Thứ Sáu, ngày 20 tháng 9 năm 2024

Cần đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 20/11, trong phiên thảo luận của Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, các Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã giải trình nhiều vấn đề đại biểu ĐBQH quan tâm.

ĐB Nguyễn Công Hoàng (Thái Nguyên) nêu rõ hiện nay người dân rất bức xúc về vấn đề chuyển bảo hiểm y tế (BHYT). ĐB chỉ rõ, chuyển BHYT có hai ý nghĩa quan trọng, đó là quản lý quỹ BHYT và không để người dân vượt cấp lên tuyến trên quá nhiều đối với những bệnh thông thường. Nhưng theo ĐB, cần công khai danh mục kỹ thuật mà các cơ sở y tế cấp huyện có thể thực hiện, còn những gì tuyến huyện không làm được thì người dân được phép chuyển lên tuyến trên.

ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cũng đề nghị bỏ giấy chuyển viện. Khi sửa Luật BHYT sắp tới, các cơ quan cần hướng đến mục tiêu người có BHYT muốn khám chữa bệnh ở đâu cũng được, phù hợp tình trạng bệnh tật, chất lượng khám chữa, thời gian đi lại, điều kiện chăm sóc của người có BHYT, “phải coi đây là nội dung sửa đổi quan trọng nhất của Luật BHYT tới đây”. ĐB cũng đề nghị bỏ danh sách thuốc được BHYT thanh toán, bởi “danh mục thuốc, vật tư y tế đó phải do bác sĩ, ngành y quyết định sử dụng. Bệnh nhân dùng thuốc gì, phác đồ nào nếu đúng và hiệu quả thì BHTT phải thanh toán như vậy, xin đừng có cái danh sách thuốc được BHYT thanh toán nữa".

Giải trình lại, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, vấn đề giải quyết quá tải bệnh viện đã qua nhiều đời bộ trưởng Bộ Y tế phải giải trình. Với Luật khám chữa bệnh, luật cũ quy định việc khám chữa bệnh phân làm 4 cấp, còn luật mới phân làm 3 cấp, nêu rõ điều kiện cấp nào được khám chữa bệnh ở mức nào, căn cứ vào khả năng đáp ứng của cơ sở và tình trạng của người bệnh. Từ 2014, việc chuyển từ tuyến dưới lên trên phải theo tuần tự nhưng đến năm 2016 đã thông tuyến cấp huyện và năm 2021 thông tuyến toàn tỉnh. Bộ trưởng cho rằng việc chuyển tuyến nhằm tạo thuận lợi cho người dân đã cơ bản được giải quyết, vấn đề bây giờ là người dân có được đi thẳng từ tuyến huyện lên trung ương hay không. Bộ trưởng Y tế khẳng định việc chuyển tuyến cần đảm bảo đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh cho người dân và khả năng khám chữa bệnh từng tuyến, tránh quá tải dồn lên tuyến trên.

Hiện việc chuyển tuyến được chia làm 2 luồng: từ tuyến dưới lên tuyến trên nếu cơ sở không đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh cho người dân; và từ tuyến trên xuống tuyến dưới khi bệnh tật ổn định, đảm bảo công tác điều trị lâu dài.

Tuy nhiên, để giảm thủ tục hành chính, Bộ Y tế sẽ tiếp thu và đang tập trung sử dụng việc chuyển tuyến điện tử, giải tỏa khó khăn cho người dân. Trả lời trực tiếp câu hỏi "có bỏ giấy chuyển viện được không?", Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh vai trò giấy chuyển tuyến rất cụ thể, nêu rõ tình trạng, lịch sử điều trị cũng như bệnh án, dù là giấy hay điện tử cũng rất cần thiết.

ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận), ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định), Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Y tế sớm có hướng dẫn việc thanh toán nợ cho các đơn vị trong việc mua, mượn nợ trang thiết bị y tế, hóa chất sát khuẩn phòng, chống dịch Covid-19, hiện nay các đơn vị chưa được thanh toán do vướng thủ tục.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết trong quy định về mua sắm đấu thầu, không có quy định về vay, mượn, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh chưa có tiền lệ, đảm bảo sinh mệnh của người dân trên hết và trước hết nên thực tế có việc tạm ứng, vay mượn để đảm bảo nhu cầu chữa bệnh, xét nghiệm. Nghị quyết 99 của Quốc hội giao Chính phủ sớm có các biện pháp cho vấn đề này trước 31/12/2024, nhưng đây là việc khó, Bộ Y tế đang phối hợp với UBND các tỉnh thành triển khai. Bộ Y tế đã có 2 công văn đề nghị các dịa phương báo cáo tình hình vay mượn. Tổng hợp từ 48 địa phương, 7 bộ ngành cho thấy số vay mượn khoảng 1.693 tỷ đồng, trong đó vay mượn thuốc, sinh phẩm 754 tỷ đồng, kit xét nghiệm 939 tỷ đồng. Từ đó, Bộ Y tế phân loại các hình thức vay mượn, như có hợp đồng hay chưa, có đàm phán giá hay chưa… để có phương án xử lý triệt để. Hiện bộ đang giao các đơn vị xây dựng phương án.

“Do chưa có quy định luật pháp nên Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho cơ chế xử lý để gỡ khó cho các bệnh viện” ­- Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết. Bộ trưởng nhấn mạnh, Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi đã đưa vào hình thức vay mượn, ứng trước trang thiết bị vật tư y tế, các đơn vị đang làm hướng dẫn chi tiết cho việc này để thực hiện lâu dài.

Về lĩnh vực giáo dục, một vấn đề đáng chú là mà đại biểu nêu là quản lý vấn đề dạy thêm học thêm. ĐB Nguyễn Văn Huy (đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cần sớm quyết định đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Kim Sơn Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Giải trình lại ý kiến này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, dạy thêm, học thêm và việc học tập ngoài nhà trường là một nhu cầu thực tế của người học và rất đa dạng. Bộ đã có đầy đủ các quy định về vấn đề dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã thừa nhận đối với vấn đề ngoài nhà trường, hiện Bộ GD-ĐT còn thiếu cơ sở pháp lý để quản lý, điều tiết giám sát, xử lý vấn đề này.

Trong quá trình sửa Luật Đầu tư, Bộ GD-ĐT đã gửi văn bản cho Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ Kế hoạch - Đầu tư, gửi văn bản lên Thủ tướng Chính phủ trong năm 2020 đề nghị bổ sung đề nghị việc dạy thêm, học thêm vào danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng không rõ lý do vì sao trong năm 2020-2021, việc này chưa được chấp thuận. Bộ trưởng đồng tình cần đưa việc dạy thêm, học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện để có cơ sở pháp lý nhằm xử lý vấn đề dạy thêm bên ngoài trường học.

Với 53.000 trường học hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn, đối với các vấn đề bên ngoài trường học, chính quyền địa phương trên địa bàn của mình phối hợp cùng với Bộ GD-ĐT, bởi việc này nếu nằm ngoài nhà trường, Bộ Giáo dục rất khó kiểm soát. Bộ trưởng nhấn mạnh, cần có giải pháp tổng thể và phụ huynh cũng cần phối hợp để xử lý liên quan vấn đề dạy - học thêm.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo