Trao biểu trưng cho thí sinh tại liên hoan giao lưu tuyên truyền giỏi và dân vận khéo năm 2020. (Ảnh: Long Hồ) (Thanhuytphcm.vn) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhắc nhở: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Trong tiến trình cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thấy có nơi, có lúc “Vấn đề Dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng, cho nên cần phải nhắc lại”. Bác viết như vậy, bởi vì theo Bác hiểu, nếu làm chưa đúng ắt đưa đến hậu quả: “việc gì cũng kém”.
Chính vì vậy, trong bài báo “Dân vận” (ngày 15/10/1949) đăng trên Báo Sự thật số 120 với bút danh X.Y.Z – một bài báo ngắn gọn, súc tích gồm 4 phần đã thể hiện tư tưởng của Hồ Chí Minh về vai trò của Nhân dân, quyền và trách nhiệm của người dân; về bản chất dân chủ của chế độ xã hội mà mọi lợi ích và quyền hạn đều thuộc về Nhân dân...; về lực lượng làm công tác dân vận; về nghệ thuật huy động lực lượng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân;…
Đầu tiên, vấn đề đặt ra là cần phải hiểu thật thấu đáo các quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài báo “Dân vận” và công tác dân vận. Đó là, trước tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày nội hàm của vấn đề dân chủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rõ bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa đang xây dựng ở nước ta; đồng thời, Bác cũng chỉ rõ vai trò to lớn của Nhân dân, trách nhiệm của Nhân dân.
Bác đã viết: NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ… Từ sự khẳng định bản chất của chế độ ta, vai trò và sức mạnh của Nhân dân ngay trong phần mở đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn nhấn mạnh sự vô cùng cần thiết của công tác dân vận trong bối cảnh mà có lúc có nơi còn xem nhẹ công tác này.
Câu cuối phần I, Bác viết: “Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” – đây là sự tiếp thu tinh thần “trọng dân” của cha ông ta trong lịch sử dựng nước và giữ nước: “Sức dân như sức nước, chở thuyền cũng là dân và lật thuyền cũng là dân” và “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ, bền gốc”.
Thứ 2, đọc bài báo “Dân vận” cần phải nhận thức rõ những việc mà công tác dân vận phải làm? Làm công tác dân vận như thế nào để có hiệu quả? Đối tượng nào trong Nhân dân cần được vận động? trách nhiệm dân vận thuộc về lực lượng nào?... “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào”. Bác viết như thế có nghĩa là công tác dân vận phải tiến hành được các vấn đề sau: Vận động được toàn thể Nhân dân – “không sót một người nào”; và vận động “tất cả lực lượng của mỗi người dân” tức là phải vận động được lực lượng tinh thần và lực lượng vật chất của mỗi nhà, mỗi người – từ người cao tuổi cho đến thiếu nhi; vận động bắt đầu từ vận động nhận thức – tinh thần của Nhân dân để sao cho toàn thể Nhân dân hiểu rõ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, từ đó đi đến đồng tình, đồng thuận…
Thứ 3, Bác nhấn mạnh trách nhiệm của tất cả cán bộ trong hệ thống chính trị - đều là cán bộ làm công tác dân vận. Quan trọng nhất là người cán bộ làm công tác dân vận phải có tư duy khoa học; phải chú ý quan sát nghiên cứu kỹ càng; phải thu thập thông tin tình hình đầy đủ, khách quan; phải đến với Nhân dân thường xuyên; phải luôn cùng Nhân dân hành động thật thà và trách nhiệm. Mọi kế hoạch, chủ trương đều phải là kết quả của quá trình khảo sát từ thực tiễn sinh động, từ ghi nhận tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân, từ sự thật thà trân trọng mọi lời chia sẻ đúng đắn của từng người dân có lòng yêu nước và quý Đảng… như Bác đã viết: “Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc".
Thứ 4, Bác yêu cầu phải xem trọng vai trò công tác dân vận. Trong lựa chọn người làm công tác dân vận cần được quan tâm nghiêm túc. Chọn người có năng lực – có tri thức, có kỹ năng thuần thục, có thái độ nghiêm túc, chân thành, có hành vi đúng đắn, chuẩn mực. Chính vì vậy mà Bác đã thẳng thắn phê bình: “Khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc dân vận. Cử ra một ban hoặc vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ.”
Thứ 5, phải luôn luôn hiểu thật thấu đáo và nhớ thật tường tận bài dạy của Bác để làm tốt công tác dân vận. Cụ thể, toàn bộ nội dung bài báo có hơn 610 từ, Bác nhấn mạnh nhiều lần các từ “lực lượng”, “lực lượng toàn dân”, “mỗi một người dân” để nhắc nhở chúng ta trong công tác dân vận phải luôn chú trọng quy mô và sức mạnh to lớn của lực lượng Nhân dân; chú ý phạm vi sâu, rộng của công tác dân vận…
Toàn bài, Bác dùng đến 41 lần từ “dân” để ghép với các từ khác thành các cụm từ “dân vận”, “nhân dân”, “toàn dân”, “cùng với dân”, “giúp đỡ dân”, “đi sát với dân”, “khuyến khích dân”… Như vậy, tất cả mọi kế hoạch là cần phải có dân tham gia, phải vì dân mà hành động, là trí tuệ và công sức của dân. Mọi chủ trương đề ra cần phải đúng đắn và có lợi cho nhân dân. Trách nhiệm của cán bộ dân vận là phải làm cho người dân hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình: “Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được”.
Liên đoàn Lao động Quận 5 vận động cán bộ viên chức, lao động trên địa bàn thực hiện công trình đường hoa An Dương Vương. (Ảnh: Long Hồ) Từ những nội dung trên, quan điểm “Nước lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện sâu sắc trong bài báo “Dân vận”. Chúng ta không được phép xao nhãng! Đảng ta luôn xem trọng chân lý này.
Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, công tác dân vận có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng nước ta, là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng và củng cố, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Vấn đề có ý nghĩa quyết định để tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân là Đảng phải chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi ích của Nhân dân; thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; củng cố và xây dựng tổ chức Đảng thật trong sạch, khắc phục những hiện tượng tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, làm cho Đảng thật sự xứng đáng là người lãnh đạo và người đầy tớ trung thành của Nhân dân.
Trên cơ sở kế thừa và phát triển quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới của đất nước, Đảng và Chính phủ đã có nhiều Nghị quyết quan trọng về công tác dân vận như Nghị quyết Trung ương 8B về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân; Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 18/2000/CT-TTg ngày 21/9/2000 về tăng cường công tác dân vận của chính quyền. Chỉ thị đã nêu rõ vai trò và những thành tựu của dân vận chính quyền trong thời gian qua, đặc biệt lưu ý những khắc phục các vấn đề: sự nhận thức chưa đầy đủ và sâu sắc về tầm quan trọng của công tác dân vận; chưa đi sát và chú ý lắng nghe ý kiến của nhân dân, tác phong làm việc còn quan liêu, cửa quyền, nặng về biện pháp mệnh lệnh, hành chính, áp đặt, coi nhẹ việc vận động, thuyết phục;...
Đặc biệt, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 23/6/2013 tiếp tục khẳng định: “Công tác dân vận thời gian qua đã góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”. Điều đó đã khẳng định vai trò to lớn của cả hệ thống chính trị trong công tác dân vận. Từ đó, với yêu cầu và thực tiễn đặt ra đối với công tác dân vận trong tình hình mới, Ban Chấp hành Trung ương Đảng luôn xác định mục tiêu công tác dân vận: Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới nhằm củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân; tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
TS Bùi Thị Ngọc Trang
(Học viện Cán bộ TPHCM)