Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp thứ 31

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 21/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã bế mạc phiên họp thứ 31. Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, với tinh thần làm việc nghiêm túc, phiên họp đầu năm mới Kỷ Hợi 2019 của UBTVQH đã hoàn thành chương trình đề ra.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ủy ban Tài chính – Ngân sách, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các dự án Luật Đầu tư, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) và Luật Giáo dục (sửa đổi) trên cơ sở ý kiến của UBTVQH; Ủy ban Tài chính – Ngân sách hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về việc điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước của Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc để sớm ký ban hành.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, trong phiên họp tháng 3 và tháng 4 tới, UBTVQH sẽ xem xét nhiều nội dung trong khi thời gian chuẩn bị nội dung cho phiên họp không còn nhiều. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các cơ quan hữu quan khẩn trương hoàn thiện các nội dung trình UBTVQH, tránh tình trạng đến phiên họp mà chưa có đầy đủ tài liệu. Các cơ quan trình cần gửi hồ sơ, tài liệu đúng thời hạn quy định để các cơ quan của Quốc hội kịp thời thẩm tra.

Bảo đảm nhà giáo là nghề có thu nhập cao

Trong phiên làm việc buổi chiều, UBTVQH đã nghe Chính phủ báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) và cho ý kiến về nội dung này.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, Chính phủ đã tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về toàn bộ dự thảo Luật, nhưng có định hướng tập trung vào 11 nhóm vấn đề trọng tâm và đã có trên 1 triệu lượt ý kiến góp ý. Các nhóm vấn đề được Chính phủ xác định là trọng tâm trong quá trình lấy ý kiến Nhân dân gồm nhóm về: (1) quy định triết lý giáo dục; hướng nghiệp, phân luồng; chính sách cử tuyển; (2) đầu tư cho giáo dục, trách nhiệm của nhà nước; (3) nhà giáo; (4) người học; (5) chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa; (6) liên thông trong giáo dục; (7) thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học; (8) vấn đề tự chủ của cơ sở giáo dục; (9) cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục; (10) quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và kiểm định chất lượng giáo dục; (11) kỹ thuật lập pháp.

Cho ý kiến vào báo cáo này, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tán thành với Chính phủ trong việc tiếp thu ý kiến Nhân dân, bổ sung vào dự thảo Luật định hướng ưu tiên phân bổ ngân sách cho giáo dục, quy định bảo đảm tỷ trọng chi cho giáo dục tối thiểu đạt 20% tổng chi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, với quan điểm của Đảng và Nhà nước ta “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, “đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”, Thường trực Ủy ban đề nghị dự thảo Luật cần thể hiện rõ ràng và mạnh mẽ trách nhiệm của Nhà nước đối với sự phát triển của giáo dục. Đặc biệt đối với giáo dục bắt buộc, Nhà nước phải bảo đảm đầu tư đầy đủ, toàn diện. Việc xã hội hóa giáo dục cần có cơ chế rõ ràng để khuyến khích, nhưng cần bảo đảm nguyên tắc không thương mại hóa giáo dục. Đối với các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài ở bậc học phổ thông, cần có quy định quản lý về chương trình giáo dục phù hợp với văn hóa, lịch sử và truyền thống Việt Nam.

“Xuất phát từ đặc thù nghề của nhà giáo, dự thảo Luật cần thể chế hóa quan điểm của Đảng về lương nhà giáo, bảo đảm nhà giáo là nghề có thu nhập cao, tương xứng với vị trí, vai trò của nhà giáo trong xã hội. Vì vậy, Thường trực Ủy ban đề xuất hai phương án để xin ý kiến Thường vụ Quốc hội. Phương án 1 quy định bảng lương riêng cho nhà giáo bảo đảm tương xứng với đặc thù nghề nghiệp. Phương án 2 quy định phụ cấp nghề giáo viên là cao nhất để bảo đảm nhà giáo là nghề có thu nhập cao tương xứng với vị trí, vai trò của nhà giáo và đặc thù nghề giáo” - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nói.

Góp ý về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng không nên đặt vấn đề hàng năm tỷ trọng chi cho giáo dục phải đạt 20%, mà trong trung hạn là 20%, còn hàng năm phải tùy thuộc vào tình hình và nhu cầu thực tế của ngành giáo dục trong năm tài khóa. Ông cũng cho rằng cần có mức lương ưu tiên, ưu đãi hơn đối với giáo viên.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên họp Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên họp

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay, phần lớn chi cho giáo dục hiện nay là chi cho lương, có những nơi chiếm tới trên 80%. Giáo viên là nghề đặc thù, một trong những điểm cần tháo gỡ ban đầu là lương khởi điểm cho giáo viên. Ban đầu giáo viên ra trường lương rất thấp, nếu ở đô thị thì không bảo đảm cuộc sống tối thiểu.

Cân nhắc việc hỗ trợ đóng học phí đối với học sinh trường dân lập

Một trong những điểm nổi bật trong dự án Luật là chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở (THCS) công lập; hỗ trợ đóng học phí đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng chính sách không thu học phí của người học ở các trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cho người học ở các trường dân lập, tư thục từ  ngân sách của Nhà nước được áp dụng thêm cho nhóm đối tượng trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh THCS, đã thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của Nhà nước đối với giáo dục theo đúng tinh thần của Hiến pháp 2013 là Nhà nước “bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí” và theo Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo là Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục bắt buộc 9 năm sau năm 2020.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, Thường trực Ủy ban đề nghị cần xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với giáo dục bắt buộc và đối với giáo dục phổ cập; đồng thời quy định lộ trình thực hiện chính sách này. Trước mắt ưu tiên thực hiện tại các địa phương chưa bảo đảm đủ trường công lập cho học sinh thuộc diện giáo dục bắt buộc và tại các vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, nên có chính sách học phí vì Hiến pháp quy định phải phổ cập tiểu học, nên miễn học phí cho cấp tiểu học. Với trường dân lập có hỗ trợ nhưng tùy vào khả năng ngân sách.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay, Chính phủ đã cân nhắc kỹ Hiến pháp, xu thế thế giới và điều kiện trong nước. Việc hỗ trợ tối đa đối với học sinh dân lập chỉ bằng trường công, với điều kiện nơi đó không có trường công. Học phí không phải là giá dịch vụ cho giáo dục mà chỉ là một phần rất nhỏ trong đó.

Vân Thanh

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo