Thứ Tư, ngày 23 tháng 4 năm 2025

Chính quyền địa phương cấp tỉnh sau sắp xếp đi vào hoạt động chậm nhất là ngày 15/9/2025

(Thanhuytphcm.vn) - Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa ký ban hành Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025.

Theo đó, nghị quyết nêu: không thực hiện sắp xếp đối với đơn vị hành chính có vị trí biệt lập hoặc có vị trí đặc biệt quan trọng liên quan đến quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Nghị quyết cũng nêu rõ định hướng về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc đơn vị hành chính cấp huyện ở hải đảo phải bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh và theo định hướng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Về trình tự, thủ tục xây dựng và thông qua đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, đáng chú ý nghị quyết nêu: UBND cấp tỉnh (cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp) tổ chức lấy ý kiến nhân dân về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh; quyết định nội dung, hình thức lấy ý kiến theo hướng dẫn của Chính phủ.

Sau khi có kết quả lấy ý kiến nhân dân, UBND cấp tỉnh (cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp) hoàn thiện đề án, gửi HĐND các cấp có liên quan để xem xét, biểu quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. UBND cấp tỉnh (cơ quan chủ trì) tổng hợp báo cáo chung trên cơ sở báo cáo kết quả của UBND cấp tỉnh cùng sắp xếp (cơ quan phối hợp) gửi Bộ Nội vụ để thẩm định.

Bộ Nội vụ tổ chức thẩm định nội dung đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh do địa phương chuẩn bị, tổng hợp, xây dựng đề án của Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội.

Hồ sơ đề án của Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh kèm theo dự thảo nghị quyết của Quốc hội phải được gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 30/5. Hồ sơ đề án phải được Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

Hồ sơ đề án phải được trình Quốc hội xem xét, thông qua trước ngày 30/6/2025 để bảo đảm có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Về trình tự, thủ tục xây dựng và thông qua đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, nghị quyết nêu rõ hồ sơ đề án của Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã phải được gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 30/5/2025. Hồ sơ đề án phải được Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội thẩm tra làm cơ sở trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước ngày 30/6/2025 để bảo đảm có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Tổ chức HĐND, UBND, các cơ quan của HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp xã sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính thực hiện theo quy định của pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Trường hợp HĐND ở một trong các đơn vị hành chính cấp tỉnh trước khi sắp xếp có tổ chức Ban Dân tộc thì HĐND cấp tỉnh ở đơn vị hành chính sau sắp xếp cũng được tổ chức Ban Dân tộc để hoạt động cho đến khi hết nhiệm kỳ 2021 - 2026. Việc thành lập các Ban khác của HĐND thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Thực hiện nhập nguyên trạng Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND cấp tỉnh, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh được tổ chức thống nhất ở các địa phương. Đối với các cơ quan chuyên môn đặc thù thuộc UBND cấp tỉnh thì việc tổ chức do chính quyền địa phương cấp tỉnh xem xét, quyết định phù hợp quy định của Chính phủ.

Việc sắp xếp cơ quan, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Việc tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công trên địa bàn đơn vị hành chính sau sắp xếp thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.       

Chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp hoàn thành xong việc kiện toàn tổ chức bộ máy và chính thức đi vào hoạt động chậm nhất là ngày 15/8/2025.

Chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp hoàn thành xong việc kiện toàn tổ chức bộ máy và chính thức đi vào hoạt động chậm nhất là ngày 15/9/2025.

Tổng số cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp không vượt quá tổng số cán bộ, công chức, viên chức có mặt tại các đơn vị hành chính cấp tỉnh trước sắp xếp. Số lượng cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp không vượt quá tổng số cán bộ, công chức có mặt tại các đơn vị hành chính cấp xã trước sắp xếp, không kể số lượng cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện được bố trí làm việc tại đơn vị hành chính cấp xã.

Tại thời điểm sắp xếp, số lượng Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND, cấp phó của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc có thể nhiều hơn số lượng so với quy định. Chậm nhất là 5 năm kể từ ngày nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã có hiệu lực thi hành, số lượng và việc bố trí lãnh đạo, quản lý, số lượng cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, tổ chức ở đơn vị hành chính sau sắp xếp thực hiện theo quy định.

Giữ nguyên chế độ, chính sách tiền lương và phụ cấp chức vụ (nếu có) hiện hưởng của cán bộ, công chức, viên chức chịu ảnh hưởng của việc sắp xếp đơn vị hành chính mà vẫn là cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị trong thời gian 6 tháng kể từ khi có văn bản bố trí công tác. Sau thời hạn này, thực hiện chế độ, chính sách và phụ cấp chức vụ theo quy định của pháp luật.

Ngân sách trung ương hỗ trợ một lần cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhận bổ sung cân đối ngân sách với định mức 100 tỷ đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp tỉnh giảm và 500 triệu đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp xã giảm từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2025 theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2025.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo