Phiên họp tập trung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công; những trọng tâm chỉ đạo trong tháng 3 và thời gian tới.
Về những kết quả đạt được, phiên họp thống nhất nhận định, nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, mặc dù kết quả đạt được trên một số lĩnh vực không cao do là tháng Tết; tính chung 2 tháng hầu hết các lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 1,04% so với tháng 1; bình quân 2 tháng tăng 3,67% (cùng kỳ năm 2023 tăng 4,6%). Cả 3 khu vực đều phát triển tốt. Nông nghiệp phát triển ổn định. Sản xuất công nghiệp tăng 5,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 2,9%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,1%; khách quốc tế đạt trên 3 triệu lượt, tăng 68,7%.
Nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả chỉ đạo điều hành và triển vọng của kinh tế Việt Nam. Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo Việt Nam nằm trong nhóm 20 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,3% vào năm 2024 và 7% vào năm 2025.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chúng ta đã tạo được đà, động lực mới, khí thế mới, cảm hứng mới, sự cộng hưởng mới để tiếp tục thúc đẩy công việc trong tháng 3 và những tháng tiếp theo. Bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, Thủ tướng nêu rõ, nước ta vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và khó khăn thách thức. Trong đó có sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn cao do giá dầu thô, giá lương thực, tỷ giá trên thị trường thế giới biến động mạnh; rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản thế giới; xu hướng bất ổn chính trị, kinh tế, xã hội tiếp tục gia tăng. Tình hình sản xuất kinh doanh trong một số doanh nghiệp còn nhiều khó khăn… Cùng với đó, khó khăn, vướng mắc trên thị trường bất động sản từng bước được xử lý nhưng còn chậm. Nợ xấu có xu hướng tăng. Mặt bằng lãi suất cho vay tuy đã giảm nhưng còn cao. Vốn đầu tư công kế hoạch năm 2024 còn 33.500 tỷ đồng chưa phân bổ.
Dự báo thời gian tới, Thủ tướng cho rằng tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, về quan điểm chỉ đạo điều hành, do đó, Thủ tướng yêu cầu tinh thần đặt ra là phải chủ động, tích cực, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, bảo đảm hiệu quả trong quản lý, chỉ đạo điều hành. Theo dõi sát diễn biến tình hình, kịp thời có phản ứng chính sách phù hợp, hiệu quả. Không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với phương châm “thắng không kiêu, bại không nản”. Nêu cao tinh thần tự giác, chủ động, trách nhiệm của cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu. Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn: đã quyết tâm rồi thì phải quyết tâm cao hơn; đã nỗ lực rồi thì phải nỗ lực lớn hơn; đã hành động quyết liệt rồi thì phải hành động quyết liệt hơn nữa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ Nêu định hướng điều hành đối với một số lĩnh vực trọng tâm, Thủ tướng nêu rõ, thực hiện nhất quán mục tiêu ưu tiên cho tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế; phát triển công nghiệp văn hóa; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân…
Chỉ rõ một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà trước hết là về chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, Thủ tướng yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác. Bảo đảm lưu thông tiền tệ tốt hơn, cung ứng đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế; giám sát chặt chẽ tình hình nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống. Tiếp tục có biện pháp giảm lãi suất cho vay. Ngân hàng Nhà nước sớm trình sửa đổi Nghị định của Chính phủ về quản lý thị trường vàng. Phấn đấu quyết liệt tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước. Tập trung triển khai sử dụng hóa đơn điện tử, nhất là các hoạt động kinh doanh ăn uống, dịch vụ, bán lẻ xăng dầu. Trong tháng 3 này, nếu các cửa hàng xăng dầu không sử dụng hóa đơn điện tử thì thu giấy phép. Cùng với đó, giảm chi thường xuyên không cần thiết, hội họp; chi thường xuyên có tính chất đầu tư.
Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường quản lý giá cả, thị trường; bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng. Kiên quyết không để thiếu điện, xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng; lưu ý tập trung triển khai các công trình truyền tải điện, phát điện, phải rà soát việc này hàng tháng.
Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh phê duyệt quy hoạch. Phấn đấu tỷ lệ giải ngân cả năm 2024 tối thiểu đạt 95%; phân bổ sớm 33.500 tỷ đồng còn lại của kế hoạch đầu tư công 2024. Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Chuẩn bị thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 1/7 tới. Đồng thời lưu ý tiếp tục xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài; hoàn thiện các phương án xử lý các dự án yếu kém, tồn đọng như Thép Việt - Trung, Gang thép Thái Nguyên - giai đoạn 2, Đóng tàu Dung Quất, Bột giấy Phương Nam….
Song song đó, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết thông qua tại kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường thứ 5 của Quốc hội; chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7. Quyết liệt cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh…