Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Xây dựng Khung chiến lược phát triển GD-ĐT Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phát biểu tại cuộc họp với Hội đồng tuyển chọn đề tài
(Thanhuytphcmvn) – Ngày 14/1, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ chủ trì cuộc họp với Hội đồng tuyển chọn đề tài nghiên cứu xây dựng Khung chiến lược phát triển GD-ĐT Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của đề tài nghiên cứu xây dựng khung chiến lược phát triển GD-ĐT Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030. Theo đó, chiến lược phải đáp ứng nguyên tắc, phản ánh định hướng, mục tiêu, hoạt động giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân trong đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; phù hợp với xu hướng quốc tế, đồng thời xây dựng chỉ số phát triển con người Việt Nam phải có những điểm chung với chỉ số phát triển con người của thế giới và mang đầy đủ những đặc thù, bản sắc dân tộc Việt. Trong đó có cấu trúc, nội dung, mục tiêu chiến lược… đảm bảo cho quá trình xây dựng chỉ số, mục tiêu đề ra của chiến lược giáo dục quốc gia trong giai đoạn phát triển 10 năm tới và tầm nhìn xa 25 năm. Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, đề tài này tích hợp nhiều nội dung của các đề tài lớn mà ngành đang thực hiện, nhất là đề tài về triết lý giáo dục, chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam, do đó phải thể hiện được tầm nhìn, sứ mạng, triết lý giáo dục Việt Nam trong giai đoạn phát triển.

Về tiến độ xây dựng đề tài, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nêu rõ đến năm 2020, phải xây dựng hoàn thiện chiến lược phát triển GD-ĐT Việt Nam quốc gia giai đoạn 2021- 2030 tầm nhìn đến 2045 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành trong năm 2021. Đây là yêu cầu của Thủ tướng đã giao cho các bộ, ngành xây dựng chiến lược phát triển quốc gia giai đoạn 2021- 2030 tầm nhìn đến 2045, hướng đến mốc kỷ niệm tròn 100 năm thành lập nước Việt Nam (1945 – 2045).

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu Bộ GD-ĐT làm đầu mối nhằm quy tụ các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước để xây dựng khung chiến lược phát triển GD-ĐT Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 một cách có lộ trình, bước đi rõ ràng, phản ánh đúng tầm của chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 10 năm tới, tầm nhìn 25 năm đến 2045.

Cùng ngày, Bộ GD-ĐT cho biết, kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2019 diễn ra trong 3 ngày, từ 13 đến 15/1. Kỳ thi có 12 môn thi. Ngoài phần thi viết, với các môn Ngoại ngữ, tiếp tục tổ chức thi nói (độc thoại); đối với các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, có phần thi thực hành.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho hay, năm nay, cả nước có 71 đơn vị dự thi, trong đó, có 63 đơn vị dự thi của 63 tỉnh, thành phố và 8 đơn vị dự thi của các cơ sở giáo dục đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Vinh, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc, Trường Trung học Thực hành, Đại học Sư phạm TPHCM, Đại học Huế và Trường Đại học Tân Tạo). Tổng số thí sinh tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm nay gồm 4.512 em. Trong đó, Ngữ văn và Tiếng Anh là 2 môn thi có số thí sinh đông nhất (487 em); tiếp đến là môn Sinh học (485 em), Hóa học (483 em), Toán (470 em), Vật lý (465 em), Lịch sử, Địa lý (458 em), Tin học (433 em); Tiếng Pháp (162 em). 2 môn tiếng Nga và tiếng Trung Quốc có số lượng thí sinh tham gia ít nhất (62 em). Hà Nội và Hải Phòng là 2 địa phương có nhiều thí sinh dự thi nhất và có học sinh tham dự tại tất cả 12 môn thi (Hà Nội có 184 học sinh dự thi, trong đó có 108 em đến từ Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam; Hải Phòng có 111 học sinh dự thi, trong đó có 107 học sinh đến từ Trường THPT chuyên Trần Phú).  TPHCM có 107 học sinh dự thi ở 11 môn, trong đó có 62 học sinh đến từ THPT chuyên Lê Hồng Phong. Nghệ An có 102 học sinh dự thi ở 11 môn, tất cả đều là học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu.

Kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2019 sẽ được Bộ GD-ĐT công bố vào tháng 2.

Trung Kiên

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo