Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Vấn đề nhà ở và diện tích nhà ở

Ảnh minh họa (nguồn: Thanhuytphcm.vn)

(Thanhuytphcm.vn) - Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ TPHCM nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã nêu chỉ tiêu, trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng diện tích nhà ở xây dựng mới đạt 50 triệu m2 và đến cuối năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 23,5 m2. Dự kiến đến năm 2030, tổng diện tích nhà ở của thành phố đạt được 295 triệu m2 sàn, diện tích nhà ở bình quân là 26,5 m2.

Nhà ở và diện tích nhà ở thực sự là một vấn đề lớn của TPHCM, nhất là sau đợt dịch Covid-19 vừa qua. Bởi có thể nhìn thấy rõ là dịch bùng phát mạnh ở những khu vực có mật độ dân cư đông, diện tích nhà ở bình quân thấp, điều kiện nơi ở và khu vực xung quanh không tốt (ẩm thấp, chưa bảo đảm vệ sinh, thiếu không gian…); mức độ lây lan của dịch ở nơi này nhìn chung cũng cao hơn những nơi khác; khi có ca nhiễm, việc cách ly, phong tỏa thường ảnh hưởng đến nhiều người, gây nhiều khó khăn trong đời sống của người dân; người nhiễm bệnh trong một số điều kiện nhất định (như có triệu chứng nhẹ, sức khỏe tốt, không có bệnh nền…) nếu muốn điều trị tại nhà cũng rất khó bởi không bảo đảm việc cách ly với gia đình và những người xung quanh… Để có góc nhìn đầy đủ và chính xác hơn, có lẽ ngành y tế nên phối hợp với các ngành chức năng để điều tra, khảo sát và báo cáo đầy đủ thực trạng về tỷ lệ nhiễm bệnh, điều kiện chữa bệnh, tỷ lệ khỏi bệnh… ở các khu vực dân cư trong mối liên quan đến các chỉ số như mật độ dân số và diện tích nhà ở bình quân, điều kiện thu nhập,…

Theo điều tra dân số và nhà ở, đầu năm 2020, TPHCM có khoảng 1,92 triệu căn nhà, trong đó nhà ở riêng lẻ chiếm hơn 88%, còn lại là căn hộ chung cư; mật độ nhà ở trung bình là 913 căn/km2, thấp nhất tại huyện Cần Giờ là 29 căn/km2, cao nhất tại Quận 4 với 10.894 căn/km2. Trong đó, còn 13.770 căn nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ.

Một thống kê năm 2019 cho thấy, thành phố có khoảng 476.000 hộ chưa có nhà ở hoặc đang sống chung với cha mẹ, người thân, chiếm gần 1/4 tổng số hộ gia đình. Trong đó, có khoảng 20.000 hộ gia đình cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; 300.000 hộ có nhu cầu thuê nhà ở xã hội; 143.000 hộ có nhu cầu mua nhà ở xã hội; khoảng 21.000 hộ sống trên và ven kênh rạch, khoảng 35.000 hộ đang sống trong các chung cư cũ cần được cải tạo, chỉnh trang hoặc di dời tái định cư… Như vậy, nhu cầu nhà ở của người dân thành phố là rất lớn và không ngừng tăng thêm, với quy mô mỗi năm thêm 200.000 người, chủ yếu là tăng cơ học.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, năm 2020, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc đạt 24,4 m2; khu vực đô thị đạt 25,1 m2; khu vực nông thôn đạt 24 m2. Ở TPHCM, tính đến tháng 6/2021, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 20,65 m²/người và sẽ phấn đấu nâng lên 21,04 m²/người vào cuối năm 2021. Như vậy, diện tích nhà ở bình quân của thành phố là khá thấp so với mức chung của cả nước.

Một thống kê khác của Bộ cho thấy, số lượng nhà ở diện tích từ 60 – 80 m2 chiếm tỷ lệ lớn nhất, khoảng 22%; số hộ có nhà ở dưới 25 m2 chiếm khoảng 8%; số hộ có nhà ở diện tích hơn 100 m2 tại đô thị chiếm 30%. Điều đó cho thấy khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng, đặt ra thách thức cho mục tiêu tăng diện tích ở bình quân mà vẫn bảo đảm được diện tích sống tối thiểu phù hợp cho mọi người dân.

Thực tế này có thể hiểu rằng, diện tích nhà ở bình quân không ngừng tăng lên nhưng không hoàn toàn tỷ lệ thuận với 2 chỉ số quan trọng khác là số người (số hộ) có nhà ở và diện tích nhà ở của người nghèo (người có thu nhập thấp). Con số bình quân về nhà ở tại TPHCM trên thực tế còn có khoảng cách khá xa, bởi ở thành phố có hiện tượng người có nhiều nhà, người có nhà cho thuê, người có nhà diện tích lớn… ngày càng tăng. Điều đó cho thấy, số nhà ở và diện tích nhà ở bình quân chưa phản ánh được đầy đủ hiện trạng về nhà ở của người dân thành phố.

Trong bối cảnh đó, thành phố cần thực sự có những giải pháp phù hợp để giải quyết vấn đề nhà ở và nâng cao diện tích nhà ở bình quân. Hồi đầu tháng 10/2021, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố đang lên kế hoạch phát triển 1 triệu căn nhà giá rẻ cho công nhân, người có thu nhập thấp. Đây là tin vui cho những người chưa có nhà nhưng cần phải được khẩn trương thực hiện, đồng thời có cách thức phân phối hợp lý để nhà loại này không rơi vào tay các đầu nậu, những người đầu cơ…

Để thực hiện tốt định hướng tăng tỷ lệ nhà ở chung cư cao tầng, giảm dần tỷ lệ nhà ở thấp tầng đối với các dự án phát triển mới, thành phố cần tạo điều kiện để mở rộng các dự án nhà ở xã hội, nhà dành cho người có thu nhập thấp và trung bình dưới dạng căn hộ (bằng các công cụ của thành phố) và siết chặt quy định về nhà ở riêng lẻ do dân tự xây, nhất là nhà xây không đúng quy hoạch, sai phép, trái phép. Đồng thời, thành phố cần có cách thức hỗ trợ thông tin, tài chính, thủ tục… để người dân có thể tiếp cận được căn hộ giá rẻ thay vì phải mua qua tay nhiều người thì giá bán đã đội lên cao.

Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu của các hộ gia đình một thế hệ hoặc hộ chỉ có 1-2 người đang gia tăng, gia đình đơn… có thể mở rộng loại căn hộ nhỏ (25 – 45 m²) phù hợp với nhóm hộ gia đình này.

Một yêu cầu khác cũng không kém phần quan trọng là tuy quan tâm nhiều đến việc phát triển các dự án nhà cho người có thu nhập không cao nhưng phải chú trọng điều kiện và chất lượng sống của người dân ở đó, như không gian sống xung quanh, các tiện ích, các dịch vụ bổ trợ…; phải tránh vì giải quyết nhà ở trước mắt mà về lâu dài lại hình thành nên các khu vực có điều kiện sống kém, sẽ không phù hợp với đặc điểm của một thành phố lớn và phát triển năng động như TPHCM.

Trúc Giang


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo