Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Xuyên tạc Chương trình “Sóng và máy tính cho em” - tận cùng sự vô cảm lương tri con người

“Bộ đội Cụ Hồ” hỗ trợ các em học sinh học tập tại “Lớp học dã chiến” trong tâm dịch ở TPHCM. (Ảnh: Thanhuytphcm.vn)

(Thanhuytphcm.vn) - Lợi dụng sự kiện ngày 12/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em” kêu gọi toàn xã hội hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thiếu phương tiện học tập trực tuyến. Ngay lập tức, xuất hiện “lũ quạ đen vô tri” lợi dụng diễn đàn mạng xã hội, các trang facebook tiêu cực, phản động như Việt Tân, VOA, BBC, Nhật ký yêu nước, Tin Tức Hoa Kỳ,… liên tục phát tán với tần số dày đặc các bài viết, hình ảnh xuyên tạc cho rằng “Chính phủ, lãnh đạo các địa phương đã dùng mọi thủ đoạn để người dân góp tiền vào Quỹ vắc xin nhưng thiếu minh bạch, không dám công khai số tiền đó cho Nhân dân biết mà tự bỏ vào túi riêng. Đến nay, lại tiếp tục mị dân, phát động ra chương trình vơ vét với chủ đề “Sóng và máy tính cho em” do Chính phủ phát động ngày 12/9/2021”.

Chúng cho rằng, trong khi Nhân dân đang đói khổ thì lãnh đạo Bộ Giáo dục - Đào tạo “lại nghĩ ra chiêu trò ép học sinh học trực tuyến bằng máy tính, điện thoại thông minh” để mua bán thu lợi bất chính… Từ đó kích động người dân yêu cầu Chính phủ “phải khẩn cấp gỡ bỏ lệnh cấm vận, ngăn sông, hỗ trợ, bảo đảm đời sống người dân, không được kêu gọi Nhân dân ủng hộ mà phải dùng từ tiền thuế và ngân sách Nhà nước để bảo đảm”.

Đây là những luận điệu xuyên tạc, phản động, đi ngược lại truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách từ ngàn năm văn hiến của lịch sử nước nhà.

Nhiều học sinh ở các địa phương phía Nam trong tâm dịch như Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh,... còn thiếu máy tính để học tập trực tuyến. Nhiều học sinh ở các địa phương phía Nam trong tâm dịch như Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh,... còn thiếu máy tính để học tập trực tuyến.

Trên thực tế, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí, truyền hình, người dân đều có thể nắm được tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, chưa được kiểm soát, mức độ lây nhiễm trong cộng đồng còn lớn, chưa truy vết hết những F0 còn trong cộng đồng. Vì vậy, trong thời gian gần đây Chính phủ, các địa phương, nhất là các địa phương phía Nam vẫn đang thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, giãn cách xã hội, tổ chức cho Quân đội, Công an, các ban ngành, đoàn thể, lực lượng chính trị, xã hội trong cả nước và từng địa bàn tham gia hỗ trợ Nhân dân phòng, chống dịch; giải quyết vấn đề an sinh, hỗ trợ Nhân dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chính phủ và lãnh đạo các địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ tiền, vật chất y tế, tiêm vaccine cho Nhân dân. Mới đây nhất, lãnh đạo TPHCM khẳng định sẽ hỗ trợ, nuôi dưỡng các trẻ em mồ côi do dịch Covid-19,... điều đó khẳng định rằng: Đảng, Nhà nước ta luôn chăm lo tốt cho Nhân dân, “quyết không để ai bị bỏ lại phía sau”. 

Những con số thống kê về mức độ lây nhiễm, tử vong trong những ngày gần đây, nhất là tại TPHCM, Bình Dương, Kiên Giang,... cho thấy dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đe dọa lớn đến tính mạng, sức khỏe, an sinh và mọi mặt đời sống xã hội của người dân. Trong bối cảnh đó, nếu gỡ bỏ biện pháp giãn cách xã hội, phòng, chống dịch, tổ chức năm học mới bình thường thì mức độ lây nhiễm cộng đồng sẽ tăng cao, việc kiểm soát dịch trở thành bài toán khó khả thi không chỉ ngay ở địa phương đó mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả nước. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các địa phương vận dụng các hình thức phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19 để tổ chức cho học sinh, sinh viên bắt đầu năm học mới, trong đó có hình thức dạy và học trực tuyến. Đây là quyết định hoàn toàn phù hợp thực tiễn diễn biến dịch Covid-19.

Học sinh cấp 1 tại TPHCM học thêm trên truyền hình. (Ảnh: Thanhuytphcm.vn) Học sinh cấp 1 tại TPHCM học thêm trên truyền hình. (Ảnh: Thanhuytphcm.vn)

Nhưng bài toán đặt ra khi áp dụng hình thức này, đó là: Đời sống người dân còn nhiều khó khăn; kiến thức, kỹ năng dùng máy tính, mạng của người dân còn chưa cao, chưa đồng đều; hệ thống đường truyền internet hạn chế dung lượng, phần mềm dạy học hoạt động chưa tốt, nhiều học sinh thiếu trang thiết bị học tập, sự hỗ trợ của gia đình còn gặp nhiều khó khăn nên việc dạy và học ở nhiều nơi chưa hiệu quả, dẫn đến tình trạng nhiều học sinh không có phương tiện để tham gia học trực tuyến. Nhưng nếu không tổ chức dạy và học trực tuyến thì nhiệm vụ năm học 2021-2022 khó có thể hoàn thành, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, xã hội, giáo dục - đào tạo của đất nước. Ngược lại, nếu giải quyết tốt bài toán trên thì chương trình, mục tiêu, nhiệm vụ năm học 2021-2022 và các vấn đề khác có liên quan đều có thể được giải quyết hợp lý.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay cả nước có gần 20 triệu học sinh phổ thông. Trong đó có hơn 7.350.000 học sinh, thuộc 26/63 tỉnh thành phố trong cả nước đang triển khai học trực tuyến. Tuy nhiên, theo thống kê ban đầu, tính tới ngày 12/9/2021, có khoảng hơn 1,5 triệu học sinh thuộc 213 quận, huyện trên cả nước không thể tham gia lớp học cùng các bạn do thiếu thiết bị.

Để giải quyết bài toán đó, ngày 12/9/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”, gồm 3 cấu phần chính: Có sóng, có Internet đến tất cả các hộ gia đình; Có máy tính cho các em thuộc các hộ nghèo; Có giá cước phù hợp cho các máy tính này.

Phát biểu tại lễ phát dộng, Thủ tướng khẳng định: “Đây là Chương trình có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc”, “Là thông điệp thích ứng phù hợp với tình hình, quản lý sự thay đổi và lan tỏa lòng nhân ái của mỗi chúng ta”. Thủ tướng khẳng định: “Hỗ trợ hàng triệu học sinh lúc này là hỗ trợ cả một thế hệ, giảm bớt khó khăn và thiệt thòi cho các em hôm nay là chúng ta giảm bớt gánh nặng xã hội cho hàng chục năm về sau. Giúp các em học tập hôm nay là chăm lo cho tốc độ và chất lượng phát triển đất nước trong tương lai. Đường truyền mạng, sóng và thiết bị máy tính cho các em là sự kết nối vật lý và cơ giới phục vụ học tập, nhưng cũng là sự kết nối bền chặt hơn con người với con người, sự kết nối các vùng miền và kết nối hiện tại với tương lai”.

“Lớp học dã chiến” trong tâm dịch ở TPHCM. (Ảnh: Thanhuytphcm.vn) “Lớp học dã chiến” trong tâm dịch ở TPHCM. (Ảnh: Thanhuytphcm.vn)

Ngay tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đã chứng kiến lãnh đạo các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, tổ chức… trao máy tính tặng Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Tính đến cuối buổi lễ, chương trình đã huy động ủng hộ được hơn 1 triệu máy tính với tổng trị giá khoảng 2.575 tỷ đồng và số liệu này liên tục tăng theo từng ngày. Điều đó cho thấy rằng: Chương trình đã được cả nước, cộng đồng các doanh nghiệp, địa phương, các nhà hảo tâm,... quan tâm, ủng hộ lớn, là minh chứng sắc bén, bẻ gãy các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Chính phủ phát động là chương trình có ý nghĩa nhân văn, nhân đạo sâu sắc, thể hiện truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái tốt đẹp của dân tộc. Đây thực sự là việc “làm tỏa sáng giá trị Việt Nam”, thể hiện được “Ý Đảng - lòng dân” hòa thành một, trở thành động lực quan trọng giúp dân tộc ta đã và sẽ vượt qua những khó khăn, thử thách, sớm chiến thắng dịch bệnh Covid-19, cần được sự chung tay, chung sức của cả hệ thống chính trị.

Đại úy Lâm Hoàng Ân

(Sư đoàn 5 - Quân khu 7)


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo