Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Hóc Môn lần thứ V

Đại hội đại biểu Đảng bộ Hóc Môn đã họp vào các ngày 06 và 07/4/1989 với 286 đại biểu chính thức thuộc 69 cơ sở Đảng toàn Huyện. Hôm nay, lúc 14giờ ngày 07/4/1989 toàn thể Đại biểu có mặt nhất trí thông qua các quyết định quan trọng sau đây:

I. PHẦN ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH NHIỆM KỲ 1987 - 1988

Cơ bản nhất trí với văn bản đánh giá và bản kiểm điểm Ban Chấp hành Huyện ủy đã nêu.

Trong hoàn cảnh cả nước gặp nhiều khó khăn về kinh tế, sản xuất lưu thông hàng hóa gặp nhiều trở ngại, cơ chế kinh tế cũ – mới đan chéo nhau, việc chuyển lên cơ chế hạch toán kinh tế không tránh khỏi những lung túng trong nhận thức từ quản lý Nhà nước ở Huyện đến sản xuất kinh doanh ở cơ sở.

Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ đã vươn lên vượt nhiều khó khăn, thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Huyện lần IV đề ra và các Nghị quyết của Đảng cấp trên. Từ đó, đã thể hiện được sự năng động tìm tòi từ thực tế, vận dụng sáng tạo, tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, về chính sách không phù hợp để thúc đẩy các mặt công tác nhất là lĩnh vực kinh tế phát triển, xây dựng được một số mô hình tốt trên nhiều lĩnh vực.

Về kinh tế, đã xây dựng được một số xí nghiệp, công ty mới (có cả xí nghiệp, cửa hàng cấp xã) góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách, rút bớt mức xin trợ cấp từ Thành phố. Tổng sản lượng tiểu công gnhiệp – tiểu thủ công nghiệp, nhất là khối quốc doanh chiếm 20% trên tổng thu kinh tế toàn Huyện. Trước khó khăn của giá – lương – tiền, tình hình lưu thông phân phối là lĩnh vực nóng bỏng, đã cố gắng quyết tâm vượt khó đứng vững và càng từng bước củng cố vươn lên. Trong nông nghiệp, mặc dù hạn hán tác động lớn đến sản xuất, có chỉ tiêu đã cố gắng thực hiện và đạt kế hoạch như diện tích mía, đàn heo quốc doanh năm 1988. Trước tình hình thu không đủ chi, ngân sách vẫn dành một tỷ lệ vốn để đầu tư có một phần bù lỗ cho sản xuất nông nghiệp. Ngân hàng đã chuyển vốn đầu tư phục vụ cho sản xuất nông nghiệp (1987: 14%, năm 1988 chiếm 32%) và rút tỷ lệ cho vay ở khối thương nghiệp từ 56% năm 1987 xuống còn 43% năm 1988. Các công trình xây dựng cơ bản được tiếp tục thực hiện với một lượng kinh phí đáng kể.

Công tác xây dựng Đảng, đào tạo cán bộ từng bước được chú trọng và đạt được kết quả nhất định.

Các phong trào văn hóa xã hội, an ninh chính trị, xây dựng lực lượng các đoàn thể nói chung đều đạt được kết quả khích lệ. Đây là công lao của toàn Đảng bộ đã phấn đấu đạt được trong hai năm qua.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt mạnh cũng bộc lộ những mặt còn yếu như:

- Kinh tế phát triển chậm, thu chi ngân sách còn mất cân đối, năm 1988 phải xin Thành phố chi viện 30% tổng chi. Một số xí nghiệp, công ty làm ăn hiệu quả thấp, có nơi còn thua lỗ. Trong nông nghiệp, nhiều chỉ tiêu như năng suất, sản lượng lúa, đầu heo, đậu phộng đạt thấp, giảm so các năm trước. Kim ngạch xuất khẩu chưa đạt chỉ tiêu Nghị quyết đã đề ra. Ngành HTX Mua bán, HTX Nông nghiệp một số đơn vị làm ăn kém thua lỗ, gây hậu quả xấu. Không thực hiện được chỉ tiêu hai triệu mét vải và xí nghiệp dệt quốc doanh Huyện do tình hình thiếu vốn và ngành dệt Thành phố đang gặp nhiều khó khăn lớn.

