Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Báo cáo kiểm điểm của Ban chấp hành Đảng bộ Quận 3 nhiệm kỳ IV (1986-1988)

Trong báo cáo tổng kết nhiệm kỳ có nêu những mặt làm được và chưa làm được những ưu điểm, khuyết điểm và nguyên nhân, tất cả đều có liên quan chặt chẽ đến sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chấp hành.

Để làm rõ trách nhiệm của mình, Ban chấp hành nhiệm kỳ IV xin tự kiểm điểm như sau:

I. BAN CHẤP HÀNH ĐÃ LÃNH ĐẠO ĐẢNG BỘ THỰC HIỆN CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA TRUNG ƯƠNG, CỦA THÀNH UỶ VÀ CỦA ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ QUẬN LẦN THỨ IV.

1. Về lãnh đạo kinh tế:

- Nhận thức được những quan điểm đổi mới về lãnh đạo kinh tế của Đảng nên trong chỉ đạo Ban chấp hành vừa cho bung các thành phần kinh tế, vừa chú trọng phát triển kinh tế quốc doanh, nhờ đó Quận đã tự cân đối được ngân sách và đã trở thành một quận có sản xuất phát triển khá, có một số mô hình làm ăn tốt có hiệu quả cao, được Thành phố đánh giá là một trong các quận mạnh của Thành phố.

- Có nhiều tiến bộ trong việc chỉ đạo khai thác nguồn lao động, chất xám, mở rộng quy mô hoạt động, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật để phát triển kinh tế. Hai năm đã đầu tư 906.000 đô la rúp cho các ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó khu vực sản xuất được 662.000 đô la rúp.

- Nắm bắt những chỉ đạo mới của Đảng trên lĩnh vực kinh tế, có mạnh tay trong một số chỉ đạo cụ thể như vấn đề hợp doanh, liên doanh; mạnh dạn sử dụng lực lượng khoa học, kỹ thuật cũ có năng lực quản lý giỏi, đạt hiệu quả kinh tế cao, cho bung ra làm ăn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VI, nhờ vậy mà tốc độ phát triển sản xuất tăng bình quận 33%/năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng 69%/năm (hạng nhì Thành phố), có xí nghiệp hợp doanh đã trích nộp thu quốc doanh và lợi nhuận chiếm ¼ ngân sách Quận. Nguồn ngân sách của Quận cân đối từ khu vực sản xuất ngày càng có cơ sở chắc chắn hơn, thể hiện mức thu ngân sách năm 1988 là 6,5 tỷ (gấp 15 lần năm 1986), trong đó thu từ sản xuất chiếm 55,78% ngân sách.

- Trong chỉ đạo phát triển kinh tế biết vận dụng phương châm từng bước vững chắc, từ nhỏ đến lớn, từ ít đến nhiều, lấy ngắn nuôi dài và từng bước có rút kinh nghiệm.

- Một số chỉ đạo về cải tạo trên lĩnh vực kinh tế như HTX, tổ hợp (sản xuất), cửa hàng hợp tác kinh doanh (thương nghiệp, dịch vụ ăn uống) không phát huy được hiệu quả đã kịp thời sửa chữa bằng cách hạ xuống hình thức sở hữu thấp hơn hoặc trả về tư nhân.

- Ban Chấp hành nhiệm kỳ vừa qua tiếp tục làm chuyển biến bộ mặt hành chính cư trú của Quận làm cho kinh tế phát triển, tạo điều kiện cho đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh cải thiện đời sống. Nhất là thời gian cuối nhiệm kỳ trên mặt trận này đã có những chỉ đạo khá mạnh tay như cho đấu thầu mặt bằng ở những cửa hàng hoạt động kém hiệu quả, cho mở gia công vàng bạc…

b. Tuy vậy nhận thức của Ban Chấp hành về lĩnh vực này còn nhiều hạn chế, nhất là trong nền kinh tế hàng hoá có nhiều thành phần, cụ thể trên lĩnh vực dịch vụ, thương nghiệp hàng hoá còn nghèo nàn, chưa xây dựng được trung tâm thương nghiệp dịch vụ có tầm cỡ của một quận trung tâm thành phố, chưa khai thác đúng mức tiềm năng kinh tế của quận, chưa biết cách khai thác các đơn vị kinh tế của TW, Thành phố đóng trên địa bàn, chưa tạo được mặt hàng độc đáo, có tính đặc thù để phát triển kinh tế của Quận.

- Chưa tạo điều kiện phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, chưa tìm được  hướng phát triển thật chắc chắn phù hợp với đặc điểm của quận nhà. Chưa tạo bước phát triển có tính đột phá trong kinh tế, chưa có được những đơn vị kinh tế quốc doanh mạnh. Những mô hình làm ăn có hiệu quả chưa nhân ra kịp thời.

- Một số đơn vị làm ăn đạt hiệu quả thấp do nhập máy không đồng bộ, giải quyết mặt bằng không kịp thời nên hiệu quả không cao.

- Một thời gian khá dài chỉ đạo kinh tế vẫn còn theo lối mòn thiếu tầm xa, chỉ chú ý các thành phần kinh tế quốc doanh tập thể mà chưa coi trọng các thành phần kinh tế khác. Các thành phần này chỉ phát triển sau khi có Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị.

- Chỉ đạo kinh tế có mạnh về chủ trương nhưng thiếu biện pháp chỉ đạo tổ chức thực hiện và kiểm tra đôn đốc.

2. Về văn hoá – xã hội:

Quận đã dành 19% ngân sách đầu tư cho lĩnh vực văn hóa – xã hội và có đeo bám chỉ đạo, nên hoạt động về văn hoá, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, thương binh xã hội có đảm bảo được yêu cầu của trên, và phần nào đã bắt đầu đi vào chiều sâu, như xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, giải quyết trẻ em nghèo thất học, phòng và trị bệnh, phong trào thể thao trong nhà trường, chăm lo các gia đình chính sách, các đối tượng nghèo khó neo đơn. Đồng thời chú ý nâng cao trình độ văn hóa của một bộ phận nhân dân lao động và cán bộ công nhân viên; giáo dục truyền thống, ngăn chặn phần nào các tệ tục, có tích cực giải quyết việc làm cho nhân dân, đặc biệt đối với số thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, thanh niên xung phong trở về.

Tuy vậy, lĩnh vực này quá rộng và phức tạp trong khi sự am hiểu của Ban Chấp hành thì hạn chế, nên chỉ đạo lĩnh vực văn hoá – xã hội không cân xứng với lĩnh vực kinh tế.

- Tư duy về văn hoá xã hội đổi mới còn chậm, chưa thoát khỏi tư tưởng bao cấp. Thiếu những chỉ đạo có tính chiến lược đặc biệt là về lĩnh vực con người trên địa bàn. Nhiều nội dung về văn hoá – xã hội được đề ra trong Nghị quyết nhưng chưa được triển khai thực hiện.

- Tình hình chung về văn hoá xã hội có nhiều sa sút, nhất là chất lượng giáo dục giảm đến mức nghiêm trọng, song Ban Chấp hành chưa tập trung đầu tư bàn sâu tìm biện pháp ngăn chặn, còn hiện tượng đổ lỗi cho khách quan.

3. Về đời sống:

Quận uỷ có quan tâm chăm lo đời sống của nhân dân lao động và cán bộ công nhân viên hành chính sự nghiệp, thể hiện việc chăm lo đời sống trên địa bàn dân cư, nhiều công trình phúc lợi chung đã được thực hiện như điện, nước, vệ sinh công công, cống, hẻm…, giải quyết việc làm; mở rộng việc phát triển kinh tế theo Quyết định 34 của UBND TP và Chỉ thị 54 của Thành uỷ. Tạo điều kiện cho số đơn vị hành chính có vốn sản xuất, xuất ngân sách trợ cấp thêm cho CBCNV giáo dục, cán bộ hành chính sự nghiệp và cán bộ nghỉ hưu.

- Tuy nhiên những biện pháp chăm lo đời sống còn bấp bênh có tính chấp vá, tạm thời, chưa có giải pháp căn cơ, tạo điều kiện cho các tầng lớp dân cư và CBCNV tự phát huy khả năng của mình tham gia vào các hoạt động kinh tế để cải thiện đời sống một cách căn bản, vững chắc.

4. Trên lĩnh vực an ninh quốc phòng:

Ngoài việc chỉ đạo tiếp tục triển khai Nghị quyết 134 của Ban Chấp hành khoá 3 - Quận có kế hoạch triển khai Nghị quyết 05 của Thành uỷ về công tác an ninh và thường xuyên nhắc nhở chính quyền tổ chức thực hiện nên đã đảm bảo được tình hình an ninh chính trị trên địa bàn.

- Khi tình hình kinh tế chuyển động Ban chấp hành có chỉ đạo kịp thời các ngành khối nội chính chuyển biến về nhận thức để không làm cản trở sự phát triển kinh tế. Các ngành khối nội chính sinh hoạt khá đều, đồng thời kiên quyết xử lý các vụ việc vi phạm tồn đọng trong ngành Công an khá lâu, bước đầu có củng cố các tổ chức của Công an Quận. Những tồn đọng trong xét khiếu tố, khiếu nại có tập trung giải quyết và đạt kết quả tốt hơn trước.

- Song việc phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh trật tự xã hội trên địa bàn dân cư chưa tốt, nhất là việc bảo vệ các địa bàn trọng điểm, trật tự xã hội diễn biến ngày càng phức tạp, chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu, một số vụ án giải quyết quá chậm trễ gây hậu quả không tốt.

- Việc giáo dục luật pháp cho CBCNV và nhân dân còn ít. Sự phối hợp giữa các ngành nội chính với các đoàn thể và các phường chưa thường xuyên.

5. Về chỉ đạo công tác vận động quần chúng:

- Ban chấp hành có đề ra Nghị quyết toàn dân bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em, chỉ đạo sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 11 của Thành uỷ và Nghị quyết 130 của Quận uỷ về công tác vận động quần chúng.

- Lãnh đạo các đoàn thể gắn hoạt động của mình với công cuộc đổi mới trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Thúc đẩy mở rộng việc công khai hoá và dân chủ hoá trên một số mặt.

- Tuy nhiên, Ban chấp hành còn lúng túng trong việc chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn thể và mặt trận, nên lực lượng đoàn thể đông nhưng chất lượng chưa cao.

- Chỉ đạo xây dựng quy định chế độ làm việc giữa chính quyền với các đoàn thể nhằm phát huy vai trò của các đoàn thể Mặt trận trong mọi lĩnh vực hoạt động kinh tế - xã hội thiếu đồng bộ.

- So với lĩnh vực kinh tế, Ban chấp hành quan tâm chỉ đạo công tác đoàn thể chưa cân xứng, chưa làm cho các ngành hiểu rõ chức năng nhiệm vụ các đoàn thể để tạo nên sự phối hợp có hiệu quả cao.

6. Về công tác xây dựng Đảng:

- Trong công tác chính trị tư tưởng Ban chấp hành có chú trọng truyền đạt những quan điểm mới của Đảng về kinh tế - xã hội, đồng thời nâng cao kiến thức cơ bản về chính trị, kinh tế, văn hoá cho cán bộ công nhân viên.

- Có quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đảng viên, xây dựng các tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh. Quận uỷ có Nghị quyết 07 về công tác tư tưởng; chăm lo phát triển Đảng để xoá trắng ở một số cơ sở sản xuất, kinh doanh.

- Khuyết điểm lớn nhất của Ban chấp hành là thiếu kế hoạch cụ thể đi sâu phân tích diễn biến tư tưởng của đảng viên ở từng loại hình cơ sở Đảng, tăng cường thông tin 2 chiều và bàn biện pháp cụ thể để củng cố nhận thức, giữ vững niềm tin trong Đảng.

- Thiếu các biện pháp về tổ chức, kiểm tra phát huy vai trò tổ chức cơ sở Đảng ngăn chặn sự sai phạm của đảng viên.

- Thiếu kế hoạch bềi dưỡng cấp uỷ cơ sở, đặc biệt là ở các đơn vị kinh tế, còn nhiều cơ sở mất đoàn kết kéo dài như Công ty vật tư, Công ty ăn uống, Cửa hàng kinh doanh lương thực, Trường cán bộ quản lý giáo dục, Nông trường Duyên Hải phải khai trừ Đảng và cách chức Giám đốc. Việc chậm chỉ đạo giải quyết và củng cố các cơ sở trên là trách nhiệm Ban Thường vụ.

- Không xây dựng được Nghị quyết về công tác tổ chức; quy hoạch cán bộ còn chấp vá, chưa đồng bộ; việc phân cấp quản lý cho các đơn vị chưa cụ thể. Một số cán bộ bố trí không phát huy được, còn thể hiện tình cảm nể nang. Đây là khuyết điểm của Ban Thường vụ chưa có quan điểm thật đổi mới về công tác cán bộ và chính sách cán bộ.

- Quản lý các cơ sở Đảng của Thành phố vàTrung ương trên địa bàn thiếu sâu sát, một số nghị quyết triển khai song thiếu kiểm tra đôn đốc.

II. VỀ PHONG CÁCH LÃNH ĐẠO CHỈ ĐẠO:

Ban Chấp hành và Thường vụ Quận uỷ có cố gắng thực hiện theo quy chế và các quy định đã được thống nhất, làm việc theo chương trình kế hoạch. Nghe ngóng tiếp thu ý kiến ở các cơ sở và các bộ phận tham mưu, giải quyết có phần kịp thời những vấn đề đặt ra trong mối quan hệ giữa Ban Chấp hành và Ban Thường vụ với UBND. Quan hệ giữa Thường trực Quận uỷ với các ngành, các cơ sở gắn bó tương đối chặt chẽ. Sinh hoạt của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ đảm bảo được nguyên tắc, có những vấn đề ý kiến khác nhau đã kịp thời đấu tranh đi đến thống nhất không để phát sinh mâu thuẫn trong nội bộ. Tuy vậy, trong mỗi lần sinh hoạt Ban Chấp hành, do quy trình tổ chức hội nghị chưa thật tốt như tài liệu dự thảo gởi chậm, không đủ thời gian nghiên cứu hoặc thiếu hướng dẫn nội dung thảo luận hội nghị đi sâu mổ xẻ, nôn hội nghị không bảo đảm được tính khoa học, tản mạn, hội nghị kéo dài, chất lượng không cao, trí tuệ của Ban Chấp hành và Ban Thường vụ không được phát huy đúng mức. Mặc dù đã có quy chế làm việc giữa Thường vụ Quận uỷ với phạm vi lãnh đạo của Đảng và việc tổ chức thực hiện còn dẫm chân bao biện. Những chế độ trong sinh hoạt của Ban Thường vụ và Ban Chấp hành chưa thực hiện đều đặn đúng các quy định hội họp; giờ giấc chưa thật bảo đảm. Việc đề ra các quyết định, kiểm tra các quyết định chế độ đi cơ sở, chế độ tiếp dân đều có làm nhưng chưa thật nền nếp và đúng theo qui định; phân công tổ chức thực hiện các quyết định chưa thật cụ thể. Chỉ đạo sơ kết tổng kết những mô hình tốt chưa trở thành nền nếp và có chất lượng.

Ban Chấp hành phân công các đồng chí uỷ viên Ban chấp hành theo dõi từng Phường, một số đồng chí uỷ viên Thường vụ phụ trách các khối và quy định chế độ đi cơ sở của các đồng chí Quận uỷ viên nhằm tăng cường sự sâu sát của Ban chấp hành đối với cơ sở. Nhưng kết quả thu được vẫn còn hạn chế. Khuyết điểm của Quận uỷ còn hội họp quá nhiều, ra quyết định nhiều, nhưng kiểm tra đôn đốc không tương xứng. Ban chấp hành, Ban Thường vụ chưa thật sâu và sát cơ sở nên có những quyết định nóng vội đơn giản, thiếu tính khách quan, khó thực hiện. Quận uỷ chưa có kế hoạch cụ thể phát huy vai trò cấp uỷ viên được cấu tạo ở cơ sở. Chưa rút được những kinh nghiệm trong quá trình đi cơ sở để công tác chỉ đạo đạt được yêu cầu cao.

III. VỀ PHẨM CHẤT:

Nhiệm kỳ quá có 2 lần kiểm điểm cá nhân các đồng chí uỷ viên Ban chấp hành. Lần thứ nhất kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết 04 của Bộ chính trị và lần này kiểm điểm cuối nhiệm kỳ. Trong 5 ngày kiểm điểm đã tập trung các vấn đề về quan điểm lập trường, trình độ năng lực, trình độ nhận thức, tác phong công tác, khả năng hoàn thành nhiệm vụ được phân công và phẩm chất đạo đức. Quá trình kiểm điểm đã đấu tranh và làm rõ một số ưu khuyết điểm của từng đồng chí, không có đồng chí nào sai phạm lớn về quan điểm lập trường; 01 đồng chí sai phạm về phẩm chất đạo đức trong sinh hoạt đã bị cách chức Quận uỷ viên, 01 đồng chí có vi phạm nhỏ về nguyên tắc quản lý tài chính đã kiểm điểm xử lý hình thức khiển trách. Còn hầu hết các đồng chí đều giữ gìn được phẩm chất, có lối sống trong sạch, lành mạnh, hoàn thành được nhiệm vụ với mức độ khác nhau.

IV. TÓM TẮT NHỮNG ƯU KHUYẾT ĐIỂM CHÍNH VÀ NGUYÊN NHÂN

Ưu điểm:

1. Chấp hành nghiêm chỉnh những chỉ đạo của Thành uỷ và có tinh thần cách mạng tiến công. Có nhiều năng nặng và linh hoạt trong việc vận dụng một số nghị quyết của Thành uỷ và chỉ đạo của UBND Thành phố; có nhạy cảm với một số chủ trương chính sách mới, biết sử dụng hình thức liên doanh, hợp doanh, đấu thầu và mạnh dạn sử dụng cán bộ kỹ thuật cũ biết cách làm ăn có hiệu quả cao; đồng thời biết đầu tư chiều sâu tạo điều kiện cho sản xuất phát triển mạnh.

2. Trong lãnh đạo, chỉ đạo biết phát huy vai trò của cơ sở, Ban chấp hành đã xác định cơ sở mạnh thì Quận mới mạnh, nên có chú trọng đến việc xây dựng các cơ sở và tạo điều kiện cho cơ sở vươn lên; có quy định chế độ làm việc với các khối và chế độ đi cơ sở, xây dựng được mối quan hệ làm việc giữ Quận uỷ với cơ sở và với UBND.

3. Giữ được sự đoàn kết nhất trí trong Ban chấp hành trên cơ sở những quan điểm mới của Đảng, đây là ưu điểm nổi bật mang tính truyền thống của Quận. Do đó, dù trình độ chung của Ban chấp hành có hạn chế nhưng vẫn thực hiện được những nhiệm vụ trên giao.

Khuyết điểm:

- Khuyết điểm lớn nhất của Ban chấp hành là việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, cũng như việc kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở và uốn nắn những lệch lạc trong quá trình triển khai các nghị quyết không nắm chắc được kết quả thực hiện các nghị quyết sau khi triển khai đi vào cuộc sống của đảng viên và người dân như thế nào; Nghị quyết về bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em, Nghị quyết về công tác tư tưởng thiếu sơ tổng kết; nhiều quyết định đúng đắn của Ban chấp hành, Uỷ ban triển khai chậm, có mặt không triển khai cũng không được kiểm điểm rút kinh nghiệm đến nơi đến chốn.

Ban chấp hành chỉ đạo trên mặt trận văn hoá – xã hội chưa cân xứng với chỉ đạo về kinh tế. Chỉ đạo khối cơ sở Đảng ở Phường và tập trung hơn khối cơ quan đơn vị cấp Quận và vẫn còn buông lỏng khối Thành phố và Trung ương. Trong từng mặt công tác chưa bóc ra được những khâu yếu nhất để có tập trung chỉ đạo.

- Công tác xây dựng Chi bộ, còn lúng túng trong việc xây dựng cho tất cả đảng viên có lập trường kiên định, quan điểm rõ ràng, nên có một bộ phận đảng viên dao động băn khoăn trước tình hình khó khăn, và diễn biến của công cuộc đổi mới, trên dưới chưa thật nhất quá. Công tác xây dựng Đảng không theo kịp với phát triển của tình hình. Nội dung chỉ đạo cụ thể để các cơ sở xây dựng Chi bộ, Đảng bộ vững mạnh theo từng loại hình cơ sở còn thiếu, các cơ sở Đảng vững mạnh không nhân ra được.

Đảng viên chấp hành nghị quyết của Đảng chưa nghiêm, Ban chấp hành biết rõ tình hình này nhưng thiếu bàn bạc tìm ra những biện pháp ngăn chặn. Sinh hoạt Đảng ở khối các cơ quan thiếu nền nếp, chế độ tự phê bình và phê bình chưa cao, một ít cán bộ có sai lần khuyết điểm giải quyết không đến nơi đến chốn để sai phạm nặng hơn. Đảng viên sai phạm kỷ luật không được thông báo để rút kinh nghiệm.

- Ban chấp hành không lường trước được những diễn biến tình hình, nên đặt ra quá nhiều nghị quyết trong chương trình toàn khoá, mặt khác chưa xây dựng được một số nghị quyết như: Nghị quyết về văn hoá xã hội, về công tác vận động quần chúng, công tác tổ chức, Nghị quyết về công tác tư tưởng cũng không được triển khai đến nơi đến chốn.

Nguyên nhân khuyết điểm:

Tuy nhữn gnguyên nhân khuyết điểm của Ban chấp hành đều có những yếu tố khách quan tác động khá quan trọng nhưng tinh thần của Ban chấp hành là đi sâu vào những nguyên nhân chủ quan.

- Kiến thức của Ban chấp hành về mặt kinh tế xã hội còn hạn chế, thiếu suy nghĩ hướng đi lâu dài, không bắt kịp với những chuyển động của trào lưu đổi mới; nhận thức trong Ban chấp hành không đồng đều nhưng thiếu quan tâm bồi dưỡng những tư duy mới và những vấn đề có tính quy luật.

- Quận uỷ cũng nhận thức được vai trò cán bộ quyết định việc thực hiện những nhiệm vụ đề ra, nhưng công tác cán bộ chưa được đổi mới, còn nể nang trong việc xem xét đánh giá cán bộ, chưa mạnh dạn thực hiện được việc dân chủ hoá và công khai hoá. Trong công tác cán bộ chưa kịp thời thay thế những cán bộ đảng viên phẩm chất đạo đức và năng lực kém.

- Một số đồng chí Uỷ viên Ban chấp hành chưa nhận rõ vai trò và trách nhiệm của mình, mới phát huy được vị trí trưởng ngành, trưởng đơn vị mà chưa phát huy tốt mặt tập thể Ban chấp hành với trách nhiệm lãnh đạo chung. Sự lãnh đạo chỉ đạo của Ban chấp hành còn tập trung nhiều vào Ban Thường vụ, chưa phát huy được vai trò của các đồng chí uỷ viên Ban chấp hành ở các khối và cấu tạo ở cơ sở đóng góp vào sự lãnh đạo chung.

- Trong một số trường hợp Ban chấp hành vẫn còn hiện tượng thoả hiệp, nể nang, đấu tranh không mạnh. Chưa phát huy đúng mức không khí dân chủ, cở mở trong sinh hoạt Ban chấp hành nhằm phát huy sức mạnh trí tuệ của tập thể,.

- Trong lãnh đạo chỉ đạo tuy đã xây dựng được nhiều mô hình nhưng chưa kịp thời sơ tổng kết đúc rút kinh nghiệm, nêu lên những bài học để nhân rộng ra nên dần dần để cho các mô hình của Quận 3 bị mai một.

Trên đây là những ưu khuyết điểm chính của Ban chấp hành trong nhiệm kỳ IV, mong được sự đóng góp của Đại hội.

BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ QUẬN 3

Thông báo