Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và niềm tự hào Việt Nam

Tổ quốc được ví như “người mẹ”. “Người mẹ” luôn dõi theo, quan tâm đến những “người con” của mình sinh sống, làm việc ở khắp nơi trên thế giới và mừng vui chứng kiến những “người con” của mình thành đạt. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã chia sẻ như vậy khi gặp mặt kiều bào xa Tổ quốc trong các chuyến công du nước ngoài. Những buổi nói chuyện ấm tình quê hương từ người đứng đầu Nhà nước đã tiếp thêm động lực để kiều bào và trí thức Việt Nam trên đất khách quê người nỗ lực nhiều hơn, cố gắng nhiều hơn, đem lại vinh quang cho “người mẹ Tổ quốc” thân yêu.

Trí thức nước nhà - nguyên khí của quốc gia

Tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng đặt vấn đề: "Bối cảnh tình hình mới đòi hỏi chúng ta phải quan tâm xây dựng, phát triển và phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí và sự đóng góp của đội ngũ trí thức nước nhà-nguyên khí của quốc gia, đáp ứng yêu cầu chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".

Chỉ đạo của Tổng Bí thư về phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong giai đoạn mới cũng chính là nội dung trọng tâm trong chương trình hoạt động của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trong những chuyến công du nước ngoài ngay năm đầu tiên trên cương vị Chủ tịch nước qua các lục địa: Châu Âu, châu Mỹ, châu Á.

Sâu sắc, tinh tế nhưng cũng rất chân tình, gần gũi, giản dị, đó là những điều đọng lại trong tâm trí các nhà khoa học, trí thức, các giới đại diện cho những thế hệ người Việt tại Nhật Bản ở cuộc gặp gỡ Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vào một buổi sáng đầu đông tại thủ đô Tokyo, tháng 11-2023. Một sự kiện diễn ra vào thời khắc lịch sử kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước. Chủ tịch nước đã dành thời gian lắng nghe các câu chuyện, hòa cùng niềm vui và chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng được cống hiến cho sự nghiệp khoa học, cho Tổ quốc của các trí thức Việt kiều.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tới thăm, nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và có buổi gặp gỡ các trí thức đại diện các thế hệ người Việt tại Nhật Bản (27-11-2023). Ảnh: TTXVN Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tới thăm, nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và có buổi gặp gỡ các trí thức đại diện các thế hệ người Việt tại Nhật Bản (27-11-2023). Ảnh: TTXVN

Vợ chồng Phó giáo sư Lê Thị Thanh Thủy và Tiến sĩ (TS) Nguyễn Hoàng Hải đều đang làm việc tại Đại học Osaka Metropolitan. Chị Thanh Thủy tốt nghiệp thủ khoa Trường Đại học Y Hà Nội, giành học bổng sang Nhật du học rồi thành danh tại đây. Hiện tại, Phó giáo sư Lê Thị Thanh Thủy được xếp hạng là chuyên gia số hai trên toàn thế giới về Cytoglobin... Chị nên duyên với người bạn đồng hương là TS Nguyễn Hoàng Hải, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Osaka đầu thập niên 2000 và là thành viên chủ chốt thúc đẩy Hội nghị giao lưu khoa học sinh viên Việt Nam-Nhật Bản. Thành công nơi phương xa nhưng luôn hướng về Tổ quốc, hai người bạn đời, hai nhà khoa học người Việt đã trực tiếp đào tạo nhiều tiến sĩ, thạc sĩ và âm thầm kết nối nhiều học bổng cho nghiên cứu sinh, sinh viