PHẦN THỨ NHẤT
TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT
ĐẠI HỘI QUẬN ĐẢNG BỘ LẦN THỨ HAI
(3 NĂM 1980 – 1981 và 1982)
I. VỀ SẢN XUẤT:
1. Công nghiệp và Tiểu thủ công nghiệp:
Từ khi thực hiện Nghị quyết 6 và 26 của Trung ương Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 2 và các chỉ đạo tiếp theo của Thành ủy, tốc độ phát triển sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của quận tăng lên khá nhanh về cả cơ sở vật chất, mặt hàng sản xuất, lẫn giá trị tổng sản lượng và đã thu hút thêm hàng ngàn lao động.
Toàn quận hiện có 1160 cơ sở sản xuất (gồm 8 xí nghiệp quốc doanh, 14 hợp tác xã, 73 tổ sản xuất, 46 xí nghiệp tư nhân và 1020 cơ sở cá thể) với 11.350 lao động (so với 1979 tăng 2099 lao động) trong đó có 72% lao động tham gia sản xuất trong các xí nghiệp quốc doanh do quận quản lý và các cơ sở sản xuất tập thể.
Toàn ngành hiện có 175 loại trang thiết bị máy móc với 4.630 cái có giá trị cố định trên 6 triệu đồng (so với năm 1979 tăng 50 loại với 878 cái và tăng giá trị trên 2,5 triệu đồng), mặt hàng sản xuất cũng đã phát triển thêm từ 182 loại sản phẩm vào năm 1979 nay có đến 293 loại sản phẩm, nhiều mặt hàng có giá trị phục vụ cho nông nghiệp, cho tiêu dùng và cho xuất khẩu.
Trong 3 năm qua, quận đã liên tục phấn đấu thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu về giá trị tổng sản lượng của Thành phố giao, tính chung tốc độ tăng bình quân hàng năm từ 60 – 70%, vượt tốc độ phát triển bình quân từ 10 – 15% do Đại hội Thành phố lần thứ 2 đề ra. Năm 1980 – 31,5 triệu đồng, năm 1981 – 54,3 triệu đồng và năm 1982 – 95 triệu đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 1979, năng suất lao động bình quân cũng đã tăng 2,1 lần so với năm 1979.
- Về xí nghiệp quốc doanh:
Hầu hết các xí nghiệp này là của tư nhân đã trốn chạy ra nước ngoài, hoặc xuất cảnh, nên cơ sở vật chất khi quận tiếp quản rất nghèo nàn, trang thiết bị cũ kỹ. Trong thời gian qua, mặc dù các xí nghiệp đã tích cực vượt qua những khó khăn ban đầu để từng bước củng cố và xây dựng phát triển sản xuất, nhưng do thời gian chưa được Ủy ban Nhân dân Thành phố công nhận tư cách pháp nhân kéo dài nên đã ảnh hưởng đến tình hình phát triển của từng xí nghiệp. Phần lớn các xí nghiệp chưa được đưa vào kế hoạch sản xuất nên việc đầu tư cũng bị hạn chế, mặt hàng cũng không ổn định, các xí nghiệp đã phải tự xoay xở, sản xuất cầm chừng để nuôi sống công nhân, từ đó tốc độ tăng hàng năm rất chậm (năm 1981: 1,55 triệu đồng, năm 1982: 2,3 triệu đồng) và chiếm tỷ trọng quá thấp so với tiểu thủ công nghiệp (2,5%).
Đến nay các xí nghiệp tuy có ổn định hơn về cơ sở vật chất, có điều kiện để đẩy mạnh tốc độ vào những năm tới, nhưng do phương án sản xuất của từng xí nghiệp còn nhiều bị động chưa gắn được kế hoạch trước mắt với hướng phát triển lâu dài, quản lý xí nghiệp còn biểu hiện lỏng lẻo, cần phải được quan tâm nhiều hơn nữa trong những năm tới để các xí nghiệp quốc doanh của quận có điều kiện vươn lên thực hiện vai trò của mình.
- Về tiểu thủ công nghiệp:
Bước đầu đã khai thác được một phần thế mạnh của quận về mặt bằng, tay nghề, tiền vốn nên tốc độ phát triển hàng năm tăng khá nhanh chiếm tỷ trọng 97% giá trị tổng sản lượng toàn ngành. Ngành nghề phát triển nhanh nhất là: dệt, cơ khí, hóa nhựa (vỏ ruột xe các loại, pháo) và vật liệu xây dựng.
Trong công tác cải tạo và xây dựng, từ lãnh chỉ đạo đến tổ chức thực hiện, ngành chủ quản, phường và các ngành liên quan ngày càng có sự thống nhất và tập trung sức củng cố kiện toàn 5 mặt quản lý, từ đó giải quyết tương đối kịp thời các khó khăn vướng mắc trong sản xuất nâng được chất lượng về cung cách làm ăn tập thể. Đã có nhiều điển hình tiên tiến khá toàn diện xuất hiện sau khi được củng cố, tổ chức lại như Hợp tác xã cơ khí Đồng Tâm, Hợp tác xã hồ dệt Thống Nhất… và nhiều điển hình từng mặt khác đã bổ sung cho nhau khẳng định một cách sinh động thế đi lên tất yếu của đường lối phát triển kinh tế Xã hội chủ nghĩa, phù hợp với bước đi ban đầu cảa thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội.
Năm 1982 là năm phát triển cao nhất từ sau ngày giải phóng đến nay. Toàn ngành đã phát huy tính tích cực, sáng tạo, chủ động cân đối 50% vật tư nguyên liệu, phấn đấu sử dụng cao nhất năng lực trang thiết bị hiện có và đã hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch Thành phố giao trước 1 tháng, mặt hàng chủ yếu đạt từ 100 – 332% giá trị tổng sản lượng, chất lượng sản phẩm đạt 95%, sản phẩm giao nộp đạt 73% giá trị hàng xuất khẩu đạt 196,6%, giải quyết việc làm cho lao động đạt 158%, đã phát huy 248 sáng kiến có giá trị làm lợi cho Nhà nước trên 7,5 triệu đồng. Phong trào tiết kiệm vật tư, nguyên liệu được nhân ra và có nhiều kết quả tốt.
Trong số 95 triệu đồng, giá trị tổng sản lượng ngành đã thực hiện kế hoạch A chiếm 60,6%, kế hoạch B là 12,5% và kế hoạch C là 27,9%. Khu vực quốc doanh là 2,5%, Hợp tác xã là 42%, tổ sản xuất là 15%, xí nghiệp tư nhân là 6% và cá thể tư nhân là 34,5%. Các ngành có giá trị tổng sản lượng cao nhất là dệt, may, thêu (37,6 triệu đồng chủ yếu là dệt), cơ khí (21 triệu) hóa chất, nhựa, cao su (13,3 triệu đồng chủ yếu là pháo và vỏ ruột xe các loại) và chế biến lương thực, thực phẩm (11,3 triệu) các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, văn hóa phẩm và tiểu thủ công nghiệp khác có giá trị thấp (từ 2 triệu đến 5,6 triệu đồng).
Tuy nhiên trước tình hình sản xuất hàng năm phát triển nhanh như vậy nhưng công tác quản lý nhiều khâu còn buông lỏng, chưa gắn chặt giữa sản xuất và cải tạo, phong trào có lúc có nơi còn do tự phát của quần chúng.
Khu vực hợp tác xã và tổ sản xuất phát triển theo hướng xã hội chủ nghĩa còn chậm, chất lượng làm ăn tập thể còn nhiều đơn vị ở dạng yếu (chỉ có 4/14 Hợp tác xã đạt loại A), tính chất tập thể còn nặng hình thức hơn đi sâu tập thể hóa tư liệu sản xuất và quan hệ bóc lột chủ thợ còn nhiều, trong khi đó, khu vực xí nghiệp tư nhân chưa có hình thức cải tạo phù hợp, các cơ sở sản xuất cá thể bung ra mạnh theo chiều hướng tự phát, chưa được tổ chức sắp xếp và quản lý chặt chẽ gây khá phức tạp trên thị trường. Các quy định về đăng ký hành nghề, chất lượng sản phẩm, quản lý hợp đồng, nộp thuế chưa được thực hiện triệt để.
Nguyên nhân của những tồn tại là do nhận thức chưa đầy đủ về nhiệm vụ kinh tế trong chặng đường đầu của thời kỳ quá độ đưa nền sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, tiến hành điều tra cơ bản nên chưa có quy hoạch tổng thể, chưa gắn được kế hoạch trước mắt với lâu dài, giữa kế hoạch sản xuất với thị trường, chưa quan tâm đến việc đào tạo cán bộ quản lý và chưa phát huy đúng mức quyền làm chủ của những người thợ thủ công trong đẩy mạnh và phát triển sản xuất.
2. Nông nghiệp:
Trong điều kiện có những khó khăn khách quan: xóa bỏ bao cấp về lương thực (1980) giá vật tư tăng vọt (1981) thực hiện giá lương thực mới (1982) cộng với thời tiết khắc nghiệt cho sự phát triển của cây trồng… nhưng phong trào sản xuất nông nghiệp của quận trong những năm qua giữ vững và phát triển tốt, điểm nổi bật là đã xác định được cơ cấu 1 cây (rau) và 2 con (heo, cá) quyết tâm xây dựng quận thành vành đai thực phẩm của Thành phố.
Do yêu cầu thực tiễn sản xuất, việc tổ chức lại sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật đưa giống mới vào cơ cấu cây trồng, con nuôi đã thúc đẩy việc thâm canh tăng năng suất, sản lượng, cải thiện đời sống tập đoàn viên, xã viên và nông dân trong quận.
Năm 1980 thực hiện Chỉ thị 41 của Thành ủy về học tập và nhân điển hình tiên tiến, Chỉ thị 100 của Ban Bí thư về khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động (1981) đã có sức cổ vũ mạnh mẽ, xuất hiện nhiều điển hình tốt về cung cách làm ăn mới, áp dụng tiến bộ kỹ thuật về thâm canh, xen canh, giống mới, phát triển về kinh tế gia đình, làm tốt nghĩa vụ đối với Nhà nước, mạnh dạn xây dựng cơ sở vật chất như Hợp tác xã Quyết Tiến, tập đoàn sản xuất 1, 3, 5, 6, Quyết Thắng Phường 12, Tập đoàn sản xuất I Phường 11, Tập đoàn sản xuất 2, Thống Nhất Phường 15 v.v... tạo ra sức bật mới, đúng hướng, từng bước củng cố và nâng lên chất lượng phong trào hợp tác hóa trong quận. Đến nay đã tập thể hóa được 421 ha (66%) với tổng số 2068 hộ (73%) và 9156 khẩu (63%) trong 1 hợp tác xã, 14 tập đoàn sản xuất, 22 tổ đoàn kết sản xuất: có giá trị ngày công bình quân 30 – 11 đồng (so với năm 1979 tăng 6 – 7 đồng/ ngày công) chưa kể phần thu nhập kinh tế phụ, có tập đoàn giá trị ngày công bình quân 18 – 30 đồng như tập đoàn 5, 6 Phường 12, hợp tác xã Quyết Tiến, tập đoàn sản xuất Phường 17.
Về sản xuất, đến nay diện tích gieo trồng toàn quận được 2.582 ha (so với năm 1979 tăng 50%) tổng sản lượng thu hoạch 35.850 tấn (so với năm 1979 tăng 43%), diện tích bắp cải trồng được 48 ha (năm 1979 chỉ trồng 2.000 m2) trong đó có 35 ha xuất khẩu.
Phong trào chăn nuôi năm 1981 và đầu năm 1982 có giảm do những khó khăn nhất định về thức ăn, con giống. Đến nay do những biện pháp chỉ đạo tích cực giải quyết thức ăn và con giống qua thực hiện đề tài lai thêm máu để cải tạo đàn giống Yorkshine, xây dựng quận trở thành vùng giống của Thành phố và gia công chăn nuôi. Tổng đàn heo đạt 12.585 con (so với năm 1979 tăng 9%), chăn nuôi cá được đẩy mạnh trong nhân dân với diện tích 24 ha thả trên 1.000.000 cá các loại (so với năm 1979 tăng 15 ha) cơ sở vật chất được tăng cường giúp cho sự chỉ đạo kỹ thuật có hiệu quả, các đường điện trung thế, hạ thế cho vùng rau chuyên canh, hệ thống đe bao đồng ngăn mặn, hệ thống kinh tiêu tưới nội đồng, hệ thống giống công nghiệp, bán công nghiệp, máy móc phục vụ cơ giới hóa cho vùng rau chuyên canh … được đầu tư xây dựng theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm đã đi vào phục vụ tích cực cho sản xuất.
Nhìn chung trong 3 năm tiếp tục xây dựng và cải tạo quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa, phát triển sản xuất theo quy hoạch xây dựng vành đai thực phẩm của Thành phố và đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, tiến tới thực hiện cơ giới hóa, đời sống của nông dân lao động từng bước được cải thiện, quyền làm chủ tập thể từng bước được phát huy. Các tập đoàn sản xuất, hợp tác xã dần dần đi vào kế hoạch ổn định về diện tích, năng suất, chủng loại cây con, công tác quản lý và sử dụng lao động hàng ngày càng đi vào nề nếp qua các chỉ tiêu định mức khoán sản phẩm. Đã xây dựng được vùng rau chuyên canh với diện tích 433 ha, kết hợp chăn nuôi với trồng trọt, mạnh dạn đưa giống mới vào sản xuất và phát huy hiệu quả kinh tế ngày càng cao cho từng loại cây trồng, chăn nuôi.
Tuy nhiên, phong trào sản xuất nông nghiệp chưa mạnh dạn bung ra để đi vào căn cơ, lâu dài mà còn mang tính thời vụ chưa tập trung đầu tư khoa học kỹ thuật để cải tạo vùng đất bưng, chưa xác định được thế mạnh trước mắt và lâu dài, chưa chú ý phát triển kinh tế gia đình, tư tưởng làm ăn tập thể của nông dân tuy có an tâm nhưng chưa thật hấp dẫn, công tác chỉ đạo có lúc thiếu tập trung, trong tổ chức thực hiện còn thiếu đồng bộ, xuyên suốt từ quận đến phường.
Nguyên nhân của tồn tại trên là do chưa có quy hoạch đào tạo cán bộ nên kéo dài tình trạng cán bộ thiếu và yếu nhất là ở cơ sở phường, một số cán bộ, nông dân còn mang nặng tư tưởng trông chờ sự bao cấp của Nhà nước. Công tác kế hoạch chưa xác định được trước mắt và lâu dài, sản xuất với thị trường còn đơn điệu, chưa gắn với kinh tế gia đình. Bên cạnh, công tác giáo dục chính trị tư tưởng chưa sâu, chưa gắn được mục tiêu củng cố quan hệ sản xuất với phát triển sản xuất, một số chính sách về cây con và giá cả chưa thật hợp lý, sự đầu tư thiếu đồng bộ của các ngành liên quan cộng với ảnh hưởng thiên tai sâu bệnh làm cản trở sản xuất và xây dựng phong trào hợp tác hóa.
3. Về Giao thông Vận tải:
Đã khắc phục được một phần khó khăn, đưa ngành giao thông vận tải vào phục vụ cho yêu cầu sản xuất và đi lại của nhân dân. Đã đưa hầu hết các đầu phương tiện vào hợp tác xã, bước đầu đi vào sinh hoạt có nề nếp, từng bước quản lý tương đối chặt chẽ các phương tiện vận tải thô sơ. Đã tiến hành Tu bổ và nới rộng kéo tuyến lưu thông từ các trục lộ chính vào vùng nông nghiệp góp phần xây dựng vùng nông thôn mới. Đã kiến nghị và đã được tráng nhựa đoạn đường từ Ngã năm Gò Vấp đến cầu An Lộc (giáp ranh Hóc Môn).
Tuy nhiên, trong công tác cải tạo đối với ngành giao thông vận tải còn thiếu các biện pháp và phương thức phù hợp nên sự gắn bó trong cung cách làm ăn mới chưa đạt yêu cầu trong các hợp tác xã. Trong chỉ đạo còn đơn thuần về nghiệp vụ, do đó quyền làm chủ tập thể của xã viên chưa được phát huy, việc xây dựng con người mới, nếp sống mới trong giới lái xe chưa được chuyển biến tốt, cụ thể là ý thức tổ chức kỷ luật còn lỏng lẻo, chưa chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông, trật tự bến bãi.
4. Về xây dựng nhà đất và công trình công cộng:
Trong 3 năm qua đã có nhiều tiến bộ về mặt quản lý đang từng bước đi vào nề nếp.
Đến nay đã cải tạo dứt điểm 36 chủ phố có nhà cho thuê trên 2.000m2 theo Chỉ thị 111/CP của Hội đồng Chính phủ, quản lý kịp thời các nhà vắng chủ, vắng mặt, nâng tổng số nhà do quận quản lý lên đến 1690 căn hộ với tổng diện tích trên 130.000 mét vuông, công tác phân phối, sử dụng và quản lý ngày càng đi vào chế độ (phần lớn thuộc nhà cấp 3, 4).
Thực hiện Chỉ thị 216 của Hội đồng Bộ trưởng về quản lý nhà đất, bước đầu đã nắm chắc được hiện trạng sử dụng nhà cửa trong quận, đáng lo ngại là tình trạng nhà xuống cấp rất nhanh do mấy năm qua thiếu Thành ủy bổ và sửa chữa, ngay cả việc chống dột cũng thiếu kịp thời. Từ đó vấn đề nhà ở của đại bộ phận nhân dân lao động, đáng chú ý là cán bộ công nhân viên chưa được ổn định và yên tâm.
Về xây dựng cơ bản, đã hoàn thành xây mới trường phổ thông cơ sở An Hội Phường 12 và nhà trẻ Phường 9 (do Thành ủy và Ủy ban Nhân dân Thành phố tặng) với kinh phí trên 1 triệu đồng. Về công trình công cộng cũng đã xây dựng mới 3 nhà vệ sinh tại chợ Gò Vấp, chợ Thông Tây Hội và khu vực Hội trường Quận ủy, nạo vét trên 400.000 mét cống rãnh. Hiện đang thi công cải tạo mở rộng sân vận động của quận và bến đường sông tại cầu An Lộc.
Tuy vậy ngành xây dựng nhà đất và công trình công cộng của quận phát triển chậm, nhất là việc cải tạo các nghĩa trang, quản lý các trại gia binh, khu cư xá của chế độ cũ để lại và thiếu kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở phúc lợi công cộng, biện pháp trồng và bảo dưỡng cây xanh kém hiệu quả.
II. VỀ PHÂN PHỐI LƯU THÔNG:
Giải quyết đời sống cho cán bộ công nhân viên, chiến sĩ và nhân dân lao động là nhiệm vụ cấp bách mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ II và Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị đề ra.
Đối với ngành thương nghiệp xã hội chủ nghĩa có nhiệm vụ phải vươn lên làm chủ thị trường xã hội, phục vụ tốt hơn nữa cho sản xuất và đời sống nhân dân lao động, trước hết là bảo đảm đời sống cho khu vực ăn lương Nhà nước. Mấy năm qua đã từng bước thay đổi phương thức hoạt động kinh doanh trong cả 3 mặt: thu mua, phân phối và đấu tranh quản lý thị trường, gắn liền với cải tạo xã hội chủ nghĩa trong ngành.
Các ngành Tài chính, Ngân hàng đã tích cực tham gia xây dựng và kiểm tra thực hiện các kế hoạch kinh tế, hạch toán kinh tế, điều tiết thu nhập, bảo đảm vốn kịp thời cho sản xuất kinh doanh và thu mua, bảo đảm sử dụng vốn đầu tư đạt hiệu quả kinh tế cao.
Trong thực hiện chức năng của mình, các ngành đều đã có nhiều cố gắng và đã đạt được nhiều kết quả tốt.
1. Về Thương nghiệp:
Là thời kỳ mà cả về mạng lưới tổ chức lẫn phương thức kinh doanh của ngành thương nghiệp xã hội chủ nghĩa có nhiều thay đổi cộng với tình hình giá cả thị trường luôn biến động, làm ảnh hưởng trực tiếp đến công tác phục vụ của ngành.
Việc tiếp nhận các cửa hàng cấp 3 do Thành phố bàn giao về để tổ chức hệ thương nghiệp quốc doanh thành 2 công ty hoạt động trong hệ thống 2 giá theo Chỉ thị 109, mặc dù có những khó khăn ban đầu về khâu tổ chức và nguồn vốn nhưng đã tạo cho ngành có điều kiện chủ động vươn lên, vừa tập trung quản lý sản phẩm sản xuất tại địa phương, vừa tăng cường hoạt động trao đổi với các địa phương bạn để có hàng hóa, vật tư phục vụ đời sống, cho sản xuất và tham gia đấu tranh, ổn định giá cả thị trường. Do đẩy mạnh hoạt động tư doanh nên từ nhiệm vụ cung cấp hàng bách hóa theo định lượng cho cán bộ công nhân viên của quận, đến nay thương nghiệp quốc doanh đã vươn lên đảm nhận cung cấp cho tất cả công nhân viên chức của tất cả các cơ quan hành chính, kinh tế và sự nghiệp của Trung ương và Thành phố đóng trên địa bàn quận đúng định lượng, số lượng và thời gian, trong khi hàng cấp 2 cung cấp về ngày càng giảm xuống.
Hệ thương nghiệp hợp tác xã từ quận đến phường cũng đã có nhiều cố gắng, vừa hỗ trợ cho thương nghiệp quốc doanh, vừa phục vụ 2 bữa ăn của nhân dân lao động chiếm tỷ trọng hàng năm từ 30 – 36% của ngành. Đến nay ngành thương nghiệp hợp tác xã đã có 195 quầy hàng, cửa hàng, 33 đại lý hợp tác xã tiêu thụ và 42 điểm bán tại các chợ trong quận với 1.037 cán bộ công nhân viên. So với năm 1979, lực lượng lao động của ngành tăng 11% nhưng tốc độ phát triển kinh doanh (chưa loại trừ yếu tố giá cả) tăng đến 386%. Doanh số hoạt động mỗi năm về sau đều hoạt động mỗi năm về sau đều tăng lên và vượt chỉ tiêu kế hoạch. Tổng mức mua vào năm 1980 vượt 11,82% kế hoạch và tăng 31,23% so với năm 1979, năm 1981 vượt 84% kế hoạch và tăng 140% so với năm 1980, đáng chú ý là tỷ trọng hàng tự doanh từ 62,77% của năm 1980 đã tăng lên 73% trong năm 1981 và tỷ trọng mua sản phẩm tại địa phương chiếm 18,1% so doanh số, trong năm 1979 đã tăng lên 32,3% trong năm 1981, năm 1982 đã thực hiện được 72 triệu đồng. Trong tổng mức bán ra tỷ trọng hàng bán lẻ chiếm 63% vào năm 1980 đã tăng lên 73% vào cuối năm 1982.
Từ đó, tỷ lệ chiếm lĩnh thị trường của thương nghiệp xã hội chủ nghĩa cũng không ngừng tăng lên (1979: 33%, 1981: 38%, năm 1982: 40%) nhưng mới chiếm lĩnh đại bộ phận đối với 2 mặt hàng thịt heo và gạo.
Trong công tác thu mua nắm nguồn hàng, ngành thương nghiệp xã hội chủ nghĩa cũng đã mạnh dạn sử dụng đại lý để mua gom, mua thẳng trong nhân dân, biết kết hợp gắn bó giữa cải tạo với sắp xếp lại sản xuất, tạo được quan hệ gắn bó với các nhà sản xuất và khống chế có hiệu quả hoạt động của tư thương, đầu nậu. Nói rõ là công tác thu mua heo tại quận năm 1982 đã mua được trên 1013 tấn heo hơi, bằng 90% lượng heo nuôi tại quận. Tuy nhiên, tỷ lệ hàng thu mua tại quận vẫn còn thấp, chỉ mới thực hiện được trên sản phẩm nông nghiệp, chưa thật đẩy mạnh công tác thu mua nắm nguồn hàng để thúc đẩy sản xuất đối với ngành tiểu, thủ công nghiệp.
Mặt tích cực, sáng tạo và chủ động tạo ra cân đối mới cho kế hoạch sản xuất và kinh doanh năm 1982 là đã đẩy mạnh hoạt động cung ứng hàng xuất khẩu. Công ty cung ứng xuất nhập khẩu tuy còn mới mẻ (hoạt động từ tháng 5 – 82) nhưng có sự chỉ đạo sâu sát của Quận ủy và Ủy ban nên đã phát triển đúng hướng và đem lại kết quả khá tốt. Công ty đã bước đầu cung ứng vật tư nguyên liệu phục vụ cho sản xuất đạt 36% tổng doanh số, góp phần giải quyết kịp thời cho sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của quận.
Công tác quản lý thị trường luôn luôn được cấp ủy, Ủy ban quan tâm chỉ đạo. Đội kiểm soát kinh tế đã kết hợp chặt chẽ với các Ban quản lý chợ trong việc quản lý giá cả và khống chế có hiệu quả đối với số thương lái, giết mổ heo bò trái phép. Tại các chợ 130 tổ ngành hàng gồm có 1067 tiểu thương đã được sắp xếp tổ chức và duy trì được hoạt động, có đến 90% tiểu thương buôn bán cố định tại các chợ, có niêm yết giá nhưng bán chưa thật đúng với giá đã niêm yết.
Nhìn chung trong hơn 3 năm qua, tuy giá cả các mặt hàng nông sản thực phẩm tại quận có thấp hơn từ 10 – 15% so với thị trường chung của Thành phố nhưng lực lượng hàng hóa của thương nghiệp xã hội chủ nghĩa đáp ứng cho yêu cầu chưa nhiều, nên ưu thế chiếm lĩnh thị trường chưa cao. Từ đó lực lượng tư thương đang lấn át thị trường cả lượng hàng hóa và giá cả ngày càng nghiêm trọng. Nguyên nhân của tình hình trên là do mạng lưới của thương nghiệp xã hội chủ nghĩa còn yếu (cả hàng hóa lẫn con người) lại chậm cải tiến phương thức kinh doanh (nặng về doanh số hơn là danh mục mặt hàng), nội bộ ngành thiếu gắn bó, hỗ trợ nhau, và thả nổi công tác cải tạo, hoạt động của các đoàn thể quần chúng chưa đồng bộ với ngành thương nghiệp trong nhiệm vụ quản lý thị trường, phân phối lưu thông, nên luôn ở tình trạng bị động đối phó. Hợp tác xã tiêu thụ các phường chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc chăm lo trực tiếp 2 bữa ăn của nhân dân, trong khi đó Ban quản lý hợp tác xã tiêu thụ quận và Phường ủy, Ủy ban Nhân dân phường chưa quan tâm chỉ đạo đúng mức.
2. Về tài chính:
Đã tích cực vươn lên làm chủ các nguồn vốn của quận và đã xây dựng được một quan hệ hợp lý giữa quỹ tiêu dùng và tích lũy cho tái sản xuất mở rộng, đồng thời thực hiện kiểm tra, mọi hoạt động sản xuất và kinh doanh để xây dựng một ngân sách tích cực đảm bảo thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội trên địa bàn quận. Ngành tài chính cũng đã nhận thức được sự tăng lên của ngân sách chỉ có thể là kết quả của việc mở rộng sản xuất, tăng năng suất lao động, nên đã mạnh dạn đầu tư thúc đẩy kinh tế quốc doanh và tập thể phát triển, đồng thời thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát đối với thành phần kinh tế tư nhân thông qua công tác thu nhằm hướng dẫn sản xuất, kinh doanh theo đúng quỹ đạo xã hội chủ nghĩa.
Từ đó, 3 năm qua ngành tài chính đã thực hiện vượt chỉ tiêu kế hoạch Thành phố giao (1980 là 20%, 1981 là 46% và năm 1982 là 19,70%) trong đó thuế công thương nghiệp là nguồn thu chính có vai trò then chốt trong việc cân đối ngân sách cũng đã tăng lên đáng kể, năm 1981 đã thu được 7,83 triệu đồng, tăng 3 lần so với năm 1979 và 2,5 lần so với 1980. Năm 1982 thu được trên 6 triệu đồng, vượt 2,5% kế hoạch Thành phố giao. Thuế nông nghiệp những năm trước thực hiện đạt chỉ tiêu, năm 1982 chỉ thu đạt 46% nguyên nhân là việc tổ chức thu của một số phường yếu và thiếu nhân viên chuyên trách nên việc đôn đốc thu trong các thời vụ thiếu kịp thời, chính xác.
Tuy nhiên trong thực hiện công tác thu, cũng còn sót nhiều và chưa đúng mức, mặt khác một số cán bộ thuế thiếu vận dụng biện pháp giáo dục, giải thích, đồng thời vẫn chưa kiên quyết với những hộ chây ỳ trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế nên còn hạn chế kích thích sản xuất phát triển.
3. Ngân hàng:
Với nhiệm vụ tổ chức điều hòa sự lưu thông của tiền tệ và kế hoạch hóa công tác thu chi, ngân hàng quận đã hướng dẫn các đơn vị thu chi tiền mặt đi vào nề nếp kế hoạch.
Về tín dụng, đã mạnh dạn đầu tư có trọng điểm phát triển sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp cho cả 5 thành phần kinh tế và hoạt động của ngành thương nghiệp xã hội chủ nghĩa. Doanh số cho vay hàng năm đã tăng lên đáng kể năm 1980 tăng 53% so với năm 1979, năm 1981 số cho vay lên đến gần 150 triệu đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 1980. Cán bộ tín dụng cũng đã bám cơ sở, vận dụng thể lệ và chế độ để đầu tư kịp thời, ngăn chặn chiếm dụng vốn và sử dụng đúng mục đích để ngày càng có hiệu quả kinh tế cao từ đồng vốn tín dụng.
Phong trào vận động gửi tiết kiệm có nhiều tiến bộ. Sổ tiết kiệm, doanh số gửi vào, số dư cuối năm đều tăng hơn năm trước. Riêng năm 1981, doanh số gửi vào tăng hơn 33% và số dư cuối năm tăng hơn 23% so với năm 1980. Tuy vậy phong trào vẫn phát triển chưa đều.
Trong năm 1982, Ngân hàng quận đã thực hiện vượt 28% kế hoạch và tăng 112% so cùng kỳ năm trước, trong đó thu tiết kiệm là 10,5 triệu đồng, tăng 4,5 triệu so với năm trước. Trong tổng chi, nguồn chi chính vẫn là tín dụng cho sản xuất và kinh doanh phục vụ cho yêu cầu sản xuất và đời sống, đã thực hiện vượt 73% kế hoạch.
Tuy nhiên trong công tác tín dụng, ngành Ngân hàng vẫn còn dàn đều 5 thành phần kinh tế, chưa quan tâm đúng mức đến thành phần kinh tế quốc doanh, coi đây là một trong những biện pháp tích cực góp phần xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa và cải tạo công thương nghiệp tư nhân trong thời kỳ quá độ. Việc chấp hành chế độ quản lý tiền mặt chưa nghiêm túc và tình trạng nợ quá hạn còn nhiều, có ảnh hưởng nhất định trong chức năng phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của quận.
III. VỀ AN NINH QUỐC PHÒNG:
Cơ sở của nền an ninh nhân dân và quốc phòng toàn dân chính là sự ổn định về chính trị, về tư tưởng, về kinh tế và đời sống xã hội, là nhân dân lao động làm chủ tập thể về an ninh quốc phòng. Toàn Đảng bộ đã nhận thức được rằng để đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn quận ngoài việc nâng cao năng lực quản lý hành chính – kinh tế – xã hội từ các đơn vị cơ sở, nhất là từ khu phố, tổ dân phố đến hộ gia đình, còn phải làm cho mọi người đều có ý thức về quyền lợi, nâng cao lòng yêu nước, tự giác tuân thủ luật pháp, có ý thức tự giác chống lại mọi thủ đoạn của địch và bọn xấu.
Trong hơn 8 năm qua, lực lượng Công an nhân dân, Quân sự địa phương và các ngành trong khối nội chính đã biết đưa vào phong trào hành động cách mạng của quần chúng ở cơ sở, biết kết hợp đồng bộ với các ban ngành, đoàn thể để tạo thành sức mạnh tổng hợp từ quận đến phường trong việc thực hiện nhiệm vụ chung và đạt được những kết quả cụ thể là:
1. Giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội góp phần xây dựng cuộc sống mới, con người mới xã hội chủ nghĩa:
Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc đã tiếp tục chuyển biến tích cực ở cơ sở, đã tạo thành một sức mạnh vật chất và tinh thần cho nhân dân, với ý thức làm chủ tập thể từ cơ quan, xí nghiệp đến khu phố, tổ dân phố và hộ gia đình, tạo thành một thế trận an ninh nhân dân áp đảo các loại tội phạm chính trị, hình sự và tệ nạn xã hội, đạt nhiều kết quả tốt.
Từ đầu năm 1980, ngành Công an đã phát động sâu rộng trong nhân dân tham gia xây dựng hệ thống bố phòng ở khu phố với nhiều phương án phòng chống trộm cướp, với khẩu hiệu “mỗi nhà 1 gậy trừ gian, 1 đuốc bắt cướp, 3 nhà 1 kẻng báo động” đã được quần chúng tham gia tích cực.
Trong thực hiện Nghị quyết của Thành ủy về tổ chức cơ chế cấp phường, toàn quận đã kiện toàn và củng cố chất lượng cho 100% ban bảo vệ khu phố, tổ phó an ninh khu phố, đội dân phòng, đội tự vệ cơ quan, xí nghiệp, trường học. Đã xây dựng được 80,8% tổ dân phố an toàn (tăng 29% so năm 1981) và 63% hộ an toàn (tăng 50% so năm 1981) số cơ quan, xí nghiệp an toàn cũng đã tăng 11% so với năm 1981.
Kết quả của phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc của quần chúng cùng với nghiệp vụ của ngành Công an đã khám phá án đạt 96,45% trọng án hình sự năm 1980 giảm 45% so với năm 1979. Trong năm 1981 phạm pháp hình sự tiếp tục giảm xuống 35,03% so với năm 1980, năm 1982 giảm 20,21% so với năm 1981, phá án đạt 83,6%, đặc biệt 6 tháng cuối năm 1982 phá án đạt 100% vụ việc.
Ngoài ra, ngành Công an còn thực hiện tốt Chỉ thị 01 của Liên Bộ Nội vụ - Quốc phòng kết hợp chặt chẽ với các đơn vị và xí nghiệp Quốc phòng trú đóng trên địa bàn quận, tổ chức tuần tra, hợp đồng bảo vệ kịp thời ngăn chặn được nhiều vụ xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, thu tài sản của Nhà nước bị thất thoát. Nông trường Duyên Hải của quận đã thực hiện có kết quả việc cải tạo các đối tượng tệ nạn xã hội bằng lao động, nhiều anh chị em đã trở thành những người công dân tốt khi trở về gia đình.
Đáng chú ý là ngành Công an đã dựa vào sức mạnh về quyền làm chủ của nhân dân lao động ở tổ dân phố và sự đồng bộ của các ban ngành đoàn thể, nhất là các ngành trong khối nội chính để xây dựng lực lượng. Qua các cuộc họp hàng quý để nhân dân góp ý phê bình, lực lượng Công an đã có chuyển biến một bước quan trọng về quan điểm và nhận thức đối với quần chúng. Công an tin và biết dựa vào dân, dân hiểu và tin công an, đó là yếu tố chính trị có ý nghĩa cho mọi thắng lợi trong công tác giữ gìn trật tự trị an và xây dựng lực lượng công an trong sạch vững mạnh. Tỷ lệ vi phạm kỹ thuật trong ngành ngày càng giảm xuống (năm 1979: 14,45%, năm 1980: 5,4%, năm 1981: 1,4% và năm 1982: 0,9% so với tổng quân số).
Tuy nhiên trong quản lý di biến động về nhân hộ khẩu: Quản lý các đối tượng chưa kịp thời, thiếu chặt chẽ trong từng địa bàn, lực lượng cảnh sát khu vực chưa thật gắn chặt trách nhiệm của mình vào phong trào hành động cách mạng của quần chúng ở cơ sở.
2. Các ngành Thanh tra, Kiểm soát và Tòa án Nhân dân: cũng đã phát huy có hiệu quả vào hoạt động của khối nội chính nhằm đảm bảo cho quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động được phát huy, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và giáo dục, xử lý ngăn chặn kịp thời các trường hợp vi phạm chủ trương, đường lối của Đảng và Pháp luật Nhà nước, đã góp phần tích cực vào hoạt động của Ban 79 trong thực hiện công tác chống tiêu cực.
Công tác xét xử luôn đảm bảo đúng đối tượng, đúng tội, đúng chính sách, đúng luật và kịp thời. Ban Tư pháp và Thanh tra Nhân dân ở phường đã góp phần chủ động hoạt động giúp chính quyền phát hiện và giải quyết kịp thời các trường hợp vi phạm ở cơ sở. Ngoài ra, còn tổ chức và củng cố hoạt động tổ hòa giải trong các tổ dân phố, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, sản xuất nông nghiệp và hợp tác xã tiêu thụ phường.
Ban Thanh tra cùng các cơ quan chức năng cũng đã kịp thời thanh tra các trường hợp vi phạm kinh tế ở các cơ quan Nhà nước và các đơn vị tập thể, cá nhân với sự kiểm sát chặt chẽ của Viện Kiểm sát nhân dân. Ban Thanh tra và Ban Cải tạo công thương nghiệp tư doanh cũng đã kết hợp xác minh phục vụ xử lý giải quyết những tồn đọng của đợt cải tạo tư sản thương nghiệp. Tuy nhiên có những trường hợp kéo dài thời gian, chưa dứt điểm. Viện Kiểm sát nhân dân cũng đã kịp thời giải quyết đơn khiếu tố và kiểm sát thường xuyên chặt chẽ với các chính sách án hình sự và dân sự, việc giam giữ và các đối tượng cải tạo tại chỗ do ngành Công an quản lý.
3. Lực lượng quân sự địa phương: đã đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Phát huy bản chất tốt đẹp, nâng cao sức mạnh chiến đấu các lực lượng vũ trang” tập trung củng cố nâng lên cả về số lượng và chất lượng từ lực lượng tập trung đến dân quân tự vệ rộng rãi, thiết thực hoạt động với tư thế sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Đã thường xuyên ôn tập quân sự, thực tập các phương án phòng chống bạo loạn, quản lý tốt số quân dự bị và tự vệ phường với tư thế sẵn sàng chiến đấu. Toàn quận đã biên chế tổ chức lực lượng ổn định và 1 trung đội quân dự bị hiện đang công tác tại các cơ quan cấp quận và phường, qua các đợt thực tập kế hoạch N.81, N.82 của Bộ Tư lệnh Thành phố, đã có đến 95% quân số tập trung đúng thời gian quy định.
Lực lượng tự vệ phường đã qua các lớp huấn luyện quân sự cơ bản. Ban Chỉ huy quân sự các phường từng bước cũng được củng cố chất lượng hơn.
Trong công tác tuyển quân và quản lý quân nhân đào bỏ ngũ và số thanh niên không chấp hành lệnh trong mấy năm qua có được chặt chẽ hơn, đã biết kết hợp đồng bộ với đoàn thể từ quận đến phường, đã biết vận dụng tích cực biện pháp giáo dục đối tượng thông qua 4 công khai và 3 bình nghị trong nhân dân. Từ đó, công tác quản lý thanh niên trong diện tuổi ngày được tốt hơn, thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự cũng được công bằng, hợp lý hơn.
Nhìn chung, các ngành thuộc khối Nội chính đã thường xuyên kết hợp chặt chẽ, góp phần tích cực trong quá trình cải tạo và xây dựng quận nhà, khống chế kịp thời và có hiệu quả các loại tội phạm, pháp chế xã hội chủ nghĩa ngày càng được tăng cường, quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động cũng được phát huy từ cơ sở. Tuy nhiên, công tác giáo dục và thi hành luật pháp Nhà nước từng mặt có lúc còn buông lỏng, chưa nghiêm minh và thiếu thường xuyên, liên tục, chưa thật thà chủ động trong đấu tranh chống chiến tranh tâm lý của địch.
IV. CÔNG TÁC TƯ TƯỞNG VÀ VĂN HÓA XÂY DỰNG NỀN VĂN HÓA MỚI, CON NGƯỜI MỚI XÃ HỘI CHỦ NGHĨA:
Từ sau khi được quán triệt các Nghị quyết 5, 6 của Trung ương, Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 19, 10 của Thành ủy và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 2… toàn Đảng bộ nhận thức được những khó khăn trong bước đi ban đầu của thời kỳ quá độ, cuộc đấu tranh còn phải tiếp tục diễn ra gay gắt, phức tạp gắn chặt giữa ta và địch, giữa yêu cầu đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa với sự ảnh hưởng lề lối sản xuất nhỏ, theo lối sống tư bản, thực dân phong kiến, giữa yêu cầu phải chuyển mạnh trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội với sự trói buộc của cơ chế quản lý cũ không còn phù hợp nữa.
1. Trong thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, Ban Tuyên huấn, Mặt trận và các đoàn thể: đã kết hợp chặt chẽ và tập trung vào các nội dung chủ yếu phù hợp cho từng đối tượng, đã làm cho từ nội bộ Đảng đến đại bộ phận quần chúng thấy được tính chất cách mạng và khoa học của đường lối chung và đường lối xây dựng kinh tế đúng đắn của Đảng, xác định rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn thâm độc của kẻ thù nguy hiểm là bọn bành trướng Trung Quốc cấu kết với đế quốc Mỹ và các thế lực phản động quốc tế khác đối với cách mạng Việt Nam, thấy được sức mạnh của mối quan hệ đặc biệt của 3 nước Đông Dương, nên đã vừa giữ vững tinh thần lạc quan cách mạng, vừa đánh giá được những khó khăn phức tạp và xu thế đi lên của tình hình. Từ đó phong trào hành động cách mạng của quần chúng được nâng lên tinh thần tự lực tự cường, cần kiệm xây dựng đất nước, các biểu hiện dao động, bi quan, hoài nghi, chán nản nhìn tình hình một cách phiến diện ngày càng giảm.
Đáng chú ý là công tác xây dựng con người mới được đẩy mạnh và chuyển biến tích cực trong từng ngành, từng giới xuyên suốt đến từng tổ dân phố và hộ gia đình, cả về nhận thức lẫn hành động đúng theo phẩm giá con người, “con đường lao động có lối sống văn minh, giàu tình thương và biết tôn trọng lẽ phải”, vừa tiếp tục xây dựng tinh thần đoàn kết hòa hợp trong nhân dân lao động. Đặc điểm nổi bật của con người mới còn thể hiện trong mối quan hệ giữa người và người ngày một gắn bó mối quan hệ trong tổ dân phố, hộ gia đình và ngoài xã hội ngày càng gần gũi, tin tưởng lẫn nhau, từng bước xóa được lối sống “đèn nhà ai nhà nấy sáng” và bước đầu hình thành quan hệ sống “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”.
2. Ngành Văn hóa thông tin:
Đã tiếp tục và đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền và tập trung bài trừ văn hóa văn nghệ phản động đồi trụy, xây dựng nền văn hóa văn nghệ xã hội chủ nghĩa lành mạnh, góp phần trong công cuộc xây dựng nếp sống mới, con người mới xã hội chủ nghĩa… phong trào văn nghệ quần chúng ngày càng được sôi nổi và nhân lên, cả về số lượng lẫn chất lượng thật sự là nhu cầu của quần chúng. Trong các dịp lễ lớn, dịp Tết… phong trào hoạt động văn nghệ từ cơ quan, trường học, bệnh viện, nông trường đến từng phường, từng khu phố lại có dịp gặp nhau trong hội diễn với đủ mọi thành phần, lứa tuổi tham gia. Đáng chú ý là sự tham gia phong trào văn nghệ quần chúng ngày càng phát triển rộng rãi, bao gồm cả xứ đạo, nhà thờ, tịnh xá.
Trong năm 1981, việc kết nghĩa giữa Cục Chính trị Quân khu 7 và Đảng bộ, chính quyền, nhân dân quận Gò Vấp, riêng Ngành Văn hóa thông tin đã được tiếp sức một cách mạnh mẽ. Đã kết hợp tổ chức “Hội chợ vui xuân đoàn kết Quân Dân” năm 1982 đạt thắng lợi tốt đẹp, các đội văn nghệ nghiệp dư của quận đã tham dự hội thi cùng các nhóm ca khúc chiến sĩ trong Quân khu, thể hiện thắm tình đoàn kết quân dân.
Đến nay, toàn quận đã có đến 50 đội văn nghệ nghiệp dư có khả năng phục vụ kịp thời yêu cầu chính trị của quận.
Công tác bài trừ văn hóa văn nghệ phản động, đồi trụy đang mưu toan ngóc đầu dậy tiếp tục đánh phá ta về tinh thần, mà tập trung là lứa tuổi thanh thiếu niên. Thực hiện Chỉ thị 05 của Thành ủy đã được quán triệt từ Ban Chấp hành đến cấp ủy cơ sở và đại bộ phận của quần chúng, cũng như kế hoạch chỉ đạo cụ thể cho ngành Văn hóa và Thông tin kết hợp với ngành Công an quận, tiến hành đấu tranh với các loại hình văn hóa văn nghệ tàn dư của chế độ cũ, các quán cà phê sử dụng nhạc không lành mạnh đã bị tẩy xóa và nghiêm trị. Phong trào phát hiện, phê phán và giáo dục việc nghe lén đài địch, sử dụng nhạc không lành mạnh, bài trừ tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan cũng được sinh hoạt thường xuyên trong từng tổ dân phố đã trở thành một trong những tiêu chuẩn thi đua tiên tiến.
Phong trào “đọc và làm theo báo Đảng” tuy có phần nào chựng lại do lượng báo phát hành không đủ nhu cầu, nhưng việc phát thanh hàng ngày tình hình thời sự, gương người tốt việc tốt của hệ thống phải thanh phường đã thúc đẩy phong trào cách mạng của quần chúng. Mạng lưới thư viện từ quận đến phường có đẩy mạnh và cải tiến phương thức hoạt động và đang ngày càng phục vụ tốt hơn cho người đọc, nhất là giới thanh niên, học sinh trong dịp hè. Các hoạt động của Nhà Văn hóa và công tác tuyên truyền trực quan có kịp thời và nâng lên về chất lượng.
Nhìn chung, hoạt động của ngành có được đồng bộ về 2 mặt thông tin tuyên truyền và văn hóa văn nghệ, vận dụng các loại hình và địa bàn hoạt động, khắc phục được mức chênh lệch về hưởng thụ đời sống tinh thần ở các khu vực. Tuy nhiên phong trào đọc sách ở cơ sở phường, cơ quan, xí nghiệp có chựng lại, tệ mê tín dị đoan ngoài xã hội chưa được ngăn chặn kịp thời, có lúc, có nơi vẫn còn lén lút hoạt động và gây ra tác hại nhất định.
3. Về giáo dục nhà trẻ:
Hai năm học vừa qua là hai năm Ngành Giáo dục sử dụng điển hình tiên tiến một cách tích cực để đẩy mạnh phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết về cải cách giáo dục. Nhiều phong trào thi đua được phát động liên tục và sôi nổi như “mỗi thầy cô là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo” “làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức trong học đường” “Người chủ nhiệm trẻ”, “Em là người chủ nhỏ” …đã tạo nhiều chuyển biến tốt trong cả thầy và trò, tư tưởng giáo viên có được ổn định hơn, xác định được tính mô phạm của nhà giáo và trách nhiệm đào tạo thế hệ trẻ, tỷ lệ số giáo viên dạy khá và giỏi ngày càng tăng lên, chỉ còn 4,8% ở dạng yếu. Tổng số cháu ra lớp ở diện nhà trẻ và mẫu giáo ngày càng được phát triển, chỉ tính năm học 1982 – 1983 đã có 12% số cháu đến nhà trẻ, 62% số cháu đến mẫu giáo, 96% số cháu học sinh lớp 1 và 70% số cháu học ban đêm so với tổng số cháu trong diện tuổi. Hệ phổ thông 1980 – 1981 có đến 45,4% học sinh đạt loại khá và giỏi, trong năm 1981 – 1982 tỷ lệ học sinh kém đã giảm từ 17,5% xuống còn 7%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp phổ thông cơ sở năm học 1981 – 1982 đạt 8% so với năm học 1980 – 1981 là 74,3%.
Đáng chú ý việc phát triển 2 trung tâm hướng nghiệp cho học sinh là đúng hướng cần được phát huy.
Tính đến năm học 82 – 83 toàn quận có 45.860 học sinh trong 4 ngành học: Nhà trẻ, Mẫu giáo, Phổ thông, Bổ túc văn hóa chiếm tỷ lệ 32,5% dân số. Như vậy cứ 2,6 người dân có 1 người đi học, so năm 79 – 80 cứ 3 người dân có 1 người đi học.
Tuy vậy phong trào bổ túc văn hóa có xu hướng giảm xuống, nghiêm trọng nhất là các lớp cấp II. Hiện toàn quận chỉ còn 2390 người theo học. Trường bổ túc tập trung của quận hiện chỉ còn 12 học viên (chỉ tiêu là 150) trong đó tỷ lệ học viên thuộc loại trung bình, yếu quá nhiều, do thiếu an tâm học tập và cơ quan cử đi học còn nhẹ phần đào tạo mà nặng phần giải quyết khó khăn về tổ chức.
Trở ngại của ngành giáo dục hiện nay là thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị, mặt khác do tác động của đời sống bản thân cũng như gia đình gặp khó khăn, trong năm 1981 tuy có xây dựng mới Trường Phổ thông An Hội Phường 12 và Trường Mẫu giáo Phường 9 (do Thành ủy và UBND Thành phố tặng) nhưng số học sinh của mỗi lớp vẫn còn quá đông, có lớp đến 60 – 70 học sinh. Toàn quận hiện có 2 trường phổ thông trung học (do Thành phố quản lý, còn thiếu 1 so với yêu cầu), 24 trường phổ thông cơ sở và 19 trường mẫu giáo, 28 nhà trẻ.
Phong trào toàn dân chăm lo sự nghiệp giáo dục đã thực hiện tốt ở nhiều phường và công tác đưa thiếu niên nghèo thất học đến lớp thực hiện khá tốt. Khó khăn nhất của quận hiện nay vẫn là vấn đề giải quyết việc làm cho số học sinh không trúng tuyển vào cấp 3 hoặc đại học và trung học chuyên nghiệp. Vấn đề đáng chú ý là công tác chăm lo sinh hoạt hè cho học sinh còn yếu về cả hình thức tổ chức lẫn nội dung sinh hoạt, nên các hoạt động của tôn giáo tranh giành ảnh hưởng trong thế hệ trẻ còn lấn lướt, việc cách ly tín ngưỡng giữa thầy và trò trong nhà trường cần phải có kế hoạch và tiến hành sớm.
4. Về chăm lo sức khỏe:
Ngành Y tế đã tiếp tục củng cố mạng lưới khám và trị bệnh tại phường, khu vực, các phòng khám chuyên khoa, đến bệnh viện quận, đồng thời nâng chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Tại các phường đã đẩy mạnh phong trào 5 dứt điểm từng bước có quản lý được tình hình sức khỏe toàn dân, tính đến cuối năm 1982 đã có 5 phường hoàn thành 5 dứt điểm không còn phường nào không đạt dứt điểm nào. Công tác vệ sinh phòng dịch có được đẩy mạnh hoạt động về vệ sinh lao động và vệ sinh học đường. Công tác tiêm phòng đạt kết quả cao, hoạt động của Hội Chữ thập đỏ từ quận đến phường, các cơ sở sản xuất, các cơ quan, xí nghiệp, trường học đã góp phần tích cực vào phong trào 5 dứt điểm. Hiện có 76% số hộ có Hội viên Chữ Thập đỏ. Đáng chú ý là việc sử dụng thuốc nam và kết hợp Đông Tây y ngày càng tăng lên. Xưởng dược phẩm của quận đã sản xuất được 15 loại thuốc trị bệnh thông thường và năm 1981 đã vượt 12% và doanh số. Tại bệnh viện quận, khoa mắt cũng đã tận tình chữa trị đem lại ánh sáng cho hàng trăm bệnh nhân mù lòa. Phong trào kế hoạch hóa cũng đã hạ thấp đáng kể (tỷ lệ tăng dân số hiện nay là 1,35). Tuy nhiên, nếu phát triển đúng mức chức năng của trạm y tế phường, quan tâm tốt hơn đến khâu chế biến, sản xuất thuốc của quận, tăng cường cán bộ cho ngành y tế thì hiệu quả về công tác chăm lo sức khỏe nhân dân còn có thể đạt chất lượng tốt hơn nữa.
5. Về thương binh xã hội:
Phấn đấu thực hiện phong trào trở thành “Người công dân kiểu mẫu” và “Gia đình cách mạng gương mẫu” trong thương binh và gia đình liệt sĩ ngày càng được nâng lên chất lượng. Có 62,1% cá nhân và 62,52% gia đình đạt được danh hiệu trên, các đồng chí hưu trí, thương binh về cư ngụ trong quận đã góp phần tích cực vào phong trào cách mạng ở cơ sở. Các ban ngành và đoàn thể từ quận đến phường đã kết hợp chặt chẽ trong việc thực hiện chính sách hậu phương quân đội, phong trào đền ơn đáp nghĩa có chuyển biến tốt và rộng rãi trong nhân dân, đến nay đã có 14/17 phường lập quỹ bảo trợ chính sách, 3 phường lập vườn cây ao cá, 45 cơ sở sản xuất và nhiều tổ dân phố nhận đỡ đầu gia đình liệt sĩ neo đơn như giúp đỡ xây dựng, sửa chữa nhà ở, đồ dùng gia đình. Các đơn vị quân đội trú đóng cũng đã góp phần với địa phương thực hiện chính sách khá tốt. Đến nay quận đã cơ bản giải quyết được việc làm và học hành cho hầu hết con em gia đình thương binh liệt sĩ và số thanh niên làm xong nghĩa vụ quân sự trở về. Ngành Thương binh xã hội và Quận đội cũng đã bốc 15 mộ liệt sĩ đưa vào nghĩa trang của Thành phố ở Thủ Đức.
Tuy nhiên, phong trào “làm theo lời Bác” thông qua việc xây dựng vườn cây tình nghĩa ở các phường chưa được thực hiện một cách chu đáo, việc giải quyết các tệ nạn xã hội và chăm sóc những người già yếu neo đơn chưa được thường xuyên.
6. Về thể dục thể thao:
Mặc dù còn nhiều khó khăn thiếu thốn về vật chất và sân bãi nhưng ngành thể dục thể thao đã phấn đấu đẩy mạnh hoạt động phong trào khỏe để lao động sản xuất, khỏe để sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và đạt được những kết quả ban đầu khá tốt. Trong đại hội thể dục thể thao toàn quận 1981 gồm các bộ môn bóng đá, bóng chuyền, điền kinh, bóng bàn, vật võ, kéo co, trò chơi vận động… trong 3 loại giải Công đoàn, học sinh và giải toàn quận. Các đơn vị Thành phố Trung ương trú đóng trên địa bàn quận tham gia khá sôi nổi. Hiện quận có 15 đơn vị được Thành phố công nhận tiên tiến, có 01 đội bóng chuyền và 2 đội bóng đá đạt tiêu chuẩn A2, 05 vận động viên tham gia đội năng khiếu bóng bàn của Thành phố , quận nhà còn được vinh dự là đương kim vô địch về bóng đá của học sinh toàn Thành phố. Tuy nhiên phong trào thể dục buổi sáng ở các phường và thể dục giữa giờ có chựng lại do việc chỉ tạo nghiệp vụ của Phòng nặng về thể thao và thiếu kết hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Hiện đang tiến hành cải tạo mở rộng sân vận động của quận với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm, địa phương và cơ quan trú đóng cùng làm”.
V. VỀ CỦNH CỐ VÀ XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN, ĐOÀN THỂ VÀ XÂY DỰNG ĐẢNG:
Xác định được nhiệm vụ củng cố, xây dựng và phát triển thực lực cách mạng có ý nghĩa hết sức quan trọng, nên trong 3 năm qua, toàn Đảng bộ đã tập trung khá nhiều trí tuệ cho việc củng cố kiện toàn và tăng cường hiệu lực bộ máy chính quyền từ quận đến phường, thông qua các lần bầu cử Hội đồng Nhân dân, trong thực hiện Nghị quyết của Thành ủy về tổ chức cơ chế mới cấp phường. Đã tăng cường lãnh đạo chỉ đạo công tác dân vận, hướng hoạt động vào xây dựng kinh tế, giải quyết đời sống, tham gia quản lý kinh tế, xã hội, chống tiêu cực, bảo vệ an ninh quốc phòng nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động trong các phong trào hành động cách mạng của quần chúng, thông qua đó mà xây dựng chính quyền, xây dựng Đảng ngày càng đông về số lượng và mạnh về chất lượng.
1. Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân từ quận đến phường đã từng bước phát huy quyền lực và trách nhiệm trong quản lý kinh tế, xã hội. Các ban ngành xác định đầy đủ hơn nhiệm vụ, chức trách của mình và cũng đã từng bước thực hiện tốt hơn chế độ, trách nhiệm và phát huy hiệu suất công tác chuyên môn của từng cán bộ công nhân viên. Trong thực hiện sự kết hợp giữa ngành cấp quận và phường từng bước có đồng bộ hơn, nên hiệu quả các phong trào hành động cách mạng của quần chúng có nâng lên. Trong hội nghị sơ kết cơ chế phường sau 8 tháng thực hiện theo Nghị quyết của Thành ủy vào tháng 4 – 82 nhiều điển hình mới rất sinh động và rất thực tế trong đời sống nhân dân đã xuất hiện ngày càng nhiều như: tiếng kẻng văn hóa, phong trào văn hóa văn nghệ, sản xuất, tiết kiệm và phòng chống trộm cướp ở phường, khu phố và tổ dân phố.
Phong trào xây dựng hộ gia đình, tổ dân phố, khu phố, phường tiên tiến ngày càng nhân ra mạnh mẽ, nhất là từ sau khi thực hiện tổ chức cơ chế phường theo Nghị quyết của Thành ủy, bình quân có 99,1% số tổ dân phố họp đúng thời gian vào tối thứ ba tuần cuối tháng với chất lượng tốt do có được Ủy ban Nhân dân quận và phường hướng dẫn nội dung chặt chẽ, có 89,2% số hộ dự họp thường xuyên ở tổ dân phố, 72% cán bộ công nhân viên tham gia sinh hoạt. Trách nhiệm của hộ gia đình, tổ dân phố, cán bộ đảng viên tại chỗ đã phát huy tác dụng khá tốt. Năm 1980 có 2160 hộ gia đình và 16,5% tổ dân phố tiêu biểu, đến năm 1982 có 59% hộ gia đình, 71% tổ dân phố và 69% khu phố tiên tiến. Nhìn chung bộ máy của các phường tuy có được củng cố mạnh lên (hiện có 12 phường tiêu biểu, 04 phường khá và còn 1 phường yếu cũng đã vươn lên một số mặt tương đối khá) nhưng nội dung, chương trình sinh hoạt các tiểu tổ đoàn thể và tổ dân phố chưa nhất thiết thực sự phục vụ đời sống nhân dân, trong đó việc tổ chức sản xuất kinh tế gia đình chưa được quan tâm, nhất là ở phường.
2. Công tác dân vận Mặt trận và các đoàn thể: cũng đã tập trung củng cố, nâng chất lượng hoạt động từ tiểu tổ đoàn thể ở cơ sở đến ban chấp hành ở phường và quận, ngày càng đi vào chức năng, nhiệm vụ và phát huy tốt hơn tác dụng của đoàn thể trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội và tại nơi cư trú ở tổ dân phố.
a) Công tác Mặt trận: ngày càng mở rộng mặt trận đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh công nông và lực lượng công – nông – trí. Đáng chú ý là tín đồ của các tôn giáo ngày càng hiểu Đảng hơn, xóa dân được mặc cảm của những người và gia đình trước đây có tham gia trong chế độ cũ. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc từ quận đến phường cũng đã củng cố tổ chức và phát huy vai trò gương mẫu của các cụ phụ lão trong việc giáo dục, động viên con cháu hăng say tham gia bảo vệ đất nước, và các hoạt động vận động quần chúng tham gia đóng góp xây dựng các công trình do Nhà nước và địa phương đề ra.
b) Công đoàn: Có nâng cao hơn chức năng giáo dục chủ nghĩa xã hội trong cán bộ công nhân viên, từng bước có nâng lên các hoạt động tổ chức phong trào thi đua thực hiện kế hoạch Nhà nước đẩy mạnh sản xuất và chăm lo cải thiện đời sống công nhân viên chức, đồng thời phát huy được chức năng giám sát chính quyền thực hiện các chế độ chính sách và đảm bảo điều kiện để công nhân viên chức tham gia quản lý sản xuất kinh doanh. Chất lượng sinh hoạt của Công đoàn cơ sở cũng đã nâng lên trong công tác giáo dục, thái độ lao động mới xã hội chủ nghĩa kết hợp với đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực trong nội bộ Đảng, trong bộ máy Nhà nước và ngoài xã hội. Đến nay đã phát triển đoàn viên được 99% cán bộ công nhân viên, đưa sinh hoạt công đoàn cơ sở vào nề nếp. Hội Lao động hợp tác cũng đã từng bước đi vào chức năng giáo dục chính trị, tư tưởng trong sản xuất, trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội, giải quyết việc làm và chăm lo đời sống cho hội viên, góp phần cùng chính quyền thúc đẩy và quản lý hoạt động của các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp và giao thông vận tải ở địa phương. Tuy nhiên cần phải được quan tâm hơn nữa của cấp ủy các cấp cũng như sự hỗ trợ của chính quyền để đưa Công đoàn và Hội Lao động hợp tác phát huy tốt hơn chức năng của mình.
c) Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh: Từng bước có tăng cường công tác củng cố tổ chức ở cơ sở và có tập trung cho công tác giáo dục lý tưởng và đạo đức phẩm chất cộng sản chủ nghĩa cho thanh niên, nâng cao vai trò nòng cốt thông qua phong trào 3 xung kích, làm chủ tập thể của lực lượng thanh niên trong xây dựng và bảo vệ đất nước đã tỏ ra xứng đáng là đội ngũ xung kích và là đội hậu bị của Đảng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Công tác tập hợp và quản lý thanh niên ở từng khu vực: sản xuất, kinh doanh, trường học, đường phố… có chặt chẽ hơn, nhưng mới là chuyển biến bước đầu, nội dung và chất lượng sinh hoạt ở từng môi trường chưa thực phù hợp và chưa thực hấp dẫn. Nhiệm vụ lãnh đạo, hướng dẫn Đội Thiếu niên Tiền phong và Đội Nhi đồng Hồ Chí Minh đạt kết quả tốt ở khu vực trường học do có thuận lợi về điều kiện tập hợp, nhưng ở tại địa bàn cư trú vẫn còn quá yếu, cần phải được tập trung hơn.
Đoàn cũng đã thực hiện thường xuyên nhiệm vụ bồi dưỡng và giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng. Trong 3 năm qua, toàn quận đã giới thiệu 636 đoàn viên ưu tú cho Đảng và đã được phát triển vào Đảng 244 đồng chí chiếm 87,4% so tổng số Đảng viên mới phát triển của quận.
d) Hội Liên hiệp Phụ nữ: Đã tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của Phụ nữ Việt Nam, đã động viên, tổ chức cho chị em tham gia các phong trào nuôi con khỏe, dạy con ngoan, giỏi việc nước, đảm việc nhà, xây dựng gia đình văn hóa mới, tiết kiệm, chăn nuôi và sản xuất, công tác hậu phương quân đội, vận động chồng con em mình lên đường bảo vệ Tổ quốc… đến cuối năm 1982 có 40% hội viên đạt danh hiệu người phụ nữ mới.
e) Hội Liên hiệp Nông dân tập thể: đã thu hút ngày càng đông nông dân vào hội trên cơ sở đẩy mạnh công cuộc vận động hợp tác hóa nông nghiệp, mà trọng tâm là củng cố tổ chức và nâng lên giác ngộ xã hội chủ nghĩa đối với nông dân tập thể theo hướng phát triển tích cực và từng bước vững chắc. Các cấp hội đã tăng cường công tác giáo dục nông dân về quyền lợi, về nghĩa vụ trong thực hiện kế hoạch sản xuất như nghĩa vụ thuế và bán sản phẩm cho Nhà nước hội cũng đã phát huy tác dụng trong thực hiện Chỉ thị 100 của Ban Bí thư về khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động, trong thực hiện Nghị quyết 12 của Thành ủy về cải tạo và xây dựng nông thôn mới. Trong 2792 hội viên có 1398 hội viên đạt danh hiệu người nông dân mới.
Nhìn chung, 3 năm qua công tác Mặt trận, các đoàn thể có nhiều tiến bộ, đã từng bước đi vào chức năng nhiệm vụ của mình và củng cố tổ chức tương đối phù hợp với hoàn cảnh kinh tế, xã hội hiện nay, trên cơ sở đó có tập trung giáo dục chính trị tư tưởng trong sản xuất, trong quản lý kinh tế và quản lý xã hội. Tuy nhiên vẫn còn một số mặt cần phải nhận thức đúng: con người là vốn quý nhất của xã hội là sáng tạo làm ra của cải vật chất và tinh thần, nhưng hiện nay Mặt trận, các đoàn thể nói chung chưa nắm chắc tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội cụ thể trong giới mình, từ đó chưa giáo dục sâu được giác ngộ giai cấp, chưa phân biệt được rõ ranh giới giữa ta, bạn, thù, đối tượng cách mạng trong giai đoạn hiện nay và cũng chưa thật sự đấu tranh giành giật xây dựng toàn diện từng con người mới xã hội chủ nghĩa. Về tổ chức chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của các thành viên trong Ban chấp hành các cấp (trừ chuyên trách hoặc định suất)
- Về xây dựng Đảng:
Nhiệm vụ xây dựng Đảng trong 3 năm qua là tiếp tục nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng bộ cả về 3 mặt: Chính trị, tư tưởng và tổ chức; tăng cường sự lãnh đạo của các chi bộ cơ sở, củng cố và nâng lên phẩm chất đạo đức và trình độ năng lực của từng đảng viên để thực sự gương mẫu trong công tác và cuộc sống, đồng thời, thông qua phong trào hành động cách mạng của quần chúng mà đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên mới, bảo đảm sức thực hiện nhiệm vụ chính trị của quận là xây dựng quận công – nông nghiệp ngày càng hoàn chỉnh.
Thực hiện Chỉ thị 83 của Ban Bí thư Trung ương về phát thẻ đảng viên đã tác động một cách mạnh mẽ nhiệm vụ xây dựng Đảng của toàn Đảng bộ, là đợt sinh hoạt chính trị rộng rãi trong quần chúng đóng góp ý kiến xây dựng cho từng đảng viên, từ đó chất lượng đảng viên được nâng lên, tỷ lệ sa sút ý chí và sai phạm điều lệ Đảng giảm xuống đáng kể. Tính đến tháng 3 – 1983 toàn Đảng bộ có 99,1% đảng viên đủ tư cách nhận thẻ Đảng, hiện còn 11 trường hợp để lại xem xét và thử thách (trong đó có 2 trường hợp tâm thần).
Công tác phát triển đảng viên mới đã có chuyển biến về nhận thức từ cấp ủy Đảng đến đảng viên, tuy nhiên chưa nâng lên thành trách nhiệm thường xuyên nên kế hoạch tạo nguồn bồi dưỡng giáo dục để phát triển chưa ổn định. Từ số lượng đảng viên mới phát triển tuy có tăng lên so với những năm trước nhưng chưa đều ở các cơ sở và chưa đạt yêu cầu về cơ cấu. Trong số 279 đảng viên mới phát triển trong 3 năm 80, 81 và 82 có 80% là Đoàn viên Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hiện đang phát huy tốt tác dụng ở cơ sở, có một số đồng chí nay là Chủ tịch, Phó Chủ tịch phường hoặc Phó Ban ngành quận.
Tuy nhiên, do công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chưa được chuẩn bị từ cơ sở lên nên khó khăn nhất hiện nay trong công tác tổ chức là thiếu cán bộ. Trong Đại hội vòng 1 của chi bộ phường vừa qua, chỉ có 1 phường đủ ban chi ủy gồm 5 chức danh (Phường 12), hai phường phải chỉ định cấp ủy (Phường 2 và Phường 17), trong Đại hội vòng 2 vừa qua cũng chỉ có 2 phường có ban chi ủy đủ 5 đồng chí (Phường 5 và Phường 12). Việc giải quyết trường hợp cán bộ, đảng viên về hưu còn chậm.
Công tác xây dựng Đảng bộ, chi bộ trong sạch vững mạnh có được phát huy. Năm 1980 có 01 chi bộ được Thành ủy công nhận vững mạnh trong sạch, năm 1981 có 02 (1 phường, 1 ngành). Năm 1982 có 07 chi bộ, Đảng bộ được đề nghị (có 3 phường). Số còn lại có 32 Đảng bộ, chi bộ khá, 08 chi bộ yếu, còn 08 chi bộ trực thuộc chưa phân loại, không còn chi bộ loại kém.
Công tác kiểm tra Đảng được tăng cường ở cơ sở, bước đầu thực hiện 4 nề nếp giữ gìn kỷ luật, điều lệ Đảng theo công văn 722 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cùng với đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 81 của Ban Bí thư về chống tiêu cực, tỷ lệ đảng viên sai phạm ngày càng giảm xuống (năm 1979: 9,5%, năm 1980: 6,8%, năm 1981: 4,88% và năm 1982: 4,25%).
Ban Kiểm tra Đảng và Ban 79 đã kết hợp chặt chẽ và giữ vững được chế độ hội họp hàng tuần, giúp Quận ủy xử lý kịp thời các trường hợp sai phạm của đảng viên.
Công tác kiểm tra Đảng tuy có được nâng cao trách nhiệm hơn trước nhưng việc đôn đốc, nhắc nhở thiếu thường xuyên, nhất là việc kiểm tra chấp hành việc thực hiện Nghị quyết của Đảng và pháp luật Nhà nước. Đồng chí chuyên trách công tác kiểm tra ở cơ sở còn hạn chế trong chức năng giúp cấp ủy chỉ đạo, thực hiện nên việc ngăn ngừa đảng viên sai phạm thiếu kịp thời.
Ban Tuyên huấn và Ban Tổ chức Quận ủy đã kết hợp và tăng cường công tác giáo dục nâng cao trình độ chính trị lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin và đường lối chính sách của Đảng cho cán bộ đảng viên và cán bộ tuyên giáo từ quận đến phường. Trong 3 năm đã mở được 06 lớp cho 462 đối tượng Đảng, 02 lớp chương trình sơ cấp cho 97 đảng viên, 01 lớp chương trình cơ sở cho 34 đồng chí, ngoài ra còn mở 2 lớp cho 74 đồng chí cán bộ tuyên giáo cấp phường và 01 lớp cho 53 cốt cán quần chúng. Tuy có sự cố gắng mở lớp bồi dưỡng nâng trình độ nhận thức cho cán bộ đảng viên trong quận về lý luận cơ bản, về đường lối chính sách nhưng việc mở lớp chưa được thường xuyên. Nội dung giáo dục chưa được cải tiến nhiều, chưa gắn thực tế cuộc sống.
Ban sưu tầm lịch sử Đảng của quận cũng đã hoàn thành bước đầu lịch sử về truyền thống đấu tranh của Đảng bộ và nhân dân quận Gò Vấp trong các thời kỳ từ 1930 – 1945 và 1945 – 1954. Hiện đang sưu tầm tư liệu trong thời kỳ chống Mỹ.
Trong đợt sinh hoạt chính trị quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V, Nghị quyết 01 của Bộ Chính trị về công tác Thành phố Hồ Chí Minh, thông báo 23 của Thành ủy và Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 3 (khóa V), toàn Đảng bộ đã được sự nhất trí cao về nhận thức đúng đắn tình hình đất nước, thấy được những thuận lợi, khó khăn cũng như nguyên nhân thắng lợi và tồn tại, khuyết điểm trong mấy năm qua. Đồng thời nâng cao một bước về nhận thức lý luận Chủ nghĩa xã hội về quan điểm ta, bạn, thù, đối tượng cách mạng, về tính chất gay go, phức tạp và lâu dài để giải quyết vấn đề “ai thắng ai”, giữa 2 con đường Xã hội chủ nghĩa và Tư bản chủ nghĩa trong chặng đường đầu của thời kỳ quá độ. Nhận thức được bản lĩnh của Đảng ta thể hiện qua đường lối mà Nghị quyết Đại hội IV và V đã đề ra và sức mạnh quyết định của quần chúng, từ đó đã tăng thêm phấn khởi và tin tưởng vào sự nghiệp phát triển của cách mạng Xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng.
NHẬN XÉT ĐÁNH GIÁ CHUNG:
Tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được trong 3 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận nhà không ngừng tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, của Thành phố bằng cụ thể hóa các Nghị quyết của Quận Đảng bộ thông qua các phong trào thi đua lao động xã hội chủ nghĩa, học tập và nhân các điển hình tiên tiến, công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên các lĩnh vực từng bước phát triển đi lên có chuyển biến mới và toàn diện với những ưu khuyết điểm và tồn tại chủ yếu sau đây:
- Ưu điểm:
1. Trong tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn chung, bằng nhiều biện pháp tích cực hơn trong quản lý hành chính kinh tế, nỗ lực vươn lên với tinh thần chủ động, sáng tạo, đã giải quyết các khó khăn về sản xuất có kịp thời, các xí nghiệp quốc doanh do quận quản lý từng bước được củng cố, tốc độ phát triển của tiểu thủ công nghiệp tăng nhanh, phong trào hợp tác hóa nông nghiệp được giữ vững, chất lượng làm ăn được củng cố nâng lên, cơ sở vật chất kỹ thuật từng bước được đầu tư mở rộng, tạo tiền đề căn cơ cho yêu cầu phát triển những năm tới.
2. Trên cơ sở tập trung thúc đẩy sản xuất phát triển từng bước tổ chức sắp xếp, củng cố và mở rộng mạng lưới phân phối lưu thông, đã giải quyết đáng kể về đời sống cho nhân dân lao động, nhất là khu vực ăn lương Nhà nước, lực lượng vũ trang và các đối tượng thuộc diện chính sách, góp phần thúc đẩy động lực làm chủ về kinh tế, từng bước ổn định hơn về chính trị và xã hội.
3. Là địa bàn khá phức tạp về chính trị và kinh tế nhưng tình hình an ninh và quốc phòng được giữ vững, phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc đang chuyển biến tốt từ cơ sở làm giảm thấp các loại tội phạm, kết hợp chặt chẽ với các đơn vị kinh tế, quốc phòng trú đóng bảo vệ tốt an ninh khu vực, đảm bảo cho công cuộc cải tạo và xây dựng được phát triển tốt.
4. Công tác cải tạo và xây dựng nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa được đẩy mạnh và chuyển biến tích cực trong từng ngành giới, xuyên suốt đến từng tổ dân phố và hộ gia đình cả về nhận thức và hành động phù hợp theo phẩm giá: “Con người lao động có lối sống lành mạnh, có tình thương và biết tôn trọng lẽ phải”, vừa tiếp tục xây dựng đoàn kết hòa hợp trong nhân dân lao động ngày một gắn bó và tin tưởng lẫn nhau, từng bước xóa dần lối sống “đèn nhà ai nấy sáng”.
5. Trong quá trình thực hiện đã tạo được phong trào hành động cách mạng của quần chúng sôi nổi liên tục và sâu rộng, xuất phát từ Chỉ thị 41 của Thành ủy về học tập và nhân điển hình tiên tiến và Nghị quyết của Thành ủy về tổ chức cấp cơ sở phường, đã thực sự là biện pháp cách mạng, khoa học và căn cơ. Nhiều mô hình về quản lý kinh tế, quản lý xã hội rất sinh động, rất thuyết phục xuất hiện từ trong thực tiễn phong trào, đã đóng góp nhiều kinh nghiệm cho công tác lãnh, chỉ đạo của quận và phường, đưa phong trào quần chúng ở cơ sở vươn lên nhiều mặt.
6. Từ thực tiễn phong trào, Đảng bộ đã không ngừng kiện toàn và củng cố chuyên trách vô sản từ quận đến phường. Cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, nhân dân lao động làm chủ thông qua đoàn thể của mình, đã từng bước phát huy sức mạnh tổng hợp, đã củng cố một bước và nâng lên nhận thức về lý tưởng Cộng sản, vai trò trách nhiệm và tinh thần chiến đấu của từng đảng viên thông qua công tác phát thẻ đảng viên và đợt sinh hoạt chính trị quán triệt Nghị quyết V, Nghị quyết 01. Năng lực lãnh chỉ đạo và tổ chức thực hiện của cấp ủy cơ sở được tăng cường và từng bước kiện toàn thông qua các lần Đại hội.
Nguyên nhân của những thành quả trên là do:
- Nghị quyết Đại hội đại biểu Quận Đảng bộ lần thứ 2 đã kế tục và xác định đúng đắn nhiệm vụ chính trị là “xây dựng Gò Vấp thành một quận có cơ cấu kinh tế Công – nông nghiệp”.
Trong quá trình thực hiện, nhờ quán triệt các Nghị quyết của Trung ương, của Thành phố xuyên suốt từ đảng viên đến quần chúng tuân thủ sự chỉ đạo kịp thời của Thành ủy, với tinh thần tiến công và vận dụng năng động, sáng tạo của toàn Đảng bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, biết bám vào tổ chức cơ chế phường để phát huy quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của nhân dân lao động.
- Về phương pháp chỉ đạo, đã biết bám Chỉ thị 41 của Thành ủy, tích cực phát hiện xây dựng, học và nhân điển hình tiên tiến, phát huy được sức mạnh tổng hợp của Mặt trận và các đoàn thể quần chúng về đề cao hiệu lực chính quyền trong tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đảng.
- Đảng bộ đã phát huy được truyền thống cách mạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân lao động, tranh thủ được sự hỗ trợ, phối hợp của các ban, ngành Thành phố và các đơn vị đóng quân trên địa bàn quận.
Những khuyết điểm còn tồn tại:
Bên cạnh những ưu điểm và thành tựu đạt được, có những khuyết điểm và tồn tại đáng chú ý cần phải được xem xét một cách nghiêm túc để khắc phục nhằm tiếp tục đưa phong trào hành động cách mạng tiến lên càng tích cực và vững chắc trong năm 1983 và những năm kế tiếp là:
1. Trong lãnh chỉ đạo về kinh tế chưa tập trung đúng mức để xây dựng kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể, đối với thành phần kinh tế tư bản tư doanh thiếu kết hợp chặt chẽ giữa cải tạo và xây dựng, từ đó năng lực sản xuất phát huy còn hạn chế, thị trường tự do từng lúc còn lấn át, tình hình phân hóa giai cấp tiếp tục nảy sinh và phức tạp, thu nhập còn nhiều chênh lệch, chưa được điều tiết hợp lý, đời sống của cán bộ công nhân viên, lực lượng vũ trang và nhân dân lao động còn nhiều khó khăn, chưa ổn định.
2. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng thiếu nhạy bén, thiếu liên tục, chưa cân xứng với yêu cầu tình hình và nhiệm vụ. Chưa kiên quyết tiến hành đấu tranh phê phán những biểu hiện tiêu cực còn ảnh hưởng nặng nề trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và ngoài nhân dân. Tệ mê tín dị đoan còn tồn tại, có lúc sống dậy làm ảnh hưởng trong đời sống xã hội, biện pháp giáo dục, giành giật con người nhất là thế hệ trẻ trong các nhà trường còn bị chi phối của thầy đối với trò có cùng tín ngưỡng là những biểu hiện xấu vẫn chưa được giải quyết triệt để.
3. Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc tuy có được phát huy sâu rộng nhưng công tác quản lý di biến động về nhân hộ khẩu chưa được chặt chẽ, công cụ của chuyên chính vô sản ở cơ sở, nhất là tự về phường, cảnh sát khu vực, tổ phó an ninh nhân dân còn thiếu và yếu, có lúc có nơi còn thiếu, kiên quyết đối với những trường hợp vi phạm pháp luật, pháp chế xã hội chủ nghĩa chưa được phát huy đúng mức, địa bàn trọng điểm chậm được chuyển hóa, chưa coi trọng đúng mức công tác giáo dục, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng đối với các âm mưu và thủ đoạn trong kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch.
4. Chưa phát huy được vai trò làm chủ tập thể của nhân dân lao động trong công tác xây dựng Đảng, Chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, Đảng bộ tuy có tập trung lãnh đạo công tác vận động quần chúng nhưng có lúc còn buông lơi chưa tập trung giúp cho đoàn thể, từ đó sức mạnh của hệ thống chuyên chính vô sản chưa được phát huy tốt, nhất là cấp cơ sở chưa bám vào chức năng để hỗ trợ cho nhau hoàn thành nhiệm vụ.
Công tác quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ kế thừa tiến hành còn chậm và chưa ổn định, nguồn bổ sung cho Đảng còn quá ít.
Nguyên nhân của những khuyết điểm, tồn tại trên là do:
1. Ngoài những khó khăn chung của đất nước, Đảng bộ ta chưa nhận thức đầy đủ tính chất gay gắt và phức tạp, lâu dài của cuộc đấu tranh giai cấp trong chặng đường đầu của thời kỳ quá độ. Chưa tiến hành điều tra cơ bản nên chưa nắm chắc tình hình, phân tích được một cách toàn diện tình hình kinh tế xã hội, cơ sở vật chất, khả năng trang thiết bị, đất đai, lao động, nghề nghiệp từ đó quy hoạch, kế hoạch phát triển một cách đồng bộ, nhịp nhàng, kết hợp trước mắt và lâu dài. Thời gian qua tuy sản xuất có phát triển song vẫn thiếu và ổn định và chưa thật phù hợp với thực trạng kinh tế xã hội ở địa phương, trong quá trình thực hiện thường bị động chắp vá.
2. Trong tổ chức thực hiện có lúc chưa bám chặt vào chủ trương, Nghị quyết nên biện pháp thiếu cụ thể, hợp đồng thiếu đồng bộ, chưa bám chặt trọng tâm để kiểm tra, đôn đốc và sơ tổng kết rút kinh nghiệm để kịp thời nhân lên điển hình tiên tiến cả chiều rộng lẫn chiều sâu để giữ vững và phát triển phong trào và cũng thiếu kiểm điểm nghiêm túc những việc chưa làm được hoặc làm không được tốt, chưa xử lý nghiêm minh những trường hợp không chấp hành chủ trương, Nghị quyết không nghiêm túc.
3. Đội ngũ cán bộ nói chung còn thiếu và yếu, nhất là cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý và cán bộ tham mưu giúp việc. Công tác tổ chức bố trí cán bộ thiếu kịp thời theo yêu cầu nhiệm vụ công tác, việc phát triển đảng viên mới chưa cân xứng với nhiệm vụ chính trị của quận, từ đó vai trò hạt nhân trong mọi phong trào hành động cách mạng của quần chúng tác dụng còn hạn chế.