- Công tác xây dựng Đảng, đào tạo cán bộ chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế của Huyện. Nhiều Đảng bộ Đảng viên trẻ còn ít, Đảng viên giỏi, hưu trí chiếm tỷ lệ cao vì nơi đây phát triển Đảng quá ít như Đông Hưng Thuận, Tân Thới Nhất… Đảng viên có trình độ văn hóa khoa học kỹ thuật, trình độ quản lý kinh tế còn quá ít. Việc nhận cán bộ có trình độ từ các nơi về bổ sung lực lượng của Huyện chưa được tính toán, quan tâm đúng mức nên hiện nay đang thiếu cán bộ có năng lực, có kinh nghiệm làm kinh tế.

Chính sách đãi ngộ dùng đòn bẩy kinh tế kích thích chưa thỏa đáng. Tình trạng phân phối bình quân chủ nghĩa, bao cấp còn nặng, kinh tế phát triển yếu, đời sống CB-CNV hành chính sự nghiệp và cả một số đơn vị thu nhập thấp, không toàn tâm toàn ý làm việc.

Những mặt yếu kém nêu trên, ngoài những nguyên nhân khách quan, chủ quan và rút ra những bài học kinh nghiệm như báo cáo đã nêu, Đại hội còn đã nêu đậm nét thêm mấy nguyên nhân và cũng là bài học nữa là:

+ Cần phải tách chức năng Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý tổ chức điều hành thực hiện. Đảng không rơi vào giải quyết sự vụ những việc thuộc trách nhiệm quản lý của chính quyền mà cần nghiên cứu đề ra những chủ trương, chính sách cụ thể vào địa phương mang tính chiến lược, kiểm tra đôn đốc chính quyền, đoàn thể việc tổ chức thực hiện. Về quản lý, cần phân ranh giới trách nhiệm chính quyền quản lý theo pháp luật, các cơ sở sản xuất kinh doanh cần được giao quyền tự chủ, chịu trách nhiệm về lỗ lãi, làm nghĩa vụ đầy đủ, tuân thủ các quy định của Nhà nước về luật pháp. Chính quyền cần tham mưu với Đảng những đề án lớn để phát triển kinh tế chăm lo đời sống.

+ Trong tổ chức điều hành của Huyện ủy, Thường trực Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân Huyện cần nâng cao vai trò tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Điều hành công việc tập trung cho công tác trọng tâm, trọng điểm, không dàn đều, sa vào sự vụ. Phải chú trọng uốn nắn lệch lạc, chống lãng phí tiền của, thời giờ, kịp thời nhân mở rộng các điển hình tiên tiến để thúc đẩy phong trào.

II. PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ NHIỆM KỲ 1989 – 1990

Thực trạng: Huyện ta có nhiều mặt mất cân đối lớn như đất ít, dân đông (bình quân 400m2 đầu người), ngân sách thu không đủ chi, số lao động chưa có việc làm cao (khoảng trên 20.000 người). Đất đai hẹp, do vậy sản xuất nông nghiệp ngoài cây mía và một ít rau, những sản phẩm khác còn ở dạng sản xuất nhỏ, tự cấp, tự túc.

Để khắc phục tình hình nói trên, phương hướng tổng quan những năm tới là tập trung khai thác những mặt mạnh còn tiềm tàng như: Tận dụng ưu thế về điện, giao thông thuận tiện, gần Cảng và trung tâm Thành phố, đưa các vùng đất gò sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp vào sản xuất Công nghiệp, làm dịch vụ có hiệu quả cao. Song song với củng cố, phát triển kinh tế, quốc doanh, khuyến khích kinh tế tư nhân, kinh tế gia đình phát triển. Có chính sách ưu đãi người từ địa phương khác đưa vốn, tay nghề (kể cả người nước ngoài) về Huyện sản xuất, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế hàng hóa, giải quyết việc làm cho người lao động.

MỤC TIÊU CHUNG LÀ:

1. Tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế hàng hóa từ cơ sở phát triển lực lượng sản xuất theo phương châm năng suất, chất lượng hiệu quả. Từ đó, tạo một bước phát triển mới về kinh tế, đời sống trên địa bàn Huyện.

2. Đưa các hoạt động văn hóa xã hội đi vào chiều sâu có nề nếp, tiếp tục chăm lo đời sống văn hóa cho nhân dân. Giữ và phát huy truyền thống Nam Kỳ khởi nghĩa Hóc Môn – Bà Điểm trong xây dựng phát triển kinh tế hiện nay.

3. Giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, xây dựng Huyện thành khu vực phòng thủ của Thành phố.

4. Nhanh chóng khắc phục tình trạng thiếu cán bộ, nhất là cán bộ quản lý kinh tế. Đổi mới trong công tác xây dựng lực lượng, đánh giá đúng cán bộ, bố trí đúng chỗ để phát huy cao nhất năng lực của mỗi người vào từng lĩnh vực công tác được giao.

Trong 4 mục tiêu nói trên, mục tiêu kinh tế là hàng đầu, là trung tâm cần xây dựng phát triển chung. Có phát triển được kinh tế, thì mới xây dựng, phát triển được các mặt văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng. Các mục tiêu sau, nhất là mục tiêu xây dựng lực lượng phải theo mục tiêu kinh tế, vì mục tiêu phát triển kinh tế mà phát triển và phục vụ kịp thời cho yêu cầu phát triển kinh tế.

NHIỆM VỤ CHỈ TIÊU CỤ THỂ:

1. Về kinh tế: Tập trung mọi khả năng về vốn, cán bộ cho yêu cầu hàng đầu: phát triển lực lượng sản xuất, phát triển kinh tế hàng hóa trên địa bàn theo hướng có chọn lựa hiệu quả kinh tế cao, phù hợp sức đầu tư theo quy luật hàng hóa – thị trường vừa chú trọng đầu tư chiều sâu, cải tiến, đổi mới những máy móc thiết bị đã cũ, vừa phát triển theo chiều rộng những nhóm, mặt hàng, có điều kiện phát triển rộng.

Công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp: Đến năm 1990, phải đạt được giá trị tổng sản lượng là 600 triệu đồng (giá cố định 1982), tăng 52% so với năm 1988 mức đóng góp thu ngân sách chiếm 32 – 35% so với tổng thu từ kinh tế Huyện.

Để thực hiện được chỉ tiêu trên cần phải:

- Củng cố các xí nghiệp đã có theo hướng: vừa khai thác cả chiều rộng lẫn chiều sâu để đưa công suất, năng suất lên mang lại hiệu qủa thỏa đáng như các xí nghiệp Nước đá, Cơ khí, Thuốc lá, may mặc, giày da xuất khẩu, xí nghiệp chế biến Nông sản xuất khẩu, xí nghiệp chế biến thực phẩm v.v… Dồn sức theo khả năng cải tiến thiết bị mở rộng ngành nghề, chức năng để khai thác các xí nghiệp mía, đường, gạch ngói, xí nghiệp xây dựng sữa chữa nhà v.v… làm ăn cho hiệu quả cao.

- Phát triển sản xuất hàng hóa TCN-TCN ở những ngành hàng cơ sở đơn vị mới như: chế biến nông lâm hải sản, gia công may mặc, nhựa cao su,đế giày… theo hướng vừa có quốc doanh, vừa khuyến khích các thành phần kinh tế, nhất là tư nhân đầu tư vốn liếng, tay nghề vào sản xuất.

Mở rộng sản xuất thủ công nghiệp gia đình, đa dạng hóa các ngành hàng ở lĩnh vực này.

Trong cả nhiệm kỳ phải xây dựng và đưa vào sản xuất một số công trình trọng điểm lớn như:

- Xí nghiệp Cao su da giày (liên kết với Hải Phòng)

- Xí nghiệp Đũa tre xuất khẩu (liên kết với Hồng Kông)

- Xí nghiệp may mặc xuất khẩu (liên kết với xí nghiệp Việt Tiến)

- Trạm chế biến hạt điều (Cửa hàng Lương thực)

- Các xã có điều kiện đất đai, giao thông thuận lợi như Đông Hưng Thuận, Tân Thới Nhất, Tân Thới Hiệp, Thị trấn, Trung Mỹ Tây, Tân Thới Nhì, Xuân Thới Sơn, Xuân Thới Thượng, Đông Thạnh… cần liên kết với các đơn vị ngoài, trong Huyện xây dựng một số xí nghiệp sản xuất công nghiệp nhẹ theo khả năng vốn và trình độ quản lý của mình để tạo hàng hóa được sản xuất từ công nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho số lao động thừa.

- Để ổn định, phát triển vùng mía của Huyện bằng vốn liên kết với các đơn vị bạn, Huyện cố gắng xây dựng cho được một xí nghiệp mía đường có trình độ kỹ thuật hiện đại cho tỷ lệ đường cao (khoảng 70kg đường/1.000kg mía cây). Đây là một chỉ tiêu quan trọng có tính đòn bẫy, quyết định cho phát triển sản xuất nên phải tập trung dồn sức thực hiện cho bằng được.

NÔNG NGHIỆP

Đầu tư tập trung cho cây con có hiệu quả cao. Chú trọng thâm canh tăng năng suất ở những sản phẩm hiệu quả còn thấp.

- Lúa: Phải đạt năng suất bình quân từ 3,2 tấn – 3,3 tấn/ha trên diện tích gieo trồng mỗi năm.

- Rau: 4.000 – 4.500ha, năng suất bình quân 15 – 16 tấn/ha

- Đậu phộng: 800 – 1.000ha, năng suất bình quân 1,5 tấn/ha

- Mía: Cố gắng giữ 1.600ha với năng suất bình quân 50 tấn/ha

- Heo: Đàn heo quốc doanh giữ vững 2.300 con, trong đó 650 con heo giống để cung cấp một phần heo con cho chăn nuôi trong Huyện (tăng 62% so năm 1983). Đàn heo chung cả Huyện từ 20.000 con – 26.000 con).

Sau Đại hội phải làm ngay công tác việc ổn định đất đai cấp giấy chứng nhận sử dụng ruộng đất cho nông dân lâu dài để cho họ yên tâm sản xuất kinh doanh và nộp thuế đất cho Nhà nước. Sau khi định hướng, phổ biến cho nông dân thông hiểu tình hình sản xuất hàng hóa chung theo từng thời gian. Phải để cho nông dân được lựa chọn hình thức tổ chức mặt hàng sản xuất có lợi, đạt hiệu quả cao nhất.

Trong cải tạo nông nghiệp: Cố gắng giữ thành quả cách mạng theo hướng Chỉ thị 47/BCT và Thông báo 77/TU để ổn định đất đai thúc đẩy sản xuất hàng hóa. HTX nông nghiệp, tập đoàn sản xuất cần đổi mới, cơ chế quản lý theo Nghị quyết 10/BCT để thích ứng với tình hình mới, đưa sản xuất phát triển. Cho mở nhiều điểm bán vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng mua bán bằng tiền thanh toán sòng phẳng theo nguyên tắc “thuận mua, vừa bán” giữa nông dân với các cơ quan kinh doanh. Khai thác hết năng lực của thủy lợi, chú trọng kênh mương nội đồng để tưới tiêu cho cây trồng.

THƯƠNG NGHIỆP DỊCH VỤ

- Thương nghiệp XHCN cần tiếp tục cải tiến quản lý, bồi dưỡng trình độ mua bán, giảm bớt lao động thừa, tăng năng suất lao động, quay nhanh vòng vốn để đứng vững và đủ sức cạnh tranh với thương nghiệp cá thể. Trong hoạt động của mình phải tiếp cận tốt thị trường, bắt kịp quan hệ cung – cầu, tiền hàng, giá cả để quyết định mua, bán. Từng lúc, từng nơi theo yêu cầu thời vụ, địa phương, cần quan tâm kịp khai thác hàng hóa vừa đáp ứng yêu cầu phục vụ cho sản xuất đời sống, vừa kinh doanh có lãi.

- Tiếp tục khai thác các sản phẩm (nông sản, công nghệ phẩm trên địa bàn và từ nơi khác về để đưa vào chế biến, sơ chế phục vụ sản xuất trong Huyện và xuất khẩu.

- Quan tâm khai thác các dịch vụ cho hiệu quả kinh tế vừa góp phần thúc đẩy sản xuất, tạo được sự thay đổi bộ mặt ở nông thôn như: xây dựng nhà sẵn để bán, các dịch vụ, sửa chữa xe hơi, nghiên cứu triển khai một số điểm dịch vụ sửa chữa ghe thuyền ở cầu Bình Phước, Cầu Xáng nếu có hiệu quả.

- Chấn chỉnh và khai thác tốt dịch vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa. Cố gắng tổ chức dịch vụ du lịch trên địa bàn và tổ chức đi xa nhằm có nguồn thu vừa khai thác nguồn trong và ngoài địa phương.

KINH TẾ ĐỐI NGOẠI

Đảng bộ cần quan tâm và tập trung khai thác lĩnh vực kinh tế đối ngoại. Công ty cung ứng hàng xuất khẩu, các xí nghiệp, công ty có sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu phải vươn lên khai thác được nhiều vốn từ nước ngoài đầu tư vào Huyện với các dạng kinh tế phù hợp, tiếp cận tốt thị trường nước ngoài đến tiến bộ kỹ thuật, nâng cao trình độ quản lý cho nền kinh tế Huyện ta. Tổ chức sản xuất thu mua các mặt hàng xuất khẩu trên địa bàn có giá trị cao, khai thác các nguồn kiều hối, viện trợ... nâng giá trị xuất khẩu đến cuối năm 1990 đạt 8 triệu đôla rúp. Làm tốt vai trò chỗ dựa cho nền kinh tế địa phương phát triển, đóng góp xứng đáng vào tích lũy cho ngân sách, góp phần cân đối ngân sách, sản xuất của Huyện.

TÀI CHÍNH – TIỀN TỆ TÍN DỤNG

Ngành Tài chính phải làm tốt chức năng tính toán, hạch toán đối với mọi hoạt động kinh doanh, sự nghiệp, hành chính trong việc sử dụng đồng vốn đạt hiệu quả cao nhất. Mọi hoạt động về vốn của tài chính phải được tính toán hoàn vốn thực tế và có lãi, làm tốt chức năng quản lý tài vụ, vừa không sa vào sự vụ cụ thể, của cơ sở, vừa phát huy chức năng quản lý, giám sát và tính toán, phân phối hài hòa lợi ích giữa cơ sở (quyền lợi cục bộ) với yêu cầu thu nộp ngân sách Huyện (quyền lợi chung cả Huyện). Phát hiện kịp thời các vi phạm về quản lý Tài vụ xí nghiệp ở cơ sở theo các quy định của luật pháp để giúp đỡ, uốn nắn, chấn chỉnh.

Ngân hàng vừa đi vào kinh doanh, vừa tìm cách tháo gỡ khó khăn về vốn, giúp đỡ cơ sở sản xuất kinh doanh có vốn kinh doanh đạt kết quả cao. Các đơn vị kinh tế phải làm tròn nghĩa vụ nộp tiền mặt vào Ngân hàng theo từng thời điểm do Ủy ban Nhân dân Thành phố, Ủy ban Nhân dân Huyện quy định.

Khẩn trương thành lập Trung tâm Tín dụng Huyện để huy động, bổ sung vốn phục vụ mọi hoạt động kinh tế của Huyện.

Trong quá trình phát triển kinh tế, tùy theo tình hình thực tế sẽ có những chỉ đạo cụ thể của BCH Huyện ủy. Những chỉ đạo đó phải trên cơ sở quán triệt các quan điểm sau đây:

Một là, phát huy dân chủ ở cơ sở. Các đơn vị kinh tế cần kết hợp sản xuất với kinh doanh tổng hợp ứng xử nhanh nhạy, chớp đúng thời cơ để hoạt động đạt kết quả cao nhất.

Hai là, Chống tư tưởng ỷ lại, chờ đợi trên lo, trên rót. Cơ sở từ hoạt động thực tiễn phải tìm cách tháo gỡ, “tự cứu” mình. Những hoạt động ngoài chức năng, quyền hạn phải có ý kiến cấp trên để cùng cộng đồng trách nhiệm. Mặt khác, cơ sở phải tôn trọng, chịu sự quản lý về mặt Nhà nước của Huyện. Chống mọi biểu hiện tự do, tùy tiện, vô tổ chức, làm sai quy định của pháp luật.

Ba là, Thước đo của hoạt động sản xuất kinh doanh là hiệu quả kinh tế cao. Các cơ sở phải tìm tòi mọi phương thức quản lý như: khoán cho thuê, định mức lao động, tiên tiến, khuyến khích thu nhập… để hoạt động có hiệu quả cao nhất. Huyện lựa chọn, ưu tiên đầu tư cho các cơ sở làm ăn có hiệu lực cao. Không bù lỗ cho các đơn vị làm kinh tế yếu kém, thua lỗ.

Trong quá trình phát triển, khi cần thì tổ chức những công ty, xí nghiệp sản xuất kinh doanh. Các đơn vị này phải tự lo vốn, tự chủ về sản xuất kinh doanh, về tổ chức nhân sự, tự chịu trách nhiệm hoàn vốn, có lãi nộp ngân sách (thuế) cho Nhà nước.

Để khuyến khích tư nhân đầu tư sản xuất, Huyện chủ trương bình đẳng với các thành phần kinh tế về mặt chính trí, kinh tế, xã hội, pháp luật.

2. Văn hóa – xã hội:

Chú ý thế mạnh về mặt văn hóa của Hóc Môn là truyền thống Mười Tám Thôn Vườn Trầu, Nam Kỳ khởi nghĩa. Mọi hoạt động văn hóa của Huyện phải xoay quanh đặc điểm này để giáo dục, xây dựng nếp sống mới, con người mới: Xuất phát từ gìn giữ truyền thống Huyện, có kế hoạch tranh thủ Trung ương, Thành phố tiếp tay xây dựng các khu di tích lịch sử ở Ngã Ba Giồng, bia căm thù Cầu Xáng, chiến khu An Phú Đông, Nhà Truyền thống Tân Thới Nhất v.v… để vừa phát huy giáo dục truyền thống, vừa xây dựng các khu du lịch, tạo thêm nguồn thu cho Huyện.

a) Giáo dục: Tiếp tục nâng cáo chất lượng ở cả ba ngành học nhà trẻ, mẫu giáo, phổ thông và bổ túc văn hóa. Đặc biệt, chú trọng phổ cập cấp I cho thiếu niên và tiếp tục mở các lớp Bổ túc văn hóa cấp II, III cho cán bộ chủ chốt của Huyện. Thực hiện thu một phần học phí trong ngành giáo dục phổ thông và thu một phần viện phí y tế, trong đó chú trọng miễn thu từ lớp 1 đến lớp 3 và miễn giảm đối với diện gia đình nghèo. Đảm bảo chăm lo đúng đắn lực lượng giáo viên, để tạo cơ sở nâng cao chất lượng giảng dạy.

b) Y tế: Coi trọng công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu. Nâng cao các mặt hoạt động của công tác y tế. Phấn đấu đạt tỷ lệ phát triển dân số 1,6% mỗi năm. Đẩy mạnh hoạt động TDTT, tạo nhiều phong trào mới, tiến tới tham gia Đại hội TDTT toàn Thành phố.

c) Văn hóa thông tin, thương binh xã hội: Xây dựng cơ sở vật chất, phát triển các hoạt động văn hóa văn nghệ nhất là ở cơ sở. Quan tâm đúng mức việc chăm sóc đời sống tinh thần, vật chất cho diện chính sách, tạo điều kiện cho họ sản xuất ổn định đời sống.

Dạy nghề: Phát huy khả năng dạy nghề để nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.

3. An ninh quốc phòng:

- Dưới sự lãnh đạo của các Cấp ủy Đảng, nắm vững hai nhiệm vụ chiến lược, quan tâm hơn nữa đến công tác an ninh quốc phòng, lãnh đạo xây dựng lực lượng Công an trong sạch, vững mạnh hoàn thành được nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục phát động mạnh mẽ phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng thế trận bảo vệ an ninh trật tự đều khắp ở cơ sở. Đảm bảo thế chủ động phòng ngừa từ nguồn gốc phát sinh tội phạm, tích cực tấn công các loại đối tượng để giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Phấn đấu 80% số xã, thị trấn cơ quan, xí nghiệp đạt loại khá về an ninh trật tự Huyện đạt tiêu chuẩn loại khá về phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc.

* Đảm bảo chỉ tiêu giao quân hàng năm, xây dựng hoàn chỉnh kế hoạch phòng thủ Huyện trong kế hoạch phòng thủ chung của Thành phố, thực hiện tốt hơn chính sách hậu phương quân đội.

XÂY DỰNG ĐẢNG

Hiện nay, xu thế chung là đổi mới, từ đổi mới cơ chế kinh tế, đổi mới thể chế chính trị sẽ mở ra nhiều vấn đề rất mới, có những vấn đề khác xa nhận thức trước đây. Vì vậy, để tạo nhận thức nhanh, đồng bộ trong Đảng bộ, các Đảng ủy, Chi bộ phải luôn tiếp cận với tình hình mới kịp thời phổ biến để nhận thức giữa cái cũ và mới trong Đảng, trong đồng chí không gặp khoảng cách quá xa, thậm chí có quan điểm trái ngược nhau cản trở cho sự phát triển kinh tế. Ban Tuyên huấn phải bắt kịp các tư tưởng mới của Đảng, nắm được tư tưởng lệch lạc trong từng cơ sở Đảng để phổ biến và uốn nắn giáo dục chung.

Chú trọng đúng mức công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để đủ sức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình phát triển kinh tế. Nếu Huyện không đủ cán bộ khoa học kỹ thuật và biết làm kinh tế, sẽ có chính sách thỏa đáng chiêu tập đội ngũ có trình độ này ở nơi khác về nhằm tạo động lực mới thúc đẩy Huyện đi lên. Các Đảng ủy, Chi bộ làm tốt công tác quản lý Đảng viên. Thực hiện khen thưởng, đề bạt đối với những cán bộ tốt và xử ký nghiêm minh những cán bộ Đảng viên CNV sai phạm để giữ kỷ cương sinh hoạt Đảng và kỷ cương xã hội. Đưa người vào Đảng phải đúng chuẩn chất. Nâng cao chất lượng Đảng viên, phấn đấu cuối năm 1989 đạt ¾ cơ sở Đảng vững mạnh, 2/3 Đoàn cơ sở vững mạnh, có 2/3 Đoàn viên loại tốt. Đưa công tác kiểm tra thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng vào nề nếp.

XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN

Cơ quan chính quyền các cấp, các công ty, xí nghiệp phải vươn lên làm tròn trách nhiệm được giao. Tiếp tục cụ thể hóa về quản lý Nhà nước bằng luật pháp. Chính quyền không can thiệp sự vụ vào lĩnh vực sản xuất – kinh doanh ở cơ sở. Các đơn vị kinh tế được tự chủ, chịu trách nhiệm về lãi lỗ, làm tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh theo pháp luật quy định. Triển khai giao kế hoạch một chỉ tiêu nộp ngân sách là chính. Huyện chọn lựa Giám đốc ở các đơn vị quốc doanh, Giám đốc chịu trách nhiệm với Đảng và chính quyền cấp trên, được chọn lựa người dưới quyền giúp việc cho mình để tổ chức hoạt động đạt hiệu quả cao nhất. Qua một thời gian cần thiết, nếu không hoàn thành nhiệm vụ, phải tự từ chức hoặc bị miễn chức để thay người khác làm ăn có hiệu quả hơn. Tiếp tục thực hiện kiện toàn tinh giảm bộ máy, nâng hiệu quả hoạt động.

4. Mặt trận, đoàn thể:

Phải đối mới phương thức hoạt động các đoàn thể, mặt trận phù hợp tình hình hiện nay, trong đó chú trọng củng cố chất lượng Hội viên. Các đoàn thể phải tìm tòi sáng tạo loại hình sinh hoạt để vừa thu hút quần chúng vừa có nguồn thu mở rộng phong trào và chăm lo thêm cho đội ngũ cán bộ đoàn thể như từng lúc, thời điểm tổ chức các hội thi, hội tuyển, nâng cao tay nghề, khen thưởng khuyến khích người tham gia theo giới tính của mình và tổ chức các điểm dịch vụ phục vụ sản xuất v.v…

Chuyển mặt bằng quy hoạch công viên thiếu nhi thành trung tâm Dịch vụ văn hóa của Thanh thiếu niên. Để xây dựng trung tâm này, cần tổ chức đấu thầu cho tư nhân khai thác các loại hình đa dạng, có nguồn thu.

Mặt trận Tổ quốc cần đẩy mạnh hoạt động, nhất là quan hệ tốt với Hội Việt kiều Thành phố để tranh thủ các Việt kiều nước ngoài góp phần phát triển kinh tế ở Huyện.

Các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể thực hiện tốt công tác vận động quần chúng theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

5. Về đời sống cho cán bộ nhân viên hành chính:

Phải tạo nguồn thu để trợ cấp thêm cho diện hành chính phấn đấu trợ cấp thêm để người có thu nhập bình quân được 70kg gạo/tháng.

Để thực hiện được chỉ tiêu này, các đơn vị (hoặc tổ chức theo khối), xã mỗi nơi tổ chức một xí nghiệp đời sống. Xí nghiệp này do đơn vị vay vốn, tự đầu tư làm có lãi đưa vào quỹ trợ cấp đơn vị mình, được Huyện miễn thuế.

Mỗi đơn vị kinh tế cố gắng đóng góp phần mình vào việc chăm lo chung. Một năm ít nhất một lần, hoạt động sản xuất kinh doanh thêm ngoài chỉ tiêu được giao để gây quỹ trợ cấp cho diện hành chính toàn Huyện.

Chuyển cửa hàng DVTN kinh doanh tổng hợp và nhanh chóng xây dựng đưa Xí nghiệp Da giày vào hoạt động, lấy toàn bộ số lãi của xí nghiệp để làm quỹ đời sống.

Trên đây là số nhiệm vụ, chỉ tiêu lớn mà Đại hội đại biểu Đảng bộ đã biểu quyết thành Nghị quyết. Đại hội giao cho Ban Chấp hành mới tiếp tục cụ thể hóa và bàn biện pháp tổ chức thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu đã nêu trên.

ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ HUYỆN HÓC MÔN LẦN V

Thông báo