Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

“Tôi không biết tôi là chiến sĩ cộng sản”

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày đó, ở khu tôi ở người ta gọi là xóm Già, bởi nó đã tồn tại rất lâu đời và ở cái xóm này chúng tôi Nam - Bắc sống chung với nhau hòa thuận, vì sau năm 1954 người Bắc vào đây rất nhiều. Tuổi thơ tôi cứ êm đềm trôi qua với những bữa đói, bữa no bên mẹ nuôi của tôi – người Dì ruột cùng với những tiếng ro ro của máy bay trên đầu.

Ngày đó, ở xóm tôi có một anh tên là Đồng Thức Trinh – chiến sỹ cách mạng người dân tộc. Mà hồi đó tôi chỉ biết anh là một người công nhân Ba Son mà thôi.

Cuối năm 1949, anh Đồng Thức Trinh rủ tôi đi làm công nhân Ba Son. Vào thời điểm đó tôi chỉ khoảng 14, 15 tuổi. Mẹ nuôi tôi xót con không cho đi. Nhưng khi nghe anh Đồng Thức Trinh kể là đi công nhân sẽ đấu tranh cho người nghèo, giành lại quyền lợi cho dân chúng... trong lòng tôi sôi sục hào khí của tuổi trẻ muốn làm việc nghĩa hiệp, chứ thực ra tôi không hề biết tôi đi là để phục vụ cho cách mạng.

Tôi không hề hay biết đây là quãng thời gian tổ chức đang theo dõi và thử thách tôi để từ một người quần chúng ưu tú trở thành một người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau ngày giải phóng, đồng chí Phan Trung Kiên là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Quận 2 (thời bấy giờ) đã căn cứ hoạt động của tôi ngày đó để xác nhận ngày tôi vào Đảng – tôi mới biết tôi là đảng viên được kết nạp ngày đó.

Ngày 1/1/1950, phong trào sinh viên nổ ra, chính tôi là người cầm biểu ngữ tham gia vào đoàn biểu tình. Cảnh sát cầm súng bắn xối xả vào đoàn biểu tình nhưng không vì đó mà làm nao lòng chúng tôi hô hào tiến lên phía trước. Những hành động đó xuất phát từ lòng yêu nước, thương nòi là truyền thống vốn có lâu đời nhất của xã hội loài người. Ai cũng sinh ra trong một gia đình, dòng tộc, bộ tộc, quốc gia nhất định. Quá trình lao động, sản xuất duy trì sự sống, cải thiện cuộc sống mỗi con người đều gắn liền với một hoàn cảnh cụ thể của không gian và thời gian.

Trong hoàn cảnh đó, tình yêu của con người đối với thế giới hiện thực được hình thành và lớn lên, trong đó tình yêu Tổ quốc là tình cảm thiêng liêng nhất, hệ trọng nhất. Tuổi trẻ sinh ra trong hoàn cảnh đất nước loạn lạc, chỉ mong giành lại hòa bình, mang bình yên đến cho người dân chứ thực tình lúc bấy giờ tôi không khái niệm được cộng sản là gì? Hoạt động cách mạng là làm sao? Mặc dù thời điểm đó đồng chí đại úy quân báo nói cho tôi biết là “sứ mệnh” lúc đó của tôi là đang hoạt động cách mạng.

Tháng 10/1956, tôi và các anh em bị bắt giam tại nhà lao Tam Hiệp, không được bao lâu thì bị đày ra Côn Đảo. Chúng tôi bị giải lên một khoang tàu bị đóng kín như bưng, trong khoang tàu tối đen như mực, không được ăn uống. Trong hai ngày liên tục ở trên tàu, gặp phải ngày sóng lớn, chúng tôi nằm ở trong đó bị sóng đánh qua đánh lại, như những quả trứng lăn lông lốc, anh em tôi thay nhau ói mửa, lúc đó tôi chỉ nghĩ là chết hay tiếp tục ói…

Ở trong tù, tôi tham gia đấu tranh cho các anh em ở trong tù, được làm trưởng phòng trật tự và cũng lo vấn đề y tế cho anh em. Tôi được bạn tù yêu thương quý mến, quy định mỗi ngày mỗi người chỉ được 1 lượng nước đựng trong lon sữa bò để uống và sinh hoạt; những ngày tôi bệnh đau, anh em đã nhường lại cho tôi 4 lon nước và còn kiếm dầu cù là xoa người cho tôi. Tình cảm ấm áp chất chứa nghĩa tình đó làm sao tôi quên được.

Ngày 17/6/1960, chúng tôi được thả ra tù, chúng nó bắt tôi cầm khẩu hiệu và hô to: “Đả đảo Hồ Chí Minh, ủng hộ Ngô Tổng thống”, tôi cãi lại: “Tại sao lại nói Hồ Chí Minh mà không nói Ngô Đình Diệm?”. Tôi đấu tranh từng chút một, từng chút một như thế. Tôi bị chúng đánh với lí do tôi đeo mắt kính, rất giống với tri thức bị Cộng sản mua chuộc. Tôi nói, tôi không biết Cộng sản là gì, cũng không biết chính quyền là gì, tôi chỉ đứng về chính nghĩa, đứng về lẽ phải, các anh nhốt chúng tôi hơn một trăm người trong một căn phòng chật hẹp, chúng tôi như những con cá mòi xếp lớp nhau trong cái phòng u tối, ẩm thấp từ ngày này qua tháng khác. Còn các anh em rất thương tôi, nhường tôi từng lon nước, từng miếng dầu khi bệnh đau. Thử hỏi nếu là các anh, các anh sẽ chọn ai? Và sau đó, tôi lại phải vào tù thêm một năm nữa.

Ngày 17/6/1961, tôi được ra tù, tiếp tục hoạt động là cán bộ hoạt động thành thuộc Bộ Tư  lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia định, là Đại đội bậc phó biệt động thành A20, phân hiệu B12 BTL Quân khu Sài Gòn – Gia Định, được học tập kiểm điểm xử lý và được tính tuổi Đảng liên tục từ ngày kết nạp 3/2/1955. Lúc này cảm xúc của tôi thật khó tả, sau khi được tổ chức giác ngộ, tôi mới thật sự ý thức được tư tưởng, con đường mình đang đi. Khi được bà Sáu Dung (còn gọi là Sáu Kẹo) vỗ vai chúc mừng tôi, bất chợt những giọt nước mắt nóng hổi chảy dài trên gò má. Mặc dù những năm tháng đấu tranh ở xưởng Ba Son hay trong các nhà tù, đề lao cũng không hề làm tôi nao lòng. Tôi cảm thấy sự hy sinh của tôi nhỏ bé quá… Từ giây phút đó, tôi nguyện dốc hết sức mình cho Tổ quốc, cho đồng bào, cho cách mạng. Sau đó được điều động về Trường Đảng Nguyễn Văn Cừ, trải qua nhiều chức vụ khác nhau cho đến khi được nghỉ hưu...

Nói thật, tôi cảm thấy sống được đến bây giờ mình cảm thấy vô cùng may mắn, không khỏi xúc động mỗi khi nhắc lại những năm tháng khốc liệt thời kỳ kháng chiến. Cám ơn Đảng, Bác Hồ đã đem lại cho ta tất cả. Tôi thầm nghĩ còn sống, còn sức khỏe, sẽ cống hiến trọn đời cho Đảng.

Đặng Hữu Giên 

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo