Năm 1987, Ðại hội đồng UNESCO đã thông qua Nghị quyết khuyến nghị các Quốc gia thành viên cùng tham gia kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một vị Anh hùng dân tộc và Nhà văn hóa lớn, nhằm phổ biến tầm vóc lớn lao của lý tưởng và sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người.
Hôm nay, nhiều người trên khắp thế giới kỷ niệm Ngày sinh của Người vì Hồ Chí Minh được coi là một biểu tượng nổi bật về tinh thần quả cảm của dân tộc, Người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước và nhân dân Việt Nam, qua đó góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Hồ Chí Minh đã có những đóng góp to lớn trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật, và thể hiện rõ sự quan tâm của Người đối với những khát vọng của các dân tộc đang nỗ lực khẳng định bản sắc văn hóa của mình và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau.
Tôi rất ấn tượng với hình ảnh của Người, một con người kiên cường trong bộ quân phục giản dị và chỉ huy các đoàn quân nam nữ vượt qua những hoàn cảnh đầy khó khăn gian khổ, nhưng đồng thời cho thấy sự quan tâm chu đáo và nhạy cảm đối với chim muông, sinh vật được Người coi là báu vật của thiên nhiên.
Người cũng quan tâm đến quyền và vai trò của phụ nữ trong xã hội. Trong Di chúc, Người dặn rằng Ðảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bảo đảm ngày càng có thêm nhiều phụ nữ tham gia mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Ðối với UNESCO, bình đẳng giới là một điều kiện cần thiết để đạt được các mục tiêu phát triển quốc tế.
Với tầm nhìn xa rộng của mình, Người đã nhận thấy trước ý nghĩa quan trọng của việc bảo vệ môi trường và tăng cường mối quan hệ hòa hợp giữa con người và thiên nhiên vì sự phát triển bền vững của quốc gia.
Người ủng hộ sự cần thiết phải chống thiên tai, duy trì và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cùng môi trường sinh thái, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trồng rừng, làm thủy lợi và cải thiện chất đất. Người khuyến khích nhân dân trồng thật nhiều cây.
Người chú ý đặc biệt đến việc bảo vệ và bảo tồn di sản cũng như sự đa dạng văn hóa, và đã xây dựng công cụ pháp lý đầu tiên của Việt Nam về bảo vệ di sản văn hóa, bởi vì Người tin rằng văn hóa là nền tảng, là sức mạnh của mọi dân tộc.
Ngày nay, điều này trở nên hết sức quan trọng khi năm 2010 được Ðại hội đồng Liên hợp quốc tuyên bố là Năm quốc tế hữu nghị giữa các nền văn hóa. Ðây là một năm trong đó việc bảo tồn sự đa dạng văn hóa và các bản sắc văn hóa cũng như việc tăng cường đối thoại giữa các nền văn hóa có một ý nghĩa quan trọng và tính cấp bách mới.
Hồ Chí Minh là một vĩ nhân có tầm nhìn xa trông rộng, Người đã đoán trước được sự phát triển vĩ đại của dân tộc này và do đó, đã góp phần vào việc xây dựng một phong cách mới của ngoại giao Việt Nam, một phong cách đã giúp Việt Nam xác lập thành công vị trí của mình ở khu vực và trên thế giới, rất phù hợp với những khái niệm về hợp tác hòa bình và hiểu biết lẫn nhau trên thế giới được UNESCO quảng bá.
Hồ Chí Minh tin vào giá trị của truyền thông và đã đưa ra một phong cách làm báo mới ở Việt Nam, lấy dân tộc và người dân làm chủ đề thời sự chính.
Người hay nhấn mạnh rằng, giáo dục là chìa khóa xóa bỏ nghèo đói và đạt tới sự phát triển và thịnh vượng, và đích thân Người cũng tham gia dạy học, luôn dành sự chú ý đặc biệt cho trẻ em.
Có một mối quan hệ tương đồng giữa niềm tin của Hồ Chí Minh rằng "mục tiêu cuối cùng của việc học là trở thành con người đúng với nghĩa của từ này" với bốn trụ cột của việc học đã được Ủy ban Giáo dục cho Thế kỷ 21 xác định là những nguyên tắc cơ bản cho việc định hình lại giáo dục. Ðó là: Học để biết, Học để làm, Học để làm người, và Học để chung sống.
Tôi xin được kết thúc bài tham luận của mình hôm nay bằng câu nói nổi tiếng của Hồ Chí Minh: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do". Câu nói còn rất có giá trị và tác động mạnh mẽ trong bối cảnh thế giới ngày nay.
Giờ đây, tôi cùng dân tộc Việt Nam kỷ niệm Ngày sinh của nhân vật vĩ đại, Người đã để lại một dấu ấn trong sự phát triển của nhân loại và lịch sử của đất nước này.
Xin chúc tất cả quý vị một tương lai phồn thịnh và thái bình.
----------------
Lược trích Bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh