Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Xử lý tốt tình trạng thuế còn tồn đọng, nhằm lành mạnh nền tài chính quốc gia

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

(Thanhuytphcm.vn) - Trong khuôn khổ Phiên họp thứ 38, ngày 15/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành cả ngày để nghe và cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.

Vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao

Báo cáo đánh giá chung tình hình kinh tế - xã hội năm 2019, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là năm thứ 2 liên tiếp ước đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao, trong đó 5 chỉ tiêu vượt và 7 chỉ tiêu đạt. Tăng trưởng kinh tế đạt khá, trong khi kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, chất lượng cuộc sống người dân được nâng cao.

Cụ thể, tốc độ tăng GDP ước đạt 6,8%, hoàn thành mục tiêu ở mức cao theo Nghị quyết của Quốc hội. Quy mô GDP tăng lên khoảng 266,5 tỷ USD, bình quân đạt 2.786 USD/người. Năng suất lao động đạt khá. Mô hình tăng trưởng chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác khoáng sản và tăng trưởng tín dụng, từng bước chuyển sang dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát ở mức 2,7%-3%. Thị trường tài chính, tiền tệ, ngoại hối ổn định, hệ số tín nhiệm quốc gia được cải thiện. Tổng thu ngân sách nhà nước ước vượt 3,3% dự toán; tổng chi cân đối ước đạt trên 1,6 triệu tỷ đồng, bội chi ngân sách nhà nước bằng khoảng 3,4% GDP, nợ công giảm còn 57% GDP.

Việc cơ cấu lại nền kinh tế dần đi vào thực chất, đúng hướng. Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, số lượng doanh nghiệp thành lập mới duy trì ở mức cao, vốn đăng ký tăng mạnh. Huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là đầu tư tư nhân, cơ cấu đầu tư tiếp tục dịch chuyển tích cực. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 33,8% GDP, đạt mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng một số yếu tố chưa thực sự vững chắc, nhất là trong bối cảnh chịu ảnh hưởng lớn của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công chậm. Tình hình sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực gặp nhiều khó khăn. Cơ cấu thu ngân sách nhà nước chưa bền vững; còn xảy ra thất thu, trốn thuế. Khu vực nông nghiệp chịu tác động, ảnh hưởng lớn của dịch tả lợn châu Phi, thiên tai, nắng nóng, hạn hán, biến đổi khí hậu; giá nhiều mặt hàng nông sản chủ lực giảm. Nhiều ngành công nghiệp tỷ lệ nội địa hóa thấp, phụ thuộc lớn vào đầu vào nhập khẩu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển

 “Những hạn chế, tồn tại nêu trên có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Có nơi còn thiếu tinh thần quyết tâm, chậm đổi mới, chưa dám nghĩ, dám làm, chưa thực sự quyết liệt hành động; vẫn còn tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Kỷ luật, kỷ cương nhiều nơi còn bị buông lỏng, hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước và thực thi chính sách, pháp luật còn hạn chế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu.

Phát huy ý chí khát vọng của người Việt Nam

Cho ý kiến vào các báo cáo này, ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, thời gian gần đây, tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp và có nhiều khó khăn nhưng kinh tế Việt Nam vẫn phát triển tích cực là điều hết sức đáng mừng. Kết quả đó là nhờ Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, bám sát từng ngành, lĩnh vực cụ thể...

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, để duy trì sự ổn định nền kinh tế vĩ mô trong bối cảnh thế giới có nhiều phức tạp, trong năm tới, các bộ, ngành cần cụ thể hóa những giải pháp nhằm tìm ra phương hướng phát triển, trong đó xử lý tốt tình trạng thuế còn tồn đọng nhằm làm lành mạnh nền tài chính quốc gia.

Còn theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, công tác đối ngoại là một trong những lĩnh vực đạt nhiều thành tựu trong thời gian qua, khi Việt Nam được Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc bầu là Ủy viên không thường trực. Tuy nhiên, bước sang năm 2020, bối cảnh tình hình trong nước và thế giới còn nhiều biến đổi phức tạp, khó lường, chủ nghĩa cạnh tranh rất lớn là yếu tố tác động mạnh đến nền kinh tế của Việt Nam. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, những vấn đề như thiên tai, dịch bệnh tác động đến quá trình tăng trưởng rất nhiều, khiến cho nền kinh tế của Việt Nam vẫn chưa thực sự bền vững, kể cả nền kinh tế vĩ mô...

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho rằng, để duy trì đà phát triển kinh tế, cơ quan chuyên môn cần phân tích, đánh giá kỹ tình hình thực tế trên thế giới, từ đó phát huy nội lực, cũng như ý chí khát vọng của người Việt Nam. Bên cạnh đó, xử lý nghiêm những thông tin sai sự thật trên mạng xã hội đang diễn ra khá phổ biến; kiểm soát tình hình ô nhiễm môi trường có diễn biến xấu, gây nguy hại cho sức khỏe; thực hiện nghiêm túc, phát huy hiệu quả, hiệu lực hơn nữa những chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Kết luận buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, để giải quyết triệt để những tồn tại, hạn chế, nêu trên, yêu cầu các bộ, ngành cần khắc phục tình trạng chậm trễ trong khâu tổ chức thực hiện các nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước; đề nghị có giải pháp chống thất thu, tránh làm mất vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương; thực hiện tốt những chính sách cho đồng bào các dân tộc thiểu số; đảm bảo nguồn kinh phí dự phòng, đưa tình hình thu chi ngân sách đi vào nề nếp.

Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo