Đồng chí Võ Tiến Sỹ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM (đứng) phát biểu tại hội nghị.
(Website TU)- Sáng 23-8, Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM tổ chức hội nghị trao đổi về công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo quản lý xuất thân từ công nhân. Tính đến nay, sau một năm triển khai chương trình, các đơn vị đã rà soát, xét chọn 72 ứng viên (công nhân, sinh viên) vào diện quy hoạch. Qua thẩm định, Ban Tổ chức Thành ủy chọn được 36 ứng viên (28 công nhân, 8 sinh viên). Trước con số ít ỏi này, nhiều ý kiến tham dự cuộc họp đề nghị… hạ tiêu chuẩn để có thêm nguồn cán bộ.
Khó xét chọn
Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Thị Lan cho biết: Thực hiện kế hoạch của Thành ủy, nhiều đơn vị đã thể hiện trách nhiệm cao trong triển khai quy chế và kế hoạch. Đến nay, chương trình đã thẩm định và xét chọn được 36 ứng viên vào chương trình (từ 72 hồ sơ do cơ sở xét chọn gửi lên).
Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Thị Lan cũng nhận định, thực tế một số đơn vị chưa thực hiện tốt công tác này. Các điều kiện tiêu chuẩn khá cao so với thực trạng chất lượng đội ngũ công nhân. Tâm lý công nhân ngại thay đổi môi trường làm việc (điều kiện làm việc, thu nhập). Cá biệt còn có đơn vị ngại mất cán bộ nên không giới thiệu ứng viên vào chương trình. Nhiều ứng viên được giới thiệu chưa đúng đối tượng, điều kiện tiêu chuẩn quy định…
Con số thống kê kết quả từ các đơn vị đã mang lại nhiều ưu tư cho Ban Điều hành chương trình: Sở Giao thông vận tải (chỉ 1/2 đối tượng đạt yêu cầu), Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (0/5), quận Bình Tân (2/5), quận 6 (1/4), Ban quản lý các Khu chế xuất và Khu công nghiệp (6/8), quận 2 (5/7), Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (0/7), Tổng Công ty Điện lực (5/5), huyện Hóc Môn (0/1), quận Bình Thạnh (0/2)…
Phó Bí thư Đảng ủy Tổng Công ty Dệt may Gia Định Cao Văn Phận chia sẻ: Đảng bộ hiện có 13 tổ chức cơ sở đảng (gồm 9 Đảng bộ cơ sở, 4 chi bộ cơ sở) và 37 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở, có tổng cộng 11.113 cán bộ, công nhân viên và người lao động, thế nhưng “trầy trật” mãi Tổng Công ty mới giới thiệu được 1 trường hợp vào chương trình. Sau khi triển khai, các Đảng ủy, chi ủy cơ sở rà soát, kết quả: 2 đơn vị báo cáo đề nghị chọn 3 trường hợp quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân, Đảng ủy Tổng Công ty thống nhất 2 trường hợp. Cả 2 trường hợp đều… xin rút tên. Sau khi đoàn công tác của Ban Tổ chức Thành ủy đến làm việc với Đảng ủy Tổng Công ty, trực tiếp xem hồ sơ, động viên. Cuối cùng 1 trong 2 trường hợp cũng đồng ý vào quy hoạch!
Theo số liệu khảo sát của Tổng Công ty, toàn Tổng Công ty có 111 công nhân có trình độ văn hóa cấp I, 2.896 công nhân đạt cấp II, 2.603 công nhân đạt cấp III, chỉ một số ít đạt trình độ đại học. Số rất ít có trình độ đại học chủ yếu làm việc tại các phòng ban công ty nhưng tuổi đời quá 30 hoặc dưới 30 tuổi thì lại chưa đủ thời gian làm việc ít nhất 3 năm theo quy định. Có một vài trường hợp đủ tiêu chuẩn, nhưng không đăng ký vì còn băn khoăn về chế độ trong thời gian quy hoạch, đào tạo (cụ thể là trường hợp Phó Trưởng Phòng Xuất nhập khẩu- Bí thư Đoàn cơ sở được quy hoạch vừa qua có mức thu nhập hàng tháng trên 9 triệu đồng trong khi vào quy hoạch thì thu nhập khoảng trên 5 triệu đồng/tháng). “Đôi khi các đối tượng có cảm giác phải “hi sinh”, khi được vận động vào chương trình”- đồng chí Cao Văn Phận nói.
Đó cũng là những khó khăn chủ yếu mà các đơn vị khác cũng gặp phải. Đơn vị không có đối tượng quy hoạch nào lọt vào chương trình, đồng chí Nguyễn Phong Nhật, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối cơ sở Bộ Xây dựng “ngậm ngùi”: Công nhân lao động của các cơ sở trực thuộc khối đều tứ xứ nên số có hộ khẩu thường trú tại TPHCM “đếm trên đầu ngón tay”, người tốt nghiệp đại học thì đã trên 30 tuổi…
Không hạ thấp tiêu chuẩn
Trước thực trạng nguồn dồi dào nhưng quy hoạch thực tế không được bao nhiêu như trên, các đơn vị đã kiến nghị Ban Tổ chức Thành ủy bổ sung, sửa đổi quy chế. Trưởng Ban tổ chức Đảng ủy Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn Phạm Bá Huy đề nghị: Thu nhập phải bằng hoặc cao hơn thu nhập đang hưởng để anh em an tâm tham gia chương trình, tránh sự hụt hẫng.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối cơ sở Bộ Xây dựng Nguyễn Phong Nhật kiến nghị: Theo quy chế phải có hộ khẩu TPHCM nhưng có thể mở rộng diện KT3 vì đa số công nhân ở các tỉnh, thành khác vào TPHCM làm việc.
|
Hội nghị trao đổi về công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo quản lý xuất thân từ công nhân. |
Phó Bí thư Đảng ủy Tổng Công ty Dệt may Gia Định Cao Văn Phận đề nghị: Bổ sung quy chế (về trình độ văn hóa), trong đó đối tượng 1 đã tốt nghiệp đại học được quy hoach theo quy chế, đối tượng 2 là công nhân đã tốt nghiệp cấp III có hướng phấn đấu vươn lên thì đề nghị đưa vào diện quy hoạch và tạo điều kiện bồi dưỡng văn hóa để tham dự các kỳ thi vào đại học (hệ tại chức). Ngoài ra, mở rộng diện quy hoạch tuổi đời đối tượng là không quá 35 tuổi thay vì 30 tuổi như quy định.
Ghi nhận những khó khăn thực tế của các đơn vị, đồng chí Võ Tiến Sỹ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM khẳng định: Sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể, trong đó mở rộng tuổi đời của đối tượng quy hoạch đến 31 tuổi, có thể xem xét những trường hợp diện KT3.
Đối với các ý kiến khác, đồng chí Võ Tiến Sỹ khẳng định: Không thể hạ thấp tiêu chuẩn quy định bởi việc tăng cường cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân làm việc trong các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể ở TPHCM là góp phần tăng cường tính giai cấp, tính tiên phong của Đảng, tăng cường mối liên hệ giữa Đảng với quần chúng. Đây được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng để xây dựng và củng cố bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Đây là công việc khó đòi hỏi phải làm hết sức dân chủ. Đồng chí lưu ý cấp ủy các đơn vị cần đề cao trách nhiệm, chịu khó, dày công để phát hiện và giới thiệu những công nhân, sinh viên xuất sắc, nổi trội, đảm bảo tiêu chuẩn và khơi gợi tinh thần dấn thân, chấp nhận khó khăn của các em để đào tạo, bổ sung nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kiến thức, năng lực cho TP. Đối tượng của chương trình quy hoạch, đào tạo công nhân: Công nhân trực tiếp sản xuất, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý các phân xưởng, dây chuyển sản xuất, cán bộ Ban Chấp hành Công đoàn, Đoàn Thanh niên trong các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp thuộc các hình thức sở hữu khác. Sinh viên tốt nghiệp đại học các ngành kỹ thuật. Độ tuổi từ 30 trở xuống. Hộ khẩu thường trú tại TPHCM. Đối với công nhân, có thời gian làm việc trong doanh nghiệp ít nhất là 3 năm.
Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, công nhân được điều động, bố trí về các cơ quan Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội của TP, sở ngành, quận huyện công tác phù hợp với trình độ chuyên môn và dự kiến bố trí ban đầu, được chuyển xếp lương tương đương hệ số mà công nhân hưởng tại doanh nghiệp và các khoản trợ cấp khác theo quy định hiện hành.
(Trích: “Chương trình quy hoạch tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân” của TPHCM) |