Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Hóc Môn lần thứ IV

Lúc 14g30 ngày 02/10/1986, sau khi thông qua biên bản thảo luận đóng góp, Đại hội đại biểu Đảng bộ Huyện Hóc Môn đã biểu quyết nhất trí 100%, thông qua các quyết định quan trọng sau đây:

I. PHẦN BÁO CÁO TÌNH HÌNH NHIỆM VỤ

Đại hội thống nhất cơ bản về những kết quả, ưu khuyết điểm và nguyên nhân trong dự thảo báo cáo. Đại hội cũng đã thống nhất những ý kiến bổ sung báo cáo và đánh giá những thành tích đạt được ở nhiệm kỳ III trên các mặt như:

- Công tác cải tạo quan hệ sản xuất XHCN.

- Phát huy vai trò làm chủ tập thể của nhân dân lao động, làm cho bộ mặt nông thôn ngoại thành có những đổi mới.

- Công tác an ninh, quốc phòng được giữ vững.

- Công tác xây dựng hệ thống chuyên chính vô sản có những tiến bộ hơn.

Đại hội giao cho Ban Chấp hành mới hoàn chỉnh văn bản theo tinh thần mà Đại hội đã thông qua.

II. PHẦN MỤC TIÊU, PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ

Do đặc điểm Hóc Môn là Huyện ngoại thành đất hẹp, người đông, dưới 50% dân số sống bằng sản xuất nông nghiệp, trên 50% dân số sống bằng tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ v.v… Để cân đối được các mặt kinh tế - xã hội, những năm tới phải xây dựng cơ sở vật chất cho cả khu vực nông nghiệp và công nghiệp, chuyển cơ cấu kinh tế công – nông nghiệp vào những năm 1990. Trong nhiệm kỳ này, vẫn xác định cơ cấu kinh tế là Huyện nông – công nghiệp, ưu tiên tập trung đầu tư cho cây lúa, cây mía, đậu phộng, thuốc lá, cây rau và phát triển mạnh đàn gia súc, gia cầm. Song song, phát triển một số ngành quan trọng trong công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, để giải quyết dần tình trạng mất cân đối của Huyện.

III. PHẦN CÁC CHỈ TIÊU CỤ THỂ

1. Cải tạo:

Trước mắt phải nắm lại diện tích đã tập thể hóa toàn Huyện của công tác cải tạo nông nghiệp.

Tiếp tục thực hiện công tác cải tạo XHCN trên hai lĩnh vực nông nghiệp và công thương nghiệp để từng bước hoàn thiện quan hệ sản xuất XHCN.

Đối với khu vực nông nghiệp, chú trọng việc nâng chất các HTX, các tập đoàn sản xuất, đưa các xã còn yếu phát triển, để tạo sự đồng bộ trong công tác cải tạo ở các xã, thị trấn. Chú trọng đưa ngành nghề vào sản xuất ở các HTX và tập đoàn sản xuất.

Lấy xã Tân Hiệp chỉ đạo điểm, định mô hình, rút kinh nghiêm chỉ đạo chung cho các xã.

Đối với công thương nghiệp vẫn phải tiếp tục duy trì và thực hiện công tác cải tạo theo chủ trương chung của Thành phố.

2. Sản xuất nông nghiệp:

* Lúa: Diện tích 8.400ha, trong đó có 3.000ha lúa cao sản.

Năng suất bình quân 3,5 tấn/ha/vụ. Riêng lúa cao sản 5 tấn trên ha.

Sản lượng 29.400 tấn.

Số lượng thực còn thiếu ăn cho nhân dân trong Huyện giải quyết bằng hai hướng:

- Trao đổi bằng hàng hóa của Huyện lấy lương thực ở các tỉnh.

- Nhận lương thực từ Thành phố về.

* Đậu phộng: Diện tích 1.500ha – Sản lượng 2.250 tấn.

* Rau: 62.400 tấn.

* Thuốc lá: 300ha. Toàn bộ sản lượng này dùng cho xí nghiệp thuốc lá của Huyện sản xuất và trao đổi hàng hóa.

* Mía: Hết năm 1988 đạt 1.500ha sản lượng 75.000 tấn, cung cấp toàn bộ cho xí nghiệp mía đuờng của Huyện.

* Chăn nuôi: 30.000 con heo, trong đó đàn heo quốc doanh 2.000 con (dành 1/5 số lượng heo để xuất khẩu lấy ngoại tệ).

- Đạt từ 1.200 đến 1.500 con bò sữa.

BIỆN PHÁP THỰC HIỆN

- Dành ít nhất từ 40 đến 45% trong tổng kinh phí đầu tư của Huyện để đầu tư cho khu vực nông nghiệp. Song song, Ngân hàng đảm bảo cho vay kịp thời theo yêu cầu cơ sở.

- Chú trọng nhập phân bón, thuốc trừ sâu, áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật để tăng năng suất cho cây trồng và vật nuôi.

- Tập trung sức xây dựng cho được cơ sở vật chất phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nhất là điện, nuớc và giống, đảm bảo cung ứng vật tư sản xuất trên đầu mẫu, đủ, kịp thời.

- Xây dựng 1 xí nghiệp thức ăn gia súc của Huyện có công suất 7.000 đến 10.000 tấn/năm. Giao Ủy ban Nhân dân Huyện trách nhiệm chỉ đạo thực hiện.

3. Về công nghiệp:

- Giá trị tổng sản lượng 450 triệu đồng, trong đó giá trị xuất khẩu 23 triệu đồng (theo giá cố định năm 1982).

- Thành lập xí nghiệp Dệt hợp doanh của Huyện. Giao Công ty xuất khẩu thực hiện. Năm 1987 đạt 1 triệu mét, năm 1988 đạt 2 triệu mét.

Xí nghiệp Dệt công tư hợp doanh đã có, cũng phải phấn đấu đạt: 1987 là 1 triệu mét, năm 1988 là 2 triệu mét.

Hai xí nghiệp trên tổ chức lựa chọn sử dụng các HTX, tổ hợp dệt làm vệ tinh cho mình để sử dụng hết năng lực dệt của tư nhân, tập thể phục vụ cho nền kinh tế của Huyện.

Biện pháp thực hiện:

Chủ động nguyên liệu cho sản xuất qua con đường xuất nhập khẩu và trao đổi với các đơn vị bạn, đảm bảo đủ sợi để thực hiện số vải nêu trên.

Huyện củng cố và xây dựng xí nghiệp gạch 4 triệu viên/năm. Các xã, thị trấn nơi nào có điều kiện thì xây dựng cơ sở sản xuất gạch phục vụ tại chỗ. Giao trách nhiệm cho Phòng Công nghiệp thực hiện.

4. Lưu thông phân phối:

- Tăng cường quản lý giá cả và phải có chính sách giá hợp lý trong phạm vi quyền hạn của Huyện để thúc đẩy sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp.

- Lập trật tự trong lưu thông phân phối. Các đơn vị thương nghiệp phải lấy việc phục vụ sản xuất, đời sống làm mục tiêu hoạt động của ngành mình và hoạt động đúng chức năng ngành hàng. Những đơn vị không có chức năng kinh doanh, không được mua bán lấy lãi bằng con đường thương nghiệp. Nghiêm cấm các đơn vị thương nghiệp kinh doanh, chạy theo lợi nhuận đơn thuần. Tăng cường công tác quản lý trong hoạt động lưu thông phân phối. Các ngành Kế hoạch, Tài chính, Ngân hàng, Thống kê, Quản lý thị trường v.v… phải làm tốt vai trò tham mưu để Ủy ban Nhân dân Huyện quản lý tốt các hoạt động thương nghiệp, thực hiện tốt vai trò chuyên chính vô sản trong lĩnh vực này.

Coi trọng nhiệm vụ liên doanh liên kết kinh tế giữa các đơn vị thương nghiệp với nhau, giữa thương nghiệp với các ngành nông – công nghiệp trên địa bàn Huyện.

Đẩy mạnh mối liên kết kinh tế với các địa phương bạn.

* Ngoại thương:

- Kim ngạch năm 1987: 3 triệu rúp/đôla

1988: 4,5 triệu rúp/đôla

Hàng nhập về phải bảo đảm phục vụ cho sản xuất 70%.

- Xây dựng cho được các xí nghiệp dệt, may mặc xuất khẩu, chế biến hàng xuất khẩu vào năm 1987 đưa vào sản xuất. Góp phần giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 500 lao động của Huyện.

5. Kế hoạch Ngân hàng:

Hoàn thành chỉ tiêu thuế công thương nghiệp, nông nghiệp hàng năm và các nguồn thu khác, phấn đấu đạt đảm bảo thu đủ chi cho 70% các nhu cầu của Huyện. Phần xây dựng cơ bản những công trình lớn xin Thành phố chi viện.

6. Chăm lo đời sống:

- Giải quyết công ăn việc làm cho 10.000 lao động (ưu tiên cho bộ đội hoàn thành nghĩa vụ quân sự) bằng cách xin Thành phố cho Huyện nông trường Nhị Xuân số đất đai ở các khu vực quân sự, mở thêm các xí nghiệp trên địa bàn Huyện, vận động những người có sức khỏe đi khai hoang phục hóa các vùng đất mới ở các tỉnh.

- Đảm bảo giải quyết kịp tiền lương và phụ cấp cho cán bộ công nhân viên, trợ cấp kịp thời cho diện chính sách. Đảm bảo bù chênh lệch các mặt hàng thiết yếu theo quy định.

- Điều tiết 25 – 30% quỹ tiền thưởng ở các ngành sản xuất kinh doanh cho khu vực hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang, cán bộ hưu trí. Dành 10% lãi từ các đơn vị thương nghiệp trợ cấp cho CB-NV hành chính sự nghiệp. Tỷ lệ hàng bán lẻ cho nhân dân phải đạt 75% và tăng 20% so với năm 1986.

- Tạo điều kiện giúp đỡ các cơ quan hành chính sự nghiệp sản xuất tăng gia, góp phần cải thiện đời sống.

7. Công tác xây dựng cơ bản:

Tính toán chặt, khoa học. Thực hiện các công trình như dự thảo phương hướng đã nêu, trong đó xác định các công trình mở rộng bệnh viện, trạm xá các xã, 46 phòng học là những công trình trọng điểm.

8. Văn hóa xã hội:

* Giáo dục:

- Đến năm 1988 tất cả các xã đều phải có nhà trẻ và phấn đấu các xã trọng điểm có 1 trường Mẫu giáo bán trú, xóa lớp học ca ba.

- Tiếp tục phát triển bổ túc văn hóa cho cán bộ công nhân viên. Đưa 80% các em nghèo thất học vào các lớp ban đêm. Củng cố, phát huy trường giáo dục lao động và phát triển trung tâm dạy nghề.

* Y tế:

- Đảm bảo hạ thấp ở tỷ lệ dân số còn 1,6%. Phấn đấu đạt 12/15 đơn vị xã – thị trấn là đơn vị đạt 5 dứt điểm, 15/15 xã – thị trấn đều có trạm xá.

* Văn hóa:

- Đến năm 1988 mỗi xã đều có khu văn hóa để phục vụ vui chơi giải trí cho nhân dân.

- Đưa nhà hát của huyện vào phục vụ đầu năm 1987. Thành lập 1 đội văn nghệ bán chuyên nghiệp của Huyện.

- Kiện toàn Câu lạc bộ Thiếu nhi Huyện, phục hồi các Câu lạc bộ Thiếu nhi xã – thị trấn, phát triển Thư viện ở các xã, phát động phong trào văn nghệ quần chúng trong các cơ quan, xí nghiệp, HTX; Nâng chất lượng thông tin, truyền thanh và Bản tin của Huyện.

- Xây dựng một sân bóng đá trung tâm của Huyện.

- Thực hiện tốt nếp sống mới, văn minh, lành mạnh. Hạn chế thấp nhất việc sản xuất rượu và uống rượu, phát động tiết kiệm trong tang ma, cưới hỏi, bài trừ thủ tục mê tín dị đoan.

9. An ninh, quốc phòng:

- Đảm bảo làm tốt công tác bảo vệ nội bộ. Giảm thấp nhất các vụ án tội phạm hình sự. Bảo đảm an toàn an ninh trật tự xã hội. Có 80% đơn vị cơ quan xí nghiệp an toàn. Trong đó đạt 4/5 khối xã – thị trấn an toàn.

