Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Việc làm cao đẹp của “thầy giáo” công nhân

Anh Hoàng Trọng Khánh được Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng hoa tại lễ tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” trong phong trào thi đua yêu nước của TPHCM - lần 3

(Thanhuytphcm.vn) - Gần 10 năm qua, anh Hoàng Trọng Khánh, công nhân phân xưởng thuốc sát trùng Công ty Liên doanh Bio – Pharmachemie, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV đã tận tụy dạy học miễn phí cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Anh mong muốn việc làm của mình sẽ giúp các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, có ý thức việc học là một trong những cách thoát khỏi nghèo nhanh nhất, từ đó sẽ vươn lên trong học tập. Anh là một trong “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” trong phong trào thi đua yêu nước của TPHCM - lần 3, năm 2018.

Mở lớp học vì yêu thương các em thiếu nhi nghèo

Sau giờ tan ca tại công ty vào 4 giờ 30 chiều, anh công nhân Hoàng Trọng Khánh tiếp tục “vào ca” với vai trò làm thầy giáo dạy kèm miễn phí cho các cháu thiếu nhi tại khu dân cư mình sinh sống. Lớp học được duy trì từ 5 giờ 30 đến 9 giờ tối, thứ hai đến thứ sáu hàng tuần ngay tại khu trọ của anh (phường Phước Long B, Quận 9). Học sinh của anh là con em của người lao động trong công ty anh làm việc, những cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trong khu dân cư...

Lớp học này được anh Khánh tự nguyện mở từ năm 2010, xuất phát từ tình yêu thương các em thiếu nhi nghèo của anh. Đến nay, số lượng các em đã tham gia lớp hơn 200 em. Hiện lớp học có hơn 30 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 được anh dạy kèm các môn toán, lý, hóa…

Anh Khánh chia sẻ, làm công nhân có sự khó khăn nhất định, nhưng nhìn xung quanh còn nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn. Nên vượt xa lên những khó khăn đó, anh Khánh muốn dạy học để giúp các cháu thay đổi suy nghĩ, ý thức việc học thoát khỏi nghèo nhanh nhất, để các cháu vươn lên trong học tập.

Trước đây, anh Khánh chỉ được học hết chương trình cấp 3. Để giảng bài được cho học sinh của mình, anh đã mày mò tìm hiểu trên mạng internet. Những bài khó tự anh không hướng dẫn được thì anh nhờ giáo viên của các em học sinh mình dạy hướng dẫn lại để anh có thể truyền đạt cho các em. “Theo nghề này cần có tâm mới dạy được. Khi dạy học cho các em chính là mình được học lại kiến thức lần 2” – anh Khánh bộc bạch.

Tấm gương thầm lặng cho các em học sinh nghèo

Anh Khánh kể, 90% số trẻ tham gia lớp học của anh là trẻ từ các địa phương khác theo ba mẹ về TPHCM sinh sống. Mỗi khi thấy điểm học sinh xuống thấp anh rất buồn. Có những cháu phải phụ giúp gia đình nên học lực giảm sút. Có khi phụ huynh mãi lăn lộn mưu sinh kiếm sống nên ít quan tâm đến việc học của các em. Để giúp học sinh vươn lên trong học tập, anh Khánh đã gặp nói chuyện với học sinh và gặp phụ huynh trao đổi trực tiếp quan tâm các cháu hơn.

Gần 10 năm dạy học miễn phí cho những “đứa cháu” của mình cũng để lại nhiều kỷ niệm vui buồn trong lòng anh Khánh. Anh cho biết: “Tôi rất vui khi 4 học sinh ban đầu theo lớp học, đến nay đã có 2 bé đậu đại học. Hầu hết các cháu trong lớp học đều có tiến bộ trong học tập. Sự tiến bộ hàng ngày các cháu là động lực để tôi duy trì lớp học”.

Kể về “người thầy” Hoàng Trọng Khánh, em Trần Lê Minh Châu, học lớp 11, Trường THPT Thủ Đức cho biết, từ khi học lớp 5 đến khi vào học THPT em đã được thầy Khánh dạy kèm. Trước đây, gia đình em gặp khó và đã được một người bạn giới thiệu học thầy Khánh. Không ngờ, khi học lại không phải trả học phí nên em rất xúc động. “Sự giảng dạy của thầy giúp em tiếp thu được rất nhiều. Từ học sinh trung bình em đã vươn lên là học sinh khá giỏi. Em rất cảm phục thầy Khánh vì thầy dạy không nhận học phí của học sinh, trong đó có cả em. Ngay cả khi gia đình em khá giả hơn, trả học phí thầy không nhận. Thầy nói “con học tốt là chú vui rồi, chú không cần cái này. Con thành người là chú được đền đáp rồi” – em Trần Lê Minh Châu chia sẻ.

Chỉ gặp “người thầy” Hoàng Trọng Khánh ngắn ngủi, nhưng cảm nhận của chúng tôi là thật sự khâm phục nghị lực và những việc làm cao đẹp của anh công nhân Hoàng Trọng Khánh. Với thân hình nhỏ bé nhưng không quản ngại khó khăn, vất vả, hàng tối dạy kèm cho các em sau những giờ làm việc tại công ty. Những việc làm đầy ý nghĩa cao đẹp của anh giống như những ca từ trong lời bài “Khát vọng” mà tôi đã được nghe anh hát giữa cung bậc rộn rã, thôi thúc lòng người của tiếng đàn guitar. “Và sao không là bão, là giông, là ánh lửa đêm đông. Và sao không là hạt giống, xanh đất mẹ bao dung. Sao không là đàn chim, gọi bình minh thức giấc. Sao không là mặt trời, gieo hạt nắng vô tư…”

S. Hải

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo