Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Bản kiểm điểm của Ban chấp hành Huyện ủy huyện Hóc Môn nhiệm kỳ III

(Do đ/c Lâm Văn Lá – Bí thư Huyện ủy trình bày)

Qua ba năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Huyện lần III và các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương và Thành phố, dựa vào hướng dẫn kiểm điểm của Ban Tổ chức Trung ương, Ban Chấp hành kiểm điểm về nhận thức, quan điểm lãnh đạo và thực hiện, thấy nổi lên những ưu khuyết điểm chủ yếu sau đây:

PHẦN MỘT

VỀ QUÁN TRIỆT ĐƯỜNG LỐI, QUAN ĐIỂM VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

* ƯU ĐIỂM

- Các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương và Thành phố đều có triển khai đến tận các tổ chức Đảng ở cơ sở. Nói chung, Ban Chấp hành đã quán triệt được tinh thần cơ bản của chỉ đạo cấp trên và đã cố gắng làm cho bên dưới kể cả quần chúng quán triệt tinh thần ấy, trong đó nhiệm vụ chính trị cơ bản của Huyện là phải sản xuất lương thực, thực phẩm, vừa giải quyết đời sống nhân dân tại chỗ, vừa cung cấp cho cả Thành phố.

- Nghị quyết Đại hội Huyện Đảng bộ lần III Ban Chấp hành luôn bám và tổ chức thực hiện.

- Ba năm lãnh đạo, Ban Chấp hành đã tác động trong toàn Đảng bộ và nhân dân thực hiện được nhiều thành tựu trên nhiều lĩnh vực như trong bản báo cáo đã nêu. Ở đây chỉ rút ra một số mặt nổi mà Ban Chấp hành có mức độ tập trung lãnh đạo.

Về công tác cải tạo:

Ban Chấp hành đã xác định là nhiệm vụ chính trị số một phải tập trung lãnh đạo. Trong cải tạo, phải đi đôi với cải tạo nông nghiệp và công thương nghiệp, nhưng phải tập trung cải tạo nông nghiệp cho bằng được theo tinh thần Nghị quyết 21/TU.

Kết quả, tuy chất lượng cần phải tiếp tục củng cố nâng lên nhưng phải khẳng định là trong thời gian không dài lắm, dưới sự tập trung lãnh đạo của Ban Chấp hành và quyết tâm của toàn Đảng bộ đã phát động được phong trào làm ăn hợp tác của quần chúng nông dân, cơ bản đã thiết lập được quan hệ sản xuất mới trong nông dân, xóa được tình trạng bóc lột nông dân nghèo, với tỷ lệ 93,5% hộ nông nghiệp vào tập thể hóa, (thời điểm đầu năm 1985) định hình được 30 HTX và 37 tập đoàn sản xuất với cơ sở nhà làm việc, nhà kho, sân phơi cũng đã được xây dựng. Đây là bước ngoặc lịch sử của phong trào (vì trước đây chưa hề làm được việc này) mà lãnh đạo cần phải được đánh giá đúng mức để có bước đi tới đây cho thích hợp.

Đi liền với cải tạo, việc sản xuất cũng có chú ý lãnh đạo. Trong nông nghiệp vẫn nghiêm chỉnh thực hiện nhiệm vụ chính trị là sản xuất rau để phục vụ cho Thành phố, mặc dù giá cả vật tư, hàng đối lưu như gạo… thiếu chính sách thỏa đáng cho người trồng rau. Diện tích, sản lượng năm 1985 so với năm 1983 – 1984 có giảm nhưng vẫn duy trì ở mức độ cao. Mía do vật tư và giá không thỏa đáng, nông dân có khuynh hướng triệt tiêu sản xuất, nhưng do chỉ đạo kịp thời, tháo gỡ, tạo điều kiện cho vùng mía nên diện tích chỉ giảm chút ít. Đậu phộng có nâng lên, mặc dù chỉ tiêu Nghị quyết chưa đạt nhưng so năm 1983 hiện nay có tăng. Thuốc lá sợi vàng đã có tổ chức trồng thí điểm để rút kinh nghiệm nhân ra. Trúc, điều, tiêu… đều có phát triển. Nuôi tôm phát triển ở vùng An Phú Đông đã thực hiện được. Đàn heo với giá cả thức ăn lẽ ra còn giảm hơn nữa, nhưng Ban Chấp hành cũng đã lãnh đạo duy trì được, mặc dù đầu heo chưa đạt với chỉ tiêu Nghị quyết. Trâu, bò nói chung duy trì được đàn con.

Đi đôi với nông nghiệp, khu vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp cũng đã được cải tạo và sắp xếp lại ngành nghề cho hợp lý (có 47 HTX, 36 tổ hợp so trước Đại hội III chỉ có 11 HTX, 52 tổ hợp). Hiện tượng tiêu cực trong các HTX, tổ hợp đã được giảm dần.

Khu vực thương nghiệp, dịch vụ cũng được cải tạo sắp xếp lại ở mức khá hơn trước. Trước có 36 cửa hàng quốc doanh, còn lại đều ở dạng tư nhân, cá thể, nay đã tổ chức được 48 cửa hàng quốc doanh, 113 cửa hàng liên doanh, hợp doanh, hơn 221 điểm bán và các hộ C ở nhiều xã, thị trấn đã tổ chức dưới dạng tổ, đại lý, ngành hàng (06 tổ, 101 cửa hàng đại lý).

Thực hiện Nghị quyết 21/TU:

Ba năm qua, Huyện Đảng bộ thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã xây dựng được nhiều công trình trong và ngoài kế hoạch để phục vụ sản xuất và đời sống, một chừng mực làm đổi mới bộ mặt nông thôn. Năm 1985 tổng số vốn đầu tư xây dựng cơ bản tăng 7,5 lần so năm 1984. Một số công trình có ý nghĩa lớn như xây dựng hệ thống điện trung, hạ thế khắp các xã, chợ, trường học, nhà trẻ, trạm xá, nhà tình nghĩa, trại heo giống, trụ sở làm việc của Ủy ban Nhân dân xã, nhà làm việc, sân phơi, nhà kho của các HTX nông nghiệp, sửa chữa và xây mới hệ thống kho tàng của các đơn vị thương nghiệp, cầu đường cũng được duy tu, xây mới, bảo đảm được nhu cầu xã hội, mạng lưới thông tin liên lạc của ngành Bưu điện, Đài Truyền thanh cũng đã được xây mới và từng bước đi vào hoàn chỉnh.

Về an ninh quốc phòng và pháp chế:

Với ý thức hai nhiệm vụ chiến lược, Ban Chấp hành đã chỉ đạo xuyên suốt. Về an ninh đã chuyển hóa được các địa bàn trọng điểm, xây dựng được 12/15 xã, thị trấn và nhiều cơ quan, xí nghiệp an toàn. Từ một đơn vị trung bình năm 1983 đến năm 1985 trở thành đơn vị quyết thắng, đảm bảo được an ninh chính trị và trật tự xã hội. Việc nắm hộ, nắm người đang thực hiện từng bước có kết quả. Phong trào an ninh bảo vệ Tổ quốc phát triển tốt.

Công tác quốc phòng, về giáo dục ý thức cũng như tổ chức hoạt động được tiến hành tương đối có nề nếp. Công tác động viên thanh niên thi hành nghĩa vụ quân sự, công tác quản lý quân dự bị, dân quân tự vệ ở các xã, cơ quan, xí nghiệp… tương đối chặt chẽ. Cuối năm 1985, với sự giúp đỡ của Quân khu 7, Thành Đội, Sư đoàn 317 đã tổ chức diễn tập quân dự bị 1 đạt thắng lợi, rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu.

Việc chăm lo đời sống:

Việc chăm lo đời sống cho cán bộ công nhân viên và nhân dân lao động và đối tượng hưởng chính sách là mối quan tâm thường xuyên của Đảng bộ, vốn là Huyện đất ít, người đông, ngành nghề chưa phát triển, hàng chục ngàn lao động chưa có việc làm ổn định, năng suất lao động trong nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa có điểu kiện nâng lên nhưng cả Đảng bộ cũng đang tìm mọi cách để giải quyết. Kết quả, trong nông nghiệp đã thực hiện điều chỉnh ruộng đất, đưa hơn 1.000ha đất sản xuất cho nông dân thiếu ruộng, đã ổn định hơn 5.000 lao động nông nghiệp có phương tiện làm ăn sinh sống. Trong khu vực tiểu thủ công nghiệp đã hợp đống với các ngành kinh tế Trung ương, ổn định sản xuất trên 9.000 lao động, đảm bảo đời sống gần 16.000 người. Ngoài ra, đưa 2.439 hộ đi lập nghiệp ở các vùng kinh tế mới. Thành lập Liên đội Thanh niên Xung phong thu hút hơn 300 lao động làm Đội viên thường trực sản xuất. Tổ chức được trường dạy nghề và vận động 500 thanh niên đi xây dựng kinh tế quốc phòng.

Đã giải quyết hơn 1.265 hộ cán bộ công nhân viên và gia đình hưởng chính sách được hưởng chế độ đãi ngộ bao gồm được giúp đỡ về nhà ở, trợ cấp khó khăn v.v… Hầu hết các đơn vị sản xuất, kinh doanh đều đảm bảo được chế độ ăn trưa và trích thưởng thường xuyên cho cán bộ công nhân viên. Ngành Công an, Quân đội đều có sản xuất phụ để cấp thêm cho cán bộ, chiến sĩ. Các xã, thị trấn đều có kế hoạch sản xuất tập thể, sản xuất gia đình để ổn định cuộc sống cho cán bộ nhân viên. Các đoàn thể tuy có khó hơn các ngành kinh tế nhưng từng đơn vị đều có kế hoạch sản xuất tập thể và gia đình cán bộ chuyên trách vẫn đứng vững trên vị trí của mình.

Các hộ nghèo, neo đơn, gia đình chính sách, người già, trẻ em bụi đời, thất bỏ học, với tinh thần tương thân, tương trợ, đùm bọc trong lúc khó khăn, các đoàn thể đã vận động các ngành kinh tế, các hộ khá giả hỗ trợ nên cơ bản đã được giải quyết.

Công tác xây dựng lực lượng:

a) Về xây dựng Đảng: Đã xác lập được vai trò Đảng lãnh đạo tận các đơn vị xã, ấp, HTX, tập đoàn sản xuất, trường học, bệnh viện, xí nghiệp, cơ quan v.v… Đây là sự quyết tâm xây dựng với tinh thần trách nhiệm cao của từng Đảng viên. Lấy xây dựng Đảng trên ba mặt làm nội dung, lấy 5 yêu cầu của Chỉ thị 24/TW làm mục tiêu, trong thời gian qua đã không ngừng nâng tổng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh ngày nhiều (1980 – 1981): 29%; Năm 1983 – 1984: 57%).

- Hiệu quả lãnh đạo của Ban Chấp hành đã được phát huy qua các phong trào cải tạo, sản xuất, an ninh quốc phòng, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, chăm lo đời sống nhân dân và đào tạo đội ngũ cán bộ cho CNXH. Huyện ủy đã bố trí cho 07 đồng chí Huyện ủy viên trực tiếp làm nhiệm vụ Bí thư, Chủ tịch để thông qua đó Huyện ủy nắm được tình hình và lãnh đạo kịp thời phong trào quần chúng.

Địa bàn xã, thị trấn bao giờ vẫn có ý nghĩa quyết định cho bước đi của Huyện; Do đó, Huyện ủy luôn chăm sóc và kiện toàn những cơ sở yếu kém. Trong ba năm qua, đã có 09 đơn vị lần lượt được củng cố, kiện toàn chức danh Bí thư, Chủ tịch. Vừa để giữ mối đoàn kết nội bộ, vừa phát huy khả năng của các đồng chí nghỉ hưu, Huyện ủy đã bố trí 04 đồng chí hưu giữ chức danh Bí thư xã.

- Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Đảng viên cũng có nhiều cố gắng. Ngoài số gởi đi học tập trung ở các Trường Đảng Trung ương và Thành phố, Huyện còn mở lớp Tại chức cho số Đảng viên trẻ với chương trình cơ sở và mở thí điểm lớp sơ cấp. Qua học tập, trình độ lãnh đạo của cán bộ, Đảng viên nhất là số trẻ đã có bước trưởng thành và nắm bắt được chủ trương, đường lối của Đảng và vận dụng có kết quả.

Công tác phát triển Đảng viên đã có quan tâm hơn trước. Trong nhiệm kỳ đã phát triển trên 600 Đảng viên mới. Số Đảng viên mới phát triển đa số ở cơ sở, có một số trực tiếp sản xuất, một số ở các cơ sở kinh doanh, một số ở đơn vị Công an v.v… Số Đảng viên mới phát triển, nhìn chung phẩm chất, đạo đức tốt, phát huy được tác dụng.

b) Đoàn Thanh niên đã được củng cố và giữ được vai trò xung kích trong các phong trào cải tạo, sản xuất, học tập, phân phối lưu thông và an ninh quốc phòng. Trong ba năm qua, Đoàn đã phát triển được 6.881 Đoàn viên, giới thiệu 1.145 Đoàn viên ưu tú để Đảng giáo dục, tạo điều kiện kết nạp vào hàng ngũ của Đảng.

c) Công tác giáo dục và tập hợp quần chúng để hành động cách mạng, Huyện ủy luôn xác định là khâu quyết định cho bước đi lên của Huyện. Do đó, Huyện ủy đã phân công một đồng chí Ủy viên Thường vụ và ba Huyện ủy viên đặc trách công tác này. Hàng quý, Thường trực Huyện ủy trực tiếp nghe các đoàn thể báo cáo và trực tiếp giải quyết những vấn đề đặt ra của các đoàn thể để tạo điều kiện cho các đoàn thể lãnh đạo tốt phong trào quần chúng. Thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết 11/TU, Huyện ủy đã ra Nghị quyết 09 về công tác vận động quần chúng để cả Đảng bộ làm tốt hơn công tác vận động quần chúng. Nhìn chung, các đoàn thể và Mặt trận Tổ quốc ngày càng được củng cố và phát triển, đã tập hợp hơn 80% quần chúng vào các tổ chức thích hợp. Phong trào hành động cách mạng của quần chúng thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được duy trì và phát triển. Quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động trong quản lý kinh tế, xã hội ngày càng được xác lập và có bước phát huy.

d) Về xây dựng chính quyền: Đã chú ý phát huy vai trò Hội đồng Nhân dân Huyện, xã. Đáp ứng nhu cầu quản lý, điều hành đã hình thành thêm tổ chức ở những nơi cần thiết (Công ty Dịch vụ, Phòng giá, Xí nghiệp khai thác và chế biến lâm sản…). Đồng thời, đã củng cố những đơn vị yếu kém, trì trệ. Ở cơ sở chú ý sơ kết chỉ đạo việc thực hiện cơ chế xã theo Quyết định 26/TU. Đã đào tạo được một đội ngũ cán bộ trẻ, có năng lực quản lý chính quyền và quản lý kinh tế ở xã và các tổ chức kinh tế tập thể. Việc tinh giản bộ máy chính quyền, cơ quan gián tiếp, đang bắt đầu thực hiện.

Đạt được một số điểm chính trên đây có nhiều nguyên nhân. Về khách quan được Trung ương, Thành ủy chỉ đạo kịp thời và được các ngành Thành phố hỗ trợ. Về chủ quan, Ban Chấp hành đã quán triệt được tinh thần chỉ đạo của cấp trên, đề ra được nhiệm vụ, biện pháp thực hiện cho Huyện nhà và đã thuyết phục được các Đảng bộ cơ sở tự giác hành động, nên kết quả đã tạo được phong trào chung của Huyện như bản báo cáo đã nêu.

Tuy còn hạn chế mặt này, mặt nọ nhưng phải công nhận rằng, Đảng bộ Huyện nhà đã phát huy được tinh thần cách mạng trong cán bộ Đảng viên, đã quy tụ trì trệ, sức cống hiến của cán bộ nhiều thời kỳ, cán bộ lão thành, cán bộ đứng tuổi, cán bộ trẻ. Mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng, chỗ này chỗ nọ, người này, người kia đã có làm cho quần chúng than phiền, nhưng nhìn chung quần chúng vẫn còn tin Đảng bộ và biểu hiện ở những năm qua quần chúng vẫn tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đã hành động cách mạng với ý thức xây dựng địa phương của mình khá rõ nét.

* KHUYẾT ĐIỂM VÀ NHỮNG NGUYÊN NHÂN

- Cơ chế Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, chính quyền quản lý và tổ chức thực hiện còn nhiều thiếu sót, khuyết điểm. Ban Chấp hành trong đó phạm vi lãnh đạo giữa Ban Chấp hành và Thường vụ, giữa Ban Thường vụ và Thường trực Huyện ủy, giữa Ban Thường vụ và Thường trực Ủy ban, giữa Bí thư, Phó Bí thư và các ủy viên Ban Chấp hành, nhiệm vụ, quyền hạn hạn chế nào đều có quy định… nhưng qua quá trình làm việc thì lại chưa thực hiện đầy đủ. Ban Thường vụ thay mặt Ban Chấp hành điều hành công việc thì lại sa vào sự vụ, hội họp quá nhiều, có việc đã ra Nghị quyết rồi lại bàn nữa, lẽ ra công việc ấy nên phát huy trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân thì tốt hơn, Ban Thường vụ chưa có biện pháp tốt để nâng tầm chỉ đạo của Ủy ban, xây dựng các ngành chấp hành tuyệt đối, trọn tin đối với Ủy ban. Ban Thường vụ và Thường trực Huyện ủy đã lãnh đạo các đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc vận động tổ chức, hướng dẫn quần chúng hành động chưa được tốt lắm – mặt nào đó có lơi, có khoán cho các Cấp ủy viên phụ trách đoàn thể. Chưa giáo dục toàn Đảng bộ tôn trọng đoàn thể, tôn trọng quần chúng, ý thức sâu sắc công tác quần chúng. Do đó, kết quả đã làm hạn chế phong trào, cũng có nghĩa là làm cho công việc chỉ đạo, điều hành của Ủy ban gặp nhiều khó khăn.

Nhân dân làm chủ thông qua các tổ chức của mình và chủ yếu bằng Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vấn đề này vừa qua biểu hiện chính quyền thiếu tạo điều kiện để các đoàn thể quần chúng phát huy quyền làm chủ tập thể của mình. Liên hệ tình hình vừa qua, Ủy ban Huyện, xã, các Ban Giám đốc, Chủ nhiệm các xí nghiệp, Công ty ít nhiều có xem nhẹ, nhận thức không tốt vai trò của các tổ chức quần chúng. Ngược lại, các đoàn thể cũng thiếu chủ động vươn lên phát huy quyền làm chủ của mình.

Việc tổ chức thực hiện chủ trương cấp trên vào hoàn cảnh địa phương thiếu tính năng động, sáng tạo và dựa trên cơ sở khoa học để lãnh đạo. Nhiều công tác đã bộc lộ thiếu sót này. Ví dụ trong công tác cải tạo thương nghiệp, mô hình hợp doanh, liên doanh là sáng tạo trong bước quá độ cần phải nghiên cứu chu đáo trước khi tiến hành và khi tiến hành cần phải theo dõi, rút kinh nghiệm để phát huy, uốn nắn kịp thời. Trong cải tạo nông nghiệp, mắc phải thiếu sót là chủ quan, thiếu nghiên cứu các mặt một cách khoa học. Khi đạt được thắng lợi nhất định thì có tư tưởng bằng lòng, không chịu khó tìm hiểu thực chất phong trào để có biện pháp nâng lên những mặt còn yếu kém. Đi liền với cải tạo, lẽ ra phải tập trung đầu tư, đẩy mạnh sản xuất, quản lý cho hết diện tích tập thể hóa ban đầu, vừa để thể hiện tính ưu việt của làm ăn tập thể, vừa nhân công tác cải tạo lên. Trái lại, lãnh đạo thiếu tập trung, các ngành chức năng nhất là phòng Nông nghiệp không cùng với Ban cải tạo nông nghiệp chăm sóc các HTX (nhất là các HTX điểm), các tập đoàn để kiến nghị Thường trực Ủy ban có biện pháp đầu tư vốn, vật tư, kỹ thuật, thủy lợi v.v… để dưa sản xuất đi lên. Do đó, dẩn đến tình hình hiện nay có nhiều HTX, tập đoàn không quản lý hết diện tích ban đầu (đến nay thực chất chỉ còn 61% hộ, 67% diện tích tập thể hóa), không quản được lao động, không lên được kế hoạch sản xuất kịp thời vụ, và kết quả cuối cùng là quản lý sản phẩm, ăn chia không thực hiện được tốt.

Về sản xuất nông nghiệp chưa đạt chỉ tiêu, trong đó nổi lên vùng rau chuyên canh về sau này gặp khó khăn về giá cả, vật tư, lương thực… Chỉ đạo có lung túng, chưa tìm được biện pháp tích cực để giải quyết.

Về sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, tuy một vài khu vực có giữ vững, nhưng nhìn chung còn lúng túng trong phương hướng, thiếu đầu tư làm cho năng lực sản xuất, sản lượng không đạt chỉ tiêu, thu nhập, đời sống của nhân dân lao động vốn khó khăn càng khó khăn hơn. Thiếu sót này có phần trách nhiệm của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ thiếu tập trung lãnh đạo, đôn đốc Thường trực Ủy ban, các ngành chức năng, các xã, thị trấn tổ chức thực hiện.

Toàn ngành phân phối lưu thông có nhiều cố gắng, đã góp phần đáng kể cho ngân sách nhưng nhìn chung còn buông lơi chuyên chính vô sản, vừa qua toàn ngành chưa thực hiện được chức năng hậu cần cho sản xuất, để qua đó nắm sản phẩm. Nội bộ ngành thương nghiệp thiếu thống nhất, hiện tượng tranh mua chạy theo kinh doanh đơn thuần, nặng bán buôn, nhẹ bán lẻ còn phổ biến. Sau khi có Nghị quyết 8 Trung ương, giá cả không ổn định, hiện tượng giữ hàng, chờ giá ở một số đơn vị thương nghiệp quốc doanh, HTX có xảy ra làm cho lưu thông hàng hóa không bình thường, giá cả hỗn loạn, làm cho đời sống nhân dân lao động gặp nhiều khó khăn thêm. Năng suất lao động trong ngành thương nghiệp ngoại trừ đơn vị xuất khẩu, nói chung đạt thấp, hiệu quả đồng vốn quay chậm. Quản giá trong lúc hàng hóa thương nghiệp XHCN chưa đủ sức là việc khó, nhưng nếu chỉ đạo chặt, thì giá cả có tăng nhưng đỡ phần giả tạo, lộn xộn, đời sống nhân dân lao động đỡ khó khăn.

Thiếu sót này do Thường trực Huyện ủy và Thường trực Ủy ban chỉ đạo thiếu cương quyết và không kịp thời để cho các cơ quan thương nghiệp tự tiện hoạt động.

- Về xây dựng cơ bản có thực hiện được một số công trình, thậm chí có những công trình không có trong Nghị quyết Đại hội III nhưng do nhu cầu xã hội cần thiết phải làm như sửa lại các chợ… Nhưng nói chung, còn dàn đều, thiếu tập trung, thiếu chủ động, tư tưởng bao cấp còn nặng, có những công trình để kéo dài quá mức như trại heo giống Tân Xuân, có những công trình đã có Nghị quyết nhiều lần như xây dựng công viên thiếu nhi nhưng vẫn không triển khai được… Thiếu sót này do phần trách nhiệm của Thường vụ Huyện ủy nhưng chủ yếu là Thường trực Ủy ban thiếu tổ chức thực hiện.

- Về an ninh quốc phòng còn nhiều tồn tại thiếu sót. Việc quản lý nhân hộ khẩu, di biến động, chuyển hóa địa bàn mới thực hiện bước đầu, còn nhiều vấn đề phải giải quyết. Tình hình trộm cắp còn nhiều, chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu. Phạm pháp hình sự có giảm, nhưng vẫn còn cao, tệ nạn xã hội chưa được bài trừ tận gốc. Sáu nguyên tắc lớn của Ngành chưa nghiêm chỉnh thực hiện. Công tác tuyển quân và quản lý quân dự bị chưa thật nề nếp.

