Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Xét nghiệm chuẩn đoán nhiễm siêu vi và Adenovirus là không cần thiết

Các đại biểu tham dự buổi họp báo. (Ảnh: Đan Như)

(Thanhuytphcm.vn) – Chiều 6/10, đồng chí Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy kiêm Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 và Phục hồi kinh tế TPHCM, đã chủ trì buổi họp báo về công tác phòng chống dịch bệnh, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.

Xét nghiệm Adenovirus là không cần thiết

Theo Ban Chỉ đạo, đến 18 giờ ngày 5/10, có 620.552 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TPHCM được Bộ Y tế công bố (tăng 50 ca so với ngày 4/10/2022), bao gồm 619.594 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 958 trường hợp nhập cảnh. Hiện TP đang điều trị 128 bệnh nhân, trong đó, có 10 trẻ em dưới 16 tuổi. Trong ngày 5/10 có 17 bệnh nhân nhập viện, 18 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ ngày 1/1/2021 đến nay là 347.189, không có trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ ngày 1/1/2021 đến nay là 20.488).

Trao đổi về việc gần đây có tình trạng khi trẻ nhỏ có biểu hiện đau ốm, phụ huynh đi trẻ xét nghiệm nhằm phát hiện Adenovirus, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế Lê Thiện Quỳnh Như cho biết, Adenovirus là loại virus phổ biến nhất trong số virus gây ra siêu vi cho trẻ em. Bệnh thường biểu hiện ở các cơ quan trên cơ thể như đường tiêu hóa, đường hô hấp, mắt… Tuy nhiên, đa phần bệnh nhẹ và tự khỏi nên không cần phải nghĩ đến việc trẻ có nhiễm Adenovirus hay không. Trẻ em khi nhiễm Adenovirus cũng như có triệu chứng nhiễm virus siêu vi, phụ huynh nên chú ý dấu hiệu chuyển nặng liên quan đến bệnh hô hấp được các bác sĩ khám, dặn dò. Nếu có biểu hiện nặng, ngay lập tức đến bệnh viện. Việc làm xét nghiệm chuẩn đoán nhiễm siêu vi và Adenovirus là không cần thiết.

Bà Lê Thiện Quỳnh Như phát biểu tại biểu họp báo. (Ảnh: Đan Như) Bà Lê Thiện Quỳnh Như phát biểu tại biểu họp báo. (Ảnh: Đan Như)

Liên quan đến văn bản Sở Y tế đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tìm tên 579 nhân viên y tế không cho con tiêm vaccine ngừa Covid-19, đồng chí Phạm Đức Hải cho biết, đây là công việc nội bộ của ngành y tế hỏi ngành giáo dục, do vậy mang tính như trao đổi về nghiệp vụ. Mục đích của văn bản không có hàm ý bắt buộc nhân viên y tế phải đưa con em mình đi tiêm; không bắt buộc vì chạy theo thành tích nâng cao số lượng người tiêm. Mục đích là để nắm chắc, đầy đủ thông tin như thế nào, từ đó đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân đưa con đi tiêm theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Nhờ vaccine nhiều bệnh truyền nhiễm đã được khống chế, thanh toán

Trao đổi về việc Bộ Y tế có công văn yêu cầu các địa phương rà soát, thống kê số lượng trẻ để chuẩn bị kế hoạch mở rộng đối tượng tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi khi có đủ điều kiện, cơ sở khoa học, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM Lê Hồng Nga cho biết, nhờ vaccine nhiều bệnh truyền nhiễm đã được khống chế, thanh toán. Cụ thể, bệnh đậu mùa, bại liệt… tại nhiều quốc gia đã được thanh toán. Bên cạnh đó, hàng loạt bệnh khác được rà soát tốt nhờ vaccine, trong đó có Covid-19. Tiêm chủng luôn là biện pháp hữu hiệu nhất, rẻ tiền nhất để phòng các bệnh cho mọi lứa tuổi.

Bà Lê Hồng Nga phát biểu tại buổi họp báo. (Ảnh: Đan Như) Bà Lê Hồng Nga phát biểu tại buổi họp báo. (Ảnh: Đan Như)

Theo bà Lê Hồng Nga, việc Bộ Y tế yêu cầu rà soát số liệu trẻ 6 tháng dưới 5 tuổi là điều thông thường khi muốn chuẩn bị triển khai cho một hoạt động trong cộng đồng. Còn việc bao giờ tiêm, tiêm như thế nào, tiêm loại vaccine nào, Bộ Y tế đã nói phải chờ có cơ sở khoa học. Trên thế giới không ít quốc gia triển khai tiêm từ 6 tháng đến 5 tuổi và đã có nhiều khuyến cáo. Với Việt Nam, việc chọn vaccine nào, tiêm như thế nào sẽ có hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế cân nhắc về đặc điểm vaccine, mô hình dịch bệnh của nước ta để quyết định việc chỉ định tiêm cho đối tượng nào, liều lượng và loại vaccine. 

Bà Lê Hồng Nga chia sẻ, một vaccine khi đưa vào sử dụng đại trà phải trải qua quá trình theo dõi đánh giá, thử nghiệm lâm sàng trên người tình nguyện ở diện rất rộng. Chỉ khi nào vaccine đảm bảo tính an toàn, phát sinh miễn dịch mới được cấp phép lưu hành rộng rãi trên thị trường.

Trả lời về việc nếu tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 6 tháng tuổi có quá sớm, bà Lê Hồng Nga cho biết, đối với trẻ em, lịch tiêm chủng rất sớm và việc tiêm vaccine khi 6 tháng không phải là quá sớm với trẻ. Bệnh truyền nhiễm có phổ lâm sàng rất rộng, việc tiêm chủng là để phòng chống bệnh. Không nói trước được khi nào bệnh chuyển nặng, tất nhiên một số nhóm nguy cơ sẽ chuyển nặng nhiều hơn nhóm khác. Do vậy việc tiêm chủng rất cần thiết.

Bà Lê Thị Hồng Nga chia sẻ, đến thời điểm này, việc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ cần có sự đồng thuận của phụ huynh, khi có thông tin về vaccine cho trẻ em, nhân viên y tế tư vấn đầy đủ cho phụ huynh để phụ huynh quyết định. 

S. Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo