* Trình đề án sắp xếp, tinh gọn hệ thống cơ quan thanh tra theo 2 cấp
(Thanhuytphcm.vn) - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 27/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 năm 2025, trong đó yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quán triệt, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, tập trung thực hiện và hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2025 và cả nhiệm kỳ 2021 - 2025, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên trong năm 2025).
Chính phủ nêu rõ, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và có thặng dư cao, quyết tâm thực hiện thắng lợi toàn diện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025
Cùng với đó, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiên quyết cắt giảm các khoản chi thường xuyên không cần thiết để dành cho chi đầu tư phát triển và an sinh xã hội, bảo đảm hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất cho người dân, doanh nghiệp...
Chính phủ cũng yêu cầu khẩn trương hoàn thành việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Chính phủ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước theo Nghị quyết số 18-NQ/TW. Chính phủ sẽ sớm ban hành các Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo tổ chức bộ máy mới, bảo đảm đi vào hoạt động từ ngày 1/3/2025; rà soát, sửa đổi theo thẩm quyền hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến kiện toàn tổ chức bộ máy.
Chính phủ cũng nêu rõ, đẩy mạnh hơn nữa việc rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ các “điểm nghẽn”, “nút thắt” về pháp luật, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Trong năm 2025, mọi thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp được tổ chức thực hiện theo hình thức trực tuyến, thông suốt, liền mạch, minh bạch, hiệu quả, giảm tối đa giấy tờ; 100% thủ tục hành chính được thực hiện không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh; 100% Bộ phận một cửa thực hiện số hóa hồ sơ thủ tục hành chính trước khi giải quyết theo quy định
Đặc biệt, Chính phủ nhấn mạnh quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia, có tính liên tỉnh, liên vùng, kết nối quốc gia, khu vực, quốc tế. Chính phủ phấn đấu tỷ lệ giải ngân đầu tư công năm 2025 đạt 95% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; bảo đảm hoàn thành mục tiêu có ít nhất 3.000 km đường bộ cao tốc vào cuối năm 2025. Trong năm 2025, quyết tâm thông toàn tuyến cao tốc từ Cao Bằng tới Cà Mau, cơ bản hoàn thành Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, các cảng khu vực Lạch Huyện; nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất khánh thành đưa vào sử dụng dịp 30/4; khởi công xây dựng bến cảng Liên Chiểu; đẩy nhanh thủ tục đầu tư các dự án hạ tầng giao thông chiến lược, quan trọng quốc gia...
Chiều 10/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả (BCĐ), chủ trì phiên họp thứ 11 của ban chỉ đạo để bàn về đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Tại phiên họp, BCĐ đã đề xuất tổ chức bộ máy ngành thanh tra tập trung, thống nhất, tinh gọn về một đầu mối theo 2 cấp ở Trung ương và địa phương (cấp tỉnh). Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, việc sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra bảo đảm mục tiêu giảm đầu mối và biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ngành thanh tra; có kế thừa và đổi mới, cơ cấu tổ chức bộ máy của ngành thanh tra tập trung, thống nhất, tinh gọn theo 2 cấp. Thủ tướng lưu ý, việc sắp xếp phải khắc phục những bất cập, hạn chế, chồng chéo, trùng lắp trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan thanh tra như hiện nay; bảo đảm tính liên tục, không gián đoạn, không bỏ sót trong thực hiện nhiệm vụ; đồng thời rà soát, đánh giá, lựa chọn cán bộ có tâm, có tầm, có bản lĩnh, phẩm chất chính trị, tinh thông nghiệp vụ để bố trí, sắp xếp vào đội ngũ làm công tác thanh tra.
Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ và cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện đề án để trình Bộ Chính trị và Ban Chỉ đạo Trung ương xem xét, cùng với đó chuẩn bị trình Quốc hội sau khi Bộ Chính trị đã cho ý kiến.