- Việc chăm lo đời sống nhân dân tuy có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn nhiều việc chưa làm được. Thu nhập của các hộ công nhân viên và người lao động ngày càng giảm sút nghiêm trọng, nhất là từ cuối năm 1985 trở đi. Trên mười ngàn người chưa có việc làm ổn định, còn 6 xã chưa có nhà trẻ, hơn 60 lớp phải học ca ba. Tỷ lệ trẻ thất học vào lớp đêm còn đạt thấp. Giường bệnh, thuốc men chưa đủ cho bệnh nnân. Văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của quần chúng. Diện chính sách chưa chăm lo được chu đáo. Nhiều gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình có công cách mạng, gia đình nghĩa vụ quân sự chưa giải quyết được công ăn việc làm. Cán bộ hưu trí còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Tình trạng bất công về thu nhập trong nội bộ cũng như ngoài xã hội vẫn còn nhiều, chưa điều tiết được thu nhập giữa ngành kinh tế với ngành hành chính sự nghiệp.

- Việc phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động nói chung chưa tốt. Nhiều phong trào quần chúng chất lượng đạt thấp, như phong trào làm thủy lợi, làm phân hữu cơ… Mặt khác, về phía chính quyền có một số nơi còn vi phạm. Tình trạng bắt bớ, ức hiếp quần chúng với lý do không đáng ở cơ sở thỉnh thoảng cũng còn xảy ra. Dân sợ chính quyền nhiều nơi cũng còn.

Tác hại là đã làm giảm lòng tin của quần chúng với Đảng. Thiếu sót này do Ban Chấp hành thiếu lãnh đạo, giáo dục tốt trong cả Đảng bộ.

- Xây dựng lực lượng nói chung, xây dựng Đảng nói riêng còn nhiều vấn đề tồn tại. Hiểu nhiệm vụ, có ý chí và trách nhiệm, có biện pháp để hoàn thành nhiệm vụ nói chung trong các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể còn đạt mức thấp. Tính năng động chủ quan, sáng tạo chưa cao. Tư tưởng từ bao cấp chuyển sang tự lực, tự cường, chủ động trong sản xuất, kinh doanh còn nhiều bỡ ngỡ, chưa chuyển biến kịp và chưa có kinh nghiệm trong hoạt động mới. Một hiện tượng đáng lo ngại hiện nay trong nội bộ là có khuynh hướng phê bình về người khác, đơn vị khác hơn là tự phê, tự kiểm điểm về cá nhân, đơn vị mình. Tổ chức, cán bộ so với chức năng, nhiệm vụ còn khoảng cách. Một số không ít cơ sở, đơn vị đòi hỏi vai trò lãnh đạo, quản lý đều hành nhưng cán bộ chưa đáp ứng được. Đây là tồn tại lớn nhất mà Ban Chấp hành Huyện Đảng nộ tâm đắc sâu sắc nhất. Tư duy thêm một chút, Ban Chấp hành có xây dựng được Nghị quyết đúng, nhưng không xây dựng được con người có năng lực và trách nhiệm để thực hiện được Nghị quyết thì kết quả cũng không đạt yêu cầu. Huyện Đảng bộ chúng ta nên xét kỹ với đội ngũ cán bộ đang có không phải thiếu nhiều ở năng lực, mà cái thiếu phải quan tâm hiện nay là thiếu trách nhiệm hoặc có trách nhiệm nhưng không đầy đủ, khi cần kiểm điểm thì nêu là do khách quan chứ không dám dũng cảm nhận lấy về mình.

- Việc thống nhất quan điểm trong Ban Chấp hành đối với từng vụ, việc cũng còn khoảng cách, do đó dẫn tới giải quyết sự việc không theo Nghị quyết tập thể, xé lẻ theo ý nghĩ riêng của mình. Năng lực lãnh đạo của Ban Chấp hành chưa được phát huy đúng mức, do trình độ, năng lực, nhiệt tình của từng đồng chí chưa nâng lên đồng bộ. Tính năng động chủ quan của tập thể và từng cá nhân chưa được phát huy tốt.

Nguyên nhân những thiếu sót khuyết điểm trên đây do cơ chế chưa được giải quyết triệt để, tình hình mất cân đối nghiêm trọng về nhiều mặt của Huyện đã trực tiếp tác động đến quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nhưng chính yếu ở đây là do quan điểm lập trường giai cấp công nhân chưa được kiên định và thường xuyên tu dưỡng, để cho tư tưởng nông dân, người sản xuất nhỏ chi phối làm việc lãnh đạo của Ban Chấp hành thiếu cương quyết, chưa tập trung quy hoạch đào tạo một đội ngũ cán bộ có năng lực và trách nhiệm đầy đủ; Mặt khác, tác phong quan liêu, bao cấp vẫn còn in sâu trong nếp suy nghĩ về cách làm của nhiều đồng chí làm cho tình hình lúc nào cũng cảm thấy lúng túng, bị động, sự vụ, không dám nghĩ và tìm biện pháp tối ưu để giải quyết, thúc đẩy phong trào đi lên.

PHẦN HAI

VỀ PHẨM CHẤT PHONG CÁCH LÃNH ĐẠO VÀ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÁN BỘ

1. Về phẩm chất:

Đa số cán bộ Đảng viên trong toàn Đảng bộ đã đứng vững trên vị trí công tác của mình, giữ được phẩm chất và đạo đức cách mạng, thiết tha với nhiệm vụ và đơn vị công tác của mình, có lối sống lành mạnh, trong sạch, giữ được mối liên hệ mật thiết với quần chúng lao động, được quần chúng tin yêu.

Tuy nhiên, bên cạnh đa số tốt ấy cũng còn một bộ phận cán bộ Đảng viên do thiếu tu dưỡng, rèn luyện đã bị các tiêu cực của xã hội tác động, làm giảm sút ý chí chiến đấu, thờ ơ trước cuộc sống khó khăn của quần chúng, thoái hóa trong cuộc sống.

Kiểm điểm lại tình hình Đảng bộ, Ban Chấp hành tự thấy trách nhiệm của mình lãnh đạo chưa tròn, để tiêu cực xã hội xoáy mòn ý chí cách mạng, làm cho một số đồng chí bị lạc lỏng dần với tổ chức Đảng của mình dẫn đến giảm lòng tin của quần chúng đối với Đảng.

Sự kiện Phòng Lương thực, Ban Chấp hành tự kiểm điểm thấy không có ý thức bao che nhưng nội dung vụ án khá phức tạp, phải di lý về Thành phố xem xét nên thực tế có thể kéo dài, tạo nên sự hiểu lầm của Đảng bộ đối với Thường vụ Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy nghiêm khắc kiểm điểm thấy trách nhiệm làm không tròn, không chủ động xử lý những phần việc đã kết luận được để thông báo cho Đảng bộ biết, cứ thả nổi làm cho dư luận không tốt đối với cơ quan lãnh đạo, rất nhiều có ảnh hưởng đến uy tín của Thường vụ Huyện ủy trong vấn đề này. Nguyên nhân của sự kéo dài không phải vì cảm tình, nể nang đối với những đồng chí liên can hoặc có điều gì mờ ám mà do nội dung chính của vụ án chưa được kết luận nên có ý chờ đợi sự kết luận của Thành phố rồi sẽ xử lý luôn.

Gần đây, trong Ban Chấp hành có một số đồng chí làm nhà, mua xe. Dư luận đặt vấn đề có gì bất minh không? Việc phân phối có công bằng không? Ban Thường vụ tự kiểm thấy mình thiếu quan tâm lãnh đạo chặt trong vụ này và cũng có trường hợp do nể nang nên dẫn đến thiếu công bằng.

Riêng vụ bán khung nhà cho cán bộ công nhân viên trả dần thì Thường vụ Huyện ủy không sát, cả tin vào Thường trực Ủy ban chỉ đạo cho Hội đồng xét cấp đến lúc phát hiện ra mới thấy bất hợp lý trong đối tượng được xét bán. Thiếu sót này Thường vụ Huyện ủy xin nhận phần trách nhiệm.

2. Về phong cách lãnh đạo:

Trong bản báo cáo nhiệm kỳ III và phần trên của bản kiểm điểm này cũng đã có đề cập, điểm nổi bật là Ban Chấp hành đã chấp hành nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ. Thể hiện là có quy chế làm việc và thực hiện theo quy chế ấy.

Trong lãnh đạo đã giữ được đều đặn chế độ sinh hoạt định kỳ của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành. Hàng quý, 06 tháng thấy có những vấn đề gì cần mở rộng dân chủ để phát huy trí tuệ tập thể thì tổ chức họp Ban Chấp hành mở rộng. Giao ban giữa Thường trực Huyện ủy với Bí thư xã, thị trấn, để kịp thời lãnh đạo phong trào cải tạo, sản xuất đã duy trì được nề nếp. Chế độ hội ý giữa Thường trực Huyện ủy – Thường trực Ủy ban hàng tuần đã thực hiện được thường xuyên.

Đặc biệt là công tác kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết đã đưa dần vào nề nếp, giúp cho Huyện ủy, Đảng ủy cơ sở nâng được chất lượng lãnh đạo của mình.

Tuy nhiên, nghiêm túc mà nói cũng có một số trường hợp sau khi Ban Thường vụ giải quyết rồi thiếu báo cáo lại cho Ban Chấp hành, phần này do hời hợt trong làm việc chứ không phải do cố tình làm mất quyền dân chủ của Ban Chấp hành. Nhìn chung, trong Đảng bộ nổi lên dân chủ thì có nhưng tập trung không cao, quyền lực của cơ quan chính quyền không cao, còn yếu. Vấn đề tồn tại mà tới đây các Cấp ủy phải giải quyết là thực hiện nghiêm túc các chế độ đi cơ sở giải quyết công việc tại cơ sở, bớt hội họp, giấy tờ vừa không sát tình hình vừa sự vụ không còn thời giờ để nghiên cứu lãnh đạo những vấn đề có tính căn cơ, lâu dài.

Nghị quyết và làm theo Nghị quyết phải được thực hiện nghiêm chỉnh. Nếu Nghị quyết không chính xác thì phải sửa lại cho chính xác. Nhưng nếu có Nghị quyết đúng rồi mà không thực hiện tới nơi tới chốn thì phải xem lại bộ máy, xem lại cán bộ thực hiện. Vừa qua, đang có tình hình thực hiện Nghị quyết thiếu nghiêm chỉnh.

Chế độ tự phê, phê bình phải được thực hiện nghiêm túc theo định kỳ. Có vậy mới kịp thời giải quyết những vướng mắc nội bộ và tạo điều kiện cho tập thể lãnh đạo được tập trung hơn và cá nhân được tăng cường trách nhiệm hơn. Vừa qua, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ làm chưa tốt phần này.

3. Về chính sách cán bộ:

Kết quả lãnh đạo của Ban Chấp hành xét cho cùng cũng là vấn đề cán bộ. Vừa qua, Thường vụ Huyện ủy đã thực hiện một bước về quy hoạch cán bộ. Theo đó, đã đào tạo được một số cán bộ trẻ, kế thừa. Ngoài số có điều kiện gởi đi học tập trung ở các trường Đảng, trường chuyên môn nghiệp vụ, trường Quản lý kinh tế, đa số đã thông qua công tác thực tế nâng dần trình độ lên.

Quá trình lãnh đạo, Ban Thường vụ cũng đã mạnh dạn phân công bố trí cán bộ có phẩm chất, năng lực đảm nhiệm những công việc quan trọng của Huyện. Kết quả làm được, Thường vụ Huyện ủy cũng đã chú ý khen thưởng, đề bạt, tạo sự phấn khởi để cán bộ tích cực làm việc hơn. Cán bộ nữ, Thường vụ có nhiều quan tâm, tạo điều kiện để chị em tiến bộ.

Tuy nhiên, nghiêm túc kiểm điểm thì thấy cũng còn có những trường hợp đề bạt, nâng lương không được chính xác lắm. Còn hiện tượng nể nang, thiếu thẳng thắn, có đồng chí được nâng lương thường xuyên, thậm chí vượt cấp, có đồng chí bị lãng quên. Việc điều động, bố trí công tác cho cán bộ thiếu tìm hiểu, tham khảo ý kiến đơn vị đi và đến để được nhất trí cao. Vừa qua có một vài đồng chí được Thường vụ Huyện ủy điều động quá nhiếu làm cho cán bộ không có điều kiện đi sâu, khó khăn trong công tác mới.

Đối với các đồng chí cán bộ lâu năm có nhiều thành tích, sức khỏe đã kém, Thường vụ Huyện ủy cũng chưa quan tâm đầy đủ làm cho đồng chí mình có nhiều tâm tư.

Việc khen thưởng, kỷ luật còn biểu hiện thiếu mạnh dạn, kiên quyết.

Việc sử dụng cán bộ khoa học kỹ thuật còn nhiều thiếu sót, làm cho đội ngũ trí thức nhất là số trí thức được đào tạo theo hệ tư bản chủ nghĩa cảm thấy như bị phân biệt đối xử, con đường đi lên sẽ gặp nhiều khó khăn.

Quan điểm đánh giá cán bộ chưa được thống nhất cao trong Đảng bộ, nhất là đối với số cán bộ có quá trình dính líu với chế độ cũ. Riêng trong Ban Thường vụ thì vấn đề cơ bản thống nhất, còn đối với một số ngành cũng còn một số trường hợp vướng mắc.

Việc thực hiện chính sách chế độ đối với cán bộ giữa các khu vực, các ngành cũng còn nhiều bất hợp lý. Mức thu nhập giữa cán bộ nhân viên khu vực hành chính sự nghiệp và cán bộ nhân viên khu vực sản xuất, kinh doanh có sự chênh lệch khá xa, làm phát sinh tư tưởng so bì không tốt. Vừa qua, Huyện ủy chưa có biện pháp giải quyết việc bất hợp lý này một cách thỏa đáng.

Nhìn lại ba năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ lần III, Ban Chấp hành rút ra những mặt mạnh, yếu, nguyên nhân của nó, đồng thời cũng kiểm điểm về mặt phẩm chất, phong cách lãnh đạo, chính sách đối với cán bộ có những mặt làm tốt, mặt chưa tốt, để Đại hội xem xét và góp ý kiến cho các đồng chí Ban Chấp hành khóa III tâm đắc thêm, đồng thời tạo cơ sở cho Ban Chấp hành khóa IV rút kinh nghiệm lãnh đạo tốt hơn.

BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ HUYỆN HÓC MÔN NHIỆM KỲ III

Thông báo