Thứ Hai, ngày 14 tháng 4 năm 2025

“Bản trường ca hòa bình” – Khúc tráng ca của dân tộc trong hành trình thống nhất đất nước

Tiết mục thể hiện hình ảnh “Bộ đội cụ Hồ” vượt Trường Sơn, vượt núi, băng sông vào giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại điểm cầu TPHCM

(Thanhuytphcm.vn) - Tối 6/4, chương trình cầu truyền hình đặc biệt với chủ đề “Bản trường ca hòa bình” đã diễn ra đồng thời tại ba điểm cầu: Hà Nội (Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội), TPHCM (Hội trường Thống Nhất) và Đắk Lắk (Tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột). Chương trình do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp cùng Thành ủy, UBND TPHCM và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).

Tham dự chương trình có các đồng chí: Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Nguyễn Phước Lộc; cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, cựu chiến binh, nhân chứng lịch sử và đông đảo đại biểu nhân dân.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cùng các đại biểu dự chương trình tại điểm cầu Hà Nội Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cùng các đại biểu dự chương trình tại điểm cầu Hà Nội

“Bản trường ca hòa bình” không chỉ là một chương trình nghệ thuật, mà còn là khúc tráng ca lịch sử – khắc họa sinh động hành trình 21 năm trường kỳ kháng chiến của dân tộc Việt Nam, từ trận tuyến khốc liệt đến khúc ca khải hoàn. Chương trình được xây dựng công phu, chương trình kết hợp giữa phóng sự ngắn, hồi ức của nhân chứng lịch sử với các tiết mục nghệ thuật đặc sắc, đa dạng về hình thức thể hiện như: âm nhạc thính phòng, múa đương đại, biểu diễn thực cảnh, trình chiếu 3D mapping, hiệu ứng ánh sáng, khói lửa, pháo hoa… Tất cả tạo nên một không gian nghệ thuật đậm chất sử thi, vừa chân thực vừa giàu cảm xúc.

Xuyên suốt chương trình là những hình ảnh đầy xúc động về các chiến sĩ nơi tuyến lửa, về những đoàn quân thần tốc tiến vào Sài Gòn tháng 4/1975, về những “con tàu không số” trên biển Đông và cả những hy sinh lặng thầm của người lính vô danh. Những chiến thắng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 không đến từ may mắn, mà là kết quả của cả một chặng đường gian khổ, là chương cuối rực rỡ trong bản trường ca vĩ đại mà cả dân tộc đã đổ máu để viết nên. Đó là thắng lợi của trí tuệ, của niềm tin, của sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc và bản lĩnh chiến đấu phi thường của quân và dân.

Tiết mục văn nghệ tại điểm cầu TPHCM Tiết mục văn nghệ tại điểm cầu TPHCM

Chương trình đặc biệt gây ấn tượng với những phần giao lưu đầy cảm xúc cùng các nhân chứng lịch sử. Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đoàn Sinh Hưởng, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 9, Trung đoàn Tăng Thiết giáp 273 kể lại những trận đánh “thọc sâu” vào trung tâm Sài Gòn trên chiếc xe tăng T54B, với sáng kiến mang thêm đạn để chiến đấu bền bỉ hơn. Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng chia sẻ những bài học quý báu vẫn được ông áp dụng sau này trong huấn luyện bộ đội tăng thiết giáp.

Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Từ Dễ xúc động kể lại khoảnh khắc đặc biệt khi cùng người cha, lúc ấy là Phó Cục trưởng Cục Quân nhu, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Cha ông linh cảm ngày chiến thắng đang đến gần nên đã đặt may lễ phục duyệt binh từ đầu tháng 4/1975. Còn ông, là phi công thuộc phi đội Quyết thắng, đã tham gia ném bom vào bãi đậu trực thăng sân bay Tân Sơn Nhất bằng chính máy bay thu được từ địch, mang thông điệp mạnh mẽ: “Hãy trả lại hòa bình cho chúng tôi”.

Nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam hồi tưởng lại những khoảnh khắc lịch sử khi ông theo đoàn quân tiến vào Dinh Độc Lập. Hình ảnh nhà báo nước ngoài mừng chiến thắng và tấm ảnh xe tăng húc đổ cổng Dinh đã trở thành biểu tượng lịch sử bất diệt.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu TPHCM Các đại biểu tham dự tại điểm cầu TPHCM

Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Quý, pháo thủ xe tăng 846, không giấu được xúc động khi nhắc về những đồng đội bộ binh đã hy sinh ngay trước mắt mình: “Họ ở ngoài xe, yểm trợ cho chúng tôi, có người đã ngã xuống chỉ cách xe vài bước. Máu của họ bắn lên kính ngắm và tôi tự hứa phải chiến đấu đến cùng để đất nước sớm hòa bình”.

Chương trình còn có sự tham gia biểu diễn của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong và ngoài quân đội như: Phạm Thế Vỹ, Đăng Dương, Y Joel Knul, Võ Hạ Trâm, Viết Danh, Đỗ Tố Hoa, Vũ Thắng Lợi, Đào Tố Loan, Hoàng Hồng Ngọc, Hồng Duyên, Minh Ngọc, Tuấn Ngọc, Thế Dũng, Minh Chuyên, Mai Hiền Xuân, Thảo Trang, Điểu Náp, Roda Mick… cùng các nghệ sĩ, diễn viên đến từ các đoàn nghệ thuật lớn, góp phần tạo nên không gian nghệ thuật trang trọng, hào hùng và đầy xúc cảm.

“Bản trường ca hòa bình” không chỉ tái hiện lịch sử mà còn tôn vinh bản lĩnh và tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam. Đây là dịp để thế hệ hôm nay và mai sau tưởng nhớ, biết ơn và trân trọng những hy sinh to lớn của cha ông – những người đã làm nên mùa xuân lịch sử của dân tộc.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo