độc lập, tự do cho đất nước, cho dân tộc. Còn hiện nay, quan điểm nhất quán về “khát vọng hùng cường” thực sự là một quyết tâm lớn lao của toàn Đảng, toàn dân về việc đem lại hạnh phúc cho nhân dân, một biểu hiện cụ thể về kết quả của tiến trình đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Để thực hiện được điều đó, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự có quyết tâm hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ của mình để cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ngày càng tiến gần đến mục tiêu đó!

Vân Tâm


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo