Thứ Tư, ngày 15 tháng 1 năm 2025

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh: Bảo vệ và phát triển bền vững đối với toàn bộ 14,609 triệu ha rừng hiện có

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh

(Thanhuytphcm.vn) - Từ 14 giờ 30 chiều 6/6, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Nội dung chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực dân tộc gồm: trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc và công tác phối hợp với các bộ, ngành trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030). Chính sách thu hút nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong chính sách dân tộc liên quan đến phân định các xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi. Việc giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc, khắc phục tình trạng du cư, du canh tự phát, chặt phá rừng.

Báo cáo của Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc gửi đến ĐBQH trước khi khi trả lời chất vấn cho thấy, đời sống và sản xuất của một bộ phận người dân di cư tự do còn gặp nhiều khó khăn; việc phục hồi sản xuất chưa bền vững, nhiều hộ dân chưa được hưởng các chính sách an sinh xã hội do chưa được công nhận tư cách pháp nhân (chưa được đăng ký hộ khẩu).

Bên cạnh đó, mật độ dân số cao, sức ép vào rừng ngày càng tăng, điển hình như vùng miền núi thiếu đất sản xuất nông nghiệp và nơi có dân di cư tự do; hoặc do yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhiều diện tích rừng phải chuyển đổi mục đích. Năm 2022, số vụ phá rừng là 3.418 vụ, tăng 538 vụ (tăng 19%), diện tích bị tác động là 952 ha, giảm 74 ha (giảm 7%) so với cùng kỳ năm 2021. Một số điểm nóng về tình trạng phá rừng tại một số tỉnh như: Đăk Lăk, Lâm Đồng, Nghệ An, Cao Bằng, Bắc Kạn... Nguyên nhân chủ yếu là phá rừng lấy đất sản xuất, trồng cây nông, lâm nghiệp.

Báo cáo đề ra giải pháp khắc phục thời gian tới là tập trung triển khai chương trình mục tiêu quốc gia, đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn; thực hiện hỗ trợ đất ở, đất sản xuất chuyển đổi nghề cho các hộ đồng bào DTTS chưa có hoặc thiếu đất ở, đất sản xuất. Cụ thể mục tiêu tới năm 2025 sẽ giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào, trong đó dự kiến sẽ giải quyết đất ở cho hơn 17.400 hộ, giải quyết trực tiếp đất sản xuất cho hơn 47.200 hộ và giải quyết sinh kế cho 271.800 hộ.

Đối với cơ chế sử dụng vốn đầu tư công hỗ trợ trực tiếp hộ gia đình, Chính phủ đã giao Bộ KH-ĐT tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 27/2022/NĐ-CP, trong đó bổ sung cơ chế đặc thù và quy trình, thủ tục thanh quyết toán.

Báo cáo cũng nêu, Ủy ban Dân tộc cũng phối hợp với Bộ NN-PTNT và các bộ, ngành, địa phương triển khai cơ chế chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào DTTS. Hạn chế tối đa chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích ngoài lâm nghiệp; hoàn thành việc giao đất, giao rừng, cho thuê rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp. Bảo đảm tất cả diện tích rừng và đất được quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp phải được giao, cho thuê đến những chủ rừng thực sự; đảm bảo đủ điều kiện để tổ chức bảo vệ rừng và phát triển bền vững nguồn tài nguyên rừng. Đảm bảo mục tiêu bảo vệ và phát triển bền vững đối với toàn bộ 14,609 triệu ha rừng hiện có và diện tích rừng được tạo mới; giảm tối thiểu 10%/năm về số vụ vi phạm và diện tích rừng bị thiệt hại so với năm 2020…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo