Hơn hai năm qua, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa V đã diễn ra trong bối cảnh có những thuận lợi mới, những cũng có nhiều mặt phức tạp hơn. Bên cạnh những khó khăn đặc thù của Huyện nhà còn nổi lên những biến động đột xuất của tình hình thế giới và trong nước; cuộc khủng hoảng toàn diện ở các nước XHCN Đông Âu và Liên Xô; cuộc khủng hoảng kéo dài về kinh tế - xã hội trong phạm vi cả nước. Đảng bộ và nhân dân Duyên Hải phải đáp ứng cùng một lúc những yêu cầu vừa cơ bản vừa cấp bách: Tiếp tục xây dựng những cơ sở hạ tầng, vừa chăm sóc và bồi dưỡng sức dân sau những lần thất mùa, đồng thời tạo những điều kiện thuận lợi để nhân dân và các đơn vị kinh tế ổn định phát triển sản xuất - kinh doanh.
PHẦN THỨ NHẤT
TÌNH HÌNH VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN KHÓA V VÀ CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA CẤP TRÊN
A. Những kết quả quan trọng trong việc tổ chức thực hiện:
1/ Thực hiện sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố, với sự cộng tác giữa Huyện và các ngành, đơn vị kinh tế thành phố trong gần 3 năm 1989 - 1991, Huyện đã hoàn thành và đưa vào sử dụng một số công trình trọng điểm như kéo lưới điện Quốc gia về Huyện, hai trạm năng lượng mặt trời, 360 ha đầm tôm bán công nghiệp, 2 trại sản xuất tôm giống, 600 mét kè đá bờ biển, trải nhựa 700 m đường Nhà Bè - Duyên Hải, khai thác giếng nước công nghiệp tại Phước Thái và hàng chục công trình phúc lợi vừa và nhỏ khác. Về năng lượng đã tăng thêm gần 2 triệu kw điện, về con giống đã tạo được 60 triệu con tôm giống/năm. Công tác trồng và bảo vệ rừng, công trình thủy lợi Vàm Sát, công trình lắp đặt tổng đài điện thoại điện tử đang được xây dựng, điểm thử nghiệm sản xuất Artémia thành công bước đầu...
Một số công trình khác không thực hiện được như cầu Dần Xây, cảng cá Cần Giờ hoặc phải cắt giảm như công trình điện khí hoá, kè đá... do chánh sách miễn giảm thuế xuất khẩu thủy sản và phế liệu bị cắt sau năm 1989 đã có ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các mục tiêu xây dựng của Huyện.
2/ Về kết quả xây dựng và phát triển kinh tế nhất là các ngành kinh tế mũi nhọn của huyện:
Trong ngư nghiệp: do ảnh hưởng của môi trường làm cho các ngành nghề truyền thống đánh bắt cận bờ phần lớn ngưng hoạt động, hoặc chuyển nghề, nên tổng sản lượng thủy sản trên địa bàn tiếp tục giảm sút, mặc dù sản lượng đánh bắt ngoài khơi và nuôi trồng có tăng.
Tuy nhiên nhờ chất lượng của các sản phẩm nuôi trồng tốt hơn, có giá trị cao hơn và nhất là từ đầu năm 1991 giá cả các loại thủy sản tăng vọt, nên đời sống ngư dân tạm thời có đỡ hơn năm 1989, 1990.
Qua nhiều trăn trở, tìm tòi cách giải quyết, Huyện ủy đã đề ra một số chủ tưrơng biện pháp để tác động vào sản xuất ngư nghiệp như: miễn, giảm thuế, nợ đầu tư cho ngư dân, tìm nhiều nguồn vốn đầu tư tiếp sức cho dân; tổ chức tìm hiểu nguyên nhân biến động môi trường, tổng kết thực tiễn; liên doanh liên kết, xây dựng các mô hình nuôi thủy sản tiên tiến, xây dựng trại giống, thử nghiệm sản xuất Artémia. Những chủ trương biện pháp trên đây là đúng hướng theo Nghị quyết của Đại hội. Đảng bộ Huyện lần thứ V, có mặt triển khai đã mang lại kết quả rõ nét nhất là phát triển nuôi trồng thủy sản, nhưng còn nhiều mặt triển khai chậm, hiệu quả thấtp.
Lâm nghiệp, từ sau Đại hội V, Huyện cùng Sở lâm nghiệp (cũ) tiến hành chủ trương giao đất giao rừng, thực hiện lâm nghiệp xã hội, gắn người lao động với rừng. Chủ trương này được thực hiện tích cực nhất là từ khi rừng đước tập trung được HĐBT quyết định là rừng phòng hộ. Huyện và Sở Nông nghiệp (mới) đã tổ chức thí điểm thành công việc giao đất giao rừng. Kết quả cho thấy, ở những nơi rừng đượ giao đã hạn chế được nạn chặt phá, đời sống của những hộ nhận rừng tương đối ổn định, một số hộ nhờ có lao động, vốn liếng và biết cách khai thác mặt nước trong rừng nên thu nhập khá. Một số phức tạp mới phát sinh về chăm lo sức khỏe, học hành... đối với các hộ nhận rừng đang được Huyện và Sở Nông nghiệp tính toán tìm cách khắc phục, đồng thời với việc tiếp tục triển khai giao đất giao rừng trên 2/3 diện tích lâm phần còn lại cho mô hình đã thí điểm.
Công nghiệp chế biến, do ảnh hưởng ngư nghiệp giảm sút, cơ chế lưu thông thị trường đã thay đổi và sự yếu kém trong việc quản lý, không thu hút và khuyến khích việc khai thác nguồn nguyên liệu của địa phương. Xí nghiệp tôm đông lạnh chỉ thực hiện được trên dưới 50%, kế hoạch hằng năm. Chế biến nước mắm bị giảm sút do hoạt động của Cửa hàng Lương thực Trung tâm Huyện bị phá sản, đang được chấn chỉnh lại. Các ngành nghề chế biến hải sản khác chưa được phát triển.
Ngành điện, từ tháng 9 năm 1991 điện lưới quốc gia đi vào hoạt động đã mở ra khả năng tăng năng lực sản xuất, hạ giá thành sản phẩm ở các ngành sản xuất tôm giống, chế biến thủy sản, nước đá, cơ khí... và đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân ở một số khu vực tập trung.
Ngành Cơ khí, nhất là cơ khí sửa chữa tàu thuyền hoạt động cầm chừng do thiếu khách hàng, cưa xẻ gỗ cũng hoạt động không đáng kể. Sản xuất nước đá hoạt động tương đối đều đặn cung ứng cho ngư nghiệp và phục vụ tiêu dùng. Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tư nhân ở các vùng có điện có phát triển nhưng không đáng kể.
Nhìn chung, hoạt động của ngành CN TTCN đều chậm phát triển cả hai khu vực quốc doanh và ngoài quốc doanh. Các đơn vị kinh tế quốc doanh vẫn chưa thoát khỏi khó khăn chung về vốn, vật tư, nguyên liệu, khách hàng và mặt hàng, địa bàn bị chia cắt, sức mua thấp, việc quản lý kinh doanh ở một số đơn vị còn nhiều thiếu sót, chưa áp dụng đầy đủ, đúng mức các đòn bẩy kinh tế; việc chỉ đạo xây dựng và phát triển các mặt hàng CN-TTCN để sử dụng có hiệu quả nguồn điện quốc gia, Huyện cũng chưa có kế hoạch toàn diện, cụ thể.
Trong nông nghiệp, sau vụ thất mùa nặng nề vào năm 1988 từ 1989 trở lại đây sản lượng lúa dần dần được phục hồi, nông dân bắt đầu quen với điều kiện môi trường sau Trị An. Với việc xác lập đơn vị kinh tế hộ, nông dân đã chủ động tổ chức lại sản xuất năm 1991 diện tích lúa hè thu phát triển lên tới 50 ha với năng suất 3,5 tấn/ha (Bình Khánh, Lý Nhơn); đã khai hoang thêm 100 ha (An Thới Đông); một số nghề như nuôi cua, nuôi tôm, trồng táo... đã trở thành phong trào trong nông dân; cây cối đã có chỗ đứng nhờ có thị trường xuất khẩu, một số công trình thủy lợi đang khởi công (Vàm Sát, Bình Thạnh)... Những kết quả ban đầu này đã làm cho nông dân phấn khởi.
Nghề muối, do tác động của thị trường nên diện tích dần dần bị thu hẹp còn khoảng 350 ha; sang năm 1991 nhờ giá cả tăng lên nên đã giải quyết được một phần công ăn việc làm, thu nhập cho một số đông nông, ngư dân.
Những chủ trương của Huyện ủy được triển khai đã tạo được những điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp phát triển là: giải quyết tranh chấp ruộng đất, cấp quyền sử dụng ruộng đất cho nông dân; giao lại các diện tích đất đai, đầm đập mà các nông trường không sản xuất cho dân sản xuất; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất thủy lợi, đường nông thôn, đầu tư vốn cho dân trồng dừa nước, cho dân vay tiền để phát triển kinh tế gia đình; tổ chức khuyến nông, bảo vệ thực vật, thương mại hoá vật tư nông nghiệp, miễn giảm thuế theo Di chúc Bác Hồ và thiên tai đối với nông ngư nghiệp...
Bên cạnh vẫn tồn tại những vấn đề: Giải quyết các HTX và TĐSX dây dưa, chưa dứt điểm, cấp quyền sử dụng ruộng đất quá chậm, dịch vụ tín dụng, kỹ thuật, cung ứng vật tư, chế biến tiêu thụ sản phẩm... để góp phần tác động, khuyến khích sản xuất, đảm bảo cho nông nghiệp phát triển chưa được tập trung chỉ đạo có hiệu quả.
Về các thành phần kinh tế, hơn hai năm qua kinh tế tập thể thực tế không tồn tại chỉ còn quốc doanh và cá thể.
Kinh tế quốc doanh của Huyện đứng trước những biến động và thử thách nặng nề, lại hoạt động trên một địa bàn chia cắt, sức mua ít, cho nên việc tổ chức sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, phải thu hẹp dần. Huyện đã chủ trương trong khi vẫn duy trì các mặt hoạt động đáp ứng các nhu cầu về sản xuất, đời sống của nhân dân tại địa phương, trong điều kiện cho phép có thể mở rộng các hoạt động ngoài địa phương. Những biện pháp về vốn, cơ chế, tổ chức đã được quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ tạo điều kiện cho các đơn vị LH.SXKD/XNK-ĐT, Công ty Thương nghiệp Tổng Hợp, Công ty Xây dựng và phát triển nhà, Công trình Giao thông, Dược phẩm trụ lại được và sang năm 1991 có những hoạt động mang lại hiệu quả.
Riêng XNNTTS, Trạm điện Trung tâm đã giải thể, Công ty lâm viên đang gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết các tồn đọng sau khi Giám đốc bỏ trốn.
Huyện cũng đã cố gắng tiến hành nhiệu đợt thanh tra, kiểm tra, xử lý, tính toán sắp xếp lại các đơn vị kinh tế quốc doanh, nhưng vẫn chưa thực hiện được việc sắp xếp tổ chức lại các cơ sở sản xuất kinh doanh một cách cơ bản. Hoạt động của các đơn vị kinh tế quốc doanh chưa thể hiện được vai trò chủ đạo trong việc phát triển kinh tế trên địa bàn Huyện.
Một số đơn vị kinh tế của thành phố thông qua liên doanh liên kết hoặc tự tổ chức đầu tư một số công trình nuôi tôm trên địa bàn (Cofidec, Fideco,...) đã đạt được một số kết quả ban đầu, có tác dụng thúc đẩy nghề nuôi tôm ở Huyện. Các nông lâm trường hoặc rút lui (Q1, Q4, Q6, XN81, XN87, QĐ4, Q3...) hoặc gom lại (TNXP) số còn lại hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả, chủ yếu là thực hiện nghĩa vụ giữ rừng.
Trong khi đó, kinh tế cá thể theo cơ chế thị trường đã bung ra ở các lĩnh vực mà kinh tế quốc doanh và tập thể bỏ ngỏ. Tuy nhiên đều là sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, phân tán, thiếu ổn định. Huyện cũng chưa có kế hoạch, quy hoạch cụ thể để phát triển kinh tế ngoài quốc doanh. Đặc biệt tín dụng nông thôn, sau khi các HTX tín dụng bị mất khả năng chi trả, việc giải quyết hậu quả chậm, việc tác động đến Ngân hàng nông nghiệp và tìm các nguồn vốn để giúp dân sản xuất kết quả thấp, thủ tục rườm rà, sản xuất phát triển chậm và tệ nạn cho vay nặng lãi tiếp tục tồn tại.
Về ngân sách, từ 1990 trở vệ trước, ngân sách luôn trong tình trạng căng thẳng, bội chi liên tục do nguồn thu gặp khó khăn; thuế trong khu vực cá thể thu không được bao nhiêu, nguồn thu chủ yếu là ở khu vực quốc doanh.
Từ năm 1991, ngân sách Huyện, xã là cấp dự toán. Ngân sách thành phố cấp chủ yếu để chi vào các khoản tiền lương, trợ cấp, còn chi cho các nhu cầu khác hết sức hạn chế đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của hệ thống chính trị của Huyện và giải quyết các phúc lợi xã hội cần thiết.
Khoa học kỹ thuật và khuyến nông, sau đề tài cho tôm thẻ đẻ thành công và những kết quả ghi nhận được trong các đầm tôm của Cofidec, thử nghiệm thành công Artémia trên ruộng muối, đã mở ra nhiều triển vọng cho ngành nuôi tôm của Huyện. Nhân dân cũng bước đầu học tập, cải tiếm đầm đập của mình theo các kinh nghiệm rút tỉa được trong các đơn vị nuôi tôm quốc doanh. Ngoài các thông tin về khí tượng thủy văn, việc giới thiệu các giống lúa mới, bảo vệ thực vật, chống dịch bệnh cho gia súc, nghiên cứu ứng dụng đề tài trồng rừng chốgn lở bờ biển, lấy dịch nhựa dừa nước v.v... cũng được quan tâm triển khai.
Tồn tại ở lĩnh vực này là Huyện ủy chưa chỉ đạo chặt chẽ và tạo điều kiện tổ chức phát huy các kết quả nghiên cứu ứng dụng. Chậm chỉ đạo thu thập, xử lý và phổ biến thông tin KHKT, công nghệ mới. Việc phối hợp lực lượng khoa học và kỹ thuật trên địa bàn và cộng tác với thành phố còn chắp vá, ít hiệu quả.
3/ Kết quả việc chăm lo con người với các nhiệm vụ then chốt mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Huyện lần V đặt ra.
Về bồi dưỡng sức dân, chăm lo cho các đối tượng chánh sách, xã hội, CB.CNV, LLVT. Đã thực hiện chánh sách miễn giảm thuế (theo Di chúc Bác Hồ, thiên tai, xã hội, sản xuất mới...), giảm nợ đầu tư cho dân, giải quyết việc làm cho 1.384 người, trong đó có 74 giáo viên cấp I tuyển thẳng; thực hiện giao đất giao rừng đã mở ra triển vọng tạo việc làm ổn định cuộc sống cho một bộ phận lao động nghèo. Mấy năm qua nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, của các hoạt động cứu trợ người dân cũng đã tính toán, chủ động sắp xếp việc làm và cuộc sống của họ. Đến nay môi trường sinh thái dần dần được ổn định ở một số khu vực nông nghiệp, giá cả các loại sản phẩm hàng hoá trên địa bàn có tăng lên, đời sống của nhân dân tương đối đỡ căng thẳng hơn.
Đối với các hộ thuộc diện chính sách, ngoài việc thực hiện các chế độ, chính sách của Nhà nước, Huyện đã thực hiện việc trợ cấp thường xuyên cho 370 lượt cán bộ hưu trí và 400 hộ xã hội khó khăn, đồng thời đã trợ cấp 558 trường hợp khó khăn đột xuất, đã mở sổ tiết kiệm cho 13 hộ gia đình liệt sĩ, xây dựng 70 căn nhà tình nghĩa và giải quyết sửa chữa nhà cho 25 căn hộ hưu trí, thương binh nặng.
- Đối với CB.CNV hành chánh sự nghiệp và lực lượng vũ trang, ngoài việc thực hiện các qui định của Trung ương về tiền lương và việc trợ cấp của thành phố chỉ mới cho phép trợ cấp thêm 25%, 10% và nâng trợ cấp điện và nước. Huyện đã có quyết định 90 đã giải quyết chánh sách nhà ở cho cán bộ, nhưng chủ trương này thực hiện một số trường hợp phải tạm ngưng vì thiếu kinh phí. Năm 1991, Huyện kiến nghị với Sở Nhà đất đã được chấp thuận xây dựng thêm một số căn nhà trả góp cho CB.CNV. Riêng đối với giáo viên từ ngày Sở Giáo dục đảm nhận việc quản lý kinh phí ngành, thu nhập có ổn định và khá hơn trước. Hiện nay tiền lương, thu nhập và các nhu cầu thông thường khác như nhà ở, đào tạo... cho cán bộ công nhân viên là những vấn đề hết sức cấp bách, đặc biệt khi giá cả thị trường mỗi lúc một tăng cao.
Về giáo dục và đào tạo, Huyện đã tích cực khắc phục nạn thiếu lương giáo viên và nợ kinh phí của ngành giáo dục, đến đầu năm học 90 - 91 đã thực hiện được. Huyện đã tập trung sức xây dựng trường lớp, đã giải phóng được ca ba, chăm lo sửa chữa trường lớp xuống cấp.
Do đời sống còn quá khó khăn nên số học sinh bỏ học giữa chừng, số giáo viên xin nghỉ hoặc chuyển công tác còn cao, chất lượng giáo dục vẫn còn thấp so với các nơi. Tuy vậy ngành cũng đã có rất nhiều cố gắng nâng cao hiệu quả công tác; tạm thời bỏ cấp 2 ở Lý Nhơn và chỉ mở lớp 6 ở Thạnh An, đặc biệt đã chủ động tuyển thẳng từ học sinh cấp 3 đào tạo thành giáo viên vào dạy cấp I, bồi dưỡng tại chỗ, để dần dần ổn định đội ngũ.
- Công tác xóa mù chữ và phổ cập cấp I, dù chậm được triển khai nhưng đến cuối tháng 12/90 đã tổ chức được 6 lớp xóa mù với 142 học viên, tổ chức 25 lớp phổ cập với 650 học viên.
- Về công tác đào tạo, Huyện có chính sách động viên CB.CNV và học viên đi học sư phạm và các ngành theo qui hoạch nhiều CBCNV được tập trung BTVH và được gởi đi học Đại học tại chức...
Hoạt động y tế, từ 1990 trở về trước hoạt động của ngành còn nhiều hạn chế. Đầu năm 91 Huyện đã hình thành Trung tâm Y tế Huyện trên cơ sở hợp nhất phòng và bệnh viện, thực hiện mô hình tập trung thống nhất toàn ngành, sắp xếp bộ máy, nhân sự... Hoạt động của ngành bắt đầu có những chuyển biến tích cực. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, đặc biệt tiêm chủng được quan tâm năm 1989 chi đạt trên 30%, năm 1990: 60% và năm 1991 có khả năng đạt chỉ tiêu thành phố giao là 70%. Năm 1991, dịch sốt rét lan tràn, được sự giúp đỡ Trung ương, thành phố, dịch bệnh đã được chặn đứng và từng bước giảm dần. Từ quý 4/90 Huyện cũng đã bắt đầu thực hiện quản lý hành nghề y tế tư nhân ngoài giờ theo phân cấp của thành phố. Tuy nhiên hoạt động y tế còn nhiều mặt cần phải được quan tâm như: việc chữa trị và chăm sóc bệnh nhân; việc trang bị phương tiện và nâng cao chất lượng điều trị Bệnh viện Trung tâm chưa tạo được niềm tin trong quần chúng.
Các hoạt động VHTT, tính chung mức hưởng thụ phim ảnh của người dân là 3,5 lần/năm, các loại hình nghệ thuật khác là 2 lần/năm. Hoạt động thể thao chỉ được tổ chức vào các dịp lễ, Tết; số người rèn luyện thân thể thường xuyên mới chiếm 3,3% dân số Huyện. Đời sống văn hoá ở những nơi đã có điện về có phần phong phú hơn nhờ nhân dân mua sắm truyền hình, radio-cassette, vidéo. Các vùng dân cư xa trung tâm xã mức hưởng thụ hầu như không có, thậm chí rất lạc hậu. Công tác quản lý văn hoá còn yếu kém lơi lỏng trước những biến động trong lãnh vực này.
Hoạt động thông tin, đã cung cấp những tin tức cần thiết cho nhân dân bằng đài truyền thanh và bản tin Cần Giờ (phát hành 10 ngày 1 số). Trong những ngày lễ lớn, đầu năm đã tổ chức phát hành đặc san có nội dung và hình thức phong phú có tác dụng thúc đẩy các mặt hoạt động ở địa phương. Tuy nhiên do các phương tiện thông tin (loa, đài, bản tin in ronéo) thiếu kinh phí sửa chữa đã xuống cấp làm ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động trong lĩnh vực này, nhất là các xã ấp xa xôi.
4/ Về nhiệm vụ phòng thủ sẵn sàng chiến đấu, chống chiến lược phá hoại, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, Huyện ủy đã chỉ đạo tổ chức tập huấn làm kế hoạch phòng thủ và tiến hành diễn tập phòng thủ khu vực. Hàng năm dựa vào kế hoạch phòng thủ chung, Huyện đã duy trì diễn tập, nâng cao chất lượng phòng thủ, bảo vệ bờ biển. Dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên được xây dựng và tham gia diễn tập; công tác tuyển quân hàng năm đạt được chỉ tiêu. Tuy nhiên cơ quan quân sự các cấp còn chưa thật chủ động, nhạy bén trong công tác xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Việc tổ chức, xây dựng lực lượng DQTV chưa đáp ứng được yêu cầu chất lượng hoạt động còn hạn chế, một số nơi chưa nắm chắc quân số, còn khoán trắng nhiệm vụ này cho cơ quan quân sự. Đã có xã vi phạm luật NVQS trong tuyển quân, huyện và xã đã xử lý. Ngân sách Huyện dành cho quân sự còn quá ít không đủ trang trải các khoản huấn luyện, tuần tra ở các khu vực trọng điểm.
Về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn 2 năm qua tuy không xảy ra những biến động, nhưng có những diễn biến phức tạp. Để thực hiện Nghị quyết 6 của Ban Thường vụ Thành ủy, các chỉ thị 16, 27 về tăng cường bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới, Huyện đã tập trung làm được một số việc như: tăng cường công tác tuyên truyền; vận động các tầng lớp nhân dân tinh thần độc lập, tự chủ, đoàn kết dân tộc, chống các thủ đoạn phao tin đồn nhảm, chống phát ngôn bừa bãi, vô trách nhiệm gây mất đoàn kết nội bộ để giữ vững sự ổn định chính trị trên địa bàn. Mở rộng cuộc vận động tội phạm ra đầu thú và tăng cường công tác giáo dục cải tạo tại chổ của các đoàn thể, mặt trận và ngành chức năng. Củng cố và xây dựng lực lượng nòng cốt của phong trào. Tham gia diễn tập phòng thủ khu vực của Huyện.
Về mặt chỉ đạo, Huyện ủy đã củng cố hoạt động nội chính để giải quyết các vấn đề về chủ trương, các biện pháp về an ninh quốc phòng trên địa bàn Huyện; đường lối, phương châm, xét xử các vụ án. UBND Huyện đã duy trì hoạt động của BCH Thống nhất, thực hiện được tính tập trung thống nhất cao trong lãnh vực; chỉ huy trong việc phát huy sức mạnh tổng hợp giải quyết các vấn đề phức tạp, kéo dài. BCH Thống nhất các xã đã triển khai thực hiện các đợt công tác lập lại trật tự kinh tế xã hội trên địa bàn Huyện, củng cố và giữ vững khí thế quần chúng tham gia tích cực với chất lượng và hiệu quả cao hơn những năm trước.
Tuy nhiên trong từng thời gian, từng vấn đề cụ thể sự chỉ đạo tổ chức thực hiện còn một số thiếu sót, tồn tại: phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ chức chưa phát triển đều khắp nhất là khối cơ quan, xí nghiệp. Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt trong việc bảo vệ an ninh trật tự nhưng trình độ nghiệp vụ còn hạn chế, trang bị các phương tiện thông tin, liên lạc, tàu thuyền hoạt động trên sông, biển, kinh phí hoạt động trong công tác tuần tra, canh tác, truy bắt, giam giữ, cải tạo các đối tượng phạm pháp còn nhiều thiếu thốn.
Hoạt động của các ngành kiểm sát, tòa án, thanh tra, tư pháp có nhiều cố gắng góp phần tăng cường pháp chế XHCN; song việc giáo dục tuyên truyền pháp luật chưa được thường xuyên, rộng rãi. Thi hành pháp luật chưa kết hợp thật tốt các biện pháp hành chánh với biện pháp giáo dục thuyết phục, có nơi có lúc thi hành pháp luật chưa nghiêm, có vụ án xử không đúng gây phản ứng và dư luận không tốt trong quần chúng.
5/ Kết quả phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước, thực hiện 4 cuộc vận động lớn:
Trong 2 năm qua, việc cải tiến công tác quản lý nhà nước đã đạt được một số kết quả nhất định, phù hợp với yêu cầu xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, thực hiện dân chủ hoá trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội.
Hoạt động của HĐND Huyện, xã đã có những chuyển biến tiến bộ. Huyện ủy và các cấp ủy xã tôn trọng và tạo điều kiện cho HĐND thực hiện chức năng của mình. Nội dung các kỳ họp được cải tiến, không khí tranh luận dân chủ, thẳng thắn được phát huy. Việc giám sát và chất vấn hoạt động của các cơ quan nhà nước được tiến hành thường xuyên. Chế độ tiếp xúc cử tri được duy trì tốt hơn khóa trước. Ý kiến của cử tri được tập hợp đầy đủ để kiến nghị lên trên hoặc đưa ra thảo luận giải quyết tại các kỳ họp. Đã phê bình nghiêm túc những đại biểu còn lơ là nhiệm vụ, kiên quyết bãi miễn một chức danh thẩm phán do mắc sai phạm. Tuy nhiên qua hoạt động thực tiễn đã bộc lộ một số nhược điểm thiếu sót cần được khắc phục: Cơ quan thường trực hoặc Ban thư ký chưa thật sự trở thành trung tâm gắn kết hoạt động của các ban, tổ và các đại biểu. Các ban chuyên môn chưa hoạt động đều tay và chưa có kết quả rõ nét. Từng đại biểu còn dừng lại việc tiếp xúc, ghi nhận ý kiến cử tri, chưa phát huy vai trò đại biểu để giải quyết những vấn đề có thể giải quyết được.
Hoạt động của UBND có một số chuyển biến tích cực, bước đầu tách chức năng QLNN ra khỏi chức năng chỉ đạo sản xuất kinh doanh, tăng cường quyền chủ động cho cơ sở. Song hiệu quả hoạt động chưa cao; các thành viên vẫn còn vắng nhiều trong các kỳ họp; nội dung các kỳ họp chưa tập trung nhiều vào việc thảo luận các biện pháp, kiểm tra, đôn đốc và phối hợp các lực lượng trong việc tổ chức thực hiện. Các phòng ban chuyên môn thuộc UBND xã đã được sắp xếp lại, nhưng vẫn còn cồng kềnh, nhiều cơ quan hoạt động cầm chừng, hiệu quả làm việc chưa cao.
Về thực hiện 4 cuộc vận động, việc chống buôn lậu được triển khai tương đối tốt, đã làm cho việc mua bán xăng dầu; thuốc lá lậu giảm đáng kể. Việc chống tham nhũng, về mặt chỉ đạo còn nhiều lúng túng, bị động, không xây dựng nổi kế hoạch. Tuy vậy thông qua phát động và tuyên truyền quần chúng và các đoàn thể, đã tham gia tích cực. Nhiều vụ việc tiêu cực đã được phát hiện, thanh tra và xử lý. Nhiều Hợp tác xã Nông nghiệp, Mua bán, Tín dụng đã ngừng hoạt động đang được tiến hành thanh tra, thanh lý. Việc chống lãng phí, thực hành tiết kiệm tuy có xây dựng kế hoạch, chọn điểm tiến hành, nhưng các đơn vị, các cấp chưa thật quan tâm. Bộ phận chỉ đạo cuộc vận động này hoạt động chưa có nề nếp, nên chưa đạt được những kết quả cụ thể. Việc chống phiền hà, trên cơ sở thực hiện QĐ216 và sự chỉ đạo của thành phố, Huyện đã xây dựng kế hoạch và xet duyệt kế hoạch của 3 đơn vị điểm..., Bước đầu các cơ quan, các xã đã có ý thức và thể hiện trong các hoạt động hàng ngày nhằm cải tiến thủ tục hành chánh, giảm bớt phiền hà cho dân. Hội đồng xét khiếu tố, văn phòng tiếp dân của HĐND và UBND được hình thành và hoạt động thường xuyên, đã góp phần quan trọng vào việc đẩy nhanh tiến độ trong việc giải quyết các kiến nghị, khiếu tố của nhân dân.
Nhìn chung việc thực hiện 4 cuộc vận động trên địa bàn Huyện đã tạo điều kiện cho quần chúng nhân dân mạnh dạn đấu tranh chống tiêu cực, đã làm cho trật tự kinh tế được ổn định hơn và thông qua đó các cơ quan Nhà nước cũng thấy được các sơ hở thiếu sót để có kế hoạch sửa chữa, khắc phục. Tuy vậy, do sự mất cân đối giữa khối lượng sự vụ, sự việc với năng lực của bộ máy; giữa công việc của ngành với chỉ đạo phối hợp liên ngành; nhiều vụ việc còn lệ thuộc vào việc xử lý của các cơ quan chức năng thành phố... nên việc giải quyết chưa kịp thời đã làm hạn chế kết quả, nhất là niềm tin chống tham nhũng trong nhân dân.
6/ Về công tác vận động quần chúng; Hai năm qua Đảng bộ có nhiều nỗ lực và đã đạt được một số tiến bộ nhất là từ sau khi có nghị quyết 8B của BCH Trung ương. Trước đó Huyện ủy đã có nghị quyết chuyên đề nhưng việc quán triệt, triển khai thực hiện chưa sâu, chưa đều khắp. Đến khi có Nghị quyết 8B của Trung ương đội ngũ đảng viên mới thấy được những suy nghĩ lệch lạc của mình trước đây, và trong hoạt động đã có góp phần tích cực vào việc củng cố các đoàn thể, quan tâm hơn trong việc tiếp xúc với quần chúng và lắng nghe quần chúng góp ý. Hội đồng Nhân dân Huyện, xã tạo nhiều điều kiện để các đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc tham gia các kỳ họp, giải quyết có kết quả các ý kiến của nhân dân do đoàn thể, MTTQ phản ánh... Hầu hết các kỳ họp HĐND Huyện đều có thảo luận các chuyên đề nhằm giải quyết những khó khăn trong đời sống nhân dân. Việc phối hợp giữa cơ quan và các đoàn thể có nhịp nhàng và chặt chẽ hơn, UBND có quan tâm hơn trong việc hỗ trợ kinh phí, phương tiện hoạt động của các đoàn thể, MTTQ. Sau khi nghiên cứu học tập Nghị quyết 8, mỗi đoàn thể đều xây dựng được chương trình hành động với trọng tâm là tập trung củng cố tổ chức ở cơ sở.
Bên cạnh những kết quả nêu trên, còn một số mặt cần rút kinh nghiệm chung cho công tác vận động quần chúng của Đảng là: vẫn còn nhiều cơ sở Đảng khoán trắng công tác vận động quần chúng cho các đoàn thể. Quan điểm công tác quần chúng trong tình hình mới chưa thật sự quán triệt đến từng đảng viên; nhiều đảng viên chưa biết cách hoặc chưa làm tốt công tác vận động quần chúng; một số cấp ủy cơ sở còn lúng túng về nội dung và phương thức lãnh đạo công tác đoàn thể. Một số chính sách không phù hợp có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và tình cảm của nhân dân nhưng chưa được sửa chữa chấn chỉnh kịp thời. Tình trạng làm ăn thua lỗ của một số đơn vị kinh tế quốc doanh, tiêu cực ở một số đảng viên, cán bộ có ảnh hưởng xấu đến công tác vận động quần chúng. Chất lượng hoạt động của các đoàn thể nói chung có vươn lên nhưng cũng chưa đáp ứng được những yêu cầu, nhất là chất lượng đoàn viên, hội viên, việc xây dựng cốt cán trong các tần glớp các giới còn rất yếu; nhiều cơ sở chưa chủ động nắm bắt những diễn biến trong quần chúng và có những biện pháp giải quyết kịp thời. Đội ngũ cán bộ đoàn thể thiếu an tâm, thiếu gắn bó với tổ chức mình.
7/ Về công tác xây dựng đảng:
Công tác tư tưởng, đã đạt được một số mặt quan trọng: tạo được sự nhất trí cao và kiên định với Trung ương về chống đa nguyên đa đảng; khẳng định tiếp tục công cuộc xây dựng CNXH theo đường lối đổi mới của Đảng, có thái độ tích cực và trách nhiệm tham gia đóng góp ý kiến vào những dự thảo văn kiện chuẩn bị Đại hội VII. Qua đó thái độ và bản lĩnh chính trị của đảng viên được nâng lên.
Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận (phần lớn là những đảng viên cần xem xét tư cách trong thực hiện Nghị quyết 11 của Thành ủy) do đời sống khó khăn, ít tham gia sinh hoạt, theo dõi thời sự, trình độ nhận thức hạn chế nên có thái độ thờ ơ với thời cuộc, không an tâm công tác, có nhiều băn khoăn lo lắng.
Về củng cố tổ chức và công tác cán bộ, đã hướng vào nhiệm vụ đổi mới tổ chức và cán bộ, tinh giản bộ máy và biên chế nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của công cuộc đổi mới cơ chế quản lý và những thay đổi trong hoạt động kinh tế.
Đã tiến hành giải thể, củng cố tổ chức 10 đơn vị do làm ăn thua lỗ kéo dài, không thích ứng được trong cơ chế mới (XN.VTĐS, TT.DVTN, HTX.MB Huyện, XN.NTTS...) hoặc do yêu cầu chấn chỉnh công tác quản lý (hình thành Trung tâm Y tế), tinh giản 30% biên chế hành chánh cấp xã, 20% biên chế hành chánh cấp Huyện. Ngoài ra các đơn vị kinh tế cũng đã tiến hành tinh giản bộ máy và biên chế để thích ứng được với điều kiện kinh doanh mới. Trong đội ngũ cán bộ chủ chốt của Huyện và xã đã điều động, bổ nhiệm, thay đổi chức vụ, phê chuẩn các chức danh chủ chốt qua bầu cử UBND là 199 trường hợp, đào tạo chính trị cao cấp 6 trường hợp.
Việc củng cố tổ chức và bố trí cán bộ vẫn chưa đáp ứng được tình hình: trong hệ thống tổ chức, chức năng nhiệm vụ của từng bộ phận chưa thật rõ, hoặc quá nặng nề; mối quan hệ của các tổ chức: Đảng, Nhà nước, đoàn thể xác lập chưa rõ nên hiệu lực hoạt động của từng tổ chức và toàn bộ bộ máy chưa phát huy được hiệu quả cao. Đội ngũ cán bộ tuy có trưởng thành nhưng vẫn không ổn định, việc bố trí sử dụng các nguồn cán bộ chưa phát huy đúng mức thế mạnh của đội ngũ; một số lĩnh vực quan trọng của Huyện chưa được bố trí cán bộ đủ tầm cỡ, có trường hợp bố trí thiếu chính xác về mặt phẩm chất và năng lực. Vấn đề gay gắt nhất của công tác cán bộ là chính sách cán bộ, tư thân Huyện không thể giải quyết thỏa đáng, không tạo được sự ổn định trong đội ngũ cán bộ, nhất là số cán bộ nòng cốt trong chuyên môn, nghiệp vụ, KHKT.
- Về chỉnh đốn Đảng và công tác đảng viên: Từ tháng 6 năm 1991 toàn Đảng bộ đã triển khai cuộc vận động chỉnh đốn Đảng theo tinh thần nghị quyết 11 của Thành ủy . Đây là cuộc vận động nhằm nâng cao chất lượng đảng viên và củng cố một bước tổ chức Đảng có quy mô sâu rộng nhất là cơ sở.
Tính đến tháng 11/1991 đã triển khai có kết luận ở 33/39 tổ chức cơ sở Đảng, với 420 đảng viên được kiểm điểm và phân loại, chiếm tỷ lệ 83% số đảng viên của Đảng bộ, 87,8% đồng chí được công nhận đủ tư cách, 12,14% đồng chí phải xem xét tư cách. Các cơ sở Đảng đã thực sự qua đợt chỉnh đốn về đội ngũ, những đồng chí thể hiện được tính tiên phong, gương mẫu, có năng lực lãnh đạo được quần chúng tín nhiệm đều được biểu dương; những đồng chí còn thiếu sót, yếu kém được đấu tranh giáo dục và định rõ thời gian khắc phục khuyết điểm; một số đồng chí sa sút ý chí chiến đấu, không gắn bó với Đảng, quần chúng không tín nhiệm, có sai phạm nghiêm trọng đều bị xử lý nghiêm túc hoặc đưa ra khỏi Đảng.
Cuộc vận động chỉnh đốn Đảng theo tinh thần nghị quyết 11 của Thành ủy đã lôi cuốn được đông đảo quần chúng tích cực tham gia, tạo sự gắn bó giữa tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên với quần chúng, đã có tác dụng quan trọng công tác xây dựng Đảng.
Tổng số đảng viên của Đảng bộ là 506 đồng chí. Trong nhiệm kỳ V (1989 - 1991) đã kết nạp mới 70 đồng chí (nhiệm kỳ IV kết nạp 97 đảng viên); đồng thời cũng xử lý kỷ luật 36 đảng viên và đưa ra bằng những hình thức khác 20 đảng viên. Trong số đảng viên bị kỷ luật có 2 đồng chí là Ủy viên Thường vụ Huyện ủy, 10 đồng chí là đảng ủy, chi ủy viên ở cơ sở Đảng.
Tuy có nỗ lực và đạt được những tiến bộ nhất là qua việc thực hiện Nghị quyết 11 nhưng tình hình tổ chức cơ sở Đảng, công tác đảng viên còn nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp cần được chú ý trong công tác xây dựng Đảng:
Đội ngũ đảng viên ít, phát triển chậm, nhiều đảng viên chưa thật tự giác trong việc học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ, lại do biến động nhiều nên bố trí mỏng nhất là ở các cơ sở quan trọng (xã, đơn vị kinh tế, giáo dục, y tế, các đoàn thể...) đã hạn chế sức chiến đấu, vai trò hạt nhân lãnh đạo ở cơ sở Đảng. Công tác kết nạp Đảng chưa tập trung vào quần chúng thực sự ưu tú đang hoạt động ở các đơn vị trực tiếp sản xuất, nhất là ở các cơ sở ngoài quốc doanh. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cấp ủy nhất là cơ sở yếu, một số bí thư của cơ sở Đảng không có nghiệp vụ và năng lực công tác Đảng, quy chế hoạt động và mối quan hệ giữa cấp ủy và cơ quan quản lý cùng cấp không xác định rõ gây nên tình trạng làm thay hoặc bỏ sót nhiệm vụ.
Trình độ đội ngũ đảng viên nói chung chưa nâng lên kịp với nhiệm vụ; đội ngũ kế cận ở một số khu vực bị hụt hẫng.
- Công tác kiểm tra thực hiện nghị quyết Đảng chưa được tiến hành có nề nếp, hoạt động kiểm tra Đảng cấp Huyện và cơ sở còn bị động đối phó.
* Nhận xét chung, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm:
Trong bối cảnh vừa có thuận lợi vừa có khó khăn, phức tạp đan xen lẫn nhau, đại bộ phận nhân dân trong Huyện vẫn tiếp tục kiên trì chịu đựng khó khăn, thiếu thốn, tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nớc để nỗ lực hoạt động sản xuất kinh doanh, tìm cách động viên nguồn lực tài chính, kiến thức kinh nghiệm, tay nghề để tạo ra các loại hình sản xuất vừa sức mình. Bên cạnh sự chi viện của Trung ương và Thành phố, Huyện cũng đã tích cực xử lý các khó khăn của cơ sở, đề ra các giải pháp cho phù hợp hơn trong hoạt động sản xuất hàng hoá và từng bước đưa nền kinh tế Huyện hòa nhập vào thị trường thành phố, các tỉnh tạo điều kiện mở rộng giao lưu KHKT, văn hoá, xã hội; liên doanh hợp tác, tiếp nhận các nguồn lực có ích cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Huyện nhà.
Đến nay tình trạng khó khăn đang giảm từng bước và điều quan trọng là có thêm những nhân tố mới và những kinh nghiệm trong thực tiễn sản xuất ngư, lâm, nông, công nghiệp, trong công tác bảo đảm an ninh quốc phòng, xây dựng lực lượng chính trị xã hội... làm tiền đề cho sự ổn định phát triển sắp tới.
Tuy về mặt KT - XH, hiệu quả quản lý, điều hành của các cơ quan lãnh đạo còn nhiều vướng mắc chưa được giải quyết tốt:
- Vốn đầu tư cho việc xây dựng các cơ sở hạ tầng còn ít và chưa đồng bộ. Cơ cấu đầu tư cũng chưa thật hợp lý, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh làm ăn có hiệu quả, nhất là kinh tế hộ gia đình chưa được chú ý đúng mức.
- Hiệu quả sản xuất nhìn chung còn thấp, các cơ sở sản xuất, chế biến thủy hải sản nói chung chỉ sử dụng được 2/3 công suất thiếu kế.
- Tài nguyên trên địa bàn Huyện chưa được khai thác tốt, lại bị sử dụng lãng phí, nhất là tài nguyên thủy sản và rừng; môi trường sinh thái bị phá hoại, tranh chấp ruộng đất, mặt nước còn tiếp tục diễn ra.
- Các giải pháp củng cố quan hệ sản xuất XHCN chưa rõ. Vai trò chủ đạo của khu vực quốc doanh chưa được phát huy; các thành phần kinh tế khác phát triển chưa được hướng dẫn tổ chức có kế hoạch và nhất là quản lý chưa tốt.
- Đời sống nhân dân, nhất là CNVC, IIVT, cán bộ hưu còn nhiều khó khăn. Còn khoảng 32% hộ lao động nghèo. Nhiều nhu cầu chính đáng tối thiểu của nhân dân về học hành, bảo vệ sức khỏe... chưa được bảo đảm.
- Tiêu cực trong nội bộ và ngoài xã hội còn nhiều. Pháp luật, kỷ cương chưa thật nghiêm. Những hành vi tham nhũng của một số cán bộ và nhân viên Nhà nước, những hoạt động của bọn làm ăn phi pháp... tuy có xử lý theo luật pháp nhưng chưa thật nghiêm khắc và kịp thời.
Vì sao có tình hình như vậy?
Ngoài những nguyên nhân khách quan tác động tích cực không nhỏ đến việc thực hiện các mục tiêu KT-XH của huyện được đề ra tại Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ V, thì nguyên nhân chủ quan về sự lãnh đạo của Đảng bộ và Nhà nước cấp huyện có những thiếu sót, khuyết điểm sau đây:
Về đánh giá tình hình, xác định mục tiêu và bước đi:
Căn cứ vào tiềm năng, thế mạnh của Huyện, với sự tác động của các chính sách "cởi trói" và "mở cửa" của Đảng và Nhà nước, Duyên Hải lựa chọn con đường đi lên của mình là xây dựng Huyện thành một đơn vị kinh tế biển, lấy sản xuất ngư, lâm nghiệp và dịch vụ xuất khẩu thủy hải sản làm động lực chủ yếu, thúc đẩy các ngành kinh tế khác trên địa bàn phát triển. Nhưng chúng ta chưa lường hết được các khó khăn diễn ra, chưa vạch ra được kế hoạch cụ thể, biện pháp, bước đi, mục tiêu trong từng thời gian đối với từng ngành kinh tế, từng vùng kinh tế. Chưa lãnh đạo tốt công tác điều tra nghiên cứu đi sâu vào quần chúng để tìm ra những biện pháp có hiệu quả, chưa phối hợp các ngành chức năng của thành phố để đầu tư đúng mức vào các ngành kinh tế mũi nhọn của Huyện.
Ở Đại hội Huyện lần thứ V xác định lâm nghiệp là tiềm năng thứ hai sau ngư nghiệp; lúc đó ta có suy nghĩ đến việc phải khai thác tiềm năng này để tạo điều kiện phát triển nền kinh tế của Huyện, nhưng khi Nhà nước xác định đây là rừng phòng hộ thì lãnh vực này cần được khai thác theo một phương hướng khác mới có thể phát huy được tiềm lực, nhưng Huyện chưa thật chủ động trên lĩnh vực này để hợp đồng tốt hơn đối với ngành lâm nghiệp Thành phố. Dịch vụ xuất khẩu thủy hải sản vẫn chưa có giải pháp tốt về tổ chức, đầu tư, chính sách. Việc sắp xếp tổ chức lại các cơ sở sản xuất kinh doanh, tuy có được xúc tiến nhưng vẫn còn nửa vời, chưa thật tập trung vào những cơ sở trọng điểm bám sát địa bàn nhằm khai thác tốt nhất năng lực sản xuất kinh doanh hiện có.
- Về cơ chế tổ chức và quản lý của bộ máy cấp Huyện, xã tiến hành chưa đồng bộ, thiếu thống nhất từ Huyện đến xã, nên kết quả còn nhiều hạn chế.
- Trong lãnh vực tư tưởng, tổ chức và công tác cán bộ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là chưa xây dựng được qui hoạch, kế hoạch đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ viên chức một cách có hệ thống. Đội ngũ cán bộ vẫn còn đông, biên chế dư thừa, song nhìn chung là chưa chuyên nghiệp, thiếu những chuyên viên giỏi, thiếu cán bộ kế cận. Công tác giáo dục và quản lý cán bộ đảng viên thiếu chặt chẽ.
- Phong cách lãnh đạo và lề lối làm việc vẫn còn một số trường hợp không tuân thủ qui trình làm việc và ra quyết định; việc chỉ đạo điều hành ở một số khu vực chưa thật tập trung, thiếu nhất quán, chưa thật thống nhất giữa huyện và xã; trong một số tổ chức Đảng cơ sở có sự vi phạm nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, cấp dưới phục tùng cấp trên.
- Từ thực tiễn của 2 năm nay cũng như trước đó, chúng ta có thể rút ra những bài học kinh nghiệm sau đây:
Một là, phải xuất phát từ thực tiễn của Huyện, đưa vào dân tìm ra con đường phát triển đúng đắn, phù hợp với trình độ tính chất nông thôn Duyên Hải.
Sản xuất ngư, nông, lâm nghiệp trên địa bàn Huyện có qui luật đặc thù khác với công nghiệp, phải có hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với qui luật sinh học, qui luật tự nhiên của nông nghiệp đầy biến động. Trước năm 1989 chúng ta đã áp dụng máy móc hình thức tổ chức hợp tác và cơ chế quản lý tập trung, quan liêu bao cấp, đốt cháy giai đoạn đưa lên qui mô lớn, nên đã kềm hãm lực lượng sản xuất, gây ra tổn thất về kinh tế - xã hội. Hai năm sau này chúng ta lại rơi vào tình trạng buông lơi trong việc xác lập hình thức tổ chức sản xuất, nội dung quản lý, phương thức hoạt động, ít chú ý đến việc Nhà nước tác động giúp đỡ nông dân về chính sách đầu tư, giá cả thị trường, lưu thông tiêu thụ sản phẩm, cung ứng vật tư... làm hạn chế việc khai thác tiềm năng.
Hai là, trong quá trình xây dựng Huyện chúng ta phải đặc biệt coi trọng phát huy ý thức tự lực tự cường, kết hợp tiếp nhận sử dụng tốt mọi khả năng quan hệ với bên ngoài để phục vụ công cuộc xây dựng Huyện và luôn luôn làm tròn nghĩa vụ của mình với Thành phố và cả nước. Thực tế chi ra rằng nếu biết kết hợp tiềm năng, khả năng của Huyện với nguồn lực của Trung ương, Thành phố trong điều kiện mới. Huyện ta có thể từ điểm xuất phát thấp về kinh tế - xã hội đi lên xây dựng Huyện thành đơn vị kinh tế vùng biển giàu mạnh nhờ vào các nguồn lực từ bên ngoài tác động vào (thành phố, Trung ương, các đơn vị bạn và nước ngoài..) Nguồn lực đó là điều kiện vô cùng quan trọng để nhân dân Huyện khai thác tiềm năng kinh tế biển và bảo vệ vững chắc cửa ngõ của Thành phố.
Ba là, phải thường xuyên củng cố tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đảng viên, bảo đảm cho toàn Đảng bộ Huyện luôn đáp ứng được yêu cầu mới của cách mạng. Vấn đề cấp bách là tăng cường sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo, năng lực tổ chức thực hiện. Phải giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt Đảng cũng như trong lãnh đạo kinh tế - xã hội, không ngừng trau dồi và nâng cao phẩm chất, đạo đức cách mạng của đảng viên, thực hiện thường xuyên tự phê bình và phê bình trong Đảng và trước quần chúng. Trong Đảng bộ phải luôn giữ gìn sự đoàn kết triệt để chống tư tưởng bè phái, địa phương, cục bộ, nêu cao tính tổ chức kỷ luật, lời nói đi đôi với việc làm, xây dựng cuộc sống lành mạnh, coi trọng nhân nghĩa và lòng tin đối với quần chúng.
PHẦN THỨ HAI
PHƯƠNG HƯỚNG, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ NHIỆM KỲ 1991 - 1995
I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH:
Bước vào kế hoạch 5 năm (1991 - 1995) Duyên Hải có những đặc trưng cần lưu ý sau đây:
1. Thực hiện chiến lược phát triển kinh tế vùng (theo Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII), Duyên Hải là Huyện ven biển của Thành phố Hồ Chí Minh, có tiềm lực về kinh tế biển, lại là cửa ngõ của đường tàu biển quốc tế ra vào cảng Sài Gòn; là vùng kế cận, tiếp giáp với trung tâm khai thác dầu khí Vũng Tàu - Côn Đảo. Nơi đây sẽ là bàn đạp thuận lợi cho Thành phố vươn ra biển, làm giàu cho đất nước trong những thập kỷ tới.
2. Duyên Hải còn có diện tích rừng phòng hộ với hàng vạn ha, là lá phổi lớn, giữ gìn môi sinh cho sự phát triển của Thành phố.
Hai đặc điểm trên đây làm cho Duyên Hải gắn bó chặt chẽ với Thành phố. Sự phát triển kinh tế - xã hội của Huyện không thể tách rời với chủ trương, chính sách và chiến lược kinh tế của Thành phố trong những năm tới.
3. Nhưng, hiện tại Duyên Hải vẫn là Huyện nghèo, khó khăn nhất của Thành phố. Nơi đây chưa giải quyết được một số điều kiện tối thiểu về cơ sở hạ tầng (trừ điện) để phát triển kinh tế. Dân cư thưa thớt, trình độ dân trí thấp, hầu hết là dân nghèo, lưu lạc từ nhiều vùng tới, dịch bệnh (nhất là bệnh sốt rét, bệnh phụ nữ và trẻ em) còn ở mức độ cao. Vùng kinh tế biển nhưng có cả nông nghiệp, lâm nghiệp; kỹ thuật canh tác còn lạc hậu, lệ thuộc nhiều vào thiên nhiên.
4. Từ sau khi Công trình thủy điện Trị An đi vào hoạt động, môi trường sinh thái dần ổn định, nhiều vấn đề về điều tra cơ bản chưa được giải đáp đầy đủ. Do sự thôi thúc của cuộc sống, người dân Duyên Hải (cả ngư dân và nông dân) dưới sự giúp đỡ của Nhà nước phải tự bươn chải, tìm kế sinh nhai, phát triển các ngành nghề phù hợp với điều kiện tự nhiên. Đó là nhân tố mới, là tiền đề để có thể giải quyết về lao động, công ăn việc làm, ổn định sản xuất.
5. Sau 16 năm xây dựng CNXH trên một vùng đất mới, Duyên Hải được sự chi viện tích cực của Trung ương và Thành phố đã xây dựng được một số công trình quan trọng (đường giao thông, điện quốc gia, các cơ sở sản xuất, chế biến và công trình phúc lợi) mở ra nhiều khả năng mới để phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đất này.
6. Trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, Huyện đã có một số mặt tiến bộ, nhưng đồng thời còn có những thiếu sót khuyết điểm, đặc biệt cần lưu ý về các vấn đề: phát triển ngành kinh tế mũi nhọn (ngư nghiệp); chăm lo đời sống quần chúng, nhất là việc giảm dần và tiến tới xóa cho được tình trạng đói và thiếu đói; nâng dần mức thu nhập và đời sống mọi mặt cho nhân dân, củng cố vững mạnh hệ thống Đảng, chính quyền, đoàn thể cấp huyện và xã; đấu tranh có kết quả với các loại tiêu cực trong nội bộ và ngoài xã hội; xây dựng một đội ngũ cán bộ kế thừa có năng lực, phẩm chất tốt, đoàn kết và phát huy được mọi lực lượng.
II. PHƯƠNG HƯỚNG - MỤC TIÊU CHỦ YẾU:
Từ những đặc điểm trên đây, cùng với đường lối chủ trương, chính sách mới được vạch ra từ Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần V, phương hướng, nhiệm vụ mục tiêu chủ yếu của Đảng bộ Duyên Hải trong nhiệm kỳ VI được xác định như sau:
- Không ngừng ổn định và phát triển sản xuất ngư - nông - lâm nghiệp gắn với phát triển công nghiệp và TTCN, chế biến thủy hải sản, tăng cường cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường sinh thái; đẩy mạnh xuất nhập khẩu và dịch vụ; phát huy cao nhất tiềm năng về con người và nguồn lực của Huyện; củng cố vững mạnh hệ thống Đảng, chính quyền, đoàn thể và các lực lượng cấp huyện và xã; ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự xã hội trên địa bàn để làm nền tảng vững chắc cho việc thực hiện cho được mục tiêu hàng đầu trong 5 năm tới là: xóa nạn đói, thu hẹp diện nghèo, xóa nạn mù chữ đối với trẻ em từ 6 - 14 tuổi, phòng chống bệnh sốt rét không để phát triển thành dịch, góp phần tích cực cùng Thành phố thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng về kinh tế - xã hội hiện nay.
* Các mục tiêu cụ thể trong 2 thời kỳ như sau:
+ Từ 1991 - 1993: Chủ động khắc phục tình trạng đối với các hộ dân nghèo hiện có (32%), xóa nạn mù chữ cho 75 - 80% trẻ em từ 14 - 16 tuổi, phòng chống bệnh sốt rét không để phát triển thành dịch.
+ Từ 1994 - 1995: Cơ bản xóa được nạn đói, thu hẹp diện nghèo còn từ 10 - 15%, xóa mù chữ cho 90% số trẻ em từ 6 - 14 tuổi. Tiếp tục phòng chống bệnh sốt rét không để phát triển thành dịch.
Để thực hiện các mục tiêu nói trên toàn Đảng và toàn dân trong Huyện trong thời gian tới cần tập trung thực hiện các biện pháp lớn sau đây:
1. Qui hoạch sắp xếp lại các ngành sản xuất, trong đó các tiểu vùng kinh tế, các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất có quy mô và trình độ kỹ thuật khác nhau phải được bố trí cân đối, liên kết với nhau nhằm bảo đảm cho mọi ngành sản xuất phát triển ổn định. Lấy đơn vị hộ làm đơn vị sản xuất chủ yếu trong các ngành sản xuất.
2. Khai thác nhiều nguồn vốn khác nhau để đầu tư cho sản xuất. Khuyến khích các đơn vị kinh tế, các thành phần kinh tế tư nhân, cá thể (trong và ngoài huyện) bỏ vốn đầu tư, khai thác tiềm năng kinh tế huyện.
Phát triển rộng kinh tế hộ gia đình là biện pháp chủ yếu để giải quyết việc làm, nâng mức thu nhập trong dân.
3. Có kế hoạch phát động sâu rộng, liên tục, có sơ kết, tổng kết hàng quý, hàng năm trong các tầng lớp quần chúng nhất là trong thanh niên, phụ nữ, nông dân, ngư dân, công nhân, viên chức... về chủ đề sán xuất và đời sống, nhằm từng bước giải quyết các mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, xóa mù chữ và khống chế dịch sốt rét.
4. Kiện toàn đồng bộ hệ thống chính trị, trước hết là hệ thống Đảng, tiếp tục chỉnh đốn Đảng theo Di chúc Bác Hồ, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, nhất là ở các đơn vị cơ sở, các tổ chức sản xuất kinh doanh; phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng trong việc củng cố hệ thống chính quyền và đoàn thể cấp huyện và xã, tạo ra động lực để thực hiện các mục tiêu.
5. Gắn chặt các biện pháp nói trên với việc giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn, bảo vệ vững chắc bờ biển.
III. CÁC NHIỆM VỤ CỤ THỂ VÀ CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN:
1. Về kinh tế:
- Giá trị tổng sản lượng tăng bình quân từ 8 - 10% một năm trong đó phát triển nhanh ở nuôi trồng, chế biến thủy sản, lúa, cói và chăn nuôi. Đến năm 1993, giá trị tổng sản lượng bắt đầu cao hơn mức năm 1987 (năm có giá trị tổng sản lượng cao nhất).
- Thu nhập bình quân đầu người năm 1995 tăng 50% so với năm 1991 (từ 880 ngàn đồng tăng lên 1.320 ngàn đồng, tính theo giá tháng 9/1991).
1.1. Ngư nghiệp, vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn của Huyện. Để có thể đạt được sản lượng 18.000 tấn thủy sản các loại vào năm 1995 và nâng cao được giá trị, cần hướng vào 2 loại nghề là cào đôi và nuôi thủy sản, lấy việc nuôi thủy sản là hướng trọng tâm. Nghề cào đôi, đến năm 1995 với sự tác động của thị trường, và các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất của Nhà nước, sẽ phát triển thêm phương tiện và năng lực đánh bắt ngoài khơi phù hợp với khả năng của ngư dân trong vùng. Nghề nuôi thủy sản, với thực tiễn mô hình nuôi tôm quảng canh có cải tiến bán công nghiệp của Cofidec, các kinh nghiệm của dân phát triển đập thành đầm, ao thâm canh, thà thêm giống tôm thẻ, tôm sú và cho ăn bổ sung, nuôi tôm kẹt trong hè, nuôi cua lột, cua y... đang có xu hướng phát triển mạnh. Dưới sự tác động của Nhà nước đến năm 1995, nghề này dự kiến tăng thêm 1.000 tấn tôm và 100 tấn cua nguyên liệu xuất khẩu.
Các giải pháp sẽ tác động vào sản xuất ngư nghiệp như sau:
- Khuyến ngư, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ mới, trước hết đối với nuôi trồng thủy sản. Tổng kết thực tiễn trên địa bàn, tham quan, học tập kinh nghiệm các nơi, kể cả nước ngoài, tổ chức sản xuất thử nghiệm những mô hình mới để giới thiệu cho người sản xuất và người đầu tư tín dụng.
- Thực hiện chính sách miễn giảm thuế đối với những người chuyển sang làm nghề có hiệu quả mà không ảnh hưởng đến môi trường. Chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước, thực hiện quản lý Nhà nước đối với tất cả các đối tượng sản xuất trên địa bàn, đấu tranh lập trật tự trên ngư trường, hình thành tổ chức bảo vệ nguồn lợi thủy sản, các tổ chức khuyến ngư.
- Thực hiện một phương án xử lý số nợ cũ của ngư dân đối với Nhà nước, có lý có tình, người dân có điều kiện trả được nợ mà vẫn bảo đảm công bằng xã hội. Đồng thời thực hiện một kế hoạch huy động nhiều nguồn tín dụng của ngân hàng nông nghiệp, EC, Hội Nuôi tôm, các đoàn thể xã hội, các đơn vị kinh tế và các nguồn khác đầu tư vào ngư dân để ổn định các nghề truyền thống, tập trung phát triển nghề nuôi thủy sản và cào đôi; phát động cuộc vận động ngư dân cần kiệm để tích lũy, thu hút nguồn tiền, quà của Việt kiều vào việc đầu tư cho sản xuất.
- Thông qua các đơn vị kinh tế quốc doanh, Nhà nước cấp Huyện tạo điều kiện kích thích sản xuất như:
. Cung ứng dịch vụ kỹ thuật, sản xuất giống, thức ăn, cung cấp qui trình công nghệ cho dân. Đặc biệt hướng các đơn vị kinh tế quốc doanh xây dựng thêm nhiều trại giống tôm để đáp ứng yêu cầu của người sản xuất. Cung ứng vật tư, đặc biệt là nhiên liệu nước đá đủ và kịp thời.
. Tổ chức tiêu thụ và chế biến thủy sản đồng bộ, gắn bó với lợi ích của người sản xuất nguyên liệu. Phấn đấu thực hiện chỉ tiêu 700 tấn tôm đông lạnh và 5 triệu lít nước mắm vào năm 1995, quan tâm tiêu thụ, chế biến, nâng cao chất lượng các mặt hàng khác.
1.2. Nông nghiệp, Nhà nước cấp huyện và xã tiếp tục có những biện pháp tác động hữu hiệu để đến 1994 giá trị sản lượng nông nghiệp vượt qua con số 1984, năm có giá trị sản lượng nông nghiệp cao nhất từ trước. Cụ thể là: ổn định diện tích 3.000 ha lúa có năng suất 3T/ha, trong đó ít nhất 100 ha lúa hè thu, năng suất 3,5T/ha. Từng bước làm thủy lợi vùng để khôi phục toàn bộ diện tích nông nghiệp. Diện tích trồng cói 200 ha, năng suất 4,5 tấn khô/ha. Diện tích cây ăn trái 200 ha, gồm mãng cầu, táo, xoài, dưa hấu, chuối. Phát triển nghề chăn nuôi gia đình, khôi phục nghề nuôi vịt truyền thống ở một số xã.
- Một số biện pháp cần được thực hiện để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn là:
. Làm thủy lợi ở Bắc Duyên Hải để ổn định 3.000 ha lúa và tạo khả năng phục hồi sản xuất trên toàn bộ đất nông nghiệp.
. Thực hiện công tác khuyến nông, thông tin thời tiết, thủy văn, thị trường, cung cấp dịch vụ kỹ thuật, thú y, giống mới, tổng kết xây dựng các mô hình sử dụng đất, nghiên cứu hình thành tổ chức bảo vệ thực vật.
. Thực hiện chính sách miễn giảm thuế đối với sản phẩm mới, vùng mới khai hoang, thiên tai, mất mùa và đầu tư cải tiến ứng dụng tiến bộ kỹ thuật.
. Hoàn tất việc cấp quyền sử dụng đất cho nông dân trong năm 1992 để nông dân yên tâm đầu tư thâm canh, đồng thời có điều kiện thế chấp để vay tín dụng ở Ngân hàng nông nghiệp.
. Làm đường giao thông, tạo thuận lợi trong bố trí dân cư chăm sóc và bảo vệ sản xuất. Đầu tư thích đáng cho hoạt động văn hoá xã hội ở khu vực nông nghiệp; cấp điện, cấp nước và xây dựng các chợ nông thôn.
. Tạo điều kiện thuận lợi về kinh phí hoạt động, nguồn vốn cho vay để Hội Nông dân, Phụ nữ, Thanh niên làm nòng cốt trong phong trào sản xuất, nâng cao trình độ sản xuất nông nghiệp thành sản xuất hàng hoá, thoát dần khỏi trạng thái tự cấp tự túc; ổn định lâu dài kinh tế nông hộ, khuyến khích hợp tác ở các khâu dịch vụ, cung cứng vật tư - kỹ thuật, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, cơ khí, tín dụng...
1.3. Lâm nghiệp, kiến nghị với Thành phố có quy chế rõ rệt về rừng phòng hộ, phân biệt các khu rừng phòng hộ với những diện tích rừng (nhỏ hẹp, phân tán) nhà nước đã cấp cho dân, để dân tự trồng bảo vệ và khai thác. Đối với loại rừng phòng hộ nhà nước thực hiện chính sách giao đất, giao rừng cho dân, với chính sách đầu tư kinh phí để quản lý, bảo vệ, trồng và sử dụng rừng theo đúng chức năng phòng hộ. Huyện tận dụng nguồn lợi kinh tế của lâm phần chủ yếu là khai thác thủy sản dưới tán rừng, khai thác mặt nước, trảng trống để nuôi thủy sản, làm muối, nuôi Artémia...; củi, gỗ chỉ là sản phẩm tận thu của các biện pháp kỹ thuật lâm sinh và là sản phẩm của rừng tự túc, phân tán ngoài quy hoạch rừng phòng hộ. Đồng thời Huyện cũng xác định nguồn lợi của rừng trong phát triển du lịch nghiên cứu khoa học, bảo tồn thiên nhiên môi trường phát triển của các giống loài thủy sản, chim thú, môi trường sống của cư dân.
Các giải pháp thực hiện:
+ Ngân sách Thành phố cần đầu tư ít nhất 7,5 tỷ đồng trong 5 năm để quản lý, bảo vệ, trồng mới và hoàn chỉnh diện tích lâm phần khoảng 35.000 ha (trong đó 20.000 ha rừng đước, một số diện tích dừa nước, bạch đàn..., còn lại là rừng tự nhiên). Huyện cộng tác chặt chẽ với Sở Nông nghiệp để hoàn thành giao đất giao rừng cho các hộ dân trên diện tích lâm phần còn lại. Thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm để trồng rừng phòng hộ ven biển, ven sông chống xói lở.
+ Tổng kết, nghiên cứu và đưa vào sản xuất các mô hình kết hợp sản xuất dưới tán rừng, đất trống, nước mặn... để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thêm công việc làm cho người lao động. Đây là biện pháp hết sức quan trọng, quyết định việc người dân yên tâm nhận rừng, người đầu tư tín dụng yên tâm cho dân vay vốn.
+ Thực hiện chính sách định cư có sức thuyết phục đối với người nhận rừng, bao gồm việc chăm lo sức khỏe, giải quyết học hành... giúp họ yên tâm đầu tư thâm canh và bảo vệ có hiệu quả phân rừng, đất rừng được giao.
+ Khuyến khích tư nhân có vốn đầu tư trồng, chăm sóc bảo vệ, khai thác, kinh doanh sản phẩm rừng ngoài diện tích quy hoạch rừng phòng hộ.
1.4. Nghề muối, thông qua tín dụng, thuế và chuyển giao kỹ thuật để người làm muối tiếp tục sản xuất muối và chuyển một phần diện tích vào các mục tiêu có hiệu quả hơn nhất là sản xuất Artémia.
1.5. Tiểu thủ công nghiệp: Có kế hoạch khai thác nguồn điện để phát triển tiểu thủ công nghiệp. Trong kế hoạch 5 năm, bố trí phát triển mạnh chế biến tôm đông lạnh, nước mắm, nước đá, xay xát lúa. Ngoài ra dự kiến khuyến khích phát triển thêm một số nghề có nguyên liệu tại chỗ, hoặc có nhu cầu tại địa phương (các sản phẩm thủ công từ cây cói, sản xuất thức ăn cho gia súc và tôm cá nuôi, muối xay, khô, mắm; cơ khí tàu thuyền, chế biến trái táo; chế biến hoá chất, dược liệu từ nước biển, cây rừng, thủy đặc sản).
Giải pháp quan trọng nhất để phát triển các ngành nghề này là vốn và thị trường, các ngành chức năng của Huyện cần phải tính toán và có kế hoạch thật cụ thể trong từng năm.
Đầu tư và khuyến khích sản xuất điện sinh hoạt cho các xã, ấp xa không có đường điện đi qua bằng các máy phát Diesel và các trạm phát điện mặt trời.
1.6. Thương nghiệp và dịch vụ, từ đây đến năm 1995, dự kiến một số hoạt động của Nhà nước nhằm tác động tích cực hơn vào thị trường, phục vụ cho các mục tiêu của kế hoạch kinh tế xã hội:
- Thực hiện việc đăng ký, kiểm tra thu thuế, đối với các hoạt động thương nghiệp dịch vụ theo qui định; có chính sách giảm miễn thuế cho các hoạt động phục vụ sản xuất, đời sống mà Nhà nước khuyến khích. Quản lý chặt chẽ các hoạt động tín dụng tư nhân, vận tải, xây dựng, văn hoá, ăn uống, nhà trọ, kinh doanh thuốc lá, vàng bạc... Đấu tranh xây dựng trật tự thị trường.
- Đầu tư ngân sách xây dựng, sửa chữa các chợ Bình Khánh, An Thới Đông..., các câu đò, bến xe, hệ thống cấp nước, mở rộng mạng điện, khu vui chơi trẻ em ở khu vực thị trấn.
- Sử dụng thế mạnh của kinh tế quốc doanh về cấp điện, cấp nước, thông tin bưu điện, tín dụng ngân hàng, cung ứng nhiên liệu... để tác động thúc đẩy sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực tiêu thụ, chế biến sản phẩm và cung ứng vật tư kỹ thuật.
- Khuyến khích nghiên cứu và làm thử dịch vụ tàu biển và du lịch tham quan nghiên cứu.
1.7. Về các thành phần kinh tế, cho đến năm 1995, trên địa bàn vẫn chủ yếu là kinh tế cá thể (hộ) và kinh tế quốc doanh, trong đó quốc doanh chiếu 25 - 30% giá trị tổng sản lượng và thị trường ở những khu vực sản xuất kinh doanh phù hợp với tính chất khả năng vốn, thiết bị, tay nghề và quản lý của Nhà nước.
Nhà nước tạo điều kiện cho kinh tế cá thể, nhất là các khu vực sản xuất phát triển, thông qua các chính sách đòn bẩy.
Kinh tế quốc doanh phải tiếp tục củng cố, sắp xếp lại, đồng thời tạo điều kiện vốn (được vay của ngân hàng) để hoạt động có hiệu quả và thực hiện được vai trò chủ đạo của mình.
- Về cấp điện, đến năm 1995, để đáp ứng yêu cầu sử dụng cho sản xuất và sinh hoạt cần tăng công suất lên gấp 2 mức hiện nay, tăng thêm 1 máy biến thế ở trạm An Nghĩa, đưa điện về Long Hòa, An Thới Đông, hạ thế đến hết các điểm dân cư theo thiết kế, ưu tiên cấp điện cho các cơ sở sản xuất (nuôi trồng, chế biến, công nghiệp hậu cần thủy sản...), tiếp tục hoàn chỉnh mạng lưới cung ứng năng lượng (diesel, pin mặt trời) cho các xã xa.
- Về cấp nước, trong khi tranh thủ Nhà nước đầu tư hệ thống cấp nước cho Duyên Hải, phải chăm lo tổ chức vận chuyển tốt nước về phục vụ cho sản xuất và đời sống, nhất là trong các tháng mùa khô. Tích cực huy động nhiều nguồn, từ các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, viện trợ từ thiện nước ngoài để cải thiện việc phân phối và hạ giá nước.
- Về giao thông vận tải, cần quản lý và phát triển hệ thống giao thông thủy bộ đáp ứng được nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hoá của nhân dân.
Về tín dụng ngân hàng nông nghiệp, cần kết hợp chặt chẽ với Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp trên địa bàn Huyện, đi sâu đầu tư cho sản xuất, thay đổi cơ cấu đầu tư, chú trọng đầu tư cho các thành phần ngoài quốc doanh làm ăn có hiệu quả; mở rộng đầu tư trực tiếp đến hộ gia đình, đặc biệt cho những ngành cần tập trung của kế hoạch như nuôi thủy sản xuất khẩu; vừa giải quyết công ăn việc làm cho nông - ngư dân vừa đảm bảo sản xuất có hiệu quả và bảo vệ được nguồn tài nguyên trên địa bàn.
1.8. Về xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, Huyện kiến nghị với thành phố một số chính sách như điều tiết một phần đáng kể các khoản thuế của các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn Huyện để đầu tư cho việc tiếp tục xây dựng một số công trình bức thiết, đến năm 1995, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được cơ bản hoàn thành, bao gồm: - Công trình cấp nước - Mở rộng khả năng cấp điện - Tiếp tục phát triển hệ thống giao thông đường bộ, xây dựng mỗi năm 500 mét kè đá bờ biển - Hoàn chỉnh rừng phòng hộ (kể cả quản lý trồng và bảo vệ rừng) - Hệ thống thủy lợi Bắc Duyên Hải - Mở rộng hệ thống thông tin bưu điện - Các cơ sở phục vụ nuôi trồng thủy sản và tàu biển - Hệ thống trường học, các trạm y tế, các khu vui chơi giải trí, nhà truyền thống của Huyện; - Các khu thương nghiệp dịch vụ: chợ, nhà ở...
1.9. Khuyến nông, khuyến ngư, hoạt động nghiên cứu khoa học ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Huyện cần tập trung mọi nguồn có thể huy động được, nhất là nhờ sự chỉ viện của Thành phố và của Trung ương, các cơ quan KTKT và lực lượng cộng tác viên, các đơn vị kinh tế để xây dựng các đề tài nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật. Như tổng kết rút ra một số kết luận khoa học về việc nuôi tôm bán công nghiệp, nuôi artémia, nuôi cua lột, cua cứng, cua gạch, tôm kẹt, tôm sú... Nghiên cứu chống xói lở bờ biển, thâm canh, tăng năng suất cây trồng, các giống lúa mới, cây táo, dừa nước, cói... Thực hiện công tác bảo vệ thực vật, thú y... thông tin khí tượng thủy văn, các tiến bộ kỹ thuật mới, tổ chức tham quan học tập, đúc kết kinh nghiệm.
1.10. Thuế và ngân sách:
- Thuế: Đối với Huyện, phải cải tiến, kiểm tra và tăng cường việc thu thuế theo đúng chính sách của Nhà nước và đúng hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các đơn vị và cá nhân hoạt động kinh tế; chống việc thất thu thuế do việc buông lỏng của cơ quan Nhà nước. Phấn đấu hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước nhưng đồng thời hết sức lưu ý tới tác dụng điều tiết, hướng dẫn, kích thích sản xuất và kinh doanh... nhằm thực hiện các mục tiêu đã đề ra; đặc biệt là giảm miễn thuế đối với những lĩnh vực có yêu cầu khuyến khích, và những nơi bị thiên tai mất mùa.
- Ngân sách của Huyện theo cấp dự toán, cần được tính toán để bảo vệ với cấp trên nhằm đáp ứng được yêu cầu kế hoạch đề ra. Trọng tâm chi ngân sách nhà nước Huyện là chi lương, các chương trình xã hội, công tác khuyến nông, ngư, lâm nghiệp, các kinh phí cần thiết cho các hoạt động đào tạo bồi dưỡng, chính sách cán bộ.
2. Thực hiện chương trình xã hội:
Huy động nhiều nguồn kinh phí, để thực hiện chương trình xã hội bao gồm những nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu dưới đây:
2.1. Giải quyết việc làm và đời sống: Thực hiện được các mục tiêu phát triển kinh tế ở phần nêu trên là bài toán quyết định để giải quyết việc làm, tăng năng suất và thu nhập của người lao động. Phấn đấu mỗi năm giải quyết được khoảng 50% người lao động thất nghiệp trên địa bàn, bằng biện pháp chủ yếu là phát triển kinh tế gia đình, tuyển lao động vào các công trình xây dựng cơ bản, dịch vụ. Giao cho Đoàn thanh niên hình thành các lớp dạy nghề theo các phương án được sự trợ cấp của Nhà nước, tổ chức các đội lao động để thu hút số thanh niên hoàn thành nghĩa vụ thường trực trở về, số học sinh cấp II, III ra trường. Về đời sống, phấn đấu đến năm 1993 khắc phục có hiệu quả nạn đói và đến năm 1995 căn bản xóa được tình trạng này, giảm số hộ lao động nghèo xuống dưới mức 10% số hộ toàn Huyện. Thông qua các đoàn thể và tổ chức quần chúng để xây dựng các quỹ cứu trợ, tín dụng lãi suất thấp cho người nghèo, cho những người không có việc làm ổn định, cho CNVC phát triển kinh tế gia đình; Nhà nước huyện, xã lập quỹ dự phòng để cứu tế trong những trường hợp bất trắc. Tiếp tục xây dựng nhà tình nghĩa, xây dựng quỹ bảo trợ hưu trí, các gia đình chính sách, các đối tượng xã hội và huy động tích cực để hình thành quỹ vì tuổi thơ.
Có qui định để các đơn vị kinh tế hoạt động trên địa bàn ưu tiên tuyển dụng lao động tại chỗ, Nhà nước phải có trách nhiệm sắp xếp việc làm cho bộ đội xuất ngũ. Tiếp tục kiến nghị với Thành phố thực hiện chánh sách trợ cấp hợp lý đối với đội ngũ cán bộ nhân viên, chiến sĩ phục vụ trên địa bàn Duyên Hải.
2.2. Về giáo dục, tập trung sức của ngành giáo dục kết hợp chặt với các cơ quan, đoàn thể để thực hiện phổ cập tiểu học, trước hết là các em trong độ tuổi. Niên học 1993 - 1994 phấn đấu thực hiện chỉ tiêu 90% trẻ em đến tuổi vào lớp 1. Đây là việc làm hết sức khó, do đó ngoài phần kinh phí và lực lượng của ngành, cần vận động gia đình phụ huynh đưa các em đến lớp, không bỏ học giữa chừng, hạn chế dần việc trẻ em thành lao động chính của gia đình quá sớm.
Phối hợp với các ngành của Thành phố chăm sóc sự nghiệp giáo dục, đội ngũ giáo viên của Huyện góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đẩy nhanh tiến trình nâng cao dân trí ở địa phương. Đối với những khu dân cư hẻo lánh, Huyện cần có phương án tích cực để thực hiện các mục tiêu giáo dục. Thực hiện tốt phương thức địa phương hoá và đào tạo giáo viên tại chỗ để ổn định đội ngũ nhưng không phải vì thế mà hạ thấp tiêu chuẩn của đội ngũ giáo viên, nhất là những giáo viên giỏi về chuyên môn và có phẩm chất đạo đức tốt. Khen thưởng thích đáng và có chính sách trợ cấp cho học sinh địa phương trúng tuyển vào các trường Đại học và trung học chuyên nghiệp.
2.3. Về chăm sóc sức khỏe, tăng cường mạng lưới y tế cơ sở, kết hợp chặt chẽ giữa tây y và đông y, phát huy các hình thức chữa bệnh có hiệu quả trong dân gian. Tập trung kinh phí của Nhà nước vào công tác phong trào, nhất là thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu, chương trình y tế cộng đồng; thực hiện chỉ tiêu tiêm chủng miễn dịch đến năm 1995 đạt 85% cho trẻ em dưới 1 tuổi, không để bệnh sốt rét xảy ra thành dịch và phòng chống các bệnh xã hội khác; hạ tỷ lệ phát triển dân số đến năm 1995 còn khoảng 1,7%. Nâng cao chất lượng điều trị và quan điểm phục vụ ở bệnh viện và các phòng khám khu vực. Quản lý chặt chẽ hoạt động y tế tư nhân. Thường xuyên phối hợp các đoàn thể, hội Chữ thập đỏ chăm sóc sức khỏe cho các gia đình chánh sách người nghèo và trẻ em.
2.4. Văn hoá, thể thao thông tin, tuyên truyền:
Mục tiêu chủ yếu của hoạt động thông tin, tuyên truyền là để phục vụ các nhiệm vụ chính trị, xây dựng lối sống phù hợp với điều kiện và mục tiêu KTXH. Trước hết phải tận dụng các phương tiện thông tin đại chúng (của Trung ương, Thành phố và của Huyện) để kịp thời cung cấp cho nhân dân những loại thông tin cần thiết, về tình hình thời sự, về những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, về những hoạt động của các cấp, nhằm gắn bó giữa quần chúng với Đảng, Nhà nước và các đoàn thể, củng cố từng bước niềm tin của quần chúng đối với CNXH. Để thực hiện được nhiệm vụ quan trọng này, phải củng cố hệ thống đài truyền thanh Huyện, đào tạo, bồi dưỡng, khuyến khích các nhân viên và cộng tác viên đài, rèn luyện tay nghề, cung cấp và tiếp cận thông tin với Thành phố và các nơi.
Quản lý chặt chẽ với dịch vụ văn hoá tư nhân; chọn lọc, kế thừa và phát huy các nội dung lành mạnh, tiến bộ của lễ hội cổ truyền trong nông ngư dân. Đồng thời kiên quyết đấu tranh xóa bỏ các hình thức mê tín dị đoan, các hủ tục, các tệ nạn xã hội: cờ bạc (nhất là các hình thức cờ bạc trá hình) rượu chè say sưa, trộm cướp, vidéo đen...
Xây dựng phong trào rèn luyện thân thể trong nhân dân và phong trào văn hoá văn nghệ quần chúng tại địa phương. Xây dựng đội văn nghệ thể thao của Huyện tham gia với các đơn vị bạn của thành phố để làm nòng cốt cho phong trào. Tùy khả năng của từng xã có thể hình thành các đội văn nghệ quần chúng nghiệp dư để làm hạt nhân cho phong trào văn nghệ quần chúng. Đồng thời có kế hoạch thu hút các đội văn nghệ thể thao chuyên nghiệp đến với Duyên Hải, nhất là ở các vùng dân cư hẻo lánh.
3. An ninh quốc phòng:
Mục tiêu công tác an ninh quốc phòng trong thời gian tới là: giữ vững an ninh bờ biển, chống xâm nhập và vượt biển; đảm bảo sự ổn định chính trị trên địa bàn, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu hành động phá hoại và kích động gây bạo loạn của địch, tích cực phòng ngừa và chủ động tấn công các loại tội phạm, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng Huyện.
Về an ninh chính trị, trước hết là tăng cường công tác tư tưởng, nêu cao tính chiến đấu trong đấu tranh bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, bảo vệ thành quả của công cuộc đổi mới; vạch trần và chống lại những âm mưu, thủ đoạn của địch, bọn cơ hội lợi dụng đổi mới, dân chủ để kích động gây mất ổn định chính trị. Cần kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ bảo vệ giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội với tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng giao lưu hợp tác kinh tế - xã hội với các tổ chức, cá nhân bên ngoài; kết hợp chặt chẽ giữa các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa, giáo dục với việc phải liên tục tấn công, không khoan nhượng với bất cứ một loại tội phạm nào. Tăng cường công tác an ninh kinh tế, đấu tranh bảo vệ tài sản XHCN, tài sản công dân; trừng trị nghiêm khắc bọn lưu manh, côn đồ, tái phạm hay nguy hiểm. Phát động sâu rộng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng cơ quan xí nghiệp an toàn, xã, ấp vững mạnh; nhất là ở các địa bàn trọng điểm như Cần Thạnh, Bình Khánh, Long Hòa. Tập trung giải quyết khôn khéo các nhân tố dễ gây bùng nổ về chính trị như tranh chấp ruộng đất, đầm, đập, các khoản nợ tín dụng. Có sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương giáp ranh: Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang... trong việc đấu tranh chống hoạt động phá hoại của địch và các loại tội phạm khác.
Xây dựng lực lượng công an vững mạnh, trong sạch có bản lĩnh chính trị, nâng cao chất lượng hoạt động về mọi mặt nhất là đối với lực lượng an ninh và mạng lưới an ninh nhân dân, kết hợp chặt chẽ giữa các lực lượng Công an, Biên phòng và Quân đội trong việc giữ gìn an ninh chính trị và trật tự xã hội. Kiến nghị với thành phố cần xác định rõ ràng chức năng nhiệm vụ ranh giới, quyền hạn giữa lực lượng Biên phòng với Công an và chính quyền địa phương trong việc quản lý địa bàn, nhất là ở các xã có Đồn Biên phòng. Bằng một phần kinh phí huyện và nguồn tài trợ của thành phố cùng với quỹ an ninh quốc phòng chăm sóc tốt đời sống vật chất và tinh thần đối với lực lượng vũ trang, đồng thời tăng cường trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật, đảm bảo cho công an, quân sự, biên phòng đủ sức hoạt động có hiệu quả:
Về nhiệm vụ quốc phòng của huyện, phải tiếp tục xây dựng, bổ sung vào các phương án phòng thủ khu vực. Tăng cường công tác giáo dục quốc phòng cho nhân dân trước hết cho cán bộ chiến sĩ, công nhân viên chức. Thường xuyên kiểm tra các phương án hành động, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của các LLVT, gắn kế hoạch phát triển KT-XH của Huyện với kế hoạch phòng thủ bảo vệ huyện. Xây dựng lực lượng thường trực với quân số hợp lý. Củng cố lực lượng dự bị động động viên và dân quân tự vệ, lấy chất lượng làm chính. Bằng nguồn kinh phí dành cho quốc phòng và các nguồn vận động khác, Nhà nước và nhân dân có trách nhiệm chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho bộ đội; thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, gắn với phát động rộng mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa của toàn xã hội đối với các gia đình thương binh liệt sĩ.
4. Cải tiến hoạt động của hệ thống chính quyền:
Trước mắt từ nay đến năm 1993 sẽ tiến hành một số công việc sau đây:
Tiếp tục cải tiến, hoàn thiện qui chế hoạt động của HĐND theo đúng luật tổ chức HĐND - UBND; chú trọng đề cao trách nhiệm của các ban chuyên trách và từng đại biểu HĐND, nhất là các đại biểu là đảng viên phải gương mẫu thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình.
Xây dựng đề án cải tiến cơ chế QLNN trên địa bàn huyện theo hướng dẫn của trên, làm cơ sở tiếp tục tổ chức lại bộ máy, nhân sự các phòng ban chuyên môn; xác định lại chức năng nhiệm vụ của từng bộ phận, từng cơ quan HCSN, từng chức danh trong các cơ quan và các mối quan hệ trong hoạt động quản lý. Việc sắp xếp tổ chức các cơ quan quản lý phải căn cứ vào đặc thù của Huyện, vào mức độ phân cấp quản lý dành cho huyện, phù hợp với trình độ phát triển sản xuất, trình độ tổ chức quản lý, bảo đảm cho các cơ quan hoạt động ổn định và có hiệu quả.
Cải tiến tổ chức và hoạt động của các cơ quan quản lý đòi hỏi phải gắn liền với công tác đào tạo, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, tinh gọn biên chế hành chánh theo hướng: người nào có khả năng đáp ứng được công việc thì tiếp tục bố trí làm việc, ai không có khả năng thì có biện pháp chuyển sang công tác khác thích hợp hoặc cho nghỉ việc hưởng đầy đủ chế độ chính sách qui định. Đối với cán bộ có triển vọng làm việc được nhưng chưa được đào tạo, cần gởi đi học ở các trường chính trị hoặc nghiệp vụ theo đúng quy hoạch đào tạo.
Tiếp tục thực hiện cuộc vận động cải tiến thủ tục hành chánh, giảm phiền hà cho dân ở UBND Huyện và xã, các cơ quan chức năng có quan hệ trực tiếp với dân. Xây dựng qui chế làm việc rõ ràng, chặt chẽ; qui định các chế độ, qui trình, trách nhiệm của từng cơ quan, từng công chức trong khi thi hành nhiệm vụ theo qui định của HĐBT. Đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực trong các cơ quan chính quyền.
Tiếp tục kiện toàn các cơ quan tòa án, kiểm sát, thanh tra; tăng cường cán bộ có năng lực và đức độ cho các cơ quan này.
5. Cải tiến và nâng cao chất lượng công tác quần chúng của Đảng:
Mục tiêu công tác vận động quần chúng trong thời gian tới là: thông qua việc đáp ứng nguyện vọng và các lợi ích chính đáng của quần chúng, vận động các phong trào hành động cách mạng trong các tầng lớp nhân dân, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu KT-XH thời kỳ 1991 - 1995. Trên cơ sở tiếp tục cải tiến hoạt động của các đoàn thể quần chúng và UB.MTTQ, giữ vững mối liên hệ mật thiết giữa Đảng bộ và nhân dân. Khẳng định nhiệm vụ vận động quần chúng là của toàn Đảng bộ, bộ máy chính quyền và các đoàn thể.
UB.MTTQ và các đoàn thể cần căn cứ vào Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện để đề ra các nội dung hoạt động thiết thực, phù hợp với từng đối tượng mình phụ trách. Cụ thể là thực hiện các mục tiêu xóa nạn đói; giảm số hộ lao động nghèo; bảo đảm cho các em trong độ tuổi đi học được đến trường, chăm sóc sức khỏe, giảm bệnh tật trong nhân dân, đẩy mạnh các hoạt động tương thân tương trợ lẫn nhau; tiếp tục 4 cuộc vận động lớn đầu tư chống tham nhũng, tham ô, lãng phí, làm phiền hà dân... Qua thực tiễn phong trào nâng cao tính tự giác của quần chúng, nhất là ở nông dân, ngư dân, công chức, phát huy tính tích cực xã hội của các tầng lớp nhân dân, tăng cường củng cố khối đoàn kết toàn dân phấn đấu cùng thành phố và cả nước thoát nhanh ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội hiện nay.
Cần tập trung thực hiện các giải pháp sau đây:
- Tiếp tục cải tiến mạnh mẽ về chất lượng tổ chức cơ sở của các đoàn thể, đảm bảo cơ sở thật sự chủ động thực hiện được công việc. Bộ máy cấp huyện cần tinh gọn, phát huy đội ngũ không chuyên trách; cải tiến lề lối làm việc, chuyển hoạt động chủ yếu về cơ sở, gắn với quần chúng. Củng cố nâng cao chất lượng đoàn viên hội viên, sàng lọc lại đội ngũ trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tham gia tự nguyện và nâng cao chất chính trị, quan điểm quần chúng. Tiếp tục đa dạng hoá các hình thức tập hợp quần chúng theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và sự quản lý của các cơ quan chính quyền. Gắn liền việc mở rộng các hình thức tập hợp với việc xây dựng và phát triển các tổ chức cơ bản, truyền thống như: Đoàn TNCS, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Liên đoàn lao động làm lực lượng nòng cốt trong các tổ chức quần chúng rộng rãi ở từng đơn vị cơ sở, nhất là ở các xã trong các đơn vị sản xuất, kinh doanh.
- Căn cứ vào các Nghị quyết của Đảng về công tác vận động quần chúng, và sự hướng dẫn của cấp trên, đồng thời xuất phát từ thực tiễn của địa phương, Huyện cần có những hướng dẫn cụ thể về mối quan hệ, lề lối làm việc giữa Đảng và các đoàn thể, giữa các đoàn thể và hệ thống chánh quyền, giữa cấp ủy xã với các đoàn thể cấp huyện (về vi phạm, trách nhiệm và quyền hạn).
- Ngoài những nhiệm vụ, chức năng được quy định trong điều lệ, các đoàn thể quần chúng và MTTQ trên địa bàn huyện cần chú ý thực hiện các nhiệm vụ cụ thể sau đây:
Liên đoàn lao động cần xây dựng đội ngũ những người lao động, bao gồm giới công chức, công nhân công nghiệp và những người lao động chuyên nghiệp thuộc ngành ngư. Chú trọng giúp đỡ, khuyến khích, nâng cao trình độ văn hoá, tay nghề, kiến thức khoa học, kiến thức quản lý... để người lao động theo kịp xu thế phát triển của tình hình. Liên đoàn cần đề xuất với chính quyền cấp huyện các chủ trương, chính sách phù hợp với lợi ích chính đáng của công nhân lao động như việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, nguồn vốn để sản xuất, các dịch vụ ngư nghiệp v.v... Kiểm tra việc thực hiện đầy đủ luật công đoàn. Thành lập công đoàn thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, nhất là trong ngư dân.
Hội Nông dân Việt Nam Huyện, tiếp tục vận động nông dân cùng các ngành, đoàn thể thực hiện nghị quyết 10 của Bộ Chính trị và các Nghị quyết của Trung ương, Thành phố về nông nghiệp và nông thôn ngoại thành. Phát động phong trào "3 giỏi". Đặc biệt chú ý phong trào xây dựng những hình thức hợp tác từng mặt giữa các hộ nông dân, phong trào "tương trợ sản xuất giỏi, giúp nhau làm giàu", làm thủy lợi, chống sâu rầy, bảo vệ thực vật... Kiến nghị với chánh quyền những chánh sách hợp lý về thuế, vốn, tín dụng, giá cả, thị trường, vật tư nông nghiệp để tạo điều kiện giúp nông dân đẩy mạnh sản xuất. Cùng với chính quyền tổ chức tổng kết vụ mùa, nhân rộng các mô hình sản xuất giỏi, các hộ kinh tế gia đình làm ăn có hiệu quả. Nông hội phải là lực lượng nòng cốt trong cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu: xóa đói, giảm nghèo, xóa nạn mù chữ và chống dịch bệnh sốt rét trong nông dân.
Hội Liên hiệp Phụ nữ, cần vận động chị em giúp nhau vốn, phương tiện phát triển kinh tế gia đình. Làm nòng cốt trong việc vận động xây dựng gia đình văn hoá mới, nuôi con khỏe dạy con ngoan, thu hẹp diện suy dinh dưỡng ở trẻ em, vận động sinh đẻ có kế hoạch. Đấu tranh chống các tệ nạn xã hội, văn hoá đồi trụy, nếp sống sa đọa; góp phần bảo vệ sức khỏe, nhân phẩm phụ nữ và đạo đức trẻ em. Giám sát và kiến nghị với chánh quyền những vấn đề có liên quan đến chính sách và quyền lợi lao động nữ.
Hội Cựu chiến binh, cần tập trung tổ chức lại đội ngũ cựu chiến binh làm nòng cốt trong đội ngũ cán bộ hưu trí, làm tốt công tác giáo dục truyền thống và nêu gương đối với thế hệ trẻ. Hội cần tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, kịp thời vận động quần chúng tương trợ giúp đỡ và kiến nghị với chính quyền trợ cấp cho những cựu chiến binh và cán bộ hưu gặp khó khăn. Thường xuyên đóng góp ý kiến xây dựng Đảng bộ và chính quyền địa phương.
Hội Chữ thập đỏ, cần kết hợp với các đoàn thể quần chúng UB.MTTQ và Trung tâm Y tế, các trạm xá xã để hoàn thành tốt công tác từ thiện, giúp đỡ các hộ gia đình nghèo, những người gặp hoạn nạn... quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài trợ của các hội từ thiện trong và ngoài nước. Tiếp tục củng cố hoạt động Chữ thập đỏ ở cơ sở.
Mặt trận tổ quốc, cần thực hiện tốt vai trò đầu mối phối hợp các đoàn thể, gắn bó nhân dân với Đảng bộ và chính quyền. Củng cố đội ngũ chức sắc tôn giáo tiến bộ làm nòng cốt tập hợp rộng rãi các tín đồ trong các tôn giáo nhất là đạo Cao đài, Phật giáo và Thiên chúa giáo trên địa bàn. Cùng với các đoàn thể quần chúng phát huy vai trò kiểm tra giám sát công việc của chính quyền.
Cải tiến sự lãnh đạo của Đảng bộ đối với các đoàn thể theo hướng: xây dựng chương trình công tác quần chúng của từng cấp ủy trong từng thời gian, có mục tiêu chỉ tiêu cụ thể, có phân công trách nhiệm, đôn đốc kiểm tra thực hiện đối với từng đảng viên; cấp ủy tiếp xúc làm việc định kỳ hàng tháng với các đoàn thể. Phát huy đúng mức vai trò của các tổ chức Đảng đoàn trong các cơ quan đoàn thể và các tổ chức quần chúng ở cấp Huyện. Ở cấp xã và các cơ quan, đơn vị, cấp ủy trực tiếp chỉ đạo các đoàn thể, thông qua các đảng viên được phân công phụ trách các đoàn thể để kiểm tra việc thực hiện các chủ trương của cấp ủy Đảng ở cơ sở. Quan tâm bố trí các đảng viên có năng lực có uy tín tham gia hoạt động trong các đoàn thể, có chính sách đãi ngộ và chăm lo tương xứng. Chú trọng việc phát hiện, bồi dưỡng cán bộ quần chúng trở thành đội ngũ cốt cán của Đảng.
Các đoàn thể, UBMTTQ nghiên cứu kiến nghị với chính quyền cụ thể hoá Nghị quyết của Đại hội đảng bộ huyện thành các văn bản pháp quy, thực hiện các chủ trương bằng qui chế; thể chế phù hợp. Cần tiếp tục phát huy kinh nghiệm lấy ý kiến đóng góp của quần chúng với những chủ trương chính sách có liên quan trực tiếp đến đời sống, quyền lợi của dân, thể hiện đúng phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Tăng cường công tác tiếp dân, xem xét và kịp thời giải quyết các thắc mắc, khiếu nại, khiếu tố của dân. Cần có qui định để mọi cán bộ, nhân viên nhà nước đều có trách nhiệm làm công tác quần chúng qua việc thực hiện đúng chức năng của mình, giữ vững phong cách của người công chức của chính quyền cách mạng.
6. Tiếp tục đổi mới và chỉnh đốn Đảng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ:
Để đủ sức lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, công tác xây dựng Đảng trong 5 năm tới phải: "Tiếp tục đổi mới và chỉnh đốn Đảng, nhằm nâng cao kiến thức, năng lực chỉ đạo thực tiễn và sức chiến đấu của Đảng bộ, củng cố niềm tin và tạo sự gắn bó giữa Đảng và quần chúng".
6.1. Tăng cường công tác chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức cho cán bộ đảng viên, tạo sự nhất trí với đường lối đổi mới của Đảng:
Phải bảo đảm cho cán bộ đảng viên được nghiên cứu các Nghị quyết của Đại hội 7, Nghị quyết Đại hội 5 của Đảng bộ thành phố và Nghị quyết Đại hội 6 của Huyện; qua đó củng cố lập trường chính trị vững vàng trước những biến động và những khó khăn trên thế giới và trong nước, khắc phục những hoài nghi dao động trong một số đảng viên, tạo sự nhất trí với chủ trương đổi mới của Đảng.
- Có kế hoạch bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hoá, kiến thức cho đội ngũ đảng viên nhất là đảng viên trẻ. Việc bồi dưỡng kiến thức phải gắn với hoạt động thực tiễn, do đó cần làm tốt công tác tổng kết thực tiễn, đúc kết kinh nghiệm nhằm nâng cao kiến thức năng lực chỉ đạo của cấp ủy.
- Có chương trình, kế hoạch và kịp thời thông tin đầy đủ các chủ trương, chính sách, tình hình thời sự theo chế độ quy định đến tận đảng viên, thể hiện tính công khai trong hoạt động tư tưởng của Đảng bộ.
Tăng cường giáo dục ý thức cảnh giác cách mạng cho đảng viên. Đấu tranh chống những hành độ cơ hội, bè phái gây mất đoàn kết nội bộ, đề cao ý thức chấp hành nghị quyết của Đảng.
6.2. Làm trong sạch Đảng nâng cao chất lượng đảng viên, củng cố tổ chức cơ sở Đảng:
Hưởng ứng cuộc vận động "Chỉnh đốn Đảng theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh" do Thành ủy phát động, có kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ đảng viên hiện có. Xác định rõ nhiệm vụ, yêu cầu đối với cán bộ đảng viên hoạt động ở các khu vực khác nhau trong hệ thống Đảng, cơ quan dân cử, các đơn vị kinh tế, trong LLVT... nhằm nâng cao trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân, thể hiện được sự lãnh đạo của Đảng thông qua từng đảng viên cụ thể. Đấu tranh chống những biểu hiện cơ hội, thoái hoá biến chất, cục bộ bè phái, đưa ra khỏi Đảng những người không còn tư cách, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình để giữ gìn sự thống nhất, đoàn kết trong nội bộ.
Bồi dưỡng đưa vào Đảng những đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh và những quần chúng ưu tú đang hoạt động ở cơ sở, nhất là ở các xã: phát triển Đảng trong nhân dân lao động; ở các đơn vị kinh tế, sự nghiệp phát triển Đảng trong các đối tượng trực tiếp sản xuất, kinh doanh hoặc có những hoạt động tác động trực tiếp đến quần chúng. Củng cố chất lượng, tăng nhanh số lượng đảng viên tạo sức mạnh cho Đảng bộ.
Tiếp tục nghiên cứu để đề xuất việc xác định nhiệm vụ của từng loại hình cơ sở đảng, sắp xếp lại các tổ chức cơ sở Đảng nhất là ở các cơ quan hành chánh sự nghiệp cho phù hợp với điều kiện hoạt động và số lượng đảng viên.
Cải tiến nội dung sinh hoạt Đảng ở tổ chức cơ sở Đảng và chi bộ bộ phận phù hợp với từng loại hình, đảm bảo Nghị quyết của cấp trên được quán triệt và có chương trình thực hiện ở cơ sở; khắc phục tình trạng tùy tiện trong tổ chức sinh hoạt Đảng. Sinh hoạt Đảng phải có nền nếp, ra đợc Nghị quyết nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc của quần chúng, đảng viên.
Các tổ chức Đảng và chi bộ bộ phận thuộc cơ sở Đảng phải hình thành theo khu vực ấp, các đảng viên đương chức phải sinh hoạt ở tổ Đảng hoặc chi bộ ấp, gắn đảng viên với các khu vực dân cư.
6.3. Kiện toàn nâng cao chất lượng hoạt động của cấp ủy:
Qua Đại hội Đảng Huyện ủy và cấp ủy cơ sở phải có quy chế hoạt động, quy định rõ chế độ làm việc, nhiệm vụ của các ủy viên, chế độ kiểm tra thực hiện Nghị quyết; nâng cao năng lực chỉ đạo thực tiễn của cấp ủy và từng ủy viên. Coi trọng chế độ làm việc của các cấp ủy viên theo khối nhằm giúp cho cấp ủy chỉ đạo tốt các nghị quyết chuyên đề.
Tập trung bồi dưỡng đào tạo và đào tạo lại bí thư và ủy viên cấp ủy cơ sở, thường xuyên củng cố các cấp ủy để đủ sức lãnh đạo.
Song song với việc kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của các cấp ủy, tiến hành sắp xếp lại tổ chức và bộ máy Đảng chính quyền, đoàn thể theo hướng gọn nhẹ, đúng chức năng của từng tổ chức, bớt trùng lắp, trung gian, nhanh chóng củng cố các ban của Đảng ở cấp Huyện.
6.4. Đổi mới đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ:
Trước mắt tổ chức rà soát, phân loại, điều chỉnh bố trí lại cán bộ; kiên quyết thay thế số cán bộ kém năng lực và phẩm chất, không đảm đương nổi nhiệm vụ, làm ăn không có hiệu quả, số cán bộ lớn tuổi không phát huy được. Cần dựa vào quần chúng và tập thể đảng viên, bằng cách làm dân chủ và công khai mà phát hiện cán bộ tốt. Tổ chức bầu cử dân chủ để chọn cán bộ đủ tiêu chuẩn vào cấp ủy cơ sở ở Đại hội vòng 2.
Tiếp tục thực hiện công tác quy hoạch cán bộ. Xây dựng quỹ đào tạo; gắn với qui hoạch, xác định yêu cầu cụ thể trong từng lĩnh vực mà đào tạo mới và đào tạo lại cán bộ để bố trí cho phù hợp, nhất là cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ công tác Đảng, công tác quần chúng.
6.5. Lãnh đạo Đoàn TNCS Hồ Chí Minh:
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Huyện phải được củng cố, xây dựng lại cho đúng với vị trí là đội dự bị tin cậy, thường xuyên bổ sung lực lượng trẻ cho Đảng bộ, là người đại diện quyền lợi của thanh niên, làm nòng cốt trong phong trào thanh niên, có trách nhiệm tập hợp chăm lo giáo dục đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh của Huyện.
Các cấp ủy phải thường xuyên lãnh đạo, chăm lo bồi dưỡng tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; coi đó là nhiệm vụ hết sức quan trọng của công tác xây dựng Đảng.
Nhiệm vụ chủ yếu của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là làm nòng cốt cho phong trào thanh niên, đoàn kết tập hợp các tầng lớp thanh niên trong Ủy ban Hội Liên hiệp thanh niên bằng các hình thức đa dạng vì lợi ích và sở thích phù hợp với từng đối tượng thanh niên ở các khu vực ngư nông nghiệp, thanh niên là công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, học sinh. Qua đó mà giáo dục, bồi dưỡng nhận thức và niềm tin cho thanh niên, phát triển lực lượng đoàn viên thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Thông qua phong trào Đoàn ở cơ sở giới thiệu cho Đảng những đoàn viên ưu tú để cung cấp lực lượng trẻ cho Đảng bộ. BCH Đoàn phải là nơi thường xuyên cung câp cán bộ cho Đảng bộ.
*
**
Đại hội lần thứ VI của Đảng bộ phải là Đại hội đánh dấu một bước phát triển có ý nghĩa quyết định trong việc tăng cường năng lực lãnh đạo của Đảng bộ để thực hiện cho kỳ được mục tiêu hàng đầu của toàn Đảng, toàn dân trên địa bàn huyện trong kế hoạch 5 năm này là: XÓA ĐÓI - GIẢM NGHÈO - XÓA MÙ CHỮ - PHÒNG CHỐNG BỆNH SỐT RÉT KHÔNG ĐỂ PHÁT TRIỂN THÀNH DỊCH; tạo những điều kiện vững chắc ban đầu để khai thác tiềm năng kinh tế biển, góp phần tích cực cùng thành phố cùng thành phố thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng về kinh tế - xã hội hiện nay.
BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ KHÓA VI