- Xây dựng tốt lực lượng quân sự địa phương. Hoàn thành các chỉ tiêu tuyển quân hàng năm. Áp dụng có hiệu lực luật nghĩa vụ quân sự đối với số quân nhân bỏ ngũ, thanh niên không làm nghĩa vụ quân sự.

- Đảm bảo ổn định dần đời sống anh em lực lượng vũ trang.

10. Xây dựng lực lượng – xây dựng Đảng:

- Giáo dục đúng mức tư tưởng, lập trường giai cấp công nhân cho toàn thể Đảng viên trong Đảng bộ. Thường xuyên tự phê bình, phê bình trên cơ sở quán triệt di chúc của Hồ Chủ Tịch và cương lĩnh Điều lệ Đảng. Chống mọi biểu hiện của tư tưởng nông dân, tư tưởng tiểu tư sản và các loại tư tưởng phi vô sản khác. Đặc biệt chống tư tưởng cơ hội, bè phái cục bộ bản vị, để xây dựng đội ngũ Đảng viên của Đảng bộ có phẩm chất trong sạch, có sức chiến đấu cao. Thực hiện tốt phương châm “Cấp trên làm gương cho cấp dưới, Đảng viên phải gương mẫu trước quần chúng”.

- Quyết tâm xây dựng, giữ vững Đảng bộ Huyện Hóc Môn là Đảng bộ vững mạnh. Trong đó tăng cường chất lượng cơ sở Đảng vững mạnh. Đến năm 1988 có ¾ Đảng viên đạt tiêu chuẩn loại A và ¾ Đảng viên cơ sở vũng mạnh. Đưa hiệu quả công tác kiểm tra vào chiều sâu, ngoài yêu cầu thường xuyên, chú trọng kiểm tra lý tưởng cộng sản của Đảng viên.

- Phát triển 800 Đảng viên mới trong đó chú trọng chất lượng cán bộ trẻ, nữ, công nhân, là người trực tiếp lao động sản xuất.

CÔNG TÁC ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH

- Phát triển 4.000 Đoàn viên, giới thiệu cho Đảng 1.500 Đoàn viên ưu tú, trong đó đạt 1.000 Đoàn viên đủ tiêu chuẩn để xem xét kết nạp vào Đảng. Ít nhất có ¾ tổ chức cở sở Đoàn vững mạnh. Thông qua Hội Liên hiệp Thanh niên và các tổ chức thích hợp. Đoàn phải tập hợp hầu hết số thanh niên ngoài đoàn thể để giáo dục và mở rộng phong trào.

CÁC ĐOÀN THỂ KHÁC

Đoàn thanh niên, Liên hiệp Công đoàn, Hội Liên hiệp Nông dân tập thể, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Lao động Hợp tác, phải tăng cường giáo dục giác ngộ XHCN cho Đoàn viên, Hội viên, đẩy mạnh hoạt động phục vụ cho nhiệm vụ chính trị, xây dựng tổ chức đạt đại bộ phận là tổ chức tiên tiến. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thực hiện tốt vai trò trung tâm đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân. Ủy ban Thiếu niên Nhi đồng tăng cường kết hợp các ngành làm tốt công tác giáo dục, bảo vệ giáo dục thiếu niên nhi đồng.

CÔNG TÁC CHÍNH QUYỀN

Tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh bộ máy tổ chức cho phù hợp với tình hình nhiệm vụ của Huyện để hoạt động có hiệu quả cao nhất. Đối với các đơn vị có chức năng trung gian phải sớm sắp xếp lại để ổn định hoạt động của bộ máy chung. Thực hiện tốt luật tổ chức Hội đồng Nhân dân, thực hiện tốt công tác giáo dục pháp luật pháp chế XHCN.

Trên đây là những chỉ tiêu lớn mà Đại hội đã biểu quyết từng phần để trở thành Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ IV. Giao cho Ban Chấp hành nhiệm kỳ tới tiếp tục cụ thể hóa lãnh đạo tổ chức thực hiện trong hai năm 1987 – 1988.

ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ HUYỆN HÓC MÔN LẦN IV

Thông báo