Toàn cảnh phiên họp(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 15/4, tại phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về 4 dự án: Luật Dẫn độ, Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, Luật Tương trợ tư pháp về dân sự, Luật Tương trợ tư pháp về hình sự.
Tại phiên họp, trình bày tóm tắt Báo cáo tổng hợp thẩm tra sơ bộ đối với 4 dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành với sự cần thiết ban hành 4 Luật trên cơ sở tách ra từ Luật Tương trợ tư pháp hiện hành.
Sau khi nghe các tờ trình, Báo cáo thẩm tra về 4 dự án, UBTVQH tiến hành thảo luận về nội dung này. Qua thảo luận, UBTVQH tán thành với sự cần thiết ban hành 4 Luật. Trong phần thảo luận, các đại biểu góp ý vào các nội dung cụ thể của các dự án Luật liên quan tới: xử lý trường hợp nước ngoài từ chối yêu cầu dẫn độ để thi hành án của Việt Nam; các hình thức tương trợ tư pháp; cá nhân và cơ quan có thẩm quyền thu thập chứng cứ; mối quan hệ giữa Luật Tương trợ tư pháp về dân sự với các luật chuyên ngành...
Trong đó, đáng chú ý, về dự án Luật Dẫn độ, dự thảo Luật quy định theo hướng luật này quy định nguyên tắc, thẩm quyền, điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện dẫn độ và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước của Việt Nam trong dẫn độ. Về đối tượng áp dụng, dự thảo Luật áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có liên quan đến dẫn độ với Việt Nam. Về áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong dẫn độ, dự thảo Luật bổ sung điều kiện áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong dẫn độ, chuyển cơ quan quyết định việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong dẫn độ từ Bộ Ngoại giao sang Bộ Công an…
Góp ý về dự thảo luật này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cần tập trung hoàn thiện các quy định nhằm đảm bảo tính đồng bộ, khả thi, phù hợp với thông lệ quốc tế và bảo vệ quyền lợi của quốc gia cũng như công dân. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần làm rõ các nguyên tắc dẫn độ, đặc biệt là nguyên tắc dẫn độ công dân Việt Nam, nguyên tắc không dẫn độ công dân Việt Nam, các trường hợp từ chối dẫn độ nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, cần quy định chặt chẽ các biện pháp bảo đảm quyền con người gồm quyền được tiếp cận pháp lý, quyền không bị tra tấn hoặc đối xử vô nhân đạo trong quá trình dẫn độ để đảm bảo tính nhân văn, tuân thủ các cam kết quốc tế về quyền con người.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họpTrên cơ sở các ý kiến thảo luận, UBTVQH đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa 4 dự án Luật về những nội dung có tính chất chung như bố cục, nguyên tắc tương trợ tư pháp, ngôn ngữ, kinh phí, chi phí; hợp pháp hóa lãnh sự; trách nhiệm của cơ quan trung ương trong tương trợ tư pháp về dân sự, hình sự, về dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, hiệu lực thi hành, nguyên tắc dẫn độ cần chi tiết, cụ thể hơn... Việc hoàn thiện 4 dự thảo Luật phải gắn với yêu cầu về sắp xếp lại bộ máy của cả hệ thống chính trị; thực hiện nghiêm Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật…