Toàn cảnh phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội.(Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục phiên họp thứ 26, ngày 28/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về báo cáo lộ trình rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) hàng năm.
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong các năm vừa qua, báo cáo quyết toán NSNN của Chính phủ đã được đánh giá cơ bản tuân thủ theo quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục quyết toán, được tổng hợp từ quyết toán ngân sách các tỉnh, thành đã được HĐND cấp tỉnh phê chuẩn và quyết toán ngân sách các bộ, cơ quan trung ương đã được cơ quan tài chính thẩm định. Số liệu quyết toán đã được kiểm toán bởi Kiểm toán Nhà nước trước khi trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn.
Tuy nhiên, công tác lập, tổng hợp báo cáo quyết toán NSNN còn một số tồn tại, hạn chế như: công tác lập, thẩm định, trình quyết toán NSNN còn chậm so với thời hạn quy định; còn xảy ra tình trạng điều chỉnh số liệu trong quá trình xét duyệt, thẩm định quyết toán. Bên cạnh đó, thời gian Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN chậm nhất 18 tháng sau khi kết thúc năm ngân sách theo quy định của Luật NSNN là quá dài, chưa kịp thời đưa ra bức tranh tổng thể về tình hình thực hiện thu, chi NSNN để có những đánh giá mang tính thời sự và rút kinh nghiệm cho năm tiếp theo, làm giảm vai trò, ý nghĩa của công tác quyết toán NSNN đối với công tác xây dựng dự toán và quản lý NSNN.
Do đó, Chính phủ trình rút ngắn thời gian quyết toán NSNN nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN; tăng cường công tác hậu kiểm (kiểm tra, thanh tra, kiểm toán) đối với quyết toán NSNN. Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện thí điểm, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung quy định của Luật NSNN và một số Luật có liên quan đến công tác quyết toán NSNN làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai quy trình rút ngắn quyết toán NSNN trên phạm vi cả nước...
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ, việc rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN hàng năm là rất cần thiết. Theo đó, cần sớm sửa đổi các quy định của Luật NSNN liên quan đến quy trình, thời gian quyết toán NSNN để chấn chỉnh các tồn tại, hạn chế trong quyết toán NSNN hàng năm hiện nay, đảm bảo tính chính xác, công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng NSNN. Trường hợp không thể sửa đổi ngay các quy định của Luật NSNN và pháp luật khác có liên quan đến công tác quyết toán NSNN, Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm việc thực hiện rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN hàng năm là phù hợp. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị, cần bổ sung, hoàn thiện báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 đầy đủ lộ trình rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN hàng năm. Bên cạnh đó, khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, đề xuất đưa vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2024 sửa đổi một số điều của Luật NSNN về rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, UBTVQH ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ trong việc chuẩn bị báo cáo lộ trình rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN hàng năm như Nghị quyết của Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, hồ sơ báo cáo kèm theo dự thảo nghị quyết thí điểm còn chưa phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, UBTVQH đề nghị Chính phủ chỉ đạo bổ sung, hoàn thiện xây dựng báo cáo, tờ trình lộ trình rút ngắn quy định thời gian quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) bảo đảm đầy đủ theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết số 91/2023/QH15 Quốc hội khóa XV.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên họpBên cạnh đó, Chính phủ cần khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, đề xuất đưa vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2024 sửa đổi một số điều của Luật NSNN về rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN (để áp dụng năm 2025 phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2024). Trường hợp không kịp sửa đổi một số điều Luật NSNN trong năm 2024, khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết thí điểm rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN hàng năm báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 làm căn cứ để tổ chức thực hiện, phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2024 ngay trong năm 2025.
Cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu nhằm thực hiện quyền đánh thuế của Việt Nam đối với thuế tối thiểu toàn cầu mà Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) có chủ trương; nếu không đánh thuế với những đối tượng doanh nghiệp theo quy định của OECD sẽ làm mất quyền của mình, khi đó các doanh nghiệp sẽ nộp về công ty mẹ, nơi đặt trụ sở chính, như vậy vừa thất thu thuế, vừa làm mất dòng đầu tư vào Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị bỏ chữ “thí điểm” trong tên gọi để đảm bảo tính chắc chắn; khi sửa Luật Thu nhập doanh nghiệp sẽ đưa nội dung này vào luật. Hiện Bộ Tài chính đã thảo luận nhiều vòng và đề xuất Chính phủ trình Quốc hội bổ sung nội dung sửa đổi Luật Thu nhập doanh nghiệp vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025. Bộ Tài chính đã rà soát 122 doanh nghiệp chịu thuế tối thiểu toàn cầu của Việt Nam hiện nay, với khoản thu thuế khoảng 14.600 tỷ đồng. Do đó khi ban hành thuế này thì sẽ có thêm cơ chế hỗ trợ đầu tư. Bộ Tài chính cũng đang xây dựng dự thảo nghị định quy định chi tiết, đang trong quá trình lấy ý kiến cơ quan liên quan, người dân, doanh nghiệp và sẽ xin ý kiến của UBTVQH trước khi ban hành (dự kiến tháng 12/2023).
Đa số ý kiến tại phiên họp thống nhất với tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và trình tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2023 theo quy trình thủ tục rút gọn trong một kỳ họp, bởi các nội dung dự thảo nghị quyết tương đối rõ, bảo đảm các quy định cụ thể và chi tiết.