Chủ tịch Quốc hội phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 46. (Thanhuytphcm.vn) - Chiều 14/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 46. Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sau hai ngày làm việc với tinh thần tích cực, trách nhiệm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành các nội dung chương trình đề ra tại Phiên họp thứ 46.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thỏa thuận quốc tế; việc triển khai thực hiện các quy định mới được sửa đổi, bổ sung trong Luật Tổ chức Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thảo luận về việc tổng kết Kỳ họp thứ 9 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa XIV; xem xét công tác nhân sự.
Tại Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; quyết định việc bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa. Đồng thời, cho ý kiến về việc ban hành Nghị định quy định về bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội, Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn; việc điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 của Trường Cao đẳng công nghệ thông tin hữu nghị Việt - Hàn từ Bộ Thông tin và Truyền thông sang Bộ Giáo dục và Đào tạo; bổ sung dự toán chi hành chính sự nghiệp năm 2020 (nguồn nước ngoài) cho Kiểm toán nhà nước.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị sau Phiên họp này, các cơ quan của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ để tiếp tục thực hiện những kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trên cơ sở kết quả Kỳ họp thứ 9, tiếp tục tinh thần chuẩn bị Kỳ họp tiếp theo, nhất là việc chủ động chuẩn bị các dự án Luật trình tại Kỳ họp thứ 10 tới đây.
Quang cảnh phiên bế mạc. Thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay với 100% ủy viên tán thành. Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đã sửa đổi, bổ sung Tiểu mục 2, mục 1 của Biểu thuế bảo vệ môi trường quy định tại khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết số 579 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là 2.100 đồng/lít được áp dụng từ ngày 1/8/2020. Mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít được áp dụng từ ngày 1/1/2021. Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày ký. Giao cho Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan Trung ương, các địa phương, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai. Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, từ khi dịch COVID-19 bùng phát, thiệt hại của ngành hàng không là rất nghiêm trọng. Số lượng khách hàng và số chuyến bay khai thác sụt giảm mạnh. Vietnam Airlines phải thực hiện ngừng việc với hơn 6.000 lao động. Dự kiến trong năm 2020, doanh thu Vietnam Airlines giảm hơn 49.000 tỷ đồng và mức lỗ lên đến gần 16.000 tỷ đồng. Dòng tiền của Vietnam Airlines dự kiến sẽ thiếu hụt lũy kế xấp xỉ 17.000 tỷ đồng trong năm 2020. Theo Cục Hàng không Việt Nam, dự báo thị trường vận chuyển năm 2020, nếu dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 6/2020, có tính đến hủy toàn bộ các chuyến bay đi, đến Hàn Quốc, tổng thị trường chỉ đạt 61,2 triệu khách, giảm 22,6% so với năm 2019. Trong đó, các hãng Việt Nam vận chuyển được 10,4 triệu khách quốc tế (giảm 41,2%) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5%), tổng vận chuyển chỉ đạt 45,7 triệu khách (giảm 17% so cùng kỳ).
Chưa bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá
Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét việc bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa. Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ trình, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nêu rõ, theo quy định hiện hành, sách giáo khoa không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá hoặc Nhà nước định giá mà thuộc danh mục kê khai giá, theo đó thẩm quyền quyết định giá sách giáo khoa thuộc các đơn vị được cấp phép xuất bản sách nên thời gian qua giá sách giáo khoa ở mức khá cao, ảnh hưởng lớn đến chi phí mua sách giáo khoa của phụ huynh và học sinh. Do vậy, cần phải có giải pháp khắc phục tình trạng này khi giá sách giáo khoa chưa thực sự được điều chỉnh theo cơ chế thị trường.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, một số ý kiến trong Ủy ban cho rằng, theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trong đó có chủ trương lớn là thực hiện xã hội hóa việc biên soạn, phát hành sách giáo khoa. Do đó, việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa là chưa phù hợp với mục tiêu, quan điểm của Nghị quyết của Quốc hội và trái với nguyên tắc thị trường, chưa phù hợp với quy định của Luật Giá.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, việc đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá là không đúng với nguyên tắc được quy định tại Luật Giá, Thường vụ không có thẩm quyền quyết định bổ sung. Ông đề nghị Chính phủ đánh giá, rà soát lại, có cái nhìn căn cơ tổng thể, nếu cần thiết thì báo cáo Quốc hội để ra nghị quyết hoặc sửa Luật Giá.
"Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cái mà Luật không cho phép thì là sai", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm.