Thứ Năm, ngày 5 tháng 12 năm 2024

Cân nhắc việc lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa ở địa phương

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 23/10, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề xuất quy định Quỹ bảo tồn di sản văn hóa tại dự thảo luật, theo hướng: quỹ chỉ hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, bổ sung quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế về yêu cầu, khả năng huy động nguồn lực, tính hiệu quả, khả thi để thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa ở địa phương… Về thanh tra di sản văn hóa, Chính phủ đề nghị quy định về thanh tra di sản văn hóa tại dự thảo luật, UBTVQH đã chỉ đạo, rà soát quy định này để bảo đảm tính thống nhất với quy định của pháp luật về thanh tra.

Thảo luận về dự án luật này, các đại biểu Quốc hội (ĐB) còn khác nhau về việc có nên lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa. ĐB, Thượng tọa Thích Đức Thiện (Điện Biên) ủng hộ việc thành lập quỹ này, vì nước ta hiện có hơn 40.000 di tích, hơn 70.000 di sản văn hóa phi vật thể, 15 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh và 9 di sản tư liệu…; nhưng nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích rất thấp so với yêu cầu thực tế. Nhiều di tích, di sản văn hóa đang bị xuống cấp, mai một do thiếu kinh phí duy trì. Do đó, việc thành lập quỹ là rất cần thiết để hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động bảo tồn, tu bổ, phục hồi di sản văn hóa mà ngân sách nhà nước chưa thể đáp ứng được. Quỹ cũng sẽ góp phần bảo vệ, phát huy các giá trị di sản văn hóa, vốn là nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội đất nước. Trong khi đó, một số ĐB đề nghị cân nhắc việc lập quỹ này tại địa phương, chỉ nên thành lập quỹ ở trung ương.

Đại biểu, Thượng tọa Thích Đức Thiện (Điện Biên) Đại biểu, Thượng tọa Thích Đức Thiện (Điện Biên)

ĐB Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) đề nghị nghiên cứu và cân nhắc quy định bảo vật quốc gia thuộc sở hữu riêng, bởi bảo vật quốc gia là di vật, cổ vật có giá trị đặc biệt quý hiếm, tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học; nếu bảo vật quốc gia được xác lập sở hữu riêng, thì các tổ chức, cá nhân cũng sẽ được quyền trao đổi, mua, bán, tặng, dẫn đến nguy cơ di sản dễ bị đưa ra nước ngoài hoặc lạm dụng, sử dụng không đúng mục đích, ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia.

Một trong những vấn đề đại biểu Quốc hội thảo luận sôi nổi là vấn đề hài hòa lợi ích của người dân vùng bảo vệ di tích như thế nào. Theo ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), cần tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho người dân nằm trong khu quy hoạch, vì việc sửa chữa, cơi nới phải qua rất nhiều khâu và gặp nhiều khó khăn, thậm chí không sửa chữa được. Đại biểu đề nghị dù luật không quy định nhưng Nghị định của Chính phủ cần quy định rõ ràng, rành mạch nội dung này, để người dân trong vùng bảo vệ di tích có thể thuận tiện trong các thủ tục sửa chữa, cơi nới…

ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề nghị bổ sung các biện pháp hỗ trợ cộng đồng; đặc biệt là ở các vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, nơi có nhiều di sản văn hóa có nguy cơ bị mai một, thất truyền. Cộng đồng cần được hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất và được tham gia vào các chương trình đào tạo nâng cao năng lực bảo vệ di sản. ĐB Phạm Văn Hòa cũng cho rằng, tiếng nói và chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số là di sản rất đặc biệt, đề nghị cần phải quan tâm bảo tồn, giữ gìn và phát huy.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)

Bên cạnh đó, ĐB Phạm Văn Hòa nhận thấy, thực tế thời gian qua có tình trạng di vật, bảo vật quốc gia đặc biệt quan trọng nhưng bị thất thoát, mất mát, thậm chí mua bán ra nước ngoài. Đây là vấn đề nhức nhối và thực tiễn đặt ra trong thời gian qua, do vậy, đại biểu đề nghị trong dự thảo luật không quy định cụ thể nhưng Nghị định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch cần quy định cụ thể để tổ chức thực hiện cho tốt.

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, về Quỹ bảo tồn di sản văn hóa, hiện vẫn còn ý kiến khác nhau, nhưng đây là quỹ không sử dụng ngân sách nhà nước, mà là từ các nguồn xã hội hóa, hiến tặng, đóng góp của xã hội. Di sản văn hóa là lĩnh vực mà nhà nước cần quản lý chặt chẽ, rất cần sự đóng góp của xã hội để phát triển di sản văn hóa. Luật cũng đã quy định không nhất thiết tất cả các địa phương đều phải thành lập quỹ này.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo