Thứ Bảy, ngày 25 tháng 1 năm 2025

Hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới - cần chủ động, đổi mới và hiệu quả

Quang cảnh Diễn đàn

(Thanhuytphcm.vn) - Phát biểu tại Diễn đàn hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2018, với chủ đề “Hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới – chủ động, đổi mới, thiết thực và hiệu quả”, do Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế tổ chức ngày 4/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cho rằng, tình hình kinh tế thế giới có diễn biến phức tạp và khó đoán định; chủ nghĩa bảo hộ thương mại có xu hướng quay trở lại, ảnh hưởng tới tiến trình tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế toàn cầu mặc dù xu hướng hội nhập, hợp tác vẫn là dòng chảy chủ yếu.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Việt Nam có những bước đi về hội nhập rất thành công, ngày càng gắn gắn kết sâu, rộng với thế giới, độ mở kinh tế cao và là một mắc xích liên kết khu vực, liên khu vực. Việt Nam là thành viên của nhiều diễn đàn khu vực và toàn cầu lớn, vì vậy, bất cứ biến động nào của kinh tế và địa chính trị của khu vực và thế giới đều có tác động lớn, ngay lập tức đến tình hình kinh tế của Việt Nam.

Nhìn nhận hội nhập quốc tế, cơ hội là không nhỏ nhưng thách thức, khó khăn đang và sẽ tiếp tục gia tăng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, quan trọng là nội lực, phải hội hập tích cực từ bên ngoài và cải cách thể chế mạnh mẽ từ bên trong để tiếp tục hội nhập thành công, chủ động đổi mới thiết thực và hiệu quả hơn, có khát vọng và nỗ lực lớn.

Về giải pháp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, cần tiếp tục xử lý tốt quan hệ giữa tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ với khát khao, khát vọng nâng cao sức mạnh tổng thể quốc gia, lấy hội nhập kinh tế quốc tế làm trọng tâm. Bên cạnh đó, phải xây dựng một nền kinh tế tự chủ, vượt qua thách thức, biến thách thức thành cơ hội. Thực hiện hiệu quả các FTA thế hệ mới để tăng cường nội lực, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

“Đồng thời, phải giải quyết đồng bộ các vấn đề hoàn thiện các thể chế kinh tế trong nước cho tương lai với tầm nhìn dài hạn, định vị chúng ta đang ở đâu và hướng tới như thế nào. Tiếp tục đặt nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô lên hàng đầu, gia tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế, nhất là hệ thống tài chính và ngân hàng, thực hiện 3 đột phá chiến lược: đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao nội lực nhằm tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức” -Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội lớn để đẩy nhanh hơn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, định vị đất nước ở vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu và thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước. Vấn đề đặt ra cho chiến lược phát triển của Việt Nam hiện nay và những năm tới là tìm kiếm động lực mới cho phát triển gắn với cách mạng 4.0 và lợi thế của đất nước như công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao, đô thị thông minh, các ngành dịch vụ phát triển từ cách mạng 4.0 như thương mại điện tử, logistics, chuỗi cung ứng và vận tải thông minh, công nghệ tài chính…

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Hội nhập kinh tế quốc tế là sự nghiệp của toàn dân, trong đó, doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng đi đầu, cần nỗ lực hoàn thiện, thực hiện quyết liệt hiệu quả thực chất các cơ chế, chính sách thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tranh thủ tốt cơ hội, lợi ích của hội nhập quốc tế. Chính phủ chủ động thì doanh nghiệp cũng phải chủ động trong việc này.

Cũng tại Diễn đàn, nhiều ý kiến cũng nhìn nhận trong bối cảnh Việt Nam đã có bước tiến trong chuẩn bị thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, trong khi đó, trên thế giới và khu vực, tình hình kinh tế có nhiều chuyển biến phức tạp đang tạo ra sự bất định chính sách ngày càng tăng, có nguy cơ tác động sâu sắc đến nền kinh tế và thương mại toàn cầu. Những sự kiện này đòi hỏi Việt Nam cần sớm có những phân tích, dự báo và hoạch định chính sách phù hợp để giảm thiểu tác động tiêu cực, chủ động đưa ra các giải pháp cho giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.

Đến từ Đại học Lý Quang Diệu (Singapore), Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Minh Khương, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đưa ra góc nhìn sâu sắc về xu hướng gia tăng bảo hộ thương mại trên thế giới và đề xuất giải pháp ứng phó của Việt Nam. Phân tích doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt cơ hội ngắn hạn rất nhanh nhưng thiếu tầm nhìn dài hạn, mô hình tăng trưởng của Việt Nam lệ thuộc sâu vào thương mại quốc tế và dễ bị tổn thương trước biến động xấu toàn cầu, Tiến sỹ Vũ Minh Khương cho rằng, Việt Nam phải là một trong những thành tố rất tích cực, kiến tạo trật tự mới về thương mại, phải chủ động nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức.

Tiến sỹ Vũ Minh Khương cũng đề xuất hàm ý theo hướng hoạch định một chiến lược hiệu lực, biến điểm dễ tổn thương của đất nước thành lợi thế chiến lược. Cùng với đó, thành lập hội đồng cải cách kinh tế, đi đầu trong nắm bắt và thúc đẩy thương mại tự do và công bằng, tránh sa vào cạm bẫy bảo hộ thương mại (đặc biệt là trong nỗ lực bảo vệ các ngành công nghiệp non trẻ và ứng đáp với các thách thức của cách mạng số).

Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo