Trong nhiệm kỳ 2005 – 2010, huyện Cần Giờ chịu sự ảnh hưởng chung của cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu cùng với những thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy ra trên địa bàn làm ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân, nhất là hộ nghèo gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy Cần Giờ đã tập trung lãnh đạo hệ thống chính trị, các tổ chức kinh tế và nhân dân phấn đấu nỗ lực, khắc phục khó khăn trên tất cả các lĩnh vực như: Kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, công tác xây dựng Đảng nhằm đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ đã đề ra.
Trên cơ sở các nghị quyết của Trung ương và Thành phố, nghị quyết của đại hội Đảng bộ huyện khóa IX (nhiệm kỳ 2005 – 2010), thực tế lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và kết quả đạt được; Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy tự kiểm điểm vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trong tổ chức điều hành thực hiện các nghị quyết và lề lối làm việc, phẩm chất đạo đức lối sống của các đồng chí ủy viên Ban chấp hành, Ban Thường vụ như sau:
A. VAI TRÒ LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO CỦA BAN CHẤP HÀNH, BAN THƯỜNG VỤ HUYỆN ỦY:
I- VAI TRÒ LÃNH ĐẠO CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ HUYỆN:
1. Về ưu điểm:
Trong nhiệm kỳ, Thành ủy đã quyết định điều động 06 đồng chí ủy viên Ban Chấp hành chuyển công tác nơi khác (trong đó có 04 đồng chí Thường vụ), 03 đồng chí nghỉ hưu và nghỉ vì lý do sức khỏe; đồng thời bổ sung 09 đồng chí vào Ban Chấp hành, Ban Thường vụ. Hiện nay Ban Chấp hành Đảng bộ huyện có 37 đồng chí, Ban Thường vụ có 10 đồng chí (khuyết 01 đồng chí so với đầu nhiệm kỳ). Tuy vậy, 5 năm qua, Ban Chấp hành đảng bộ huyện đã triển khai thực hiện tốt các nội dung chỉ đạo của cấp trên và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khoá IX nhiệm kỳ 2005 – 2010. Với quan điểm “thực hiện phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt”, Ban Chấp hành đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, dân chủ trong toàn đảng, toàn dân, chủ động xây dựng các nghị quyết, chương trình hành động phù hợp với tình hình thực tế của địa phương tạo được sự thống nhất cao trong toàn đảng bộ và nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân ở địa phương.
- Về kinh tế: Ban chấp hành đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch sinh thái và các chương trình về đầu tư phát triển thủy sản; thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X và Chương trình của Thành ủy về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 chủ đề “Phát triển toàn diện huyện Cần Giờ đến năm 2020”. Song song đó, Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng khai thác thế mạnh về thủy sản và du lịch sinh thái thông qua các giải pháp điều chỉnh cơ cấu đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia chuyển đổi diện tích đất trồng lúa không hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản có hiệu quả cao hơn … góp phần thúc đẩy kinh tế của huyện tiếp tục tăng trưởng khá (tốc độ tăng bình quân hàng năm 12%).
- Về quản lý và phát triển đô thị, nông thôn: đã ban hành và thực hiện từng bước có hiệu quả các nghị quyết về phát triển toàn diện các xã - thị trấn và các chương trình về đầu tư hạ tầng, nhà ở và bố trí lại dân cư; bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát triển tài nguyên thiên nhiên rừng ngập mặn Cần Giờ; về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Qua triển khai và tổ chức thực hiện, hiện nay nhà ở của người dân được xây dựng theo hướng kiên cố hóa; cầu đường, điện, nước, thông tin liên lạc… bảo đảm được tiện ích cho người dân; bảo tồn và phát triển tài nguyên thiên nhiên rừng ngập mặn; môi trường được cải thiện, các công trình phúc lợi ở các xã, thị trấn được đầu tư xây dựng; đã và đang chấn chỉnh, khắc phục những yếu kém trong công tác quản lý về đất đai.
- Về văn hóa - xã hội và huy động nguồn lực chăm lo đời sống nhân dân: Các chương trình giải quyết việc làm, giảm hộ nghèo, tăng hộ khá; nâng cao dân trí, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực; về thực hiện nhiệm vụ phổ cập bậc trung học; về khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập đã được tập trung triển khai thực hiện. Kết quả sự nghiệp giáo dục - đào tạo đã được đầu tư theo hướng toàn diện hơn trên cả 03 mặt: cơ sở vật chất, quản lý chất lượng giáo dục và huy động nguồn lực, góp phần ngày càng nâng cao chất lượng giáo dục và hiệu suất đào tạo. Chương trình giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, giải quyết việc làm và chăm lo đời sống nhân dân đã được thực hiện tốt. Chương trình vì người nghèo, công tác đền ơn đáp nghĩa được sự quan tâm của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân.
- Về quốc phòng - an ninh và chương trình mục tiêu 3 giảm: Thực hiện tốt nghị quyết về nhiệm vụ quốc phòng - an ninh; kế hoạch về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng - an ninh trong tình hình mới; kế hoạch thực hiện chiến lược về cải cách tư pháp. Bên cạnh đó, Huyện ủy còn thường xuyên chỉ đạo các đơn vị chức năng và nhân dân tăng cường công tác quản lý địa bàn, phát động thực hiện tốt các phong trào toàn dân tham gia phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh tổ quốc… góp phần đảm bảo tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc ngày càng lớn mạnh, phát huy hiệu quả tích cực làm giảm các vụ tội phạm, ma túy và các tệ nạn xã hội.
- Về công tác xây dựng đảng: đã ban hành nghị quyết về tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận – Đoàn thể huyện và cơ sở, ban hành các chương trình về tăng cường công tác tư tưởng, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo đối với hoạt động của hệ thống chính trị; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng; công tác vận động quần chúng; về giới, giai cấp và các kế hoạch về quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ dự bị dài hạn diện Huyện ủy và Thành ủy quản lý; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt và cán bộ quy hoạch; đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, định hướng về đổi mới tổ chức bộ máy Nhà nước, Mặt trận tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội; tiếp tục thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã - thị trấn. Qua đó đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh; khắc phục tình trạng yếu kém của công tác kiểm tra, giám sát ở cơ sở và tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng, phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân.
2. Về hạn chế, khuyết điểm :
Bên cạnh những ưu điểm, Ban Chấp hành đảng bộ tự đánh giá còn một số hạn chế như sau:
- Đối với tập thể Ban Chấp hành: Kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ IX còn một số chỉ tiêu chưa đạt so với yêu cầu đề ra.
+ Về kinh tế: Việc chuyển dịch cơ cấu nội bộ giữa các ngành kinh tế còn chậm; chưa có giải pháp hữu hiệu để phát triển mô hình kinh tế hợp tác xã, du lịch nhà vườn; chưa có giải pháp, biện pháp hữu hiệu hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp và dịch vụ. Một số chương trình và công trình trọng điểm về phát triển cơ sở hạ tầng chưa được thực hiện hoặc chậm thực hiện do thiếu nguồn vốn và thiếu đồng bộ làm ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế và cải thiện dân sinh. Công tác quy hoạch chậm hoàn thành, quản lý đô thị và đất đai chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác cải cách hành chính chưa thật sự chất lượng, tình trạng giải quyết hồ sơ, đặc biệt hồ sơ đất đai còn trễ hạn,
+ Về văn hoá – xã hội: Sự nghiệp giáo dục – đào tạo chưa đồng bộ, chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân chưa cao, cơ sở vật chất, thiết bị chuyên dùng chưa đảm bảo yêu cầu; tỷ lệ sinh con thứ ba còn cao; thu nhập của một bộ phận lớn dân cư còn thấp, lao động thiếu việc làm ổn định còn nhiều.
+ Về công tác xây dựng đảng: Công tác dân vận trong hệ thống chính quyền còn hạn chế, lực lượng nòng cốt chính trị, nòng cốt phong trào tuy đông về số lượng nhưng hoạt động chưa đạt hiệu quả. Công tác tập hợp quần chúng của một số đoàn thể còn yếu. Công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến quần chúng chưa sâu, rộng. Một số đoàn thể còn lúng túng trong cách đổi mới phương pháp làm việc. Đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ cũng còn một số hạn chế, chậm củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy ở một vài đơn vị yếu, chưa kịp thời thay thế cán bộ không có năng lực hoặc mắc khuyết điểm; việc bố trí cán bộ còn chấp vá, có lúc không theo quy hoạch.
- Đối với các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành: Một số đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành còn chưa tích cực trong việc đóng góp xây dựng; thiếu kiểm tra, giám sát theo chức trách, nhiệm vụ được giao.
3. Nguyên nhân hạn chế:
- Công tác dự báo, dự đoán tình hình nhất là trong lĩnh vực sản xuất chưa chính xác, chưa phù hợp với tình hình thời tiết, thổ nhưỡng của địa phương.
- Trong chỉ đạo, điều hành có lúc chưa tập trung quyết liệt, còn dàn trải, chưa kịp thời giải quyết có kết quả những vướng mắc phát sinh, chưa có biện pháp thúc đẩy mạnh sự đầu tư của các nguồn lực vào phát triển nhanh nền kinh tế.
- Việc thực hiện quy chế phối hợp giữa các ngành, các đơn vị và các cấp chưa đồng bộ, một vài đơn vị thiếu sự nổ lực và còn chạy theo thành tích.
- Trình độ, năng lực của một vài đồng chí ủy viên Ban Chấp hành chưa theo kịp với sự phát triển của tình hình và thực tiễn đặt ra.
II- VAI TRÒ LÃNH ĐẠO CỦA BAN THƯỜNG VỤ HUYỆN ỦY:
1. Về ưu điểm :
- Trong nhiệm kỳ qua, tập thể Ban Thường vụ đã có sự tập trung cao về sức lực và trí tuệ, có tính trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết đã đề ra.
- Ban Thường vụ luôn bám sát thực tiễn, thường xuyên đi cơ sở để nắm bắt tình hình và giải quyết những vấn đề vướng mắc phát sinh. Qua đó đã kịp thời chấn chỉnh, giải quyết các vấn đề bức xúc phát sinh trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, công tác vận động nhân dân và củng cố, xây dựng đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ và cả hệ thống chính trị.
- Mạnh dạn đề xuất Thành phố chấp thuận giải quyết được nhiều chính sách quan trọng mang tính đột phá để giải quyết những khó khăn, vướng mắc và tạo ra những tiền đề cho quá trình phát triển của Huyện như: đẩy mạnh thi công đường Rừng Sác, đường nhánh các xã - thị trấn; các công trình trọng điểm phục vụ an sinh xã hội và phúc lợi công cộng, trường học và các thiết chế văn hóa; thực hiện quy hoạch tổng thể và các quy hoạch chi tiết, các dự án về du lịch sinh thái…
- Luôn đảm bảo tính trung thực trong nhận xét, đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên nhằm xây dựng đảng bộ thật sự trong sạch vững mạnh, tuyệt đối không chạy theo thành tích; quyết tâm đổi mới phương thức lãnh đạo, kiên quyết khắc phục các hạn chế của nhiệm kỳ trước.
2. Về hạn chế, khuyết điểm :
- Ban Thường vụ đôi lúc còn hạn chế, lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành giải quyết việc phát sinh tình huống mới; chưa đề ra các giải pháp mang tính đột phá; một số vấn đề bức xúc của nhân dân chưa được giải quyết kịp thời.
- Việc luân chuyển cán bộ có thay đổi nhiều nhưng chưa ổn định; chưa kiên quyết thay đổi những cán bộ yếu kém trong quản lý; chưa có kế hoạch luân chuyển cán bộ hàng năm.
3. Nguyên nhân hạn chế:
- Trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành có lúc chưa tập trung quyết liệt, thiếu kiểm tra, giám sát thường xuyên đối với các nội dung chỉ đạo cơ sở thực hiện; Công tác nắm thông tin, dư luận của quần chúng đôi lúc chưa kịp thời.
- Sự thay đổi do yêu cầu công tác của một số đồng chí trong một thời gian chưa được bổ sung kịp thời làm ảnh hưởng trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ.
B. VỀ LỀ LỐI LÀM VIỆC, PHẨM CHẤT ĐẠO ĐỨC, LỐI SỐNG:
I. VỀ ƯU ĐIỂM:
- Các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ luôn nghiêm túc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Thành ủy, bảo đảm tinh thần trách nhiệm dám nghĩ, dám làm và tuân thủ các quy định của Đảng, Nhà nước; luôn chú trọng mối quan hệ lãnh đạo đoàn kết thống nhất, trung thực, thẳng thắn, đồng thời thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ. Mọi công việc đều được thảo luận bàn bạc và đảm bảo tốt chế độ sinh hoạt định kỳ, đột xuất nên chất lượng các cuộc họp từng bước được nâng lên.
- Ngoài lĩnh vực phụ trách, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ còn được phân công phụ trách các xã - thị trấn. Các đồng chí thường tổ chức các đoàn đi cơ sở, trực tiếp nắm tình hình và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở. Qua đó tạo sự gắn bó, thấu hiểu cơ sở, nắm rõ tình hình thực tiễn để tham mưu Ban Thường vụ giải quyết.
- Trong lãnh đạo, điều hành, các đồng chí đã thể hiện tính năng động, nhạy bén, xác định được trọng tâm, trọng điểm những vấn đề cần tập trung chỉ đạo để đề ra những chủ trương kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế; mạnh dạn kiến nghị, đề xuất lãnh đạo Thành phố quyết định đầu tư, hỗ trợ cơ chế, chính sách góp phần mang lại hiệu quả và lợi ích thiết thực cho nhân dân.
- Với vai trò lãnh đạo của mình, các đồng chí đều luôn quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, đảng viên và nhân dân; Có đạo đức, lối sống trong sạch, thực hiện tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Có tinh thần tự phê bình và phê bình cao, không né tránh khuyết điểm khi có va vấp.
II. VỀ HẠN CHẾ, KHUYẾT ĐIỂM:
- Một số ít đồng chí ủy viên Ban Chấp hành còn chưa đầu tư nghiên cứu, phát huy trí tuệ đóng góp cho sự lãnh đạo của tập thể nên phần nào có ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của Ban Chấp hành.
- Một số lĩnh vực phân công các Ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ phụ trách nhưng chưa đạt yêu cầu, còn hạn chế.
* Nguyên nhân:
Trình độ, năng lực của một vài đồng chí ủy viên Ban Chấp hành chưa theo kịp với sự phát triển của tình hình và thực tiễn đặt ra; một số các đồng chí đã tập trung đầu tư nhiều cho lĩnh vực công tác chuyên môn.
- Việc nắm bắt các thông tin, dư luận của nhân dân chưa đảm bảo kịp thời và đầy đủ.
C. BÀI HỌC KINH NGHIỆM VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN TẬP TRUNG LÃNH ĐẠO TRONG THỜI GIAN TỚI:
I. BÀI HỌC KINH NGHIỆM:
- Trong lãnh đạo, điều hành phải luôn giữ vững sự đoàn kết thống nhất và phát huy dân chủ trong toàn Đảng, toàn dân, dám nhìn nhận thiếu sót và quyết tâm khắc phục, không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương – đó sẽ là cơ hội vượt qua thử thách, đảm bảo thắng lợi.
- Luôn bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội, sâu sát cơ sở, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc cùng các đoàn thể trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và xây dựng Đảng tạo sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc.
- Thường xuyên tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, tuyên truyền tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị; phát huy hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng nhằm nâng cao chất lượng tổ chức đảng và đảng viên, góp phần không ngừng xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh.
- Đề ra chủ trương lãnh đạo toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, có cơ chế và chính sách phù hợp; xây dựng các nghị quyết, chương trình sát thực tế phù hợp với chủ trương nghị quyết của cấp trên và điều kiện cụ thể của địa phương.
- Nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên nhằm nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
II. NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN TẬP TRUNG LÃNH ĐẠO TRONG THỜI GIAN TỚI :
- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phân công thực hiện để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ X đề ra.
- Đề ra các biện pháp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; tiếp tục thực hiện tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
- Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát cấp ủy cấp dưới trong việc thực hiện nghị quyết, chương trình, kế hoạch đề ra; tăng cường công tác nắm bắt dư luận xã hội để tập trung quản lý có hiệu quả.
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả làm việc, giảm hội họp, tăng cường đi cơ sở, kịp thời giải quyết những khó khăn, bức xúc của cơ sở và nhân dân.
- Đẩy mạnh công tác đào tạo, luân chuyển cán bộ; quy hoạch, bố trí cán bộ có năng lực thay thế cán bộ yếu kém về trình độ và đạo đức.
- Phát huy tích cực vai trò, trách nhiệm của các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ.