Thứ Hai, ngày 27 tháng 1 năm 2025

Bác Hồ thoát mật thám và một bài học kinh doanh!

Cục Thuế TPHCM đưa vào hoạt động máy đánh giá công chức nhằm gia tăng chất lượng hỗ trợ người nộp thuế. (Ảnh minh họa: thoibaotaichinhvietnam.vn)

(Thanhuytphcm.vn) - Nǎm 1938, Bác Hồ về Trung Quốc và lấy tên là Hồ Quang. Từ Liên Xô đi Thượng Hải, rồi đến Thiểm Bắc đi Tây An. Từ Tây An đến Diên An, Bác đóng vai người đẩy xe bò, đi 4 ngày đêm ròng rã đến một trạm liên lạc, từ đây các đồng chí Trung Quốc đưa Bác về Diên An. Bác ở Diên An 2 tuần lại đi Tây An. Sau đó đi Quảng Tây. Cùng đi, có đồng chí T.L. (hiện nay chưa biết đồng chí T.L là ai). Ít lâu sau, Bác về Quế Lâm rồi đi Hàm Dương. Từ Quế Lâm, Bác lại đi Tĩnh Tây, rồi trở về Vân Nam (cuối nǎm 1939). Chưa bắt được liên lạc với Đảng ta, Bác vào bán sách ở hiệu "Hoa Xuân sinh hoạt". Bán sách ít lâu, Bác vẫn chưa bắt được liên lạc. Bác vào làm quản lý ở một quán ǎn.

Năm 1963, đồng chí Bí thư thứ nhất Tỉnh ủy Quảng Tây, trước làm chủ quán ǎn này, là đầu mối liên lạc giữa Đảng ta và Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho biết: “Đồng chí Hồ Quang ở đây với tôi khoảng 6, 7 ngày có gọi tôi vào và nói: “Đồng chí có biết tại sao khách hàng đến thưa thớt không? Nếu như thế này, thì không bao giờ ai dám đến liên lạc với chúng ta, vì bọn mật thám nó ngồi ngoài kia, ai đến nó ghi hết. Nhưng, nếu khách hàng vào đông, thì bọn này sẽ không ghi nữa đâu?”. Tối hôm đó chi bộ họp, tôi mang nhận xét của đồng chí Hồ Quang ra thảo luận. Toàn chi bộ đều nhất trí với nhận xét đó, đồng thời bàn cách sửa chữa nấu ǎn ngon hơn, tiếp khách niềm nở hơn. Và quả thật khách hàng lại tấp nập đến ǎn. Bọn mật thám ghi chán mỏi tay, mà không phát hiện được, nên không cần thiết ghi nữa”...

Đồng chí Trịnh Đông Hải tức Vũ Anh, được Đảng cử đi tìm Bác. Đến quán thấy ông Chín Thầu bưng tách cà phê, đã báo ngay cho đồng chí Hoàng Vǎn Thụ biết là Bác đang ở đây. Đồng chí Hoàng Vǎn Thụ vào ra ám hiệu. Nhận được ám hiệu, Bác ra vườn hoa Thúy Hồ ở Vân Nam gặp các đồng chí Phùng Chí Kiên, Cao Hồng Lãnh, Vũ Anh, Đặng Vǎn Cáp... Sau đó ít lâu, Bác gặp các đồng chí Phạm Vǎn Đồng, Võ Nguyên Giáp đến tìm Bác bàn việc đón Bác về nước…[1].

Bác Hồ là người có kinh nghiệm hoạt động bí mật với nhiều cách thức phong phú. Nhờ đó, nhiều lần Người thoát khỏi sự đeo bám của bọn mật thám. Nhưng trong câu chuyện trên không chỉ cho thấy sự tinh ý, nhạy bén của Bác mà còn để lại một bài học kinh doanh sâu sắc.

Theo cách nghĩ thông thường, khi phát hiện có mật thám ở bên ngoài theo dõi, những người hoạt động bí mật có thể ứng phó bằng một số cách sau: thông tin đến các đầu mối liên lạc không trao đổi tài liệu, đưa người của tổ chức hoặc có liên quan đến quán ăn để tránh bị theo dõi; không có hoạt động gì nữa để chúng khỏi sinh nghi ngờ, khi tình hình lắng dịu có thể sẽ tiếp tục hoạt động; tìm cách đánh lạc hướng để “đuổi” đám mật thám đi khỏi nơi đó… Những cách này hẳn có thể áp dụng và đều có thể đạt được kết quả tích cực tùy theo điều kiện cụ thể.

Tuy nhiên, những cách đó trên có thể phần nào bị động và ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của tổ chức. Vì vậy, với kinh nghiệm hoạt động của mình, Bác Hồ đã có một giải pháp đặc biệt nhạy bén và hợp lý, đó là hoặc vô hiệu vai trò của đám mật thám bằng cách… vẫn để chúng ở đó nhưng không thể ghi nhận được gì từ việc cải thiện tình hình kinh doanh của quán. Từ định hướng đó, quán tổ chức lại tốt hơn, nấu ăn ngon hơn, phục vụ chu đáo hơn…, để khách đến quán đông hơn, làm “nhiễu” sự theo dõi của mật thám, từ đó người của ta có thể dễ ra vào quán hơn mà không sợ bị phát hiện.

Do đó, câu chuyện trên còn cho chúng ta một bài học hay về kinh doanh, trên tinh thần tự cải tiến mình để nâng lượng phục vụ. Muốn thu hút khách, các cơ sở kinh doanh có thể thực hiện nhiều cách, như đẩy mạnh quảng bá, truyền thông; thực hiện các hình thức khuyến mại; giảm giá sản phẩm, dịch vụ của mình…, nhằm tác động đến sự quan tâm và theo dõi của khách hàng. Đồng thời, có thể thực hiện những giải pháp từ bản thân, như tổ chức lại cơ sở kinh doanh (bài trí lại không gian, thay đổi vị trí, sắp xếp về mặt hình thức và tổ chức…), thay đổi cung cách phục vụ (huấn luyện nhân viên về thái độ phục vụ khách, chăm sóc khách hàng tốt hơn…), nâng cao chất lượng các sản phẩm của mình…

Giải quyết hồ sơ cho người dân tại UBND phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân. (Ảnh minh họa: sggp.org.vn) Giải quyết hồ sơ cho người dân tại UBND phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân. (Ảnh minh họa: sggp.org.vn)

Chính giải pháp cuối cùng có ý nghĩa rất quan trọng và đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao hiệu quả kinh doanh. Một cơ sở kinh doanh cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng nhằm đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu của khách hàng, nên giải pháp tối ưu vẫn làm sao để khách hàng được đáp ứng, được thỏa mãn các nhu cầu một cách tốt nhất, thì đó là lý do để thu hút khách hàng đến nhiều hơn, giữ được khách lâu hơn. Nếu chỉ quan tâm thực hiện các giải pháp tác động đến sự quan tâm và theo dõi nhằm thu hút khách đến mà không có sự chuyển biến lớn từ chất lượng sản phẩm, dịch vụ cũng sẽ rất khó giữ được khách, rất khó phát triển bền vững.

Do đó, câu chuyện ở trên có thể xem là một phương châm, một định hướng tích cực trong hoạt động kinh doanh.

Nếu nhìn rộng hơn ra các loại hình tổ chức khác, như các cơ quan, công sở…, ta cũng có bài học ý nghĩa. Đó là bản thân các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình phải không ngừng cải tiến chất lượng phục vụ đối tượng của mình để nâng cao uy tín, sự thuyết phục, sức hấp dẫn của đơn vị. Thí dụ, một trường học phải không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy và bảo đảm an toàn cho học sinh trong trường, đồng thời luôn có những giải pháp đổi mới hoạt động dạy và học sao cho đạt kết quả tốt nhất, cải tiến việc quản lý để hạn chế thấp nhất đến các rủi ro cho trẻ. Hay một đơn vị thu thuế, phải thực hiện việc thu đúng, thu đủ các loại thuế nhưng không tạo ra cảm giác cưỡng ép người nộp thuế mà phải tạo ra môi trường để họ thấy họ đang thực hiện tốt nghĩa vụ của mình, đang được đóng góp vào sự phát triển của địa phương, của đất nước…

Do đó, mẩu chuyện ở trên cho chúng ta nhiều bài học thiết thực, cả trong việc nâng cao nhận thức và trong hoạt động thực tiễn.

Vân Tâm

--------------------

[1] Đoàn Minh Tuấn, Bác Hồ - cây đại thọ, Nxb. Chính trị Quốc gia, 1998, tr.47-48.


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo