Thứ Sáu, ngày 13 tháng 12 năm 2024

Việt Nam và vấn đề an ninh lương thực hiện nay

Quang cảnh tọa đàm

(Thanhuytphcm.vn) – Sáng 23/6, tại TPHCM, Bộ Ngoại giao tổ chức tọa đàm về “Việt Nam và vấn đề an ninh lương thực hiện nay”.

Phát biểu khai mạc, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TPHCM Phạm Trần Thanh Thảo cho rằng, an ninh lương thực luôn là vấn đề hệ trọng đối với mọi quốc gia, nhất là trong điều kiện bất ổn chính trị, an ninh phi truyền thống, dịch bệnh xảy ra trên thế giới. Trong giai đoạn hiện nay, quan điểm về an ninh lương thực cũng cần phải thay đổi để phù hợp với bối cảnh mới. Trước đây chúng ta nghĩ rằng an ninh lương thực đồng nghĩa với việc coi trọng số lượng lương thực. Tuy nhiên đại dịch vừa qua đã cho chúng ta thấy, số lượng, sản lượng không phải là yếu tố quyết định mà quan trọng hơn là khả năng tiếp cận, chất lượng, sự an toàn, cũng như khả năng chống chịu và thích nghi trước những cú sốc về kinh tế và môi trường. TPHCM đã nhận thức rất rõ vấn đề này sau khi trải qua làn sóng Covid lần thứ 4. Thực tế cho thấy, mặc dù không thiếu lương thực nhưng khả năng tiếp cận lương thực là rất khó khăn, và an ninh lương thực đã bị đe dọa. Đối với TPHCM, tuy nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 2% GRDP của thành phố nhưng đóng vai trò rất quan trọng đối với thành phố. Đồng thời, thành phố là trung tâm cung cấp giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao; là trung tâm chế biến và là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng nông sản, lương thực của cả miền Nam.

Năm 2022, Thành phố đã ban hành Chương trình hành động của Thành ủy TPHCM về bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn TPHCM. Theo đó, đến năm 2030, TPHCM đặt mục tiêu tăng 15% khả năng cung ứng các loại lương thực thực phẩm so với năm 2020; và đến năm 2045, nông nghiệp TPHCM là ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại và được công nghiệp hóa ở hầu hết các khâu từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Các đại biểu tham dự tọa đàm chụp hình lưu niệm Các đại biểu tham dự tọa đàm chụp hình lưu niệm

Tuy nhiên, TPHCM và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) – vựa lương thực và trung tâm nông sản của cả nước - đang đối mặt nhiều thách thức trong quá trình phát triển nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực. Một mặt, khu vực này phải đối diện với những thách thức về suy thoái môi trường, tác động của biến đổi khí hậu. Mặt khác, thành phố và các địa phương trong vùng phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống của người dân, sống “thuận thiên”, thích ứng với sự thay đổi môi trường và biến đổi khí hậu. Do vậy, tìm kiếm các mô hình phát triển kinh tế – xã hội – môi trường phù hợp cho nông nghiệp vùng ĐBSCL và TPHCM là hết sức cần thiết và cấp bách.

Theo các chuyên gia, an ninh lương thực luôn là vấn đề hệ trọng đối với mọi quốc gia, nhất là trong điều kiện bất ổn chính trị, an ninh phi truyền thống, dịch bệnh xảy ra trên thế giới. Ông Stefan Burkhardt - Trưởng phòng Nam Á/ Đông Nam Á, Trung tâm điều hành Quỹ Hanns Seidel cho rằng, hệ thống thực phẩm an toàn toàn cầu là một mắt xích quan trọng cho sự phát triển, cải tiến đảm bảo sự phát triển bền vững mối quan hệ xã hội. Giá thực phẩm tại nhiều quốc gia đã gia tăng ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người.

Minh Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo