Trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931), “Đội Tự vệ đỏ” được thành lập để hỗ trợ và bảo vệ quần chúng nổi dậy phá nhà giam, đốt huyện đường, vây đồn lính, bắt giữ bọn hào lý, làm tan rã từng mảng chính quyền tay sai của đế quốc ở cơ sở; bảo vệ cán bộ; bảo vệ các phiên tòa của Xô Viết - Công Nông xét xử bọn phản cách mạng; giữ gìn an ninh trật tự ở những nơi có chính quyền Xô Viết.
Ngày 3/1/1931, Thông cáo của Thường vụ Trung ương Đảng nêu rõ: “Đội Tự vệ đỏ” không phải là một tổ chức trong một lúc tranh đấu rồi giải tán đi, mà phải duy trì và khuếch trương ra, làm một lực lượng vĩnh viễn của quần chúng khi có tranh đấu thì đội Tự vệ phải đi đầu, đi kèm quần chúng mà hộ vệ”.
“Công an phải là đầy tớ dân. Đã là đầy tớ dân thì Công an phải ra sức bảo vệ nhân dân, ra sức phục vụ nhân dân” – Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nguồn: Ảnh tư liệu Tháng 3/1935, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất họp ở Ma Cao (Trung Quốc), Đảng ta đã đưa ra Nghị quyết về vấn đề xây dựng Đội Tự vệ công nông cách mạng. Đội Tự vệ công nông cách mạng có nhiệm vụ ủng hộ quần chúng hàng ngày, ủng hộ quần chúng trong các cuộc đấu tranh…
Thời kỳ 1936 - 1939 là thời kỳ Đảng phải đấu tranh cho việc thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương chống phát xít và phản động thuộc địa, đòi tự do cơm áo hòa bình. Trong thông báo ngày 1/11/1936 Trung ương Đảng đã ghi rõ: “Mỗi làng phải lập ra một ủy ban hành động do các nông hội cử ra) lúc tuyên bố đấu tranh thì đổi ra “Ban đấu tranh” do quần chúng cử ra, mỗi ấp phải tổ chức ra Đội Tự vệ để ngăn cản những kẻ phá rối cuộc đấu tranh và để đối phó với các lực lượng phản động”.
Trước sự khủng bố ác liệt của kẻ thù sau cao trào 1936 - 1939, Đảng ta lui vào hoạt động bí mật. Cuối năm 1939, đầu năm 1940, An toàn khu được thành lập ở các tỉnh Bắc Ninh, Phúc Yên, Hà Đông (ATK1), cũng trong thời gian này, Trung ương Đảng chủ trương thành lập “Ban Công tác đội” làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn khu (ATK), bảo vệ cán bộ cao cấp của Đảng, giải thoát cho cán bộ khi bị địch bắt. “Ban Công tác đội” được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương, được trang bị vũ khí và huấn luyện về kỹ thuật chiến đấu.
Tháng 11/1941, “Đội Tự vệ Cứu quốc” được thành lập ở Cao Bằng với nhiệm vụ bảo vệ cơ quan lãnh đạo của Đảng, bảo vệ cán bộ đi công tác, củng cố giữ gìn giao thông liên lạc.
Ngày 15/5/1945, Xứ ủy Bắc kỳ thành lập “Đội danh dự trừ gian” do Xứ ủy trực tiếp chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ diệt trừ bọn Việt gian đầu sỏ và vũ trang tuyên truyền, chiến đấu khi cần thiết.
Ngày 4/6/1945, Tổng bộ Việt Minh tuyên bố thành lập khu giải phóng gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên; đồng thời, công bố 10 chính sách lớn của Việt Minh. Các đội “Danh dự trừ gian”, “Đội trinh sát”, “Đội Hộ lương giệt ác” lúc này đảm nhiệm các nhiệm vụ thủ tiêu lực lượng của phát xít Nhật, trừ khử bọn Việt gian, trừng trị bọn lưu manh, bảo vệ chính quyền cách mạng, thực hiện 10 chính sách lớn của Việt Minh.
Cũng trong thời gian này, theo chủ trương của Tổng bộ Việt Minh, các địa phương cũng thành lập “Đội trừ gian”, “Đội trinh sát” để làm nhiệm vụ trinh sát nắm tình hình, trừng trị bọn mật thám, Việt gian làm tay sai cho đế quốc.
Tháng 8/1945, tranh thủ thời cơ vô cùng thuận lợi của tình hình thế giới và sự chuẩn bị kĩ lưỡng về mặt tư tưởng, tổ chức, đường lối của Đảng. Đêm 13/8/1945, Trung ương Đảng thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, sau khi thành lập, Ủy ban đã ra Quân lệnh số 1, hạ lệnh tổng khởi nghĩa. Lệnh Tổng khởi nghĩa sau đó được phát động ra toàn quốc.
Ngày 19/8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi ở Hà Nội và các tỉnh ở Bắc Bộ. Cùng ngày, ngành công an nhân dân được thành lập và triển khai hoạt động trên cả 3 miền đất nước.
Đối với cấp kỳ: Ở Bắc Bộ thành lập Sở Liêm phóng (do đồng chí Chu Đình Xương - cán bộ Xứ ủy Bắc Kỳ giữ chức giám đốc) và Ty Cảnh sát (do đồng chí Nguyễn Huy Khôi làm Trưởng Ty); Trung bộ thành lập Sở Trinh sát (do đồng chí Nguyễn Văn Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy làm giám đốc); Nam Bộ thành lập Quốc gia Tự vệ Cuộc (đồng chí Dương Bạch Mai đảm nhiệm chức giám đốc Quốc gia tự vệ Cuộc Nam Bộ, đồng chí Nguyễn Văn Trấn làm giám đốc Quốc gia tự vệ Cuộc Sài Gòn - Chợ Lớn).
Ở cấp tỉnh: Các tỉnh phía Bắc cũng có nhiều tên gọi khác nhau như Liêm phóng, Cảnh sát, Trinh sát, tại các tỉnh Trung bộ gọi là Ty Trinh sát, Đội Trinh sát đỏ, các tỉnh Nam Bộ gọi là Quốc gia Tự vệ Cuộc.
Ở cấp huyện: Các huyện Bắc Trung bộ thường gọi là Trinh sát huyện; Nam Bộ gọi là Quốc gia Tự vệ Cuộc huyện.
Tuy tên gọi ban đầu có khác nhau, nhưng đây là những lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ trấn áp các tổ chức phản cách mạng, phản động, giữ gìn trật tự an ninh xã hội, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ nhân dân. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng, mang bản chất giai cấp công nhân Việt Nam.
Ngay sau khi ra đời, Công an Việt Nam đã bước ngay vào trận chiến đấu quyết liệt, một mất một còn với các kẻ thù giai cấp và kẻ thù dân tộc. Tổ chức các cuộc trấn áp các tổ chức phản cách mạng, phản động và bọn tội phạm hình sự, trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ chính quyền cách mạng vừa thành lập ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam.
Để chủ động đối với tình hình mới, để thống nhất tổ chức, nhiệm vụ của ngành công an, ngày 21/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23/SL, hợp nhất các lực lượng Liêm phóng, Cảnh sát, Trinh sát, Quốc gia Tự vệ Cuộc trong toàn quốc thành “Việt Nam Công an Vụ” nằm trong Bộ Nội vụ và cử đồng chí Lê Giản làm Giám đốc Nha Công an Việt Nam. Sắc lệnh quy định Việt Nam Công an vụ có nhiệm vụ: Tìm kiếm và tập hợp các tin tức và tài liệu có liên quan đến sự an toàn của Quốc gia; Đề nghị và thi hành các phương pháp đề phòng những hành động có thể làm rối việc trị an và mất trật tự trong nước; Điều tra những hành động trái phép nói trên và truy tìm những người can phạm để giúp đỡ tòa án trong sự trừng trị.
Ngày 18/4/1946, Bộ Nội vụ ra Nghị định số 121-NgĐ về tổ chức Việt Nam Công an Vụ, quy định tổ chức bộ máy của Công an có 3 cấp: Công an Trung ương, Công an kỳ và Công an tỉnh. Ở Trung ương gọi là Nha Công an Việt Nam, ở 3 miền gọi là Sở Công an, ở tỉnh gọi là Ty Công an.
Tiếp tục phát huy sự mưu trí, sáng tạo, dũng cảm, ý chí tự lực, tự cường trong những ngày đầu mới thành lập, lực lượng Công an nhân dân trong thời kỳ chống Pháp đã lập nên nhiều chiến công xuất sắc trên mặt trận chiến đấu thầm lặng.
Điển hình là chiến công của tổ điệp báo A13 đánh đắm Thông báo hạm A-mi-ô Đanh-vin, tiêu diệt hơn 200 sĩ quan Pháp, làm thất bại kế hoạch thâm hiểm của Pháp hòng lôi kéo, gây dựng lực lượng, xây dựng cơ sở chống phá cuộc kháng chiến của ta từ trong lòng hậu phương.
Đặc biệt, trong chiến dịch Điện Biên phủ, lực lượng công an đã triển khai các mặt công tác giáo dục nhân dân phòng gian bảo mật, giúp đỡ bộ đội, dân công, trấn áp cách mạng, chống gián điệp, tình báo, làm trong sạch địa bàn, truy lùng các toán gián điệp, nhảy dù… góp phần tạo thế bí mật, bất ngờ, phần làm nên thắng lợi vẻ vang của chiến thắng Điện Biên Phủ.
Sau năm 1954, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền với hai nhiệm vụ chiến lược khác nhau. Lực lượng Công an nhân dân đã chủ động tích cực trên các mặt công tác và chiến đấu lập nên những chiến công xuất sắc trên cả chiến trường miền Nam và bảo vệ hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Tại miền Bắc, lực lượng Công an nhân dân đã vận dụng nhiều hình thức, biện pháp đấu tranh phong phú, phát động rộng rãi, mạnh mẽ phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc; làm thất bại chiến tranh tâm lý, chiến tranh phá hoại của địch; tích cực bảo vệ nội bộ, bảo vệ quốc phòng, bảo vệ lực lượng vũ trang, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa; chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; đồng thời huy động lực lượng sẵn sàng chi viện cho lực lượng An ninh miền Nam.
Trên chiến trường miền Nam, lực lượng An ninh miền Nam đã phát triển thành hệ thống từ Trung ương Cục đến khu, tỉnh, các huyện và xã. Trong quá trình chiến đấu các lực lượng An ninh miền Nam đã tổ chức diệt ác, phá kìm, phá các khu dồn dân, lập ấp chiến lược, đập tan các kế hoạch lập ấp chiến lược; lần lượt làm thất bại các chương trình, kế hoạch tình báo, gián điệp thâm hiểm của Mỹ - ngụy. Đặc biệt, lực lượng An ninh miền Nam cùng quân và dân miền Nam đồng loạt tiến công và đánh thắng địch trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, cuộc tiến công chiến lược năm 1972 và đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau ngày 30/4/1975, đất nước được thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, lực lượng Công an nhân dân cả nước thống nhất và tiếp tục bước vào trận chiến đấu mới, không kém phần gian khổ, hy sinh và đầy khó khăn, phức tạp.
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, lực lượng Công an nhân dân đã tích cực tham gia xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng ở vùng mới giải phóng, tổ chức quản lý, cải tạo binh lính, nhân viên của chế độ cũ, truy quét tàn quân địch; chủ động đấu tranh bóc gỡ mạng lưới gián điệp, tình báo của đế quốc Mỹ và tay sai cài lại theo kế hoạch hậu chiến.
Từ năm 1986 đến nay, đất nước ta tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch ráo riết thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” nhằm phủ định sự lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Bên cạnh đó, các nạn tham nhũng, tệ nạn, buôn lậu, tội phạm vệ xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người… cũng không ngừng tăng lên cùng với mức độ nguy hiểm ngày càng cao.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng Công an nhân dân đã chủ động nắm chắc tình hình, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội, giữ vững ổn định chính trị. Lực lượng Công an nhân dân chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng về công tác công an trong tình hình mới; tổ chức thực hiện có hiệu quả “Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia”, “Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm”; “Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm ma túy”… đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Lực lượng Công an nhân dân tham mưu đề xuất và trực tiếp giải quyết nhiều vụ, việc phức tạp liên quan đến vấn đề tôn giáo, dân tộc, an ninh kinh tế, an ninh nông thôn, an ninh văn hóa - tư tưởng; bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội trọng đại của đất nước; chủ động phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, các loại tệ nạn xã hội; giữ vững trật tự, an toàn giao thông, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Chiến sĩ công an Đặng Minh Hữu cõng thí sinh vào phòng thi tại điểm thi trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nguồn: Ảnh tư liệu Đặc biệt, trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay, lực lượng Công an nhân dân là lực lượng tuyến đầu chống dịch, các chiến sĩ công an đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; không quản ngại khó khăn, gian khổ để giữ gìn cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho nhân dân như: tổ chức tuyên truyền cho người dân về những điều cần biết và cách phòng ngừa; phát hiện và xử lý các đối tượng đăng tải, phát tán thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh trên mạng xã hội và các trường hợp vi phạm các quy định trong phòng chống dịch bệnh; tăng cường cán bộ, chiến sĩ, y bác sĩ đến các “điểm nóng”…
Năm 2004, cả thế giới công nhận Việt Nam là một Quốc gia ổn định nhất về mặt chính trị. Điều đó đủ chứng minh cho những gì mà lực lượng Công an nhân dân đã đóng góp trong công cuộc xây dựng đất nước thời kỳ đổi mới.
Ngày 13/6/2005, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định số 521/QĐ-TTg, quy định ngày 19/8 hàng năm là ngày hội “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Ngày 12/12/2005, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Lệnh số 30/2005/L-CTN công bố Luật Công an nhân dân, trong đó quy định: Ngày 19 tháng 8 hằng năm là Ngày truyền thống của Công an nhân dân và là ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Lực lượng Công an nhân dân luôn nỗ lực rèn luyện phấn đấu, chỉ biết còn Đảng thì còn mình. Nguồn: Ảnh tư liệu Với những thành tích vẻ vang và chiến công to lớn, hơn 76 năm qua lực lượng Công an nhân dân đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: 16 Huân chương Sao vàng; 100 Huân chương Hồ Chí Minh; 268 Huân chương Độc lập; 1.072 danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; hàng vạn Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc các hạng và nhiều phần thưởng cao quý khác của Nhà nước và Chính phủ.
Ôn lại truyền thống hào hùng của lực lượng Công an nhân dân trong suốt 76 năm qua, chúng ta càng trân trọng ghi nhớ công lao, đóng góp to lớn của hàng nghìn anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược và trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Những tấm gương “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” của các cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân mãi mãi khắc sâu trong ký ức, tình cảm của cán bộ, nhân dân và đồng bào cả nước.
Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng
Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM
-----------
[1] Hồ Chí Minh Vì độc lập tự do vì chủ nghĩa xã hội, nxb. Sự thật, Hà nội, 1970, tr.302.