Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Bài phát biểu của Đ/C Trần Văn Đông - UV BTV TU tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ Quận 9 lần đhứ II, nhiệm kỳ (2000 – 2005)

Kính thưa:

- Đoàn Chủ tịch,

- Các Bà Mẹ VNAH,

- Các đ/c Cách mạng lão thành

- Toàn thể đại biểu

Hôm nay, quận 9 tiến hành Đại hội Đại biểu của Đảng bộ lần thứ 2, thay mặt Ban Thường vụ Thành uỷ xin chúc mừng Đại hội và chúc sức khoẻ các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng tướng lĩnh, các đ/c Cách mạng lão thành, các đồng chí khách mời cùng toàn thể đại biểu và qua các đ/c, Thành uỷ gửi lời thăm hỏi đến toàn thể nhân dân, cán bộ, đảng viên và chiến sĩ lực lượng vũ trang trong quận, chúc nhân dân quận 9 sống yên vui, hạnh phúc.

Kính thưa các đồng chí,

Sau hơn hai năm tổ chức thực hiện Nghị quyết  Đại hội Đại biểu của Đảng bộ quận 9 lần I, với nhiều khó khăn ban đầu của một quận mới thành lập, song với ý thức trách nhiệm, tích cực phấn đấu và của nhân và Đảng bộ quận 9 hôm nay đã có nhiều thay đổi đáng kể: kinh tế tăng trưởng khá, từng bước hình thành các vùng đô thị hoá, bộ mặt nông thôn – nông nghiệp có nhiều đổi mới. Nhiều công trình phúc lợi được xây dựng; tỷ lệ giảm hộ nghèo cao, đời sống nhân dân được cải thiện. Tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững, hệ thống chính trị được củng cố và có bước phát triển. Thay mặt Ban Thường vụ Thành uỷ , tôi nhiệt liệt biểu dương những thành tích mà Đảng bộ và nhân dân quận 9 đã đạt được.

Kính thưa các đồng chí,

Vừa qua, tổ Công tác của Thành uỷ đã nghe Ban Thường vụ Quận uỷ báo cáo dự thảo nội dung chuẩn bị đại hội, tổ Công tác đã góp nhiều ý kiến vào các văn kiện trình Đại hội, nhất là bản báo cáo chính trị  của BCH. Ý kiến phát biểu hôm nay, tôi chỉ xin trao đổi thêm với Đại hội một số vấn đề cụ thể, để các đ/c lưu ý trong quá trình thảo luận và cả trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đại hội.

Về kinh tế - văn hoá – xã hội:

Trước hết, tôi đề nghị Đại hội cần bàn thảo, xác định hiện nay trên địa bàn quận 9, những vấn đề gì mà nhân dân đang quan tâm nhất và đòi hỏi Đảng bộ phải lãnh đạo giải quyết; những vấn đề bức bách cần giải quyết là vấn đề gì? Cũng cần phân tích thêm xem những yêu cầu đó của nhân dân, tại sao lâu nay Đảng bộ làm chưa tốt? Có thấy được hết những nguyên nhân này, thì sắp tới mới giải quyết tốt được. Nếu đã xác định được cụ thể, thì biện pháp giải quyết ra sao, chừng nào làm, bao giờ xong và ai chịu trách nhiệm. Nội dung này mới nghe qua tưởng chừng là đơn giản, nhưng để làm cho đúng, cho tốt thì không phải là vấn đề đơn giản, mà là cả một hệ thống vấn đề. Trước hết là nhận thức về quan điểm quần chúng của Đảng, về xác định trách nhiệm của đảng viên, Đảng bộ đối với nhân dân. Kế đến là phải xác với dân, vì muốn hiểu được đúng, nắm chắc được những yêu cầu và vấn đề bức xúc của nhân dân thì phải sâu sát trong nhân dân, không phải hễ xuống phường, xuống khu phố, xuống ấp là có thể hiểu được nội dung này mà đòi hỏi phải có ý thức trách nhiệm cao mới nhìn thấy được vấn đề. Phải đặt mình vào hoàn cảnh của người dân khi gặp khó khăn, thì mới có thể thông cảm phần nào với nỗi khổ đó của nhân dân. Như các đ/c đã biết: Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân. Nhiệm vụ được giao từ Bí thư Quận uỷ cho đến đảng viên đều không ngoài mục đích là phục vụ nhân dân.

Ngoài ra, khi thực hiện các chủ trương, biện pháp đề ra phải luôn tính đến lợi ích nhân dân. Có khi chủ trương thì được nhân dân rất đồng tình ủng hộ, nhưng khi tổ chức thực hiện thì bị nhân dân phản ứng, tại sao vậy? Thí dụ như: chủ trương làm cầu, mở rộng, nâng cấp đường, có thể nói nhân dân rất đồng tình, nhưng khi thi công thì bị nhân dân phản ứng, vì để gây ô nhiễm, làm cản trở, gây khó khăn, ách tắc lưu thông… mà người dân tại chỗ cũng như những người hàng ngày qua lại phải chịu đựng. Những việc cụ thể như thế, chúng ta vẫn dửng dưng, xơ cứng hay có những suy nghĩ gì? Những việc tương tự như thế, đừng xem là những việc nhỏ vì nó là lòng tin của dân đối với sự lãnh đạo của Đảng với bộ máy quản lý của Nhà nước và đây cũng là trách nhiệm của Đảng đối với nhân dân. Vì vậy, khi làm việc gì không được áp đặt những suy nghĩ, việc làm chủ quan của mình, mà phải luôn nghĩ đến sự thiệt thòi, những khó khăn, khổ sở mà người dân phải chịu đựng; không được giành phần thuận lợi dễ dàng cho mình, đẩy sang người dân nhận phần bất lợi, khó khăn cực nhọc. Bởi vì mọi chủ trương, việc làm cụ thể đều hướng về lợi ích của nhân dân, chứ không phải gây khó khăn cho nhân dân.

Đó là nhận thức quan điểm chung, sau đây, tôi xin gợi ý một số vấn đề cụ thể mà nhiều người dân đang quan tâm để các đ/c thảo luận thêm:

Quận 9 là một phần của huyện Thủ Đức trước đây, phần được tách ra để thành lập quận 9, diện tích phần lớn là sản xuất nông nghiệp, hiện nay đang chuyển dần sang đô thị hoá, diện tích sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp lại. Điều này cũng có nghĩa là: một bộ phận nhân dân trong quận không còn sản xuất nông nghiệp nữa, đây là một nghề mà nhiều đời truyền lại, nay họ phải làm gì để sinh sống? Số lao động trong lứa tuổi thanh niên có thể học nghề và vào làm ở các cơ sở sản xuất, dịch vụ, nhưng những người trong lứa tuổi trung niên thì làm gì? Họ có thể dùng số tiền được bồi hoàn hoặc sang nhượng đất đai để chi xài, nhưng họ sẽ sống được mấy năm và sau đó sẽ như thế nào? thực tế vừa qua có nhiều gia đình đã lâm vào hoàn cảnh đau xót này. Vì vậy, Đảng bộ phải có chủ trương, biện pháp giải quyết cụ thể để giúp đỡ, tạo điều kiện, hướng dẫn để người dân có một cuộc sống ổn định, đó là trách nhiệm của Đảng bộ.

Thưa các đồng chí,

Ngoài việc phải lo hàng ngày cho cuộc sống trong gia đình, người dân không khỏi ngày đêm lo âu về các tệ nạn xã hội, vì tình hình này đã phát triển đến mức báo động, không phải chỉ ở những vùng đô thị mà cả những vùng nông thôn hẻo lánh, đó là các tệ nạn mua bán, hút chích ma tuý, hoạt động của các băng nhóm tội phạm và mại dâm. Nếu giải quyết không tốt vấn đề này, không những để lại hậu quả lớn lao cho xã hội, mà còn là lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng bộ và quản lý của chính quyền. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị chứ không phải của riêng ban ngành đơn vị nào. Vì vậy, các tổ chức Đảng phải trực tiếp lãnh đạo, theo dõi kiểm tra thường xuyên, phải làm kiên quyết liên tục và phải trở thành phong trào của nhân dân đấu tranh chống lại các tệ nạn này.

Thưa các đồng chí,

Về xây dựng hệ thống chính trị

Trước hết là công tác xây dựng Đảng. Như các đ/c đều biết, đây là vấn đề then chốt trong các mặt công tác, vì Đảng lãnh đạo toàn diện xã hội, Đảng mạnh hay yếu là có tính quyết định cho sự thắng lợi hay thất bại trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước. Đề nghị Đại hội, cũng cần đánh giá xem hiện nay trong Đảng bộ quận, vấn đề yếu nhất cần quan tâm nhất là vấn đề gì? Biện pháp giải quyết ra sao? Cần phải thảo luận kỹ. Trong công tác xây dựng Đảng, có nhiều vấn đề, ở đây tôi xin nhấn mạnh thêm mấy vấn đề cụ thể:

Một vấn đề mà Đảng bộ phải thường xuyên chú ý xây dựng, giáo dục trong đảng viên, đó là lòng tin vào lý tưởng cộng sản, vào con đường đi lên xây dựng CNXH, lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Trong tình hình mở cửa, giao lưu, hội nhập thế giới có nhiều thuận lợi, nhưng mặt tiêu cực, khó khăn cũng không ít, nhất là bị tác động tiêu cực về quan điễm chính trị, về lý tưởng cộng sản và chủ trương đường lối chính sách của Đảng, nếu không vững lòng tin thì cũng bị dao động về lý tưởng. Vì vậy Đảng bộ phải thường xuyên quan tâm xây dựng, giáo dục để không ngừng củng cố lòng tin vào lý tưởng mình. Không những có vững lòng tin mà còn phải kiên quyết đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái đối với đường lối, chủ trương của Đảng. Hễ còn một ngày là đảng viên, là phải vững lòng tin và không ngừng đấu tranh cho sự thắng lợi với lý tưởng mà mình đã chọn. Cần phải xác định: vào Đảng, đứng trong hàng ngũ của Đảng không phải là để thăng tiến vì lợi ích cá nhân, mà là giác ngộ lý tưởng cộng sản và sẵn sàng hy sinh phấn đấu thực hiện cho sự thắng lợi của lý tưởng. Có xác định được như thế, thì dù trong hoàn cảnh, điều kiện nào, người đảng viên sẽ luôn được vững vàng.

