Thứ Ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024

Bài học về “thế trận lòng dân”

Đồng chí Nguyễn Trọng Xuất, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên huấn Thành ủy Sài Gòn - Gia Định phát biểu tại buổi Họp mặt kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng. (Ảnh: Long Hồ)

(Thanhuytphcm.vn) - Thời gian chúng tôi công tác tại Ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn - Gia Định (nay là Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh) từ 1965 đến 1980. Sau đó, tuy tôi chuyển sang ngành khác nhưng vẫn liên tục hoạt động trong lĩnh vực chính trị - tư tưởng cho đến nay.

Những hoạt động chủ yếu của ngành Tuyên huấn T4 (mật danh của Khu Sài Gòn - Gia Định trong kháng chiến) trong thời gian từ 1965 đến 1975 diễn ra trong vùng đô thị bị địch tạm chiếm. Bối cảnh đó đòi hỏi mọi hoạt động cách mạng phải hết sức bí mật, từ việc xây dựng cơ sở cho đến các loại hình hoạt động chuyên môn như tuyên truyền, báo chí, in ấn, phát hành tài liệu cách mạng,…

Dưới đây là một số kỷ niệm về những hoạt động khó quên thời gian tôi công tác ở Sài Gòn:

1. Hoạt động báo chí:

Báo chí cách mạng do Ban Tuyên huấn phụ trách lúc ấy có tờ “Cờ Giải Phóng”, tiếng nói của nhân dân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, tờ báo do đồng chí Đỗ Duy Liên làm Tổng biên tập đầu tiên. Sau đó có thêm các anh Bùi Thanh Tụng, Hoàng Hà, Rum Bảo Việt, Thái Nhân Hòa (Hai Ngọc), Nghiêm Khả Minh (Bến Nghé), Nguyễn Trọng Xuất…và nhiều cán bộ biên tập viên khác.

Bộ phận biên tập “Cờ Giải Phóng” cũng tham gia viết bài cho tờ “Trí thức mới” của Ban Trí vận - Mặt trận. Chủ đề tuyên truyền của chúng tôi thời gian này tập trung phát động tinh thần yêu nước chống ngoại xâm, chĩa mũi nhọn vào lực lượng xâm lược Mỹ. Trong bài “Dân tộc Việt Nam chúng ta như thế đấy!” viết năm 1965, chúng tôi đã có những đoạn văn sôi nổi làm nhiều người xúc động.

Ngoài ra, nhiều anh trong chúng tôi còn trực tiếp viết một số bài, với nhiều bút danh khác, đăng trên báo công khai xuất bản tại Sài Gòn, như: tờ Tiếng Chuông, Đuốc Nhà Nam, Thần Chung, Sài Gòn Mới… Đội ngũ viết báo trong nội thành có rất nhiều cây bút sắc sảo như: Tô Nguyệt Đình, Nguyễn Văn Mại, Nam Đình, Nam Quốc Cang…Và cũng không ít nhà báo hoạt động trong nội thành bị địch bắt giam, sát hại như: chúng thảm sát anh Nam Quốc Cang trên đường phố Sài Gòn, bắt tù đày Côn Đảo đến chết nhiều nhà báo yêu nước…

2. Hoạt động vũ trang tuyên truyền:

Ban Tuyên huấn Sài Gòn - Gia Định có 2 phân ban: Phân ban đô thị và Phân ban nông thôn. Phân ban đô thị đã xây dựng một lực lượng tuyên truyền có trang bị vũ khí (chúng tôi gọi là “Lưới tuyên truyền”, sau này thống nhất tên là “Đội vũ trang tuyên truyền”). Lực lượng này thường hoạt động đột xuất ở những nơi bất ngờ nhất đối với địch, như ở hầu khắp 36 chợ đô thành, một số rạp hát, rạp chiếu phim, hoặc ở ngay khu trung tâm chợ Bến Thành đúng vào lúc địch sơ hở nhất. Ví dụ như: cuộc tuyên truyền đột xuất tại chợ Bến Thành khi Nguyễn Văn Thiệu dự định đến thăm chợ. Anh chị em đã thả nhiều bong bóng bay mang cờ và khẩu hiệu cách mạng ngay giữa chợ Bến Thành, khiến quần chúng rất phấn khởi, còn địch thì hốt hoảng, phải hủy bỏ chuyến thăm chợ của Nguyễn Văn Thiệu.

Đội vũ trang tuyên truyền còn kiêm nhiệm vụ diệt ác phá kềm ở những khu xóm lao động, giành quyền làm chủ cho nhân dân, từ đó xây dựng được nhiều “lõm căn cứ nhân tâm” ngay trong lòng địch. Riêng cánh Tuyên huấn đã xây dựng được nhiều lõm căn cứ nhân tâm ở khu Bảy Hiền, Gò Vấp, Bình Thới, Quận 4… Điều đặc biệt là đội vũ trang tuyên truyền của cánh Tuyên huấn T4 gồm hầu hết là các đồng chí nữ. Các đồng chí có ưu thế che mắt địch, tiến hành diệt ác rất hiệu quả. Như trường hợp các đồng chí Hồ Thị Bao, Hoàng Thị Khánh, Nguyễn Thị Trinh… diệt tên Thượng sĩ K, mật vụ của sư đoàn dù quân đội Sài Gòn đóng căn cứ tại Tân Sơn Nhất, sát bên khu Bảy Hiền. Nhờ diệt được tên đầu sỏ này mà dần dần khu Ngã tư Bảy Hiền trở thành lõm căn cứ nhân tâm của cách mạng. Chính lực lượng lõm này đã tiến hành nổi dậy trong chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968 và chiến dịch Hồ Chí Minh 1975. Lực lượng nội đô ta giành quyền làm chủ khu này trước khi đại quân giải phóng tiến vào nội đô. Khu Bảy Hiền đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

3. Hoạt động phổ biến tài liệu cách mạng, báo chí cách mạng: Là một loại hình hoạt động đòi hỏi vừa tinh thần dũng cảm, vừa bản lĩnh năng động sáng tạo để có thể qua được những con mắt cú vọ của mạng lưới mật vụ dày đặc địch. Như việc phát hành tờ báo “Cờ Giải Phóng”, lúc đầu chúng tôi cho in chữ chỉ trong vùng giải phóng rồi dùng loại ghe hai đáy đưa vào nội thành, sau đó mạng lưới giao liên công khai sẽ phân phát đến cơ sở của các cánh. Tuy nhiên cách làm này không thể mở rộng, vì lực lượng giao liên công khai cũng có hạn, mà phương thức này dễ làm lộ bí mật cơ sở cách mạng. Từ đó anh chị em có sáng kiến đề nghị Đài phát thanh Giải phóng dành buổi đọc chậm để đọc các bài của báo. Cơ sở nội thành dùng máy thu thanh bắt làn sóng của đài, chép lại rồi tùy theo khả năng của cánh mình, hoặc in chữ chì, hoặc in giấy sáp, hoặc đánh máy trên giấy thường… phổ biến trong phạm vi cán bộ và quần chúng cảm tình cách mạng do cánh mình phụ trách. Như vậy diện phát hành mở rộng mà nguyên tắc bí mật giữ được an toàn. Tờ Cờ Giải Phóng đã tồn tại như vậy hơn 10 năm, cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ lịch sử vào ngày 30/4/1975.

Các đồng chí lãnh đạo cùng cán bộ, chuyên viên Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM các thời kỳ chụp hình lưu niệm tại kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1/8/1930 – 1/8/2020). (Ảnh: Long Hồ) Các đồng chí lãnh đạo cùng cán bộ, chuyên viên Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM các thời kỳ chụp hình lưu niệm tại kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1/8/1930 – 1/8/2020). (Ảnh: Long Hồ)

4. Trước khi Mỹ đưa thực binh vào trực tiếp xâm lược miền Nam Việt Nam (1964) cánh Tuyên huấn khu Sài Gòn - Gia Định bị lộ, tổn thất nặng. Phân ban nội đô cánh Tuyên huấn được xây dựng lại, gồm lúc đầu có các đồng chí Phạm Thị Đào, Nguyễn Văn Tương, Nghiêm Khả Minh (Bến Nghé), Bùi Thanh Tụng, Nguyễn Trọng Xuất.…từ số ít cơ sở còn lại, chúng tôi chấp hành nghiêm túc nguyên tắc bí mật trong hoạt động ở vùng địch, bám vào dân, nhất là bà con trong các khu xóm lao động, nên đã xây dựng tốt được lực lượng thanh niên, và chỉ trong 2 năm đội vũ trang tuyên truyền đã phát triển mạnh, làm nền cho hoạt động chính trị - tư tưởng trong quần chúng các giới ở nội thành.

Trong một buổi làm việc với chúng tôi, đồng chí Bí thư Khu ủy lúc đó là đồng chí Nguyễn Văn Linh có hỏi:

- Theo đồng chí, vấn đề cốt lõi của ngành Tuyên huấn là gì?

- Thưa, đó là phải làm tốt các mặt hoạt động chuyên môn trên trận địa chính trị - tư tưởng, cụ thể là phát huy tuyên truyền miệng, hướng dẫn nội dung lãnh đạo dư luận, phát triển báo chí cách mạng, thực hiện vũ trang tuyên truyền… để bảo đảm tiếng nói của cách mạng luôn tồn tại trong dân. Điều đó giữ vững lòng tin của quần chúng vào kháng chiến. Cho nên, khi địch rêu rao là “đã đẩy Việt Cộng ra tận biên giới”, thì quần chúng không tin… Dù trong đô thị kẻ thù có thế mạnh về quân sự, cảnh sát, chúng ta vẫn có ưu thế tuyệt đối về chính trị, có khả năng tiến công địch rất hiệu quả trên tất cả các mặt, có thể giáng cho địch những đòn nặng có ý nghĩa chiến lược…

- Rất đúng! Các đồng chí Tuyên huấn đã làm rất tốt nghiệp vụ của mình. Nhưng chúng ta cần phải nắm vững vấn đề cốt lõi của Tuyên huấn: đó là “Dân vận”. Tuyên huấn thực chất là “Dân vận”. Vì bởi mục đích của cách mạng là giành được sự đồng thuận, sự ủng hộ kháng chiến trong lòng người dân, dù họ phải sống trong vùng địch tạm chiếm. Công tác chính trị để giành được lòng dân trong địa bàn do dịch chiếm đóng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng vì nó có sức thuyết phục cao cho mọi người chính nghĩa của cuộc kháng chiến. Nội hàm chính nghĩa đó không chỉ quan trọng đối với nhân dân trong nước, mà còn có giá trị thuyết phục rất cao đối với nhân dân tiến bộ các nước trên thế giới, tạo một thế mạnh về chính trị mà địch không có cách gì đối phó được. Cho nên “giành được lòng dân” chúng ta sẽ từ ưu thế đó chuyển thành sức mạnh tiến công địch trên tất cả các trận địa, nhất là trận địa chính trị - tư tưởng. Đó là chiến lược đồng thời là nghệ thuật vận dụng“Thế trận lòng dân” của Đảng!

Kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1/8/1930 – 1/8/2020), bài học đối với mỗi chúng ta chính là phải nắm điều cốt lõi của ngành trên trận địa chính trị - tư tưởng: Giành được “Lòng dân”, lấy đó làm cơ sở chúng ta phát triển một cách năng động sáng tạo “Thế trận lòng dân” để chiến thắng bất cứ kẻ địch nào, dù trong thời kỳ kháng chiến đã qua hay trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay.

Nguyễn Trọng Xuất

Nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên huấn Thành ủy Sài Gòn - Gia Định
 

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo