Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Vận dụng kinh nghiệm hay giúp TPHCM phát triển

Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM đi thực tế thành phố Frankfurt, tìm giải pháp giữ gìn bản sắc và đầu tư phát triển đô thị.

(Thanhuytphcm.vn) - Từ ngày 8 đến 18/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM đã thăm, làm việc tại Đức, Đan Mạch và Pháp, tìm hiểu cơ chế hoạt động của Quốc hội, nghị sĩ; việc xây dựng và ban hành luật và chính sách của Quốc hội; mối quan hệ giữa nghị sĩ với cử tri; vấn đề triển khai các chính sách để giải quyết các bài toán thực tiễn cụ thể tại các địa phương… 

Kết thúc chuyến công tác, phóng viên đã ghi nhận ý kiến các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về việc vận dụng những kinh nghiệm gặt hái được để kiến nghị các giải pháp phù hợp, giải quyết những vấn đề thực tiễn ở TPHCM, Việt Nam.

* Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, ĐBQH, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM:

Xây dựng chương trình kết nối, ứng dụng cụ thể

Qua chuyến công tác, nhiều kinh nghiệm hay chúng ta có thể tham khảo. Tại Vùng Lyon - Pháp, chúng ta được biết tới cơ chế hoạt động đại đô thị Lyon (Vùng Lyon) là cơ chế rất đặc biệt, duy nhất tại Pháp, mang tính đặc thù, có sự tự chủ ngay từ pháp lý, môi trường, giao thông, thực hiện các dự án và các vấn đề chăm lo cho người dân… Cũng tại Pháp, các đô thị đã có tính liên kết các thành phần kinh tế trong xã hội để tham gia vào lộ trình hoạch định, quy hoạch đô thị. Các đô thị đều quản lý khoa học, luôn nhất quán, kiên định, có lộ trình hợp lý để thực thi pháp luật một cách đúng mức nhằm đảm bảo các vấn đề nhà quy hoạch đề ra.

Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê trao đổi trong buổi tìm hiểu về cơ chế hoạt động đại đô thị Lyon - Pháp Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê trao đổi trong buổi tìm hiểu về cơ chế hoạt động đại đô thị Lyon - Pháp

Tại Đan Mạch và Đức, đoàn tìm hiểu sâu về xây dựng chính sách xã hội rõ ràng và có cơ chế giám sát, đảm bảo chính sách xã hội đó. Không chỉ tại hai nơi này, mà các địa phương ở 3 nước đoàn công tác đã làm việc, đều có chính sách xã hội tốt, chăm lo hưu trí, người khó khăn trong cuộc sống, người khuyết tật, trẻ em, người vô gia cư.

Về hoạt động quốc hội, các đại biểu của các nước cũng giống như ĐBQH của chúng ta, đều gặp gỡ cử tri để vừa khảo nghiệm lại chính sách đã được biểu quyết, ban hành, vừa được cử tri giám sát. Qua trao đổi kinh nghiệm, Đoàn ĐBQH TPHCM sẽ có báo cáo tổng kết chuyến làm việc, vừa khái quát chung, vừa đồng thời mổ xẻ các vấn đề cụ thể nằm trong các vấn đề mà đoàn đã trao đổi với các vị đại biểu, các hội đồng vùng, các nghị sĩ mà đoàn có dịp tiếp cận.

Vấn đề chung quan trọng nhất là cả TPHCM và các đô thị ở Đức, Đan Mạch và Pháp đều lấy dân làm trọng, khi đưa ra chính sách ở bất cứ lĩnh vực nào thì đều lấy cuộc sống, môi trường, an ninh, sức khỏe của người dân lên làm đầu. Quan trọng là chúng ta cần có phương pháp tư duy đúng, có lộ trình thực hiện phù hợp để vận dụng kinh nghiệm của bạn, giúp xây dựng TPHCM nói riêng cũng như cả nước nói chung. 

* PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM:

Cần tăng phân cấp, ủy quyền

Các thành phố, vùng đô thị tại Đức, Đan Mạch và Pháp phát triển mạnh mẽ nhờ phân cấp mạnh. Đây là điều chúng ta có thể học hỏi. TPHCM cũng đang thực hiện ủy quyền theo tinh thần Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Sự phát triển mạnh mẽ của các đô thị được phân cấp ở Đức, Pháp, giúp chúng ta tự tin để triển khai một cách quyết liệt và hiệu quả vấn đề phân cấp cho các quận, huyện và phân cấp sâu hơn về phường, xã, khu đô thị.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân trao đổi trong buổi làm việc tại Lyon - Pháp PGS.TS Trần Hoàng Ngân trao đổi trong buổi làm việc tại Lyon - Pháp

Bên cạnh đó, các thành phố có điều kiện sống tốt ở các nước Đức, Đan Mạch và Pháp có quy hoạch một cách khoa học và tính tuân thủ rất chặt chẽ. Hiện nay, chúng ta đang rà soát lại quy hoạch, lập lại quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh, thành, thì việc quy hoạch và quản lý quy hoạch tại Đức, Đan Mạch, Pháp là những kinh nghiệm rất tốt chúng ta cần phải học tập.

Tại Pháp, tuổi nghỉ hưu của người dân là trên 64 tuổi và ngạc nhiên khi tuổi nghỉ hưu của nước ta ở độ tuổi 55 với nữ, 60 với nam. Tuổi nghỉ hưu của người lao động Pháp không phân biệt nam nữ, nhưng Pháp có đến 42 chế độ hưu khác nhau, áp dụng tùy từng công việc, ngành nghề như luật sư, bác sĩ, lao động kỹ thuật… Mỗi ngành nghề có chế độ nghỉ hưu khác nhau và dự kiến sẽ cô đọng lại các chế độ hưu theo từng nhóm ngành nghề. Kinh nghiệm về chế độ hưu trí của Pháp chúng ta cũng có thể tham khảo. 

Trong hoạt động của Quốc hội, các đại biểu quốc hội, các nghị sĩ hoạt động rất chuyên nghiệp và dành toàn tâm, toàn sức, thời gian cho hoạt động của mình trong việc tiếp xúc cử tri. Thậm chí, cử tri có thể tiếp xúc với các nghị sĩ hàng ngày. Những chính sách mới được ban hành, các bạn thường thực hiện thăm dò dư luận xã hội, lấy ý kiến người dân. Chúng ta cần học tập tinh thần làm việc chuyên nghiệp của các ĐBQH. 

* ĐBQH Dương Ngọc Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TPHCM:

Quản lý, quy hoạch đô thị hết sức khoa học

Vùng Lyon – Pháp có cơ chế hoạt động đại đô thị Lyon (gồm 59 thành phố), hết sức đặc biệt, duy nhất tại Pháp chỉ có vùng Lyon có cơ chế này. Bằng cơ chế hoạt động đặc thù này, vùng Lyon chủ động giải quyết các vấn đề xã hội, thu chi ngân sách, quy hoạch… đều làm rất tốt. Đặc biệt, việc quản lý đô thị của vùng mang tính lâu dài, hết sức khoa học. Trong quy hoạch, các đô thị sẵn sàng hy sinh đại lộ dành cho ô tô cá nhân, rồi quy hoạch lại thành đường dành cho phương tiện công cộng, xe điện, xe đạp, người đi bộ và luôn dành ưu tiên rất lớn cho cây xanh. Quy hoạch có tính phục vụ cho người dân, hết sức thân thiện với môi trường. Các đô thị đều chú trọng phát triển mảng xanh, phát triển bền vững, xây dựng đô thị thông minh. TPHCM cũng đang phát triển theo hướng đó và đây là những vấn đề TPHCM có thể vận dụng khi TP quy hoạch, phát triển ven sông Sài Gòn nói riêng và quy hoạch phát triển TPHCM nói chung. 

Đại biểu Quốc hội Dương Ngọc Hải Đại biểu Quốc hội Dương Ngọc Hải
 

* ĐBQH Trần Kim Yến, Bí thư Quận ủy Quận 1:

Không “nén” dân vào trung tâm đô thị

Quá trình tham khảo kinh nghiệm hoạt động của các nước bạn, tôi thấy việc xây dựng luật của các nước có nét tương đồng với chúng ta. Việc trình dự luật của các nước có dự luật do Chính phủ, cơ quan bộ, ngành trình, có dự luật do đại biểu trình. Tỷ lệ trình dự luật nhiều nhất vẫn là các cơ quan ban bộ, ngành chứ không phải từ đại biểu. Trong quá trình xây dựng luật, các nước có lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học và có bộ phận chuyên môn để lấy ý kiến người dân. Việc đại biểu trực tiếp đi lấy ý kiến người dân cho dự luật là rất ít. Ở các nước bạn cũng gặp tình trạng có luật ra đời rồi nhưng áp dụng thực tiễn lại không khả thi. Chúng ta cũng gặp phải thực trạng này.

Điều tôi tâm đắc nhất là việc quy hoạch của các đô thị có tầm nhìn xa, và quan trọng quá trình thực hiện quy hoạch nếu có biến động gì, thì rất hiếm khi thay đổi quy hoạch. Một khi đã quy hoạch, các đô thị luôn kiên định giữ quy hoạch để giữ môi trường sống tốt, chú trọng mảng xanh, nước sạch, đảm bảo môi trường… cho người nhân. Dù áp lực dân số gia tăng, các đô thị kiên quyết không xây thêm nhà ở ở khu vực trung tâm thành phố, mà tản ra ở xung quanh thành phố. Thực ra, ý tưởng này TPHCM cũng đang nghiên cứu thực hiện: không xây dựng đô thị nén – dồn dân về trung tâm thành phố - mà xây dựng đô thị đa trung tâm. TPHCM cần kiên định để thực hiện điều này, tất nhiên xây dựng đô thị đa trung tâm thì trước mắt tốn kém nhiều mặt, và mất nhiều thời gian thực hiện. Nhưng, chỉ bằng cách này thì người dân mới không đổ dồn về trung tâm TPHCM, không tạo thêm điểm nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường khu vực trung tâm TP.

Đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến Đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến

Có một điều tương đồng với TPHCM là cơ chế đặc thù. Vùng Lyon – Pháp, đang thực hiện cơ chế hoạt động đại đô thị Lyon có tính phân cấp, tự chủ mạnh. Ngoài những sắc thuế chung áp dụng trên cả nước Pháp, thì vùng Lyon được quyết một số sắc thuế phù hợp để đảm bảo sự phát triển. Ngoài đóng góp chung cho ngân sách quốc gia, vùng Lyon được sử dụng phần lớn ngân sách để phục vụ cho đại đô thị, chăm lo trực tiếp cho đời sống người dân. Họ có quyền tự chủ nhất định về kinh tế. Tại bang Hessen – Đức, chỉ trừ quốc phòng và ngoại giao thực hiện chung trên cả nước Đức, còn các vấn đề khác, địa phương tự chủ giải quyết. Cơ chế như vậy rất hay, giúp các đô thị phát triển mạnh.

Mạnh Hòa (ghi).

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo