Thứ Ba, ngày 17 tháng 12 năm 2024

Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Khmer Nam bộ - Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, hội nhập và phát triển

Tiết mục văn nghệ chào mừng tại ngày hội.

(Thanhuytphcm.vn) - Tối 6/11, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VIII tại tỉnh Sóc Trăng, năm 2022 và Lễ hội Ok Om Bok - đua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ V, khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long năm 2022 với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Khmer Nam bộ - Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, hội nhập và phát triển”.

Đến dự có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng; Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn; Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VIII tại tỉnh Sóc Trăng, năm 2022 và Lễ hội Ok Om Bok – đua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ V, khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long năm 2022. Đây là sự kiện văn hóa có ý nghĩa sâu sắc nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer Nam bộ, tăng cường hỗ trợ đoàn kết toàn dân, góp phần giới thiệu, quảng bá, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ cho bạn bè trong nước và quốc tế.

Theo đồng chí Tạ Quang Đông, kho tàng văn hóa dân gian của đồng bào Khmer Nam bộ nổi tiếng với nghệ thuật múa như Rămvông, Lămleo, Saravan… Bên cạnh đó, gắn với đời sống sinh hoạt văn hóa tâm linh, đồng bào Khmer Nam bộ đã bảo tồn được hệ thống kiến trúc chùa Phật giáo Nam Tông. Đây vừa là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng và là nơi lưu giữ, trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Nam bộ từ thế hệ này qua thế hệ khác. “Chính vì thế đó, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đồng bào Khmer Nam bộ luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, các địa phương nỗ lực triển khai thực hiện, coi đó là nguồn nội lực quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế và xã hội hiện nay.” - đồng chí Tạ Quang Đông nhấn mạnh.

Đồng chí Tạ Quang Đông cũng cho biết, ngày hội với sự tham gia của hơn 2.000 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng đồng bào Khmer của 12 tỉnh, TP tham gia, gồm: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Tây Ninh, Bình Phước, TP Cần Thơ và TPHCM sẽ giới thiệu người dân và du khách những giai điệu dân ca, các điệu múa dân gian Rămvông, Lămleo, Saravan… sẽ say đắm lòng người.

Phát biểu tại ngày hội, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho rằng, văn hóa các dân tộc thiểu số là di sản quý giá, góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. “Việc giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc nói chung và đồng bào dân tộc Khmer nói riêng, là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chiến lược trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước.”- đồng chí Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Ban tổ chức trao cờ lưu niệm cho các đơn vị tham gia ngày hội. Ban tổ chức trao cờ lưu niệm cho các đơn vị tham gia ngày hội.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến đánh giá cao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp UBND tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh, TP trong khu vực tổ chức ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VIII tại tỉnh Sóc Trăng, năm 2022 và Lễ hội Ok Om Bok – đua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ V, khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long năm 2022 là thể hiện sự quan tâm, chăm lo của các cấp, các ngành đối với đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer nói riêng, của đồng bào các dân tộc trong khu vực nói chung. Bên cạnh đó, là dịp để đồng bào trình diễn, giao lưu các tiết mục văn hóa, văn nghệ đặc sắc, độc đáo của dân tộc và đua ghe ngo truyền thống với những âm thanh rộn ràng của dàn nhạc ngũ âm, những điệu múa Rămvông, Lămleo, Saravan nhẹ nhàng, uyển chuyển… tạo nên hoạt động văn hóa cộng đồng hiếm có tình đất, tình người.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội các cấp, các ngành, nhất là đồng bào dân tộc Khmer quá trình tổ chức ngày hội phải gắn liền với việc phát triển, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu mà trong bài phát biểu rất quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 và tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và Kết luận số 76 của Bộ Chính trị nhằm xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân thiện mỹ, thấm đậm tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Bên cạnh đó, giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc nói chung, dân tộc Khmer nói riêng.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến cũng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ bằng các  việc làm thiết thực, khuyến khích, hỗ trợ đồng bào giữ gìn và phát huy  bản văn hóa dân tộc Việt Nam gắn với phát triển du lịch để văn hóa vừa là nền tảng tinh thần, vừa là cơ hội tạo thêm việc làm, tăng thu nhập của người dân.

Long Hồ - Quốc Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo