Sách “Những mẩu chuyện về đời của Hồ Chủ tịch” của tác giả Trần Dân Tiên kể lại rằng, trước đó, Nguyễn Tất Thành đã bàn với một người bạn về ý định ra nước ngoài: “Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta. Nhưng nếu đi một mình, thật ra cũng có điều mạo hiểm, ví như khi đau ốm… Anh muốn đi với tôi không?”. Khi người bạn hỏi lấy đâu ra tiền mà đi, anh Thành vừa nói vừa giơ 2 bàn tay: “Đây, tiền đây! Chúng ta sẽ làm việc. Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi…”.
Mẩu chuyện trên được trích lại trong rất nhiều tài liệu, trong đó có sách giáo khoa ở các bậc học. Câu chuyện trên đã thể hiện khát khao và quyết tâm cháy bỏng của chàng thanh niên 21 tuổi Văn Ba, đồng thời thể hiện tinh thần sẵn sàng đối mặt với những thử thách lớn lao mà anh có thể chưa hình dung hết.
Nhìn lại hành trình 30 năm bôn ba ở nước ngoài, chúng ta có thể thấy Nguyễn Tất Thành, sau này là Nguyễn Ái Quốc, đã làm bất cứ việc gì để sống, để đi và để hoạt động cách mạng. Đầu tiên là các công việc phục vụ trên tàu với việc chính là “phụ bếp” nhưng bọn thợ nấu ăn và thủy thủ người Pháp “tranh thủ” dồn rất nhiều việc nặng nhọc, dơ bẩn cho Nguyễn Tất Thành. Anh phải làm việc quần quật từ 4 giờ sáng cho đến 9 giờ tối với các công việc như khuân vác các đồ nặng lên xuống cầu thang, quét dọn nhà bếp, đốt lửa trong các lò, xuống hầm lấy rau thịt, rửa nồi chảo…, hay làm những việc mà anh chưa từng làm như gọt củ cải, gọt khoai tây, gọt măng tây…
Khi rời tàu, Nguyễn Tất Thành đã làm rất nhiều công việc khác để kiếm sống, để tìm hiểu đời sống người dân các nước, để thâm nhập thực tế, như làm bồi bàn, quét tuyết, rửa ảnh, sơn mài, viết báo…, làm thuê bất cứ công việc gì, ở Pháp, Mỹ, Anh, Liên Xô, Trung Quốc, Thái Lan…, cũng như có thêm những lần phục vụ dưới tàu trên đường đi sang nhiều nước khác nữa. Với anh, việc gì anh cũng tận tụy, chăm chút, không nề hà, sẵn sàng nhận lấy việc khó… Gần như anh làm việc trong tâm thế vừa để trải nghiệm, vừa để học tập chứ không phải chỉ để kiếm sống. Chính vì vậy, anh được những người làm việc cùng hoặc cấp trên yêu quý. Chẳng hạn, trong thời gian làm bồi bàn ở khách sạn Carlton tại London, sự cẩn thận, siêng năng và luôn biết chia sẻ của anh đã làm “vua đầu bếp Pháp” đang làm việc ở đây là Escoffier quý mến, hướng dẫn tận tình.
Trong khoảng thời gian năm 1922 – 1923, tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc (tên mới của Nguyễn Tất Thành từ năm 1919) đã tham gia sáng lập và dần thực sự là linh hồn của báo Le Paria (Người cùng khổ). Anh là người phụ trách chính trong việc xuất bản của báo, từ việc tổ chức ban biên tập, tòa soạn, viết bài, sửa chữa, đi in, đem báo về tòa soạn, cho đến việc gửi đi các thuộc địa. Mặc dù trong phần lớn thời gian sống tại Paris, điều kiện sinh hoạt rất khó khăn, thiếu thốn nhưng anh vẫn ủng hộ đều cho báo mỗi tháng 25 franc đúng như đã hứa lúc đầu ra báo. Nguyễn nói: “Chúng ta phải bằng bất cứ giá nào làm cho tờ báo sống. Nó mất đi sẽ là một thiệt hại to lớn đối với tổ chức và nhất là đối với công tác tuyên truyền lúc này cần thiết hơn lúc nào hết”…
Những nhân tố ảnh hưởng đến quyết định ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành. (Ảnh tư liệu) Kỷ niệm ngày Bác Hồ đi tìm đường cứu nước, chúng ta có thể có rất nhiều bài học để chiêm nghiệm, vận dụng, chia sẻ. Một trong những bài học rất đáng chú ý là tinh thần sẵn sàng làm bất cứ việc gì, không nề hà, không né tránh và làm bằng thái độ nghiêm túc, trách nhiệm, tận tụy. Chúng ta có thể học Người ở cách tiếp cận công việc, đó là xem công việc như một cơ hội thể trải nghiệm, để học tập, để tích lũy kinh nghiệm, để rèn luyện và đồng thời cũng là mộ thử thách để tự khẳng định bản thân mình. Làm việc với Bác không phải là một sự đày đọa, một sự trừng phạt hay là điều bị bắt buộc và không thể tránh khỏi. Bởi vậy, chúng ta hoàn toàn tránh thái độ làm đến đâu hay đến đó, làm cho có, làm “trừ nợ quỷ thần”, làm đối phó…; nếu chúng ta có tâm lý đó, e là một sự lãng phí cho chính bản thân và cho tổ chức, góp phần làm giảm năng suất, hiệu quả hoạt động của đơn vị.
Đặc biệt trong bối cảnh có một số người e dè, ngại việc, co thủ, sợ sai, sợ trách nhiệm, thì bài học trên của Bác Hồ lại càng có ý nghĩa. Khi chúng ta hành động với mục đích tích cực, với động cơ trong sáng, hướng tới lợi ích chung và không có vụ lợi cá nhân tiêu cực thì sự tận tụy, tâm huyết không chỉ góp phần quan trọng để đạt được kết quả tốt hơn mà còn thúc đẩy, khích lệ, truyền cảm hứng để người khác cũng nỗ lực, phấn đấu. Khi đó, ta biết mình đang làm gì, biết mình nên làm thế nào nên sẽ hạn chế thấp nhất các sai lầm và sẵn sàng nhận trách nhiệm nếu có sai sót. Trong nhiều trường hợp, gần như chỉ có những người còn chưa biết mình đang làm gì, còn băn khoăn về mục đích, còn phân vân động cơ thì mới né tránh, lo sợ.
Sự quyết tâm, khao khát hành động hoàn toàn khác với sự liều lĩnh, bất chấp, bởi khi có quyết tâm, có khao khát thì luôn gắn với mục đích, phương hướng cụ thể và luôn có sự nỗ lực cao nhất để đạt được mục đích theo phương hướng đó; quá trình đó có thể có sai lầm, thiếu sót thì tiếp tục điều chỉnh để đạt được kết quả sau cùng. Còn liều lĩnh, bất chấp là thái độ nông nỗi, bột phát, tính định hướng, mục đích cụ thể có thể chưa rõ ràng, chưa hợp lý, thậm có khi trở nên duy ý chí; nếu khi hành động mà kết quả không như mong muốn thường dễ chán nản mà bỏ cuộc hoặc sa vào sự sai lầm chứ ít khi bền chí, kiên trì.
Suy cho cùng, trong cuộc sống hay trong công tác, tinh thần làm bất cứ việc gì bằng thái độ tích cực cũng sẽ giúp chúng ta có kết quả tích cực. Do đó, mỗi người phải thoát bỏ tâm lý ngại việc, ngại làm, nhất là trạng thái “kén cá chọn canh”, “đứng núi này trông núi nọ”, để làm được nhiều việc hơn, đạt được kết quả mỹ mãn hơn. Bài học từ mẩu chuyện trên của Bác Hồ cũng là điều mà cán bộ, đảng viên chúng ta nên học trong bối cảnh hiện nay.