Thứ Sáu, ngày 10 tháng 1 năm 2025

Chó nghiệp vụ – những người chiến sỹ đặc biệt

Các huấn luyện viên đang tập luyện cho các chú chó nghiệp vụ

(Thanhuytphcm.vn) - Từ nhiều năm nay, công tác nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát cơ động (CSCĐ), Công an TPHCM không thể thiếu sự tham gia của lực lượng chó nghiệp vụ. Không chỉ là một công cụ hỗ trợ đặc biệt, những chú chó nghiệp vụ đã trở thành những đồng đội vô cùng gắn bó với các chiến sỹ công an.

Không thể thiếu trong các chuyên án lớn

Hiện nay, lực lượng chó nghiệp vụ tại Đội quản lý và sử dụng động vật nghiệp vụ được phân làm hai tổ: Tổ chó chiến đấu, bảo vệ và tổ chó hình sự. Tổ chó chiến đấu, bảo vệ được huấn luyện chuyên biệt để đảm nhiệm công tác tấn công trấn áp tội phạm và tuần tra kiểm soát. Những chú chó thuộc tổ này được huấn luyện rất nhanh nhẹn, dũng mãnh và sao cho có cú cắn chuẩn xác nhất. Còn tổ chó hình sự được huấn luyện phân biệt mùi hơi, đặc biệt là hơi người, mùi đặc trưng của ma túy hoặc thuốc nổ.

Trong nhiều chuyên án lớn của Công an TPHCM, không thể thiếu sự tham gia của lực lượng chó nghiệp vụ. Đại úy Phạm Văn Nam, Đội phó Đội quản lý và sử dụng động vật nghiệp vụ, Trung đoàn CSCĐ, Công an TPHCM cho biết, trong chuyên án triệt phá xưởng sản xuất ma túy lớn nhất cả nước do Trần Ngọc Hiếu cầm đầu, đơn vị được Ban chỉ huy chuyên án điều động tham gia truy bắt các đối tượng. Trong chuyên án này, xưởng sản xuất ma túy của đối tượng nằm sâu trong rừng cao su tại xã Trà Cổ, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Theo thông tin từ trinh sát nắm được, xưởng rộng khoảng 200 m2 trong khuôn viên 2ha, được bao bọc, nằm sâu trong rừng cao su và các rẫy trồng hồ tiêu, cách trục đường chính gần 1km. Tại xưởng, các đối tượng sản xuất ma túy nuôi rất nhiều chó dữ để giữ nhà và canh gác sự xâm nhập của người lạ.

Theo Đại úy Phạm Văn Nam, đối với địa hình rộng lớn, nhiều chỗ tẩu thoát, đối tượng manh động, nên Công an TPHCM đã điều động lực lượng CSCĐ và chó nghiệp vụ tới hiện trường, nhiệm vụ là cảnh giới không để các đối tượng trốn thoát. Với lực lượng chó nghiệp vụ canh gác vòng ngoài, lực lượng CSCĐ và Cảnh sát hình sự đã “cất lưới” gọn gàng các đối tượng. Đây là một trong nhiều chuyên án lớn của Công an TPHCM có sự tham gia của lực lượng chó nghiệp vụ của Trung đoàn CSCĐ.

Hàng ngày, lực lượng chó nghiệp vụ thường xuyên tham gia tuần tra kiểm soát tại các tuyến, địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự tại các khu vực giáp ranh, vùng ven TP. Trong các sự kiện quan trọng của quốc gia, lực lượng này thường xuyên được huy động để đảm bảo an ninh, phối hợp rà soát bom mìn.

Một chú chó đang tập luyện bài tập tấn công tội phạm với huấn luyện viên Một chú chó đang tập luyện bài tập tấn công tội phạm với huấn luyện viên

Những “cặp đôi” thân thiết

Có mặt tại Đội quản lý và sử dụng động vật nghiệp vụ, Trung đoàn CSCĐ, Công an TPHCM vào những ngày cuối năm, chúng tôi không khỏi thán phục khi theo dõi những chú chó nghiệp vụ đang thực hiện bài tập luyện hằng ngày. Được biết, mỗi ngày mỗi chú chó phải luyện tập 3 tiếng với huấn luyện viên, gồm 15 bài tập cơ bản và các bài tập chuyên khoa của từng chú như nghiệp vụ đánh hơi thuốc nổ, ma túy, trấn áp tội phạm,… Hiện đơn vị đang huấn luyện cả trăm chú chó nghiệp vụ, chủ yếu là giống Berger, Rottweiler của Đức và một ít Labrador của Mỹ.

Trong công tác huấn luyện chó nghiệp vụ có một đặc điểm, đó là mỗi chiến sỹ CSCĐ chỉ huấn luyện riêng một chú chó nghiệp vụ, được nhận từ trường huấn luyện từ khi chú chó còn nhỏ. Vì vậy, mỗi cặp “huấn luyện viên – chó nghiệp vụ” đều là một “cặp đôi” thân thiết, cả trong sinh hoạt lẫn công tác chiến đấu. Sau tập luyện, mỗi huấn luyện viên đều chăm sóc rất kỹ cho người bạn của mình như cho ăn, vuốt ve, chơi đùa, tắm rửa… để tình cảm giữa huấn luyện viên và “học viên” được thân thiết.

Có 14 năm trong đơn vị huấn luyện chó nghiệp vụ, Đại úy Võ Minh Châu chia sẻ, mỗi chú chó cũng có tính tình khác nhau mà người huấn luyện viên phải chú ý, đặc biệt là những món đồ yêu thích của chúng. Như chú chó Berger tên Jin hiện tại là chú chó thứ 3 anh đang huấn luyện. Anh cho biết chú cũng rất “bướng”, trong khi chuyên khoa của chú là chuyên khoa thuốc nổ, rất cần sự điềm tĩnh. Phải mất nhiều thời gian huấn luyện Jin mới chịu nghe lời và thực hiện những bài tập. Đại úy Châu cũng cho biết, công tác huấn luyện chó nghiệp vụ nhận diện thuốc nổ cũng rất khó khăn vì tính chất công việc nguy hiểm, đồng thời hiện nay rất nhiều loại thuốc nổ mới nên cán bộ huấn luyện phải liên tục cập nhật, kịp thời “chia sẻ” cho người đồng đội đặc biệt của mình nhận biết.

Theo Đại úy Võ Minh Châu, chó nghiệp vụ đánh hơi rất tốt, nhưng không dễ để chúng quen và đánh hơi được đúng mùi của thuốc nổ. Bí quyết của anh là kiếm những món đồ chơi mà người bạn của mình thích rồi giấu đi để Jin đi tìm. Sau dần, anh giấu kèm món đồ chơi với thuốc nổ để chú quen. “Khi đã quen với mùi đặc trưng của thuốc nổ, huấn luyện viên sẽ không cần giấu kèm đồ chơi mà chỉ giấu thuốc nổ là chú chó có thể tự tìm thấy, và khi ấy Jin sẽ được phần thưởng là món đồ chơi mình yêu thích” - Đại úy Võ Minh Châu hào hứng chia sẻ khi kể về chú chó cưng và vô cùng thân thiết của mình.

Nam Chung


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo