Thứ Bảy, ngày 26 tháng 4 năm 2025

Bệnh viện Lê Văn Việt phẫu thuật thành công cho bệnh nhân gãy lún 3 mắt cá cổ chân khi nhảy dây

BS.CKI Nguyễn Thế Tân, Trưởng Khoa Chấn thương - Chỉnh hình, Bệnh viện Lê Văn Việt thăm khám cho bệnh nhân H.

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 6/3, Bệnh viện Lê Văn Việt (TP Thủ Đức) đã phẫu thuật thành công ca kết hợp xương mắt cá chân cho một bệnh nhân bị chấn thương nặng, gãy lún 3 mắt cá cổ chân.

Trước đó, ngày 25/2, bệnh nhân T.T.H.H (sinh năm 1982, ngụ tại quận Bình Thạnh, TPHCM) đến khám bệnh tại Bệnh viện Lê Văn Việt trong tình trạng cổ chân trái sưng nề, biến dạng. Bệnh nhân H cho biết, trong lúc nhảy dây đã bị té ngã, chống chân xuống nền cứng, gây sưng đau dữ dội.

Sau khi chụp X-quang và CT-Scan, hình ảnh cho thấy bệnh nhân bị gãy lún 3 mắt cá cổ chân trái (trong, ngoài, sau) và 3 mảnh xương di lệch. Đây là trường hợp rất nặng nếu không được điều trị tốt sẽ gây mất chức năng vận động cổ chân. Qua hội chẩn, các bác sĩ Khoa Chấn thương - Chỉnh hình đã tiến hành phẫu thuật kết hợp xương mắt cá bằng nẹp vít cho bệnh nhân.

Được biết, phẫu thuật kết hợp xương là một phương pháp ngoại khoa tiên tiến được ưu tiên trong điều trị gãy xương. Phương pháp này sử dụng các vật liệu chuyên dụng cơ học, nẹp hoặc đinh nội tủy để cố định các đầu xương gãy, tạo điều kiện cho quá trình liền xương, giúp xương gãy liền nhanh hơn và giảm thiểu nguy cơ biến chứng.

Theo BS.CKI Hồ Tuấn Dũng, Khoa Chấn thương - Chỉnh hình, Bệnh viện Lê Văn Việt, phẫu thuật kết hợp xương là một phương pháp an toàn và hiệu quả trong điều trị gãy xương phức tạp. Tuy nhiên, quá trình hồi phục đòi hỏi bệnh nhân tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ định của bác sĩ và duy trì chế độ chăm sóc sau mổ. Một ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân đã có thể tập vật lý trị liệu để đẩy nhanh quá trình phục hồi.

Người bệnh nên dùng lực ít bên chân bị chấn thương khi dùng nạng, hạn chế chống chân trong 3 tháng đầu sau phẫu thuật. Nên thường xuyên tập xoay lắc nhẹ nhàng cổ chân, bàn chân, tập cơ cẳng chân và cơ đùi. Những động tác này sẽ giúp tuần hoàn tại chi mổ được lưu thông tốt, giảm thiểu biến chứng teo cơ. Khi phần xương gãy đã lành hoàn toàn, người bệnh có thể yêu cầu tháo bỏ nẹp vít hoặc đinh. Điều này hoàn toàn không gây hại hay ảnh hưởng phụ gì đến sức khỏe”.

Chia sẻ những phương pháp cần thực hiện hạn chế chấn thương khi chơi thể thao, BS.CKI Nguyễn Thế Tân, Trưởng Khoa Chấn thương - Chỉnh hình, Bệnh viện Lê Văn Việt cho biết: “Chơi thể thao là một trong những phương pháp rèn luyện sức khỏe tốt. Cùng với chế độ dinh dưỡng hợp lý, vận động tạo nền tảng cho cơ thể khỏe mạnh. Để phòng tránh chấn thương trong thể dục thể thao, cần khởi động kỹ trước khi tập luyện và thư giãn sau khi kết thúc. Đặc biệt nên mang băng quấn đầu gối, cổ chân, cổ tay khi chơi các môn vận động như cầu lông, bóng chuyền, bóng đá…”.

Lương Hợp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo