PHÚ NHUẬN:VÙNG ĐẤT - CON NGƯỜI - TRUYỀN THỐNG
I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN
Trước ngày 30/4/1975, Phú Nhuận là một xã của quận Tân Bình, tỉnh Gia Định bao gồm 8 ấp: Đông Nhất, Đông Nhì, Đông Ba, Tây Nhất, Tây Nhì, Tây Ba, Trung Nhất và Trung Nhì. Sau ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng, Phú Nhuận trở thành một quận nội thành của thành phố Hồ Chí Minh. Nằm ở phía Tây bắc, cách trung tâm thành phố 4,7 km. Phía Đông giáp quận Bình Thạnh, phía Tây giáp quận Tân Bình, phía Nam giáp Quận 1, Quận 3 và phía Bắc giáp quận Gò Vấp.
Hiện nay Phú Nhuận có diện tích là 4,855 km2 (1), chiếm 3,66% diện tích khu vực nội thành. Chiều ngang của quận rộng nhất là 2,75 km và hẹp nhất là 1,58 km, chiều dọc quận dài nhất là 2,8 km và ngắn nhất là 0,8 km.Toàn quận có 45 con đường, 584 con hẻm với tổng chiều dài hơn 30 km. Ngoài đường bộ ra, quận còn có đường sắt Bắc Nam chạy qua các phường 4,5, 8, 9, 10, 11 và 13.
Về địa hình tổng quát: Phú Nhuận nằm giữa một vùng gò nổng có bình độ cao nhất là 9m ở phía Bắc và đổ nhẹ về phía Nam có bình độ thấp nhất là 2m. Phú Nhuận là vùng đất có cấu tạo địa chất chia làm 2 loại ở 2 khu vực: phía Bắc là địa tầng cấu tạo của phù sa cổ (còn gọi là đất giồng hay đất sét pha cát) và phía Đông nam có cấu tạo địa tầng là phù sa mới (đất bưng). Hai cấu tạo địa chất này thuận lợi cho việc trồng cây ăn trái, trồng lúa, hoa màu và xây dựng công trình cao tầng.
Về thủy văn: Quận có 2 đoạn kênh chảy qua với 2,115 km chiều dài là kênh Nhiêu Lộc và kênh Cầu Kiệu chảy qua các phường 2, 7, 12, 13, 14 và 17. Ngoài ra còn có mương Ông Tiêu hay còn gọi là rạch Miễu chảy qua các phường 2, 3, 4, 5, 7 và rạch Bà Hội chảy vào rạch Thị Nghè giáp ranh với quận Bình Thạnh.
Nhìn chung về mặt điều kiện tự nhiên, Phú Nhuận là một vùng đất có nhiều thuận lợi trong việc phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, xây dựng.
Địa danh Phú Nhuận xuất hiện từ khi mới lập làng, mở phố và được duy trì cho mãi đến ngày nay. Theo các nhà sử học có lẽ Phú Nhuận được trích từ câu “Phú Nhuận ốc, đức nhuận thân” với mong ước của cư dân thủa ấy là được an lành, thịnh vượng.
Quá trình hình thành và phát triển vùng địa lý, dân cư Phú Nhuận là một quá trình lao động và bồi đắp không ngừng của bao lớp dân cư để biến vùng đất Phú Nhuận thuộc miệt Gò Vấp, huyện Tân Bình, phủ Gia Định, dinh Phiên Trấn thành một vùng không gian xã hội đa dạng và phong phú như ngày nay. Ngay từ năm 1698, khi Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lý, lấy đất Nông Nại đặt làm Phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn, thì khắp vùng gò nổng Sài Gòn - Bến Nghé ở phía Nam, Hanh Thông - Gò Vấp ở phía Bắc đã có người Việt đến định cư và khai phá từ lâu. Phú Nhuận nằm ở giữa vùng này trên con đường bộ nối liền Gò Vấp với Bến Nghé, nằm trên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nên lúc bấy giờ đã được khai phá lập làng, dựng xóm cùng với thời điểm hình thành các vùng Bà Điểm, Gò Vấp.
Năm 1802, sau khi thống nhất đất nước, Gia Long lên ngôi vua và bắt đầu thống nhất sự quản lý và cải cách lại nền hành chính trong cả nước. Lúc này, Phú Nhuận thôn là một trong 76 xã thôn Phường Lân ấp của tổng Bình Trị, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, trấn Phiên An và Gia Định thành. Phú Nhuận thôn nằm ở vùng ngoại vi, cách thành Bát Quái trước kia cũng như trung tâm của Gia Định Thành sau này bởi con kênh Thị Nghè, nên hầu như nằm ngoài vùng tranh chấp quyết liệt giữa Tây Sơn với Nguyễn Ánh.
Ngay từ buổi đầu, lúc Nguyễn Ánh cho xây Thành Qui (Phiên An xưa), con đường Phan Đình Phùng ngày nay giữ ưu thế là một cánh cửa của Thành Qui bát quái đổ ra phía Bắc. Phú Nhuận nhờ được lợi thế nằm sát bên bờ rạch Thị Nghè là nơi tấp nập “trên bến dưới thuyền” xưa kia, thuận tiện cho việc giao thương ra vàm chợ Thị Nghè, ra sông Sài Gòn và liên lạc nhanh với trung tâm Sài Gòn, qua gò Tân Định (trên bản đồ Trần Văn Học vẽ 1815) có cây Cầu Mới, về sau dân chúng đông đúc, tấp nập mới có thêm Cầu Kiệu.
Năm 1832, vua Minh Mạng giải thể các trấn, chia nước ra làm nhiều tỉnh, trong đó Nam Bộ từ 5 trấn chia ra làm 6 tỉnh và gọi là Nam Kỳ Lục Tỉnh. Khi Minh Mạng cho tiến hành đo đạc ruộng đất và lập Địa bạ lần đầu tiên cho Nam Kỳ Lục Tỉnh, mỗi xã thôn đều phải đo đạc ruộng đất và lập một quyển Địa bạ bằng chữ Hán Nôm.
Quyển Địa bạ thôn Phú Nhuận gồm 10 tờ (20 trang) viết tay bằng văn tự Hán Nôm trên giấy bản khổ lớn, có nội dung tóm lược như sau: “Phú Nhuận thôn thuộc miệt Gò Vấp thuộc tổng Bình Trị Hạ, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định. Có tứ cận là: Đông giáp địa phận xã Bình Hòa và xã Hanh Thông (cùng thuộc bản tổng Bình Trị Hạ); tây giáp rạch nước và địa phận thôn Tân Sơn Nhất (thuộc tổng Dương Hòa Thượng; nam giáp địa phận thôn Tân Định (thuộc tổng Bình Trị Trung), lấy rạch Thị Nghè làm giới; bắc giáp rạch nước và địa phận xã Hanh Thông (Bản tổng).
Tổng cộng ruộng đất thực canh là 39 mẫu 2 sào 7 thước 5 tấc (qui ra hệ mét thì rộng khoảng 20 héc-ta) chia ra: - Ruộng điền tô (phải chịu thuế) là 38 mẫu 8 sào 10 thước 5 tấc với 44 sở chủ (người nhiều ruộng nhất có 3 mẫu 2 sào, người ít ruộng nhất chỉ có 12 thước chiếm gần 40%). - Đất thổ cư rộng 3 sào 12 thước. Ngoài ra, thôn Phú Nhuận còn có những loại đất không phải đánh thuế và cũng chưa đo đạc chính xác là đất gò nổng, trong đó có nhiều nhà cửa và mồ mả, 4 khoảnh và đất mộ địa 2 khoảnh”.
Như vậy về mặt địa giới, thôn Phú Nhuận từ nửa đầu thế kỷ XIX đến nay hầu như không thay đổi, vẫn giáp ranh với Tân Định qua con kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và giáp ranh với Hanh Thông - Gò Vấp, Tân Sơn Nhất, Bình Hòa. Theo ước tính của các nhà nghiên cứu thì diện tích toàn thôn Phú Nhuận khoảng 1.000 mẫu. Về dân số có khoảng trên 500 người, trong đó có 1/3 người làm ruộng . Cư dân Phú Nhuận ngoài nghề làm ruộng còn là những thợ thủ công nổi tiếng với những nghề như: mộc, nề, rèn, tiện, chạm trổ, sơn phết, nhuộm vải, xây dựng nhà cửa, đóng thuyền bè…
Dưới thời Pháp thuộc, trải qua gần trăm năm, Phú Nhuận đã có một bước phát triển lớn trong quá trình đô thị hóa. Từ một thôn ngoại vi nghèo trở thành một vùng đô thị của tỉnh Gia Đinh.
Do giao thông thuận tiện nên Phú Nhuận phát triển nhanh từ “làng lên phố”. Bản đồ Nguyễn Văn Học năm 1815 cho thấy có một con đường từ Nam ở khoảng trung tâm thành Gia Định qua cầu Xóm Kiệu, xuyên qua đất Phú Nhuận lên phía bắc giáp Gò Vấp lên đến Hốc Môn và có đường trở về Đất Hộ (Đa Kao) xã Bình Hòa và cầu Cao Miên. Ngoài ra còn khá nhiều lộ nhỏ nối với nhau chạy chằng chịt khắp đất Phú Nhuận, đáng kể hơn cả là con lộ xuyên qua toàn thôn từ đông (Bình Hòa) sang tây (Tân Sơn Nhất). Đường cái quan thứ nhất nay là Hai Bà Trưng - Phan Đình Phùng - Nguyễn Kiệm và đường thứ hai nay là đại lộ Phan Đăng Lưu - Hoàng Văn Thụ. Cuối thế kỷ XIX, người Pháp đã cho chỉnh trang hai con đường này. Đường thứ nhất là từ Phú Nhuận đi Hanh Thông Xã, có tên là Đường số 1 phụ (route n.1 annexe) dài 3,1 km, rộng 5 mét, trải đá Biên Hòa. Đường thứ hai từ Chợ Lớn đi Phú Mỹ (Thị Nghè nay) ngang qua Lăng Cha Cả trước đây là Đường số 1 kép hay Đường vòng lớn của Hạt dài 10,290 km, rộng từ 4 đến 6 mét, trải đá Biên Hòa. Bên cạnh đó, Phú Nhuận còn có thủy lộ là đường thoát nước quan trọng là rạch Thị Nghè chạy suốt phía nam và rạch Miễu Tiêu chạy suốt phía đông, tạo cho Phú Nhuận luôn có sự giao thương tấp nập, nhất là khu vực ngã tư Phú Nhuận.
Phú Nhuận là nơi tập trung nhiều chợ như buôn bán tấp nập, sầm uất và cùng với các dãy phố bán đủ các thứ hàng thủ công, đồ gỗ, giày da đã tạo nên nét phong phú và đa dạng của những phố thị ở Phú Nhuận.
Vào những năm 1920, người Pháp xây dựng phi trường quân sự Tân Sơn Nhất trên đất đai của làng Tân Sơn Nhất nằm sát phía tây Phú Nhuận có một phần đất của làng Phú Nhuận. Năm 1930, Pháp nới rộng phi trường cho nhu cầu về hàng không dân sự. Từ đó về sau, phi trường Tân Sơn Nhất được mở rộng thêm để xây dựng các cơ quan quân sự và dân sự. Đồng thời, cùng với sự phát triển là nhu cầu về giao thông liên lạc giữa trung tâm Sài Gòn và phi trường Tân Sơn Nhất không ngừng tăng cao nên thực dân Pháp phải cho xây dựng hai con đường lớn với hai cây cầu nối đến phi trường Tân Sơn Nhất. Đó là cầu Mac Mahon (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi trên đường Nguyễn Văn Trỗi) và cầu Eyriaud des Vergnes (nay là cầu trên đường Lê Văn Sĩ). Cả hai đường lớn này đều đi qua địa phận quận Phú Nhuận và nối với đại lộ Hoàng Văn Thụ và phi trường Tân Sơn Nhất.
Thời kỳ 1954 -1975, dưới sự thống trị của chế độ Sài Gòn với sự chi viện của Mỹ, miền Nam Việt Nam được đầu tư để phát triển mạnh. So với thời thuộc địa Pháp, quá trình đô thị hóa để phục vụ nhu cầu chiến tranh của Mỹ đã làm cho hạ tầng cơ sở, của Phú Nhuận hiện sầm uất, nhịp độ đời sống kinh tế nhộn nhịp hơn, hàng hóa tiêu dùng nhiều hơn và dân cư tập trung đông đúc. Tuy nhiên, đại bộ phận dân cư Phú Nhuận còn nghèo, nền kinh tế hầu như không đáng kể, sản xuất nhỏ, manh mún, chủ yếu là hàng hóa viện trợ của Mỹ. Về văn hóa, giáo dục, y tế không đáp ứng đủ yêu cầu người dân.
Sau ngày giải phóng năm 1975, Phú Nhuận đã chú trọng xây dựng và phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, xây dựng và cải tạo cơ sở hạ tầng để phục vụ đời sống nhân dân và góp phần vào thị trường chung năng động của thành phố. Phú Nhuận còn chú trọng đến xây dựng các công trình văn hóa, xã hội, y tế bằng những công trình phúc lợi công cộng như Trung tâm văn hóa, Trung tâm y tế, Trung tâm dạy nghề, Trung tâm thể dục thể thao, phát triển hệ thống trường lớp từ bậc Mầm non đến trung học, thực hiện các chính sách xã hội như xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, xóa mù chữ, phổ cập nâng cao dân trí, chống tệ nạn xã hội,văn hóa phẩm độc hại, nỗ lực xây dựng cuộc sống văn hóa trên địa bàn dân cư.
Khái quát lại lịch sử 300 năm phát triển của Phú Nhuận để thấy rõ vị trí, tiềm năng cũng như động lực cùng trở lực đã qui định hướng phát triển và những vấn đề đặt ra cho Phú Nhuận trong quá trình xây dựng và phát triển theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Đây là đặc điểm và là điểm xuất phát để đưa tiềm năng và triển vọng của Phú Nhuận đi lên mạnh mẽ xét về góc độ lịch sử hình thành và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử của Phú Nhuận.
II. CON NGƯỜI VÀ XÃ HỘI
Từ khi bắt đầu lập địa bạ ở Nam Bộ năm 1836 (thời Minh Mạng), dân số Phú Nhuận chỉ có khoảng trên 500 người, nhưng đến trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng dân số Phú Nhuận tăng lên 163.033 người. Trong những năm đầu giải phóng do thực hiện chủ trương dãn dân đi xây dựng kinh tế mới và hồi hương lập nghiệp nên dân số giảm đến mức thấp nhất còn. 137.438 người. Bước sang thời kỳ đổi mới, dân số Phú Nhuận tăng nhanh và đều, năm 1986 là 152.960 người, đến năm 1990 tăng lên 165.777 người và năm 1994 là 176.013 người. Sự gia tăng dân số này phần nào phản ánh quá trình ổn định về kinh tế - xã hội của Phú Nhuận và đi vào quỹ đạo phát triển chung của thành phố hiện nay.
Theo thống kê năm 1994 thì ở Phú Nhuận ngoài dân tộc Kinh chiếm đa số (96,12%), còn có một số dân tộc khác là: Hoa, Tày, Thái,Khơme, Mường,Nùng và Chăm. Các dân tộc ít người ở Phú Nhuận tuy có số lượng không nhiều, nhưng đã cư trú ở đây từ lâu đời và có truyền thống gắn bó, đoàn kết cùng người Kinh để cùng nhau xây dựng Phú Nhuận.
Phú Nhuận là vùng đất nổi tiếng với 72 kiểng chùa được xây dựng ngay từ những năm đầu thế kỷ 19 đến thế kỷ 20 vì là vùng đất cao ráo, dân cư thuận hòa thích hợp cho việc xây dựng các cơ sở tôn giáo, là nơi các tôn giáo lớn khác nhau tụ hội về: Phật giáo, Thiên chúa giáo, Hồi giáo, Tin lành, Cao đài... (47 chùa, tự viện Phật giáo; 14 nhà thờ, tu viện Thiên chúa giáo; 4 nhà thờ Tin lành; 2 thánh thất Cao đài và 2 thánh đường Hồi giáo). Trên địa bàn quận còn có 11 công trình di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, gồm 4 ngôi mộ cổ (lăng Võ Tánh, Võ Di Nguy, Trương Tấn Bửu, Phan Tấn Huỳnh được xây dựngvào những năm đầu của thế kỷ XIX), 6 đình chùa (đình Phú Nhuận, chùa Phú Long, chùa Bà Đầm, chùa Quan Thế Âm, chùa Pháp Hoa, chùa Phổ Quang) và 1 trụ sở phái đoàn liên hiệp quân sự.
Phật giáo là một tôn giáo lớn có đến 47 cơ sở và số lượng tín đồ đông nhất quận là 64.765 người, chiếm tỷ lệ 36,27% dân số quận. Thiên chúa giáo là tôn giáo có tín đồ đông thứ hai là 30.125 người, tỷ lệ 16,87%. Tín đồ Thiên chúa giáo đa số là người miền Bắc di cư vào Nam năm 1954, cư trú thành những xóm đạo quanh 9 ngôi nhà thờ trong các khu phố của quận.
Ngoài ra theo đăng ký chính thức, quận Phú Nhuận còn có 1.267 người theo đạo Tin lành, tỷ lệ 0,70% dân số quận, sinh hoạt tôn giáo quanh 3 nhà thờ Tin Lành, Cơ Đốc. Đạo Cao Đài có 1 thánh thất và 812 tín đồ; đạo Hòa Hảo có 31 tín độ. Hồi giáo có một thánh đường lớn trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa với 723 tín đồ, đa số là dân tộc Chăm ở phường 17. Khổng giáo có 16 tín đồ và các tôn giáo khác là 193 người.
Đặc biệt quận còn có một lực lượng dân cư đông đảo không theo tôn giáo nào cả là 80.594 người, tỷ lệ 45,14% dân số quận, đa số là gia đình cán bộ viên chức nhà nước và bộ đội sĩ quan quân đội nhân dân cư trú trên địa bàn.
Phú Nhuận là một quận nội đô không lớn, nhưng thành phần dân tộc và tôn giáo đa dạng. Đây là một đặc điểm đáng quan tâm trong quá trình xây dựng và phát triển của quận.
So với các quận lân cận, cư dân Phú Nhuận có trình độ văn hóa cao. Đây là một thế mạnh và vốn quí trong quá trình xây dựng và phát triển của quận. Trong số 162.071 người từ 6 tuổi trở lên chỉ có 3.957 người chưa biết chữ, tỷ lệ 2,44%; trong đó nữ chiếm 76,26% mà đa số là người già. Như vậy có đến 97,56% dân số của quận trong độ tuổi có trình độ văn hóa biết đọc biết viết trở lên. Trong số này, trình độ cấp 3 là 66.672 người, chiếm 41,13%. Cấp 2 là 49.191 người, tỷ lệ 30,35%. Cấp 1 là 33.139 người, tỷ lệ 20,44%. Đây là tiền đề thuận lợi cho quận trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Về tổ chức hành chính của quận Phú Nhuận suốt hơn 300 năm qua có những sự thay đổi như sau:
Ngay từ năm1698, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lý, lập Phủ Gia Định với hai huyện Phước Long và Tân Bình, thì Phú Nhuận lúc bấy giờ thuộc về địa bànGò Vấp của huyện Tân Bình.
Đến triều Gia Long, năm 1808 huyện Tân Bình trở thành phủ, hai tổng Bình Dương và Tân Long thành huyện, đặt thêm mỗi huyện 2 tổng, lấy hai chữ tên của huyện đặt lên đầu tên của mỗi tổng. Huyện Bình Dương có hai tổng là Bình Trị và Dương Hòa. Phú Nhuận là một thôn trong 76 xã thôn phường lân ấp của tổng Bình Trị, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, trấn Phiên An, Gia Định thành.
Đến triều Minh Mạng, năm 1832, chia Nam Kỳ thành 6 tỉnh. Trong thời Nam Kỳ lục tỉnh (1832-1862), Phú Nhuận thôn thuộc tổng Bình Trị Hạ, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Phiên An (đến 8/1833 tỉnh Phiên An đổi thành tỉnh Gia Định).
Dưới thời Nam Kỳ thuộc Pháp (1862 -1955), nền hành chánh cấp trên từ tổng, huyện, phủ, hạt, tỉnh ở Nam Bộ có những biến đổi lớn, song Phú Nhuận vẫn là một thôn, với đầy đủ địa phận như đã ghi trong Địa bạ 1836, thuộc tổng Dương Hòa Thượng, hạt Sài Gòn. Theo Nghị định 20/12/1889, sau khi Pháp xâm chiếm hết nước ta và muốn thống nhất việc hành chánh nên đổi các hạt (arrondissement) ở Nam Kỳ ra tỉnh (province). Từ đó, Phú Nhuận thuộc tổng Dương Hòa Thượng, tỉnh Gia Định, không còn cấp trung gian phủ và huyện. Năm 1917, tỉnh Gia Định chia ra thành 4 quận: Gò Vấp, Hóc Môn, Thủ Đức, Nhà Bè, nên quận trở thành cấp hành chánh trung gian như huyện trước đây và Phú Nhuận là một xã thuộc quận Gò Vấp. Nghị định ngày 11/5/1944 của chính quyền thuộc địa đã thiết lập nên tỉnh Tân Bình gồm các xã thôn thuộc các khu vực Gia Định, Thủ Thiêm và Nhà Bè. Lúc bấy giờ Phú Nhuận trong khu vực Gia Định trực thuộc tỉnh Tân Bình. Nhưng tỉnh Tân Bình thành lập chẳng bao lâu thì Cách mạng Tháng Tám và cuộc kháng chiến 9 năm bùng nổ, nên tỉnh này trên thưc tế đã bị giải thể. Tên tỉnh Tân Bình chỉ tồn tại trên danh nghĩa. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), Phú Nhuận là một xã của quận Tân Bình thuộc tỉnh Gia Định gồm có 5 ấp: Đông Nhất, Đông Nhì, Tây Nhất, Tây Nhì, Ấp Trung.
Từ năm 1954 đến năm 1975, dưới sự thống trị của chế độ Sài Gòn, miền Nam Việt Nam nhiều lần thay đổi địa giới hành chánh, nhưng xã Phú Nhuận vẫn không có gì thay đổi cả về địa danh lẫn ranh giới và vẫn thuộc quận Tân Bình tỉnh Gia Định. Thống kê năm 1970 cho thấy lúc bấy giờ xã Phú Nhuận có diện tích rộng 490 héc-ta với dân số là 163.033 người, và chia ra làm 8 ấp là: Đông Nhứt, Đông Nhì, Đông Ba, Tây Nhứt, Tây Nhì, Tây Ba, Trung Nhứt, Trung Nhì.
Sau ngày giải phóng năm 1975, thành phố Hồ Chí Minh được thành lập trên địa phận của thành phố Sài Gòn, Gia Định và một phần đất đai của các tỉnh lân cận. Thành phố Hồ Chí Minh gồm 12 quận nội thành và 6 huyện ngoại thành. Phú Nhuận trở thành một quận nội thành của thành phố Hồ Chí Minh. Lúc đầu, Phú Nhuận bỏ 8 ấp chia ra làm 8 phường sau đó tách làm 17 phường và từ tháng 10 năm 1982còn 15 phường (nhập Phường 6 vào Phường 7, Phường 16 vào Phường 15) như hiện nay, gồm có các phường 1, 2, 3, 4, 5, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15 và 17. Phường rộng nhất là Phường 9 có diện tích 1,7994 km2 và phường hẹp nhất là Phường 13 có diện tích 0,1329 km2.
Theo tổ chức hành chánh được phân chia từ trước năm 1975 (8 ấp) đến 1982 thì địa phận của 15 phường trong quận được phân bố như sau: Ấp Đông Nhất (Phường 1, 2), Ấp Đông Nhì (phường 3, 4, 5), Ấp Đông Ba (Phường 7), Ấp Trung Nhất (Phường 15), Ấp Trung Nhì (Phường 17), Ấp Tây Nhất (phường 8, 9), Ấp Tây Nhì (Phường 10, 11, 12), Ấp Tây Ba (phường 13, 14).
Tóm lại, địa danh Phú Nhuận đã xuất hiện từ 300 năm nay cùng với lịch sử hình thành vùng đất Gia Định lúc bấy giờ. Lúc đầu từ 1698 -1802 (thời Gia Định Phủ), Phú Nhuận nằm ở miệt Gò Vấp, thuộc huyện Tân Bình, phủ Gia Định. Từ 1802 đến 1832 (thời Gia Định trấn, Gia Định thành), Phú Nhuận là một thôn thuộc tổng Bình Trị, huyện Bình Dương, Phủ Tân Bình, trấn Phiên An, Gia Định thành. Từ 1832 đến 1862 (thời Nam Kỳ lục tỉnh), Phú Nhuận là một thôn thuộc tổng Bình Trị Hạ, huyện Bình Dương, Phủ Tân Bình, tỉnh Phiên An (từ 1833 đổi là tỉnh Gia Định). Từ 1862 đến 1955 (thời Pháp thuộc), chia ra 4 thời kỳ: từ 1862-1917 Phú Nhuận là một xã thuộc tổng Dương Hòa Thượng, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định; từ 1917 đến 1944 Phú Nhuận là một xã của tổng Dương Hòa Thượng, quận Gò Vấp; từ 11/5-1944 đến 1945, Phú Nhuận là một xã thuộc khu vực Gia Định (gồm 3 khu vực: Thủ Thiêm, Nhà Bè và Gia Đinh) tỉnh Tân Bình; từ 1945 đến 1954 Phú Nhuận là một xã thuộc quận Tân Bình, tỉnh Gia Định. Từ sau hiệp định Gơnevơ 1955 đến trước Đại thắng mùa Xuân 1975, Phú Nhuận là một xã thuộc quận Tân Bình, tỉnh Gia Định. Từ 1975 đến nay Phú Nhuận là một quận của thành phố Hồ Chí Minh.
III. ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN PHÚ NHUẬN TRONG CÁCH MẠNG DÂN TỘC DÂN CHỦ NHÂN DÂN (1930 - 1975)
Năm 1858, sau khi đánh chiếm Đà Nẵng, thực dân Pháp đưa 2000 quân và 8 chiến thuyền đánh chiếm Sài Gòn. Ngày 8 tháng 3 năm 1859, quân Pháp tấn công thành Gia Định. Đến năm 1862, Pháp tấn công đại đồn Chí Hòa. Nhân dân Phú Nhuận đã chiến đấu cố thủ đại đồn Chí Hòa, là cơ sở hậu cầu vững chắc cho quân của Nguyễn Tri Phương chống lại tập đoàn liên quân Pháp - Tây Ban Nha do đô đốc Charner chỉ huy. Đại đồn nằm ở phía tây nam Phú Nhuận, có vành đai phòng thủ băng qua khu vực các phường 14, 10, 8, 15, 17 ngày nay đến rạch Thị Nghè. Đại đồn Chí Hòa thất thủ, toàn vùng Sài Gòn - Bến Nghé và khu vực phụ cận lọt vào tay quân Pháp.
Năm 1885, Đề Bường tức Nguyễn Văn Bường, một sĩ phu yêu nước, đã đứng ra chiêu mộ, tập hợp nghĩa quân ngay dưới chân cầu Kiệu phối hợp nghĩa quân Phan Công Hớn ở 18 thôn vườn trầu khởi nghĩa tiến đánh nội thành Sài Gòn. Khởi nghĩa thất bại, ông bị địch bắt, đày ra Côn Đảo và chết ở đó.
Vào những thập niên đầu thế kỷ XX, khắp Nam Kỳ, nhân dân tự phát hình thành nhiều tổ chức, lực lượng bí mật chống Pháp, thực dân gọi là “hội kín”. Tiêu biểu có “hội kín” của Phan Xích Long đặt căn cứ địa tại vùng phía bắc Phú Nhuận, khoảng khu vực cổng xe lửa số 10 (phường 4 ngày nay). Lực lượng khởi nghĩa Phan Xích Long tổ chức được hai cuộc bạo động lớn, có sự tham gia đông đảo của nhân dân Phú Nhuận. Tiêu biểu là trận gài bom trong nội thành (1913) và trận đột kích vào Khám Lớn Sài Gòn (1916).
Nhân dân Phú Nhuận đã tham gia các phong trào đấu tranh công khai có tiếng vang lớn thời đó: biểu tình đòi Pháp trả tự do cho các chí sĩ Phan Bội Châu và Nguyễn An Ninh; bãi khóa, biểu tình tuần hành đưa đám tang chí sĩ Phan Chu Trinh.
Từ năm 1926, công nhân thành phố bắt đầu đi vào hoạt động có tổ chức, liên kết chặt chẽ, đấu tranh đòi quyền lợi với bọn chủ tư bản và thực dân. Nổi bật có tổ chức Công hội do Tôn Đức Thắng thành lập năm 1920. Đây là tổ chức Công hội hoạt động bí mật đầu tiên ở Việt Nam, chỉ trong 5 năm đã có tới 300 hội viên tham gia. Công nhân vùng Phú Nhuận hăng hái vào Công hội. Từ năm 1926, Bác Tôn về ở một căn nhà sàn dưới chân cầu Kiệu để chỉ đạo hoạt động. Bác thường lui tới các cơ sở gia đình công nhân ở khu vực xóm cầu Kiệu, chợ Xã Tài, ngã tư Phú Nhuận. Có hai thợ trẻ người Phú Nhuận là Đặng Văn Sâm và Bùi Văn Thêm được Bác Tôn trực tiếp giáo dục, giác ngô và sau này gia nhập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Năm 1927, hai anh được bí mật đưa sang Quảng Châu học khóa chính trị do Bác Hồ chủ trì. Từ Trung Quốc trở về, Bác Tôn chỉ đạo hai anh đứng tên thành lập ga-ra sửa xe hơi “Tân Hiệp”, nằm trên đường Phan Đình Phùng, khoảng gần ngã tư Phú Nhuận bây giờ. Ga-ra Tân Hiệp là một địa điểm hoạt động thuận lợi của Công hội. Bác Tôn thường tới đó chủ trì hội họp. Sau vụ án đường Bartier, tháng 2/1929, lúc 5 giờ chiều ngày 2/7/1929, Bác Tôn bị bắt tại cầu Kiệu. Anh Sâm, anh Thêm cũng bị bắt sau đó.
Nhìn chung, các phong trào yêu nước, đấu tranh tự phát chống thực dân Pháp ở Phú Nhuận suốt từ giữa thế kỷ 19 đến những thập niên đầu thế kỷ 20, trước khi có Đảng, đã diễn ra liên tục, lúc âm ỉ, lúc mạnh mẽ. Những phong trào này thể hiện sự nối tiếp và phát huy truyền thống yêu nước chống ngoại xâm của nhân dân ta. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, phong trào đấu tranh giành độc lập của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Phú Nhuận chuyển từ thời kỳ đấu tranh tự phát sang thời kỳ đấu tranh tự giác và có những bước phát triển.
Ngày 3 tháng 2 năm 1930, tại Cửu Long (Hương Cảng - Trung Quốc), với tư cách là đại diện của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Từ khi có sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động thành phố cũng như Phú Nhuận bước sang thời kỳ mới.
Nhân ngày Quốc tế lao động 1/5/1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Tổng Công hội Nam Kỳ huy động tổ chức nhiều hoạt động biểu dương lực lượng. Trong sự kiện này, ở ngã tư Phú Nhuận, nơi có nhiều cơ sở cảm tình của Đảng, xuất hiện nhiều cờ đỏ, truyền đơn. Vùng Tân Định, Cầu Kiệu cũng là một trong những khu vực có cơ sở mạnh trong thành phố. Trung ương Đảng chọn một địa điểm gần cầu Kiệu đặt cơ quan ấn loát tại số 66 đường Champagne (sau là đường Yên Đỗ và nay là đường Lý Chính Thắng).
Năm 1931, đồng chí Võ Văn Tần, Bí thư Tỉnh ủy Gia Định chỉ đạo xây dựng, mở rộng và củng cố các cơ sở Đảng. Nhóm đảng viên ở Phú Nhuận được phân công hoạt động ghép với tổ chức Đảng vùng Gò Môn (Gò Vấp - Hóc Môn).
Sau hội nghị Quốc tế Cộng sản lần thứ VII (tháng 7/1935), nhiều cuộc bãi công nổ ra trong thành phố. Ngày 6/11/1935, có gần 1.000 phu xe kéo bãi công kéo dài hai ngày phản đối hành động đàn áp thợ thuyền của tên cò Natani và cũng để hưởng ứng kỷ niệm lần thứ 18 Cách mạng Tháng mười Nga.
Qua phong trào đấu tranh, từ các tổ chức quần chúng, các cơ sở cảm tình Đảng, nhiều nhân tố trung kiên, tiên tiến được bồi dưỡng kết nạp vào Đảng Cộng sản. Khoảng giữa năm 1935, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Phú Nhuận được thành lập, mang tên chi bộ Hộ 21, gồm các đồng chí: Nguyễn Xuân Thanh, Bí thư; Nguyễn Diệu (Trường Giang); Phan Thành Long; Nguyễn Huỳnh (Ba Bầu); Nguyễn Thị Sóc (Hai Sóc). Trụ sở được đặt tại nhà thuốc ông Tiên (số 98, đường Louis Berland, Phan Đình Phùng phường 2 hiện nay).
Trong phong trào Mặt trận dân chủ Đông Dương (1936 -1939), tại Phú Nhuận một Ủy ban hành động liên quận được thành lập, do đồng chí Bùi Nghĩa Lộ làm Chủ tịch, cùng với đồng chí Ba Bầu, Hai Sóc và bà Trương Thị Sáu (vợ Nguyễn An Ninh) lãnh đạo nhân dân địa phương đấu tranh hợp pháp, đòi giảm sưu thuế, cải thiện dân sinh.
Ngày 23/11/1940, nổ ra cuộc Khởi nghĩa Nam Ky, dưới sự lãnh đạo của Đảng nhân dân Phú Nhuận đã tổ chức tốt công tác binh vận. Nhiều chị em đã đến gần bót lính Khố Xanh đóng ở đường Liên Tỉnh 22 (Phan Đăng Lưu-Hoàng Văn Thụ) để vận động bọn lính tập này bỏ ngũ, nộp vũ khí. Hàng chục binh lính đã tự động bỏ đồn, nộp súng, gây hoang mang trong hàng ngũ địch. Các nhóm vũ trang của ta đã phối hợp với quần chúng tiến đánh các đồn bót giặc trong xã, nhất là từ Cầu Kiệu đến ngã tư Phú Nhuận. Nhiều truyền đơn được rải tại xóm Cầu Cụt, chợ Xã Tài, Sở Giếng, đường Liên Tỉnh 22. Nhiều tên Việt gian bị trừng trị tại cổng xe lửa số 10.
Sau khi cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, thực dân Pháp tăng cường đàn áp, khủng bố, nhiều cơ sở cách mạng bị phá vỡ. Trong tình hình này, chỉ có đội ngũ công nhân lao động còn tiếp tục đấu tranh trong những tổ chức bán công khai. Đến năm 1944, phong trào đấu tranh của công nhân Phú Nhuận ở các ấp Đông Nhất, Đông Nhì, Trung Nhất, Trung Nhì lại được phục hồi và có sự liên kết đấu tranh với các phong trào đấu tranh khác của nhân dân Gia Định. Trong đó tiêu biểu là công đoàn Tạo Tác, quy tụ gần 200 người do anh Trần Văn Lược lãnh đạo, đã vận động anh em công đoàn viên góp tiền mua gạo cứu đói cho đồng bào miền Bắc đầu năm 1945.
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Đảng ta phát động cao trào kháng Nhật cứu nước, gấp rút tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Theo đó, các tổ chức nông dân, phụ nữ, thanh niên cứu quốc ở Sài Gòn được hình thành và hoạt động theo chương trình hoạt động của Mặt trận Việt Minh trong cả nước (Mặt trận Việt Minh được thành lập từ cuối năm 1944). Đây là lực lượng nòng cốt trong cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám ở các vùng của Sài Gòn nói chung và Phú Nhuận nói riêng.
Đến tháng 5/1945, Chi bộ Hộ 21 mở cuộc họp khẩn cấp chuẩn bị khởi nghĩa. Tháng 6/1945, lực lượng Thanh niên Tiền phong được thành lập tại Phú Nhuận có 40 đoàn viên do đồng chí Nguyễn Văn Bảo chỉ huy. Tháng 8-1945, Thanh niên Tiền phong tổ chức canh gác ở các ngã đường chính tại Phú Nhuận và thành lập các tổ chức cứu quốc tại các ấp.
Chiều ngày 19/8, cờ đỏ sao vàng xuất hiện công khai trên khắp các đường phố, nhân dân Phú Nhuận tham dự cuộc mít tinh của Mặt trận Việt Minh tại tỉnh Gia Định (nay là rạp hát Gò Vấp).
Phối hợp với nhân dân Sài Gòn, đêm 24 rạng 25/8, nhân dân Phú Nhuận biểu dương lực lượng, tiến chiếm Nhà Làng, bót Tân Bình, khu Tòa Bố và các trại lính, lập Ủy ban lâm thời xã Phú Nhuận, do ông Ba Tài làm Chủ tịch ra mắt nhân dân tại Tòa Bố (ấp Đông Nhất). Đến 8 giờ sáng 26/8/1945, hàng ngàn người dân Phú Nhuận mít tinh chào mừng cách mạng thắng lợi ở Tòa Bố Gia Định.
Cách mạng Tháng Tám thành công người dân Phú Nhuận chưa hưởng không khí tự do độc lập được bao lâu thì lại phải cầm súng chống lại thực dân Pháp núp bóng quân đội đồng minh quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa.
Ngay đêm 22 rạng 23/9/1945, Pháp bất ngờ đánh chiếm kho bạc, bót cảnh sát và công sở ở Sài Gòn. Ngày 23/9/1945 các trận đánh lẻ tẻ đã nổ ra và trở nên ác liệt hơn. Trận đánh cầu Mac Mahon (cầu Công Lý hiện nay) được ghi nhận nổ ra sớm nhất, khi Pháp muốn tiến ra ngoại thành từ phía đông nam Phú Nhuận. Mở đầu cho ngày Nam Bộ kháng chiến tại Phú Nhuận bằng trận cầu Mac Mahon, nhân dân Phú Nhuận đã bố trí phòng tuyến cầm chân địch, cầm cự suốt 3 tuần lễ. Ngay trong đêm 23/9, tại Cầu Kiệu cũng nổ ra một trận đánh giữa quân ta với thực dân Pháp diễn ra ác liệt, đây là một trong bốn mặt trận chiến đấu lớn của nhân dân Sài Gòn chống thực dân Pháp tái xâm lược.
Mặt trận Cầu Kiệu do các anh Trần Văn Bang, Phan Du và Lý Kỳ Nam chỉ huy. Lực lượng của ta chủ yếu là các đoàn Thanhniên Tiền phong, phối hợp cùng dân quân và công nhân. Nhân dân đã đem xe kéo, xe bò, bàn ghế, tủ giường làm chướng ngại vật để dựng chiến lũy trên cầu. Trận Cầu Kiệu kéo dài ác liệt suốt 4 ngày đêm, sau đó giằng co đến giữa tháng 10/1945 thì phòng tuyến Cầu Kiệu bị phá vỡ.
Ngày 27/9/1945, tại Sở Giếng nước (gần sân gôn - Phường 9), một trận phục kích diệt tên đại tá Mỹ Peter Dewey, cố vấn an ninh Mỹ đầu tiên bị ta bắn chết đã làm chấn động dư luận báo chí thời đó.
Tháng 3/1946, thực hiện chủ trương của trên, các lực lượng quân sự và bán quân sự trong thành phố được hợp nhất và biên chế thành 10 Ban công tác. Tại Phú Nhuận, Ban công tác 6 do đồng chí Nguyễn Văn Nam chỉ huy, tổ chức diệt phi công Pháp tại biệt thự La Rossette (cổng xe lửa số 7).
Năm 1947, Ban công tác 6 diệt tên ác ôn Ách Vân (trưởng ban an ninh Pháp tại Phú Nhuận).
Tháng 2/1947, Nguyễn Đình Chính, trưởng Ban công tác 1, cũng hoạt động tại Phú Nhuận dựa vào cơ sở hậu cần của mẹ nuôi là bà Nguyễn Bạch Tuyết Hương (đường Hoàng Văn Thụ, Phường 15). Ban công tác 1 đã nổi tiếng khắp thành phố với nhiều trận đánh táo bạo, gây kinh hoàng cho giặc Pháp và tay sai. Ngày 26/2/1947, Nguyễn Đình Chính bị địch bắt tại Phú Nhuận, bị kết án 2 lần tử hình và hy sinh ở Khám Lớn Sài Gòn (8/2/1949).
Trong khoảng thời gian từ 1948 đến 1954, Phú Nhuận là nơi hoạt động vũ trang của Ban công tác 1, 2, 4, 5, 6, 8, 9 và các đội dân quân gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề.
Bên cạnh hoạt động vũ trang Đảng bộ Khu 4 (Tân Bình) bao gồm Thị Nghè (hộ 19), Bà Chiểu (Hộ 20) và Phú Nhuận (Hộ 21) được hình thành năm 1946 do đồng chí Lê Quang Đạo (phái viên của Thành ủy) lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh chính trị của quần chúng, trong đó có phong trào của Mặt trận Liên Việt (do đồng chí Trịnh Văn Mạnh làm Chủ tịch), Hội Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, bộ đội và công an xung phong.
Những phong trào đấu tranh chính trị, vũ trang sôi nổi suốt từ năm 1945-1954 của nhân dân Phú Nhuận hòa chung với nhân dân Sài Gòn - Gia Định đã góp phần cùng thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên chiến trường chính ở Bắc Bộ mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ.
Kết thúc 9 năm kháng chiến chống Pháp, nhân dân Phú Nhuận tiếp tục một lòng theo Đảng, theo cách mạng, tiếp nối truyền thống anh hùng của cha ông để lại trong tư thế hiên ngang sẵn sàng cùng thành phố và cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Ngày 20/7/1954, Hiệp định Genève được ký kết, thực dân Pháp rút quân khỏi Việt Nam. Nước ta tạm thời chia làm hai miền. Theo tinh thần của Hiệp định Genève, hai năm sau sẽ tiến hành tổng tuyển cử thống nhất đất nước, nhưng đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam. Cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ của nhân dân miền Nam tiếp tục diễn ra dưới hình thức đấu tranh chính trị, đòi quyền lợi dân sinh dân chủ.
1954 -1956, thực hiện chỉ thị của Tỉnh ủy Gia Định, Quận ủy Tân Bình khẩn trương bố trí lại lực lượng của quận và các xã. Các đảng viên xã Phú Nhuận như đồng chí Nguyễn Văn Vàng, Nguyễn Văn Thảnh, Lê Đình Tương… tập hợp một số đảng viên thành lập Liên chi bộ Hộ 21 (Phú Nhuận) và được Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định công nhận. Chi bộ 3 thuộc vùng trọng điểm Phú Nhuận do đồng chí Nguyễn Văn Vàng làm bí thư, lãnh đạo nhân dân đấu tranh hợp pháp. Từ đầu năm 1955, phái đoàn liên hợp kiểm soát đình chiến của Chính phủ ta gồm gần 20 người, do đồng chí Phạm Hùng dẫn đầu, chuyển về đóng tại trụ sở số 87 Trần Kế Xương (ấp Đông Ba, Phường 7 ngày nay). Lực lượng an ninh của Chi bộ 3 Phú Nhuận đã nắm bắt ý đồ và hành động của chính quyền Ngô Đình Diệm sử dụng số dân di cư quá khích năm 1954 biểu tình, mang theo gậy gộc, nhằm uy hiếp, hạ uy thế chính trị phái đoàn ta. Với những điều kiện có được, Chi bộ 3 đã chủ động bảo vệ bên trong, đồng thời buộc phái đoàn thi hành hiệp định Genève của Pháp phải can thiệp với chính quyền Diệm giải tán đám biểu tình.
Cuối năm 1955, chính quyền Ngô Đình Diệm ra chủ trương “tố cộng, diệt cộng”, nhiều đảng viên bị khủng bố, Chi bộ 3 vẫn bám trụ, tổ chức đấu tranh chống Diệm. Từ những năm 1955-1956, nhiều tổ chức quần chúng hoạt động công khai theo ngành nghề như: Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt làm Chủ tịch, Nghiệp đoàn công nhân kiến trúc Gia Định do đồng chí Trần Văn Chá làm Tổng thư ký, Công đoàn kỹ nghệ dệt Đông Á (Ấp Đông Ba) hầu hết đều có sự tham gia của các đảng viên trong các chi bộ Phú Nhuận.
Tháng 8/1956 cơ sở Liên chi bộ bị lộ, nhiều đồng chí bị bắt nhưng cơ sở các chi bộ vẫn giữ vững và tiếp tục hoạt động. Năm 1957, tại thành phố hình thành một mạng lưới điệp báo, nhiều cơ sở được đặt tại Phú Nhuận, ở ấp Tây Nhì và Tây Ba. Linh hồn của trận tuyến này là đồng chí Đinh Thị Vân (Sáu Vân), tổ trưởng điệp báo thuộc cục nghiên cứu Bộ tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam. Tin tức thu thập được gởi ra Bắc theo con đường Nông Phênh (Cămphuchia) đã đóng góp nhiều trong những thành công của quân và dân ta sau này.
Từ tháng 5/1957 đến năm 1960, chính quyền Diệm tuyên bố “đặt Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật”, đây là thời kỳ cách mạng gặp nhiều khó khăn do địch khủng bố trắng nên phong trào đấu tranh của nhân dân ta tạm thời phải lắng xuống. Tuy nhiên, các phong trào chống “cải cách điền địa” của Diệm, chống địch cướp đất đuổi nhà để xây dựng căn cứ quân sự (mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất), chống luật “người cày có ruộng” (năm 1957 Diệm đổi luật “cải cách điền địa” thành “người cày có ruộng”), chống do thám, gián điệp, ác ôn của nhân dân thành phố vẫn được nhân dân Phú Nhuận hưởng ứng.
Tháng 2/1960, Chi bộ 1 Phú Nhuận được thành lập do đồng chí Nguyễn Văn Phinh làm Bí thư chi bộ và bắt liên lạc để được công nhận là một chi bộ của cánh H.159. Cuối năm 1960, trên cơ sở thắng lợi của phong trào Đồng Khởi, tổ chức cách mạng được khôi phục ở Phú Nhuận. Cánh H.159 với Đội Biệt động 67 do đồng chí Đỗ Tấn Phong chỉ huy đánh mìn câu lạc bộ Sân gôn gần ngã ba Chú Ía, tiêu diệt 48 tên Mỹ và chư hầu, đánh dấu bước chuyển biến từ phong trào đấu tranh chính trị sang đấu tranh vũ trang.
Ngày 15/2/1961, các đơn vị vũ trang miền Nam được thống nhất thành “Quân đội Giải phóng miền Nam”.
Ngày 19/3/1961, Mặt trận Dân tộc Giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định được thành lập, Quân khu Sài Gòn -Gia Định được củng cố và mang mật hiệu T4.
Tại Phú Nhuận, Khu ủy điều động một số cán bộ về thành lập cánh CK. 59 thuộc mũi đô thị do đồng chí Mười Phải làm Bí thư tiếp tục lãnh đạo và xây dựng cơ sở cách mạng vừa thúc đẩy các phong trào quần chúng, sinh viên học sinh treo cờ giải phóng, rải truyền đơn, đánh xe Mỹ…
Ngày11/6/1963, nhà sư Thích Quảng Đức trụ trì chùa Quan Thế Âm (Phú Nhuận), tự thiêu chống chiến tranh và cầu mong hòa bình và chống chính sách kỳ thị tôn giáo, sau đó nhân dân Phú Nhuận đã hòa chung cùng nhân dân thành phố biểu tình chống Diệm, gây ra một tình hình vô cùng căng thẳng trong thành phố, khiến chính quyền hoảng sợ và thẳng tay đàn áp. Từ đó chùa Quan Thế Âm trở thành cơ sở liên lạc nuôi giấu cán bộ của nhiều tổ chức trong thành phố. Trong giai đoạn 1962-1963 nổi bật nhất là các phong trào sinh viên học sinh, các nghiệp đoàn và phong trào xuống đường cùng giới phật tử.
Bước sang năm 1964, bên cạnh phong trào đấu tranh chính trị sôi nổi rộng khắp, một số hoạt động vũ trang tiêu biểu đã nổ ra tại Phú Nhuận như đội biệt động 67 đánh sân dã cầu của Mỹ và chư hầu làm 105 tên chết và bị thương (ngày 9/2/1964), trận đánh của một đơn vị cánh H.159 đặt chất nổ làm hỏng 3 chiếc máy bay L.19 tại sân bay Tân Sơn Nhất (tháng 12/1964). Đặc biệt tháng 5/1964, anh Nguyễn Văn Trỗi (ngụ tại ấp Tây Ba), thợ điện thực hiện kế hoạch đặt mìn cầu Công Lý diệt tên Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mac Namara. Kế hoạch không thành, anh bị chính quyền Sài Gòn bắt và tử hình vào ngày 15/10/1964. Sự hy sinh của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi đã nêu cao tấm gương đấu tranh anh dũng cho đồng bào Phú Nhuận và cả nước noi theo. Trong Đội biệt động 65 của anh Trỗi có 3 nhà sư trẻ, đều là người đồng hương với anh hoạt động tại chùa Pháp Hoa. Trải qua hai thời kỳ kháng chiến, chùa Pháp Hoa là cơ sở cách mạng hoạt động dân vận và trí vận, có hầm bí mật (xây từ năm 1940).
Tháng 2/1965, tại ấp Tây Nhì thêm 1 chi bộ mới ra đời do đồng chí Hoàng Quốc Lâm (Tư Thân) làm Bí thư.
Tháng 3/1965, anh Trần Văn Đang (ấp Tây Ba) thuộc đội Biệt động 67, dự định đánh bom câu lạc bộ Không quân (số 3 Võ Tánh) không thành bị giặc bắt và xử bắn tại pháp trường gần chợ Bến Thành. Liệt sĩ Trần Văn Đang đã nêu cao khí tiết của người chiến sĩ cộng sản lúc tuổi đời mới 24 tuổi.
Như vậy, kể từ ngày11/11/1963 khi cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm xảy ra, nền Đệ nhất Cộng hòa miền Nam Việt Nam sau 9 năm tồn tại đã kết thúc. Đây là sự thất bại của chiến lược “chiến tranh một phía” (1954 -1960), rồi đến chiến lược “chiến tranh đặc biệt” (1961-1965), dù chính phủ Mỹ phải trực tiếp đưa quân Mỹ sang miền Nam nhưng vẫn buộc phải “thay ngựa giữa dòng” và làm cho các cuộc đảo chánh, lật đổ nhau diễn ra liên tiếp trong 2 năm 1964 -1965 của chính quyền ngụy Sài Gòn. Tình thế đó đã đưa cách mạng miền Nam nói chung và cách mạng thành phố, trong đó có Phú Nhuận nói riêng bước sang một thời kỳ mới.
Từ 1966 đến 1968 các chi bộ Đảng ở Phú Nhuận được tiếp tục hình thành trong từng ấp của xã Phú Nhuận, tiếp tục lãnh đạo quần chúng đấu tranh diệt ác trừ gian. Các hoạt động nghiệp đoàn, các hoạt động dân vận và trí vận, ngày càng đa dạng và phong phú, hoạt động của giới Phật tử yêu nước tập trung tại các chùa Pháp Hoa và Quan Thế Âm diễn ra dưới nhiều hình thức. Phong trào đấu tranh chính trị và vũ trang diễn ra sôi nổi, tất cả đều hòa cùng không khí chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công Xuân 1968 của ta.
Cuộc Tổng tấn công Xuân 1968 diễn ra trong 3 đợt trên toàn thành phố. Bắt đầu từ ngày 31/1/1968, tại Phú Nhuận, sau 6 tiếng pháo lệnh của ta nã vào sân bay Tân Sơn Nhất, trận chiến nổ ra đồng loạt khắp Thành phố. Lực lượng vũ trang tại Phú Nhuận gồm 3 cánh đánh vào Bộ Tổng tham mưu, với 9 mục tiêu quan trọng gây nhiều thiệt hại cho địch . Phối hợp với lực lượng vũ trang, nhân dân Phú Nhuận dưới sự lãnh đạo của các chi bộ Đảng tại chỗ nổi dậy, tiếp tế, hỗ trợ quân giải phóng. Tháng 5/1968, Ban cán sự vùng 1 Tân Bình và chi bộ Liên Đông Phú Nhuận (Đông Nhất, Nhì, Ba) lãnh đạo nổi dậy tại Phú Nhuận. Đêm mùng 4 rạng mùng 5/5/1968, Trung đoàn Quyết Thắng tấn công địch ác liệt tại đường Nguyễn Tùng Châu (Nguyễn Văn Đậu ngày nay), Cầu Công Lý, Cầu Kiệu. Ngày 15/5/1968, cờ giải phóng đã tung bay trên nóc đồn cảnh sát tại Cầu Kiệu. Một tiểu đội H.159 do đồng chí Nguyễn Phi tổ chức đánh xe lính Đại Hàn ở đường Nguyễn Huỳnh Đức (Huỳnh Văn Bánh ngày nay) và diệt 13 tên cảnh sát.
Với hai đợt tiến công và nổi dậy Xuân 1968 cùng quân dân thành phố, quân dân Phú Nhuận đã góp phần làm rúng động tận gốc rễ bọn Mỹ ngụy và chư hầu tay sai, làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ”, buộc Mỹ phải thay bằng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” (1969 -1972) trên chiến trường miền Nam.
Sau tổng tấn công Mậu Thân, đa số các cơ sở của ta đều bị lộ, Thành ủy Sài Gòn mở hội nghị lần thứ nhất, chủ trương chuyển hướng phương thức hoạt động và củng cố lại tổ chức cơ sở, đi sâu vào vận động quần chúng.
Cuối năm 1968 đầu năm 1969, tổ chức Đảng liên quận 4 được thành lập, do đồng chí Nguyễn Vĩnh Nghiệp (Sáu Tường) làm Bí thư, phân công đồng chí Trần Công Thoại (Sáu Nam) nắm và chỉ đạo các chi bộ ở Phú Nhuận, chủ trương “bám trụ” để củng cố, phát triển lực lượng, đẩy mạnh chiến tranh du kích, chống phá bình định của địch.
Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, để lại niềm tiếc thương vô hạn của đồng bào cả nước. Ở Phú Nhuận, lễ truy điệu Người được tổ chức ở khắp mọi nơi, dưới nhiều hình thức: như ở gia đình má Lê Thị Thu, trong chùa Pháp Hoa (do nhà sư Thích Như Niệm chủ trì), chùa Phổ Quang (nhà sư Thiện Thông chủ trì), chùa Quán Thế Âm và trong các nhà lao nhiều má ở Phú Nhuận như Lê Thị Lợi, Phan Thị Lại, Bùi Thị Lui… đã xé áo làm khăn tang, tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ ở Khám Chí Hòa, Thủ Đức, Côn Đảo. Biến đau thương thành hành động cách mạng, toàn thành phố đã mở nhiều đợt tấn công vào kẻ thù. Ở Phú Nhuận, các trận đánh liên tiếp đã diễn ra ở ấp Trung Nhì, Trung Nhất, Đông Nhì.
Năm 1970, phong trào chống đối “Trò độc diễn bầu cử” lan rộng đến Phú Nhuận. Đấu tranh vũ trang tiếp tục gây thiệt hại cho địch, đánh cư xá Chi Lăng (Phan Đăng Lưu ngày nay) diệt 50 sĩ quan Mỹ, đánh cư xá Mỹ ở đường Nguyễn Minh Chiếu (Nguyễn Trọng Tuyển ngày nay) tiêu diệt 20 tên lính Mỹ và chư hầu. Ngày 14/6/1970 nhà sư Thích Thiện Lai đã tự thiêu tại chùa Phổ Quang để phản đối Mỹ - Thiệu đàn áp nhân dân, đòi hòa bình.
Năm 1971 - 1972, phong trào đấu tranh chính trị của phụ nữ Phú Nhuận dưới sự dìu dắt của ni sư Huỳnh Liên và bà Ngô Bá Thành gây nhiều tiếng vang. Đồng thời, phong trào đấu tranh của sinh viên, học sinh tiếp tục dâng cao tại thành phố và Phú Nhuận.
Kể từ sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân 1968 cho đến năm 1972 khi Mỹ cho ném bom ồ ạt miền Bắc, phong trào đấu tranh chống Mỹ và chế độ tay sai Nguyễn Văn Thiệu đã làm thất bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” ở cả 2 miền Nam Bắc, đến ngày 27/1/1973, Mỹ buộc phải ký kết Hiệp định Paris, rút hết quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đây là thắng lợi to lớn của cách mạng miền Nam đồng thời cũng là thời cơ để vùng lên giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Nhân dân Sài Gòn nói chung và Phú Nhuận nói riêng đã tiếp tục các cuộc đấu tranh đòi thi hành nghiêm chỉnh hiệp định Paris, phong trào đấu tranh ngăn chặn lấn đất, phá thế kềm kẹp của địch trong chiến địch “tràn ngập lãnh thổ”, “đẩy mạnh bình định đặc biệt” của Nguyễn Văn Thiệu, phong trào đấu tranh đòi dân sinh dân chủ của công nhân, sinh viên học sinh, Phật tử tăng ni, phong trào phản đối chính quyền Thiệu tham nhũng, vơ vét của cải.
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Ban Liên hợp Quân sự bốn bên được thành lập, đặt trụ sở tại trại Davis (Camp Davis) ở sân bay Tân Sơn Nhất. Trong thành phần phái đoàn ta có đồng chí Đỗ Tấn Phong đã từng gắn bó với Phú Nhuận trong 10 năm, là người chứng kiến cuộc cuốn cờ, rút quân Mỹ ra khỏi Việt Nam từ cuối tháng 3-1973 đến cuối năm 1974. Nhưng trên thực tế, Mỹ vẫn tiếp tế cho chính quyền ngụy phá hoại hiệp định. Chúng tăng cường củng cố bộ máy cơ sở, phát triển các lực lượng thám báo, gián điệp theo dõi, đàn áp phong trào đấu tranh. Tại Phú Nhuận, lực lượng cảnh sát, quân sự địch thường xuyên đóng chốt tại các trục lộ giao thông, ban đêm chúng lùng sục kiểm tra từng nhà trong ấp, đưa đến tình hình căng thẳng, cuộc sống đồng bào bị dồn nén, đến bước đường cùng. Đây cũng là tình thế cách mạng đến lúc chín muồi. Trước tình hình trên, nhằm đáp ứng với phong trào thành phố, Thành ủy chủ trương tách Liên quận thành lập các Quận ủy để lãnh đạo phong trào.
Giữa năm 1974, cơ bản các Quận ủy được hình thành, Quận ủy Phú Nhuận được thành lập gồm có các đồng chí Hoàng Quốc Lâm, Trần Văn Chá, Tô Thị Kia.
Tháng 9/1974, Thành ủy ra quyết định chính thức thành lập các quận ủy trong đó có Quận ủy Phú Nhuận. Đây là bước ngoặt quan trọng trong quá trình đấu tranh và trưởng thành của Đảng bộ và nhân dân Phú Nhuận.
Đầu tháng 4/1975, đồng chí Hoàng Quốc Lâm (Bí thư Quận ủy) cùng đồng chí Tô Thị Kia (tự Mười Dân) và đồng chí Trương Thị Thanh Thảo (Út Nhiên) chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tổng nổi dậy. Lực lượng vũ trang do đồng chí Đỗ Văn Điềm (Mười Điềm) Quận đội trưởng lên phương án tấn công vào các trụ sở đầu não của địch. Chuẩn bị tiến công vào Phú Nhuận còn có thêm lực lượng của Thành đoàn, do đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa (Chín Ngân) phụ trách. Tại các ấp Đông Nhất, Đông Nhì, Tây Nhất, Tây Nhì, Tây Ba, Trung Nhất, các cơ sở, các Đội biệt động, các chi bộ Đảng đã tích trữ lương thực, thuốc men, vận động nhân dân may cờ, băng-rôn, in khẩu hiệu, truyền đơn tất cả đã sẵn sàng tại ấp Tây Ba.
Theo phương án đã định, lực lượng vũ trang Phú Nhuận tiến chiếm mục tiêu, đến trưa ngày 30/4, đã tịch thu hơn 2000 súng, 4 tấn đạn dược và chất nổ, 47 quân xa. Ấp Tây Ba (phường 13,14) là địa điểm nổi dậy sớm nhất của toàn xã Phú Nhuận, và thu được chiến lợi phẩm lớn nhất trong một ấp (vũ khí được chất đầy trong và ngoài khuôn viên Lâm Tỳ Ni đường Huỳnh Quang Tiên, nay là trường Phạm Ngọc Thạch, phường 14).
Tại ấp Đông Ba (nay là phường 7) được sự hỗ trợ của 2 chiến sĩ trẻ tuổi, đồng chí Tô Thị Kia tiến chiếm trụ sở Khu 1 và Khu 2, gom súng, treo cờ, trương biểu ngữ, rồi tổ chức an ninh trật tự tại đây.
Tại ấp Tây Nhì (phường 10, 11, 12), từ 26/4, đồng chí Út Nhiên được phân công làm bí thư Chi bộ ấp, đã vận động các cơ sở chuẩn bị nổi dậy. Ngày 29/4, đồng chí Út Nhiên tổ chức quần chúng, kêu gọi bọn nhân dân tự vệ ấp nộp súng đầu hàng.
Tại ấp Đông Nhất (nay là phường 1, 2), đồng chí Phan Văn Thảo đã thuyết phục đội trưởng nhân dân tự vệ giao nộp hồ sơ, tài liệu, vũ khí và cũng chính đồng chí Thảo là người đã treo lá cờ giải phóng trên trụ sở này.
Tại ấp Đông Nhì (nay là phường 3, 4, 5), một nhóm anh em xây dựng dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Công Luận, Võ An Khương phối hợp cùng cánh Tây Nam, tiến chiếm trụ sở ấp trên đường Thái Lập Thành, tên trưởng ấp bỏ chạy.
Ngày 30/4/1975, ngọn cờ giải phóng đã tung bay trên trụ sở Hội đồng xã Phú Nhuận, chùa Quan Thế Âm, Tòa Hành Chánh quận Tân Bình. Toàn thành phố và Phú Nhuận được giải phóng.
Trải qua chặng đường đấu tranh gian khổ, bền bỉ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược suốt 30 năm Đảng bộ và nhân dân Phú Nhuận đã góp phần vào thắng lợi vĩ đại của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước để viết nên những trang sử vàng chói lọi trong tiến trình lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.
Là mảnh đất có truyền thống yêu nước lâu đời, có Chi bộ Đảng đầu tiên ra đời từ những năm 1935, nhân dân Phú Nhuận đã tham gia các phong trào đấu tranh vũ trang với những trận quyết chiến trên mặt trận Cầu Kiệu năm 1945, trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Cùng với đấu tranh vũ trang, phong trào đấu tranh chính trị trực diện với kẻ thù diễn ra sôi nổi và liên tục từ những cuộc đình công, biểu tình, bãi thị, bãi khóa của các tầng lớp nhân dân, thợ thủ công, công nhân, phật tử đòi dân sinh, dân chủ, hòa bình, độc lập. Trải qua các cuộc đấu tranh chính trị và vũ trang đã có biết bao tấm gương hy sinh anh dũng của các liệt sĩ như Nguyễn Đình Chính, Hồ Hảo Hớn, Nguyễn Văn Trỗi, Trần Văn Đang, Lê Thị Riêng, Nguyễn Phi, Trần Phú Cương… và các anh hùng như Đỗ Tấn Phong, Đinh Thị Vân, Nguyễn Văn Tăng, Phạm Thị Mỹ, Trần Thị Mai, Tống Viết Dương… cùng những chiến sĩ thầm lặng khác và nhân dân đã ngã xuốngđể tô thắm cho vùng đất Phú Nhuận thêm xanh tươi và giàu đẹp hơn trong kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc, cùng cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.