Về nội dung sinh hoạt Đảng, mặc dù trong thời gian qua các Đảng uỷ, chi bộ có sinh hoạt đều đặn, nhưng nội dung sinh hoạt còn nghèo nàn, khô cứng, chưa tạo được sự hấp dẫn thu hút đảng viên thiết tha sinh hoạt Đảng, nên cũng có đảng viên đến dự sinh hoạt là để cho có mặt, để khỏi phải bị kiểm điểm. Vì vậy, cần phải nghiên cứu, thảo luận để định ra nội dung sinh hoạt, làm sao để nội dung mỗi lần sinh hoạt phải hết sức cụ thể, thiết thực và được đa số đảng viên quan tâm. Nội dung đó, vừa là kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên, nhiệm vụ chi bộ, Đảng uỷ, đồng thời vừa giải quyết những vướng mắc, băn khoăn trong đảng viên. Qua sinh hoạt,  phải tạo được sự phấn khởi, hăng hái, thoải mái trong mỗi đảng viên. Có như thế, thì tổ chức Đảng mới có sức sống, mới thật sự là nơi giáo dục, rèn luyện, nâng cao giác ngộ chính trị, giữ gìn tư cách phẩm chất của đảng viên và trao dồi thêm kiến thức, kinh nghiệm trong công tác.

Về xây dựng bộ máy chính quyền, vấn đề cần quan tâm hàng đầu là xây dựng đội ngũ công chức. Vừa qua, nhân dân phê phán nhiều vào bộ máy quản lý Nhà nước, mà cụ thể chủ là tư cách, thái độ và ý thức trách nhiệm của công chức. Vì vậy, để xây dựng chính quyền thật sự là của dân, do dân và vì dân, thì trước hết đòi hỏi đội ngũ công chức, không những am hiểu chuyên môn nghiệp vụ trong nhiệm vụ được phân công mà còn phải thường xuyên xây dựng giáo dục về tư cách, thái độ và ý thức trách nhiệm với công việc, đối với nhân dân, phải học tập thấm nhuần về quan điểm quần chúng của Đảng.

Về hoạt động của Mặt trận, Đoàn thể. Mặc dù vừa qua đã được tổ chức đều khắp, số lượng hội viên, đoàn viên được phát triển ngày càng đông hơn và cũng có nhiều phong trào ở cơ sở, nhưng cũng còn những mặt yếu, nhất là chưa nắm chắc được tình hình của giới, giai cấp đoàn thể mình, chưa mạnh dạn đi vào vận động những người còn chậm tiến. Vì vậy, hoạt động đoàn thể, Mặt trận phải thật sự nằm trong dân chứ không phải chỉ đi sát dân, có như thế mới nắm được nhanh, chắc tình hình trong nhân dân. Phải có kế hoạch cụ thể đi vào vận động giáo dục những người còn chậm tiến để chuyển hoá thành những người tốt. Có như thế, thì xã hội dần dần sẽ bớt đi những mặt tiêu cực. Công tác vận động quần chúng là trách nhiệm của mỗi đảng viên, chứ không phải chỉ của Mặt trận, đoàn thể. Không phải chỉ có đi vận động, tuyên truyền trực tiếp với nhân dân mới làm công tác dân vận, mà trên cương vị công tác của mình phải làm thật tốt, giải quyết thật nhanh với ý thức trách nhiệm cao, thái độ phải hết sức ôn tồn hoà nhã, nhất là những công việc có liên quan trực tiếp đến nhân dân. Trong giải quyết, xử lý công việc phải có ý chí, tình cảm là phục vụ ngày càng tốt hơn đối với nhân dân luôn hướng về chăm lo lợi ích của nhân dân. Phải có tình cảm trách nhiệm thật sự đối với nhân dân.

Thưa các đồng chí,

Mỗi lần Đại hội, ngoài việc bàn thảo kiểm điểm tình hình nhiệm kỳ qua, xây dựng phương hướng nhệm vụ cho nhiệm kỳ tới, Đại hội còn phải bầu ra BCH Đảng bộ để lãnh đạo, tổ chức chỉ đạo thực hiện Nghị quyết đã được Đại hội quyết định. Vì vậy, việc lựa chọn những đ/c tiêu biểu về năng lực, phẩm chất có kết hợp với cơ cấu hợp lý là vấn đề hết sức quan trọng, đòi hỏi mỗi đại biểu phải cân nhắc kỹ lưỡng, có trách nhiệm, không được để tình cảm “thương – ghét” chi phối trong việc lựa chọn, phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn đã qui định.

Thông báo