Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Báo cáo kiểm điểm của Ban chấp hành Đảng bộ quận Tân Bình nhiệm kỳ II

Đảng Cộng Sản Việt NamTân Bình, ngày 13 tháng 5 năm 1983

Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh

---

Quận ủy Tân Bình

Đại hội đại biểu Đảng bộ Quận Tân Bình lần thứ II đã được tiến hành từ ngày 21 tháng 11 năm 1979. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ II gồm 34 ủy viên (33 chính thức, 01 dự khuyết). Kết quả của sự lãnh đạo của Ban chấp hành trong hơn 3 năm qua đã được trình bày trong báo cáo kiểm điểm tình hình. Kết quả đó biểu hiện cụ thể và sinh động nhất, là cơ sở quan trọng và cơ bản nhất để kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đại hội nhiệm kỳ qua.

Phần thứ nhất: TÌNH HÌNH TỔ CHỨC VÀ NHÂN SỰ BAN CHẤPHÀNH ĐẢNG BỘ NHIỆM KỲ II.

Sau Đại hội, Ban chấp hành đã bầu ra Ban Thường vụ gồm 11 ủy viên, gồm 01 bí thư, 02 phó bí thư (01 phó bí thư phụ trách chính quyền, 01 phó bí thư thường trực) và 08 đ/c ủy viên thường vụ. Tháng 10/1980, Thành ủy bổ sung 01 đ/c vào Ban chấp hành.

Trong nhiệm kỳ, nhân sự Ban chấp hành có nhiều biến động: 02 đ/c được cử đi học dài hạn sau khi bầu vào Ban chấp hành, 06 đ/c lần lượt được điều đi công tác nơi khác, trong đó hầu hết là các đ/c chủ chốt (01 bí thư, 01 phó bí thư, 02 ủy viên thường vụ) và 01 đ/c nghỉ hưu. Ban chấp hành có thời gian chỉ còn 25 đ/c và sau khi đã lần lượt bổ sung, vào cuối nhiệm kỳ Ban chấp hành có 29 đ/c.

Ban chấp hành và Ban Thường vụ không đảm bảo yêu cầu cơ cấu như Ban chấp hành thiếu cấp ủy viên là đại biểu của Đoàn thanh niên, và do biến động về sau, Ban Thường vụ thiếu ủy viên phụ trách ngành công an...

Tuy có biến động đáng kể về mặt nhân sự nhưng nhìn chung sự biến động đó không làm ảnh hưởng lớn đến sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chấp hành vì sau đó được lần lượt bổ sung và ở những chỗ khiếm khuyết về mặt cơ cấu Ban chấp hành đã quan tâm và tập trung lãnh đạo.

Trong nhiệm kỳ, có 01 đ/c ủy viên Ban Thường vụ bị kỷ luật cách chức quận ủy viên và 01 đ/c bị kỷ luật cảnh cáo. Hầu hết các đ/c ủy viên Ban chấp hành còn lại giữ được phẩm chất, đạo đức và phát huy được vai trò của một cấp ủy viên.

Phần thứ hai:  KIỂM ĐIỂM VIỆC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CỦA BANCHẤP HÀNH NHIỆM KỲ II:

Điều lệ Đảng đã xác định: Ban chấp hành là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai nhiệm kỳ Đại hội, có nhiệm vụ chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng, các nghị quyết của Đại hội, các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, lãnh đạo các tổ chức ở địa phương hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước và mọi nhiệm vụ chính trị của địa phương; không ngừng chăm lo xây dựng, củng cố tổ chức và phát huy vai trò của chính quyền, của các đoàn thể quần chúng, bảo đảm quyền làm chủ tập thể của nhân dân; thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng về mọi mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức, nâng cao chất lượng lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng ở địa phương; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ địa phương; căn cứ vào chế độ do trung ương quy định, quản lý và phân phối cán bộ, quản lý và phân phối tài chính của Đảng; tham gia vào việc xây dựng và cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng.

Trên cơ sở nhiệm vụ do Điều lệ Đảng quy định, Ban chấp hành tự kiểm về chức trách lãnh đạo của mình trong hơn 3 năm qua như sau:

I/ VỀ LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ:

- Ưu điểm nổi bật của Ban chấp hành trong nhiệm kỳ qua là đã quán triệt nhanh đường lối, chính sách của Đảng, quán triệt Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ quận lần thứ II, từ đó, đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện một cách sáng tạo, linh hoạt và có hiệu quả, nhất là đối với các chủ trương chuyển hướng chính sách kinh tế mới được ghi trong Nghị quyết hội nghị lần thứ VI của Ban chấp hành Trung ương, Quyết định 25- 26 của Chính phủ, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ II, Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị và gần đây là các Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ V, Nghị quyết 01 của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ ba và Nghị quyết 17 của Thành ủy về phân phối lưu thông, quản lý thị trường. Những chủ trương, nghị quyết trên được Ban chấp hành nghiên cứu, thảo luận đi đến nhất trí cao và bắt tay vào việc thực hiện nghị quyết với tinh thần tiến công cách mạng, có vận dụng linh hoạt các chủ trương, chính sách cho phù hợp với thực tế, như đã xác định ngành dệt là mũi nhọn, ngành cơ khí là chủ lực trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp, quy hoạch vùng chuyên canh rau trong nông nghiệp, thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và đời sống, như thực hiện phương châm “ngành, quận, phường, cơ sơ cùng chạy”, mở rộng kinh tế ngoài địa bàn, vận động góp vốn nhập nguyên liệu, vận dụng phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tập trung phát triển các ngành sản xuất ra các mặt hàng có giá trị kinh tế và xuất khẩu... Sản xuất đã được bung ra, tốc độ tăng bình quân 28%, vùng chuyên canh rau từng bước đang hình thành, mở ra nhiều triển vọng trong nông nghiệp, đời sống cán bộ công nhân viên và nhân dân cải thiện thêm một bước... Những kết quả đó đã chứng tỏ Ban chấp hành đã nhanh chóng tiếp thu những cái mới theo tinh thần các chủ trương, nghị quyết của Đảng và đã chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực và cơ bản đó, do chưa lường trước được tình hình, do nhận thức chưa đầy đủ về những nhiệm vụ chiến lược và chức năng của chuyên chính vô sản trong chặng đường đầu của thời kỳ quá độ, do bị một số cơ chế gò bó cản trở, do bị các quy luật kinh tế tư bản chủ nghĩa tác động và chi phối nên trong sản xuất đã để xảy ra một số tình hình không lành mạnh: tốc độ phát triển sản xuất của các thành phần kinh tế chưa đồng đều, hình thức sản xuất XHCN vẫn chưa đóng vai trò chủ đạo; các biện pháp thu mua, nắm nguồn hàng chưa có nhiều hiệu quả; công tác cải tạo, tổ chức lại sản xuất và quản lý sản xuất chưa theo kịp với đà phát triển của sản xuất; chất lượng sản phẩm còn là một vấn đề tồn tại lớn. Trong nông nghiệp, phong trào hợp tác hóa chưa thật sự có sức vươn lên rõ rệt: hiện nay chỉ có 28% đất thuộc tập thể quản lý và 43,5% lao động nông nghiệp làm ăn tập thể. So với công sức đã bỏ ra và so với cơ sở vật chất kỹ thuật được đầu tư trong nông nghiệp thì các con số đó còn quá thấp.

- Trong phân phối lưu thông, Ban chấp hành đã nhanh chóng tiếp thu chủ trương chuyển từ bao cấp sang kinh doanh XHCN, chỉ đạo hình thành nhanh chóng các đơn vị hạch tóan kinh doanh, phát triển mạng lưới thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã đến khu phố và các khu đông dân, mở rộng quan hệ giao dịch để trao đổi, thu mua hàng hóa, mở ra những khả năng xuất khẩu... Nhờ đó, lượng hàng mua vào và bán ra ngày càng tăng, giá trị mua vào bán ra năm sau cao hơn năm trước từ 2 đến 4 lần. Những cố gắng đó đã giải quyết một phần nhu cầu về đời sống, góp phần tham gia quản lý thị trường... Trong lĩnh vực này, càng về cuối nhiệm kỳ của Ban chấp hành, Ban chấp hành ngày càng tập trung lãnh đạo, đã và đang đem lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Tuy nhiên, kết quả chung về sự lãnh đạo của Ban chấp hành trong hơn 3 năm qua trong lĩnh vực này còn nhiều hạn chế. Trước hết, là Ban chấp hành đã chưa làm cho quan điểm kinh doanh XHCN trở thành quan điểm xuyên suốt trong tất cả các hoạt động thương nghiệp, nên để tình trạng chạy theo doanh số, xem nhẹ bán lẻ kéo dài, chưa tạo ra một sức mạnh tổng hợp của quần chúng và của mọi ngành để đấu tranh với thị trường tự do, để cho các hoạt động thương nghiệp tư nhân phát triển một cách vô tổ chức, nhất là các ngành ăn uống dịch vụ...

- Trong nhiệm vụ chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, Ban chấp hành đã chú ý phát huy tinh thần tự lực, sáng tạo của cơ sở, của ngành, lãnh đạo các phong trào thi đua, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, vận dụng có hiệu quả phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Dưới sự lãnh đạo của Ban chấp hành, chất lượng hoạt động của ngành y tế, văn hóa thông tin, thương binh xã hội và trong lĩnh vực giáo dục được nâng lên, nhất là trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tuy nhiên, Ban chấp hành đã chưa khai thác mọi khả năng của cơ sở vào quần chúng để giải quyết những vấn đề chung của xã hội; chưa chăm lo tích cực và đầy đủ đối với các đối tượng thuộc diện chính sách; chất lượng giáo dục được nâng lên nhưng vẫn còn chậm.

- Trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, trên cơ sở tiếp thu các quan điểm của Đảng được ghi trong Nghị quyết Đại hội IV, V và Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 11 của Thành ủy và xuất phát từ đặc điểm lịch sử của quận, Ban chấp hành đã có Nghị quyết về công tác an ninh từng năm và thường xuyên quan tâm chỉ đạo trên lĩnh vực này: đi sâu nghiên cứu đặc điểm địa bàn trọng điểm về chính trị, về hình sự để chỉ đạo chuyển hóa và rút kinh nghiệm chỉ đạo ra diện rộng, như đã tiến hành chỉ đạo điểm ở các phường 2, 3. Về mặt lãnh đạo, Ban chấp hành đã chú ý xây dựng lực lượng công an trong sạch vững mạnh theo Chỉ thị 92 của Ban Bí thư. Trong nhiệm vụ này, Ban chấp hành đã xác định vai trò của quần chúng là quan trọng và chỉ đạo cho các cấp ủy cơ sở và ngành công an không ngừng phát huy sức mạnh tổng hợp và to lớn của quần chúng, làm thất bại âm mưu thực hiện kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của bọn cầm quyền Trung Quốc cấu kết với đế quốc Mỹ và các thế lực phản động khác, để trong nội bộ và ngoài xã hội không ngừng đề cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan âm mưu thâm độc của chúng. Ban chấp hành quan tâm lãnh đạo xây dựng lực lượng tự vệ và bộ đội địa phương, lãnh đạo cuộc vận động: “phát huy bản chất tốt đẹp, nâng cao sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang nhân dân”, chỉ đạo những đợt tổng diễn tập, xây dựng ý thức sẵn sàng chiến đấu. Công tác tuyển quân được Ban chấp hành lãnh đạo tập trung. Ba năm liền trong nhiệm kỳ đã vượt chỉ tiêu tuyển quân hàng năm.

Khuyết điểm cuả Ban chấp hành trong lĩnh vực này là trong lãnh đaọ chưa tạo ra được một khí thế áp đảo cuả quần chúng để tiến công các bọn tội phạm; những biện pháp đối phó với tình hình chưa thật chủ động, căn cơ, chưa đi vào chiều sâu, chưa thật đồng bộ và chưa có hiệu quả cao, chưa chú ý nhiều đến việc đấu tranh với địch trên lĩnh vực kinh tế, và đặc biệt là trong lãnh đaọ, Ban chấp hành đã chưa xây dựng được một tinh thần cảnh giác cách mạng cao trong nội bộ và quần chúng để phòng ngừa và chủ động để tiến công địch đập tan kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch.

Trong nhiệm vụ lãnh đạo và giáo dục chính trị tư tưởng, Ban chấp hành đã thường xuyên chỉ đạo việc tổ chức học tập, phổ biến các chủ trương, nghị quyết lớn của Đảng từ nội bộ đến quần chúng. Qua việc tổ chức học tập các chủ trương, nghị quyết cuả Đảng, Ban chấp hành đã tạo được sự tin tưởng của cán bộ đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đaọ của Đảng. Ban chấp hành đã biết dựa và phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng. Dưới sự lãnh đaọ cuả Ban chấp hành, các tổ chức quần chúng có nhiều hoạt động khá phong phú, tập hợp phần đông quần chúng vào các tổ chức. Thông qua sinh hoạt cuả các tổ chức quần chúng, trình độ giácngộ của các quần chúng về Chủ nghĩa xã hội, về bản chất của chế độ được nâng lên, tin tưởng vào sự lãnh đaọ cuả Đảng; động viên được đồng bào có đạo cũng như không có đạo, trẻ cũng như già góp phần xây dựng xã hội mới bằng những công việc làm cụ thể. Ban chấphành đã lãnh đạo và động viên kịp thời phong trào thi đua, tạo sự hưởng ứng của các tầng lớp quần chúng, là động lực quan trọng để thực hiện nhiệm vụ chính trị chung.

Khuyết điểm cuả Ban chấp hành trong nhiệm vụ này là chưa có những biện pháp thích hợp, phù hợp tâm lý xã hội của từng giới để đi sâu lãnh đạo cho có hiệu quả cao. Tư tưởng xã hội chủ nghĩa xã hội rõ ràng là chưa chiếm ưu thế. Một bộ phần quần chúng bị xói mòn lòng tin, bị tác động bởi những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của kẻ thù. Tình trạng tiêu cực trong nội bộ và ngoài xã hội có lúc, có nơi chưa được đấu tranh một cách triệt để và tích cực. Ban chấp hành đã chưa tạo ra một dư luận xã hội rộng rãi, tự giác để lên án những hiện tượng tiêu cực và bất công đó, như đối với tình trạng mua bán bất hợp pháp, trốn đi nước ngoài, trố tránh lao động, chỉ đòi quyền lợi mà trốn tránh nghĩa vụ, xuyên tạc chế độ và v.v. Hoạt động của tôn giáo rõ ràng đã được tăng cường theo chiều hướng “ thích nghi” để tranh giành ảnh hưởng, tranh giành giáo dân, nhưng sự chỉ đạo của Ban chấp hành để đối phó và chống lại các hoạt động này chưa sâu, chưa làm giảm một phần quan trọng ảnh hưởng của tôn giáo đối với giáo dân. Việc lãnh đạo của Ban chấp hành đối vơi xã hội, đối với công tác chính trị tư tưởng nói chung là chưa có sức thuyết phục cao, chưa thường xuyên và đồng bộ để tạo hiệu quả cao nhất. Ban chấp hành đã có phần buông lơi nhiệm vụ giáo dục công nhân và người thợ thủ công, có phần buông lơi việc đấu tranh trên lĩnh vực văn hoá, văn nghệ.

II. VỀ LÃNH ĐẠO TỔ CHỨC:

Ban chấp hành đã không ngừng chú ý xây dựng và kiện toàn hệ thống tổ chức của Đảng, chính quyền, và các đoàn thể quần chúng, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ để đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài, qua thực tế các tổ chức nói trên đã quán triệt được nhiệm vụ chung của Quận và nhiệm vụ chính trị của đơn vị, tổ chức mình, nâng cao hiệu quả và hiệu lực lãnh đạo và chỉ đạo theo chức trách của từng tổ chức. Nói chung là càng ngày vai trò của mỗi tổ chức được rõ hơn, đảm bảo được sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của chính quyền và phát huy chức năng giáo dục, tổ chức, vận động quần chúng của mỗi đoàn thể. Trong lãnh đạo, Ban chấp hành đã xem trọng vai trò của cơ sở, coi đó là một nhân tố then chốt có tính chất quyết định đến việc hoàn thành nhiệm vụ chung nên đã thường xuyên củng cố và nâng cao vai trò và năng lực lãnh đạo của các tổ chức cơ sở.

Ban chấp hành đã chú ý chăm lo xây dựng, kiện toàn các tổ chức cơ sở Đảng trong sạch và từng bước giúp cho các tổ chức cơ sở Đảng xác định đúng vị trí và nhiệm vụ của mình theo yêu cầu mới. Số cơ sở Đảng đạt danh hiệu vững mạnh trong sạch ngày càng nhiều (hiện nay chiếm 35,6%), diện yếu bị thu hẹp (3,41%), không còn đơn vị kém. Đối với các đơn vị yếu kém hoặc có nhiều vấn đề, Ban chấp hành đã tập trung sức củng cố, như trong nhiệm kỳ, đã tập trung cũng cố Phường 7, Phưòng 15, Phường 22, Ban tài chánh-thuế-giá cả, Công ty cấp 3, Ban Nhà đất, Ban Y tế, Ban vật tư- thương nghiệp-đời sống….Ý thức xây dựng tổ chức cơ sở Đảng về mọi mặt được nâng lên ở nhiều cấp uỷ và Đảng viên.

Việc lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chấp hành có những tiến bộ mới, biết nhìn tầm xa và có đầu tư lâu dài về sau, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, đời sống và xây dựng Đảng. Các cơ sở Đảng, các cấp ủy và Ban chấp hành đã ngày càng trưởng thành, có bước tiến khá dài trong nhiệm kỳ qua.

Ban chấp hành đã quan tâm và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ bằng cách qui hoạch đội ngũ kế cận, phục vụ yêu cầu trước mắt và lâu dài, đưa cán bộ nằm trong diện quy hoạch đi học các lớp chính trị, văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ và từng bưóc bố trí theo quy hoạch. Công tác phát triển Đảng được Ban chấp hành đặc biệt quan tâm và thường xuyên lãnh đạo để không ngừng tăng cường số lượng và chất lượng, tăng cường sức bật và đội ngũ kế thừa cuả Đảng. Ban chấp hành đã tập trung chỉ đạo phát triển Đảng ở những khu vực trắng và quan trọng như ở khu vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp, giáo dục, phân phối lưu thông, đã tháo gỡ nhiều vướng mắc trong công tác phát triển Đảng. Nhờ sự chỉ đạo tập trung và thường xuyên của Ban chấp hành và nhờ sự cố gắng của cơ sở, nên trong 3 năm qua, đã phát triển được 340 đảng viên mới, tăng hơn gấp 2 lần số đảng viên phát triển trong 5 năm 1975-1979, đảm bảo yêu cầu chất lượng. Tuy chưa đạt chỉ tiêu đại hội đã đề ra (64,39%), nhưng kết quả đã nói lên được quyết tâm cao của Ban chấp hành trong việc thực hiện nghị quyết đại hội, đã kết nạp được nhiều đảng viên mới và đã tạo nhiều nguồn để có thể phát triển về sau.

Bên cạnh những mặt tích cực đó, khuyết điểm của Ban chấp hành trong nhiệm kỳ lãnh đạo tổ chức là chưa phát huy hết hiệu lực của hệ thống tổ chức, để bộ máy khá công kềnh nhưng chậm được cải tiến và tinh giảm; chưa phát huy đầy đủ và chủ động chức năng của từng tổ chức; trong bố trí cán bộ vẫn còn 1 số trường hợp bị động, chấp vá. Công tác phát triển Đảng chưa tương xứng với các phong trào hành động cách mạng của quần chúng. Ban chấp hành chậm chỉ đạo giải quyết, tình trạng xuê xoa, ngại đấu tranh phê bình trong 1 số chi bộ. Trong chỉ đạo, Ban chấp hành thiếu kiểm tra đôn đốc thường xuyên việc thực hiện những chủ trương, nghị quyết đã được đề ra. Việc thi hành kỷ luật trong Đảng chưa có tác dụng giáo dục cao, chưa làm cho người sai phạm thấm thía với khuyết điểm của mình và chưa làm cho cơ sở và đảng viên có ý thức cao trong việc ngăn ngừa các trường hợp sai phạm. Lề lối làm việc tuy có từng bước sửa đổi nhưng còn rất nhiều tồn tại, là một trong những nguyên nhân làm giảm hiệu quả công việc chung.

III/ VỀ CÁC VẤN ĐỀ NỘI BỘ CUẢ BAN CHẤP HÀNH:

Nhiệm kỳ của Ban chấp hành kéo dài hơn ba năm, đã họp 30 phiên họp thường lệ và bất thường. Ban chấp hành đã hoạt động theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tập trunng dân chủ, lãnh đạo bằngnghị quyết và trong suốt nhiệm kỳ, hoạt động của Ban chấp hành đã đảm bảo tuân thủ theo đúng nguyên tắc cơ bản này. Đa số các đ/c ủy viên ban chấp hànhphát huy và thực hiện có hiệu quả của vai trò, nhiệm vụ của 1 cấp ủy viên và nhiệm vụ được phân công ở cơ sở. Nội bộ Ban chấp hành đoàn kết và nhất trí cao trên cơ sở các chủ trương, đường lối cuả Đảng, đoàn kết và nhất trí là một điểm nổi bật cuả Ban chấp hành trong nhiệm kỳ qua.

Trong các hội nghị Ban chấp hành, các đ/c ủy viên ban chấp hành ngoài việc tham gia ý kiến về những vấn đềthuộc phạm vi mình phụ trách, còn tham gia vào những công việc chung. Xuất phát từ tình hình thực tế và yêu cầu của nhiệm vụ, Ban chấp hành thường tập trung thảo luận, tham gia ý kiến, bàn và quyết định các biệp pháp về sản xuất, đời sống và xây dựng Đảng. Nhờ sự chuẩn tương đối bị chu đáo của Ban thường vụ nên hội nghị ban chấp hành thường đạt các yêu cầu đề ra, đi sâu vào những vấn đề trọng tâmvà nghị quyết thể hiện được vai trò lãnh đạo toàn diện của cấp ủy.

Khuyết điểm của Ban chấp hành trong nhiệm vụ này là chưa duy trì được chế độ sinh hoạt thường xuyên một tháng một lần như Điều lệ Đảng đã quy định, chỉ họp được một quý một lần. Vai trò lãnh đạo toàn diện cuả Ban chấp hành tuy có thể hiện được, nhưng chỉ mới ở chừng mực nhất định, ít bàn và đề ra những chủ trương, biện pháp về giáo dục chính trị tư tưởng, về nhiệm vụ lãnh đạo của các đoàn thể và phát huy vai trò, hiệu lực quản lý của chính quyền. Gần 10% ủy viên ban chấp hành chỉ tham gia ý kiến về các công việc có liên quan đến lĩnh vực công tác của mình, ít đóng góp các vấn đề chung, vai trò của quận ủy viên ở các cơ sở nơi quận ủy viên phụ trách chưa được thể hiện rõ nét. Việc phát hiện vấn đề, đề xuất ý kiến với ban chấp hành ngay trong công việc của mình cũng có phần hạn chế. Số đ/c quận ủy viên được phân công theo dõi thường cũng ít bám với cơ sở, chưa thể hiện vai trò của mình trong nhiệm vụ này.

Ban thường vụ quận ủy, cơ quan chấp hành giữa hai nhiệm kỳ hội nghị Ban chấp hành thể hiện được vai trò lãnh đạo toàn diện và được Ban chấp hành và Đảng bộ tín nhiệm. Ban thường vụ đã cố gắng chuẩn bị tương đối chu đáo các hội nghị của Ban chấp hành, góp phần nâng cao chất lượng lãnh đạo của Ban chấp hành và chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết cuả Ban chấp hành và các chỉ đạo của Thành ủy. Ban thường vụ đã nhanh chóng làm quán triệt và triển khai thực hiện nghị quyết của Ban chấp hành và các chủ trương, nghị quyết cuả Trung ương, Thành ủy ra đảng viên và các tổ chức cơ sở đảng, các ủy viên thường vụ, đa số vừa nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn được phân công, vừa tham gia lãnh đạo toàn diện, vừa đề xuất ý kiến trong phạm vi chuyên môn của mình, vừa đề xuất với Ban thường vụ những vấn đề chung và cách giải quyết vấn đề đó để góp phần tham gia lãnh đạo tập thể của Ban thường vụ. Nội bộ Ban thường vụ đoàn kết nhất trí trên cơ sở tự phê bình, phê bình và tôn trọng lẫn nhau, thực hiện đúng nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, duy trì được chế độ sinh hoạt thường xuyên. Ban thường trực quận ủy có nhiều nỗ lực để làm tham mưu cho Ban thường vụ thực hiện nhiệm vụ của Ban thường vụ, lãnh đạo và điểu hành tốt các công việc hàng ngày.

Khuyết điểm của Ban thường vụ trong nhiệm kỳ qua là mặc dù đã có sự trưởng thành nhanh về trình độ, năng lực lãnh đạo toàn diện nhưng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu nhiệm vụ; một số các đồng chí ủy viên thường vụ chưa thể hiện rõ nét vai trò lãnh đạo của mình; bị công việc sự vụ chi phối, chưa đầu tư chỉ đạo theo chiều sâu; lề lối làm việc mặc dù đã từng bước được cải tiến nhưng còn bị tồn tại, bị động.

Các chế độ thông tin trong nội bộ Ban chấp hành, giữa Ban chấp hành với cơ sở được cố gắng thực hiện, nhưng chưa đảm bảo tính kịp thời và đầy đủ, làm hạn chế khả năng hiểu biết và khả năng tham gia đóng góp của ủy viên ban chấp hành vào sự lãnh đạo chung. Một số chủ trương, biện pháp được Ban chấp hành quyết nghị, chỉ đạo, chậm được báo cáo kết quả và sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm. Các ban chuyên môn của Quận ủy được quan tâm củng cố nhưng chưa đủ sức làm tham mưu cho Ban thường vụ, Ban chấp hành.

IV/ NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ VAI TRÒ CỦA BAN CHẤP HÀNH TRONG NHIỆM KỲ II:

Trong nhiệm vụ lãnh đạo kinh tế - xã hội, Ban chấp hành đã tiếp thu nhanh cái mới theo các chủ trương, nghị quyết của Đảng. Trên tinh thần các chủ trương, nghị quyết đó, Ban chấp hành với ý thức tự lực tự cường, tư tưởng tiến công, mạnh dạn, linh hoạt chỉ đạo giải quyết khó khăn, tháo gỡ những cơ chế, chính sách gò bó, lỗi thời để cho sức sản xuất được giải phóng, sản xuất bung ra, tăng cường hoạt động kinh doanh xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển sản xuất, cải thiện đời sống cán bộ công nhân viên và nhân dân. Ban chấp hành đã nắm tương đối sát năng lực sản xuất và khả năng tiềm tàng của từng địa phương và biết phát huy thế mạnh của mình, bước đầu đã có hướng tổ chức, sắp xếp và quy hoạch để sản xuất và kinh doanh theo đúng chủ trương, nghị quyết của Đảng. Đây là hoạt động tập trung nhất của Ban chấp hành trong thời gian qua. Khuyết điểm chung trong nhiệm vụ này là Ban chấp hành đã chưa chỉ đạo việc cải tạo và tổ chức lại sản xuất một cách tích cực và triệt để, biện pháp còn lúng túng, có tư tưởng chờ đợi chỉ đạo của trên.

Trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng, Ban chấp hành đã bước đầu chỉ đạo theo chiều sâu để giành thế chủ động tiến công địch, giữ được an ninh chính trị và trật tự xã hội, đánh giá đúng sức mạnh tổng hợp của quần chúng. Tuy nhiên, về khuyết điểm, Ban chấp hành đã chưa tạo ra được một tinh thần cảnh giác cách mạng và sẵn sàng chiến đấu cao trong nội bộ và ngoài quần chúng, chưa có những biện pháp tích cực để đấu tranh chống lại phá hoại của địch trong kinh tế và tư tưởng.

Trong lĩnh vực giáo dục chính trị - tư tưởng, Ban chấp hành đã biết phát huy và kế thừa những thuận lợi sẵn có để lãnh đạo các phong trào hành động cách mạng, chú ý đề ra các biện pháp để từng bước nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa. Khuyết điểm trong nhiệm vụ này là chưa làm cho tư tưởng xã hội chủ nghĩa chiếm ưu thế trong nhân dân; chưa nhạy bén với tình hình, chưa có những biện pháp chủ động và và có sức thuyết phục để chống lại các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, tiến hành chiến tranh tâm lý của địch, chưa đẩy lùi một bước quan trọng những suy nghĩ, những tư tưởng, những nếp sống cũ, hình thành cách suy nghĩ, cách sống phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa.

Trong lĩnh vực tổ chức – xây dựng Đảng, Ban chấp hành đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp nhằm tăng cường sức chiến đấu và vai trò lãnh đạo của các tổ chức cơ sở Đảng; chú ý nâng phẩm chất và năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên; đã có phần mạnh dạn bố trí, đề bạt cán bộ trẻ, nữ, đáp ứng tương đối yêu cầu nhiệm vụ chính trị chung. Khuyết điểm chung trong nhiệm vụ chính trị này là chưa kịp đào tạo và bồi dưỡng để có một đội ngũ cán bộ có đầy đủ phẩm chất và năng lực để hoàn thành nhiệm vụ chung; chưa tạo cho các tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên có những kiến thức đầy đủ và cần thiết về thời kỳ quá độ, về kinh tế xã hội để có đầy đủ kiến thức và năng lực thực hiện nhiệm vụ được giao.

Nguyên nhân tạo ra thành tích bắt nguồn từ các chủ trương, chích sách của Đảng, nhất là đối với các chủ trương chuyển hướng chính sách kinh tế mới và sự chỉ đạo cụ thể của Thành ủy, là do Ban chấp hành đã tiếp thu nhanh và nhất trí cao với các chủ trương, chính sách trên và với tinh thần mạnh dạn, sáng tạo, tiến công, đoàn kết đã tổ chức chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả các chủ trương đó; là kết quả của sự phấn đấu rất cao của toàn Đảng bộ và nhân dân trong quận trên tất cả các mặt trong 3 năm qua.

Nguyên nhân tạo ra các khuyết điểm, tồn tại trong nhiệm kỳ qua là do Ban chấp hành đã chưa nhận thức một cách sâu sắc tính chất phức tạp, gay go, quyết liệt của cuộc đấu tranh giai cấp, cuộc đấu tranh của hai con đường trong giai đoạn đầu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, chưa có kinh nghiệm nhiều trong lãnh đạo, chưa kịp thời kiểm tra, phát hiện và chỉ ra những ưu điểm, khuyết điểm của cơ sở trong việc thực hiện nghị quyết; chưa có khả năng toàn diện để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Nhìn chung, trong hơn 3 năm qua, Ban chấp hành đã có nhiều nỗ lực để thực hiện nhiệm vụ do Đại hội giao phó. Bên cạnh đó, Ban chấp hành cũng đã bộc lộ những khuyết điểm, những thiếu sót trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình. Trước đại hội, Ban chấp hành xin nghiêm túc kiểm điểm và xin nhận khuyết điểm về phần mình.

BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ

QUẬN TÂN BÌNH.

Thông báo