Tên cấp ủy:Quận ủy Quận 8
Địa chỉ: 02 Dương Quang Đông, Phường 5, Quận 8
Điện thoại: 38508012 Fax: 8508012
Bí thư: Võ Ngọc Quốc Thuận
Phó Bí thư Thường trực: Đỗ Hữu Trí
Chủ tịch UBND: Trần Thanh Tùng
Chánh VP: Nguyễn Quang Huy
Vùng đất ven đô Anh hùng
Quận 8 là một quận nội thành, nhưng là quận nội thành ven đô nằm về phía Tây nam của Thành phố Hồ Chí Minh có diện tích tự nhiên 1.917 ha, hiện nay diện tích đất nông nghiệp còn hơn 200 ha. Bị chia cắt bởi 23 kênh rạch dọc ngang, thuận tiện cho giao thông đường thủy, có hệ thống bến cảng và kho tàng vào loại lớn nhất Thành phố hình thành từ đầu thế kỷ XX và 46 chiếc cầu lớn nhỏ, trong đó có những cây cầu lớn như cầu Chữ Y, Nhị Thiên Đường, cầu Nguyễn Tri Phương.
Do vị trí địa lý, kinh tế , nên quận 8 là một địa bàn trung chuyển hàng hoá rất quan trọng giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn với Thành phố, là một trong những quận có cảng sông quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh như cảng cá Chánh Hưng, cảng sông Dương Bá Trạc (thường gọi bến cảng phường 1), cảng Bình Đông, cảng Bình Lợi và 83 kho hàng lớn nhỏ của Trung ương, Thành phố, quận quản lý với diện tích 278.640m2.
Cuối thế kỷ XIX vùng đất quận 8 bắt đầu phát triển, năm 1867 là năm đầu tiên Sài gòn xuất khẩu lúa gạo ra nước ngoài, con dường thu mua lúa của đồng bằng sông cửu Long chủ yếu thông qua địa bàn cảng Bình đông của quận 8; năm 1877 nhà máy xay lúa đầu tiên xuất hiện hai bên kinh Tàu Hủ thuộc quận 5 và 8, những kho hàng, trại mộc sửa chữa ghe xuồng, kho lúa gạo. Những xóm lao động khuân vác hình thành ngày càng đông tập trung xung quanh vùng đất cầu Chữ Y, Bình Đông, Bình Tây; đa số họ là người từ miền đông Nam bộ kéo đến, người từ Cần Giuộc, Cần Đước, Đức Hòa lên khai phá, những người lao động nghèo từ khắp Bắc – Trung – Nam đến các bến cảng, kho hàng để bán sức lao động cho các chủ cảng; hoặc đó là những người Hoa vượt biển tìm vùng đất mới đã tụ tập về quận 8, ở quận 8 từ 1878 đã có hơn chục lò gạch của người Hoa hoạt động với hàng trăm lao động (đó là Lò gốm Hưng Lợi – phường 16 đã được Bộ VHTT công nhận di tích văn hóa lịch sử), một số họ trở thành những nhà tư bản Hoa kiều có những nhà máy, kho hàng lúa gạo lớn bậc nhất Miền Namở khu vực Bình Đông. Hiện nay, cư dân đa số là người Kinh, người Hoa (chiếm 11%), người Chăm, Khơme (0,3%); đa số dân cư theo đạo Phật (35%), đạo Thiên chúa (11,5%). Ngày nay, người dân quận 8 rất tự hào với những địa danh nổi tiếng qua các thời kỳ lịch sử: đình Bình Đông -xây dựng từ năm 1852 vào thời vua Tự Đức nằm trên một cù lao với kênh rạch bao quanh trông như một hòn đảo nhỏ trên sông, là một thắng cảnh nổi bật của quận 8; còn là một di tích lịch sử quí giá của quận, nơi đây từ năm 1925 đến 1929, Chủ tịch Tôn Đức Thắng -nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, đã chọn là nơi hội họp, địa điểm liên lạc của tổ chức Công hội đỏ vùng Sài gòn – Chợ Lớn. Là cầu Chữ Y mà đi khắp đấùt nước ta không có một chiếc cầu 3 nhánh nào như cầu chữ Y của quận 8 “Người đi trên chữ, chữ nâng người lên” – thơ Đặng Hấn), cây cầu uy nghi thơ mộng này đã gắn liền với những trang sử vẻ vang của nhân dân quận 8 trong những ngày đầu của tiếng súng Nam bộ và cuộc tổng tiến công nổi dậy xuân Mậu thân 1968. Có vùng đất của người Bình xuyên nghĩa khí một thời (phường 1,2, 3, 4, 5 bây giờ). Là vùng đất Hố Bần (ở hộ 17 xưa và phường 7 bây giờ) là địa bàn hoạt động của những hội viên Công hội đỏ do Bác Tôn Đức Thắng sáng lập, là căn cứ địa vững chắc của tổ chức đảng và lực lượng vũ trang của Khu ủy khu 3 thời chống Pháp và những năm kháng chiến chống Mỹ.
Năm 1698, khi Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam lập ra Phủ Gia Định, quận 8 lúc bấy giờ thuộc tổng Tân Long, huyện Tân Bình; đến triều Gia Long thuộc tổng Tân Phong, huyện Tân Long, phủ Tân Bình. Sau khi Pháp chiếm Gia Định đã thành lập thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn, quận 8 thuộc thành phố Chợ Lớn, trong thời gian này người Pháp đã cho đào Kinh Đôi, Kinh Tẻ. Năm 1931, người Pháp sáp nhập Sài Gòn – Chợ Lớn làm một, quận 8 lúc đó có một số hộ 12, 15, 16, 17… Năm 1953, chính quyền ngụy sắp xếp lại các đơn vị hành chính, quận 8 lúc bấy giờ thuộc quận 4 và 5. Sau Hiệp định Genève, quận 8 lúc bấy giờ thuộc quận 7 và 8. Sau ngày miền Nam giải phóng, quận 7 và 8 được hợp lại thành quận 8 ngày nay.
Như vậy, vùng đất ven đô quận 8 tuy chỉ mới xuất hiện cách đây gần nửa thế kỷ, thế nhưng địa bàn quận 8 đã có cách đây hơn 300 năm, thật sự là vùng đất lịch sử và nổi tiếng của Thành phố, một vùng đất đã chứng kiến đầy đủ những giai đoạn lịch sử của vùng đất Bến Nghé – Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh.
Phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân quận 8 trước khi có Đảng :
Từ cuối thế kỷ XIX đến khi có Đảng ra đời, nhiều nông dân và lao động người Việt, người Hoa ở vùng quận 8 ngày nay đã tham gia vào các hội kín yêu nước chống lại bọn thực dân Pháp, bọn địa chủ cường quyền thân Pháp, nổi bật là địa bàn quận có người Bình Xuyên tiêu biểu cho tinh thần bất khuất chống áp bức của nhân dân lao động quận 8; có phong trào đấu tranh của lao công bốc vác ở các bến bãi và nhà máy xay xát chống bọn tư sản mại bản (1919-1924); từ 1925 đồng chí Tôn Đức Thắng đã về các nhà máy quận 8 tổ chức các công hội bí mật và chọn đình Bình Đông làm nơi liên lạc, phong trào công nhân giai đoạn 1928-1929 nổ ra liên tục, sôi nổi, buộc bọn chủ nhà máy phải chấp nhận yêu sách của công nhân.
Trong đấu tranh cách mạng (1930 – 1975) :
Năm 1936, tại quận 8 ra đời 3 Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên:
Chi bộ Đảng Cộng sản Hộ 16 (nay là phường 16) do đồng chí Lê Quang Tòng làm Bí thư, được thành lập năm 1936, có 5 đảng viên.
Chi bộ ghép ở Hộ 17 (nay là phường 7) do đồng chí Nguyễn Văn Trân đứng ra thành lập năm 1936, có 4 đảng viên.
Chi bộ Đảng Cộng sản Hộ 17, do đồng chí Sáu Biếu làm bí thư, có 6 đảng viên.
Với số đảng viên ít ỏi, nhưng các Chi bộ đã chỉ đạo, tổ chức được nhiều phong trào đấu tranh sôi nổi như phong trào Đông dương đại hội với các hình thức đấu tranh báo chí, đấu tranh nghị trường, đấu tranh hợp pháp, bán hợp pháp. Trong cuộc nổi dậy giành chính quyền Tháng 8 năm 1945, dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy, Chi bộ Đảng trên địa bàn Quận 8 đã kịp thời thành lập tổ chức Thanh niên Tiền phong, các đoàn thể cứu quốc của Mặt trận Việt Minh… cùng nhân dân Thành phố nổi dậy giành chính quyền trong đêm 24 rạng 25/8/1945. Trong những ngày Nam bộ kháng chiến với vũ khí thô sơ nhân dân Quận 8 đã mở mặt trận cầu chữ Y, Nhị Thiên đường, cầu Chà Và quyết chiến với giặc Pháp không cho chúng triển khai quân xuống đồng bằng sông Cửu Long quyết tâm bảo vệ vùng đất tự do. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kéo dài 9 năm (1945-1954), vùng đất quận 8 gần như là 1 vùng đất tự do của chính quyền cách mạng tồn tại ngay trước mũi súng của chính quyền thực dân Pháp; nhân dân quận 8 đã tạo nên một vùng giải phóng, căn cứ địa của cuộc kháng chiến nội đô, là nơi căn cứ của các cơ quan Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn và các lực lượng vũ trang chủ lực. Địch phải gọi vùng đất quận 8 là “Vùng đất tự do của ông Hồ Chí Minh”. Những ngày đầu kháng chiến, nhân dân quận 8 đã vinh dự nhận lấy trách nhiệm lịch sử là nơi đầu tiên của Nam bộ phát đi tiếng nói yêu nước và kháng chiến của tờ báo “Chống xâm lăng” – do chi bộ Ban tuyên truyền Việt Minh Sài gòn – Chợ Lớn lãnh đạo, phát hành số báo đầu tiên vào ngày 1/1/1946 ở vùng căn cứ cầu Sập – Hố Bần (phường 7 ngày nay); trong lòng địch việc truyền bá báo chí cách mạng là vô cùng nguy hiểm, vì thế trong lúc làm nhiệm vụ chuyển tờ báo “Chống xâm lăng” vào Sài gòn – Chợ lớn em bé Tư Chăm 14 tuổi đã hy sinh anh dũng.
“Rừng Sát tôi gươm trừ giặc Pháp
Hố Bần mài bút chống xâm lăng”
(Thơ Nguyễn Mạnh Hoan)
Sau 1954, chúng ta lại phải đối phó với một kẻ thù mới là đế quốc Mỹ. Trong giai đoạn cách mạng mới, tổ chức Đảng của Sài Gòn – Gia Định đã có sự điều chỉnh phù hợp. Trong đó, tổ chức Đảng của Quận 7, Quận 8 thuộc cánh D160 do đồng chí Nguyễn Văn Thuyền (Ba Tôn) làm Bí thư. Từ năm 1961 đến năm 1964 các cơ sở đảng đã được khôi phục và phát triển. Số Chi bộ Đảng đã lên đến 12 Chi bộ, xây dựng được các đoàn thể quần chúng như thanh niên, phụ nữ, công nhân, nông dân. Ngoài ra, Quận 7 còn xây dựng được 4 đội vũ trang tại chỗ và được 12 lõm chính trị.
Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, Mỹ – ngụy tăng cường đánh phá ác liệt các vùng ven, tăng cường xây dựng các đồn bót, chốt chặn, càn quét… lực lượng cách mạng ở Quận 7 và Quận 8 bị thiệt hại rất nhiều. Trước tình hình đó Đảng bộ Quận 7, 8 đã chỉ đạo kiên quyết bám đất, bám dân để khôi phục lực lượng. Đến năm 1974 thì Quận 7, Quận 8 có 3 Chi bộ, 19 đảng viên, 14 tổ nòng cốt. Chỉ riêng Quận 7 có trên 300 quần chúng tham gia vào các nhóm vần đổi công do ta tổ chức. Đến trước chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, toàn Quận 7, 8 có 109 đảng viên.
Trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, lực lượng vũ trang của Quận 8 cùng với bộ đội chủ lực và nhân dân trong Quận nổi dậy; cướp chính quyền của địch. Đến 12 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, quân và dân Quận 8 đã giành chính quyền một cách trọn vẹn.
Gần nửa thế kỷ đấu tranh cách mạng, Đảng bộ và nhân dân Quận 8 đã trải qua một quá trình gian khổ nhưng cũng thật vẻ vang để xây dựng, phát triển phong trào, đưa sự nghiệp cách mạng đến thắng lợi. Đó là quá trình Đảng bộ từng bước hình thành, xây dựng đội ngũ, thực hiện vai trò lãnh đạo cách mạng và trở thành nhân tố quan trọng trong sự phát triển của Quận, biết bao cán bộ, đảng viên và nhân dân Quận 8 đã hy sinh vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội.
Đảng bộ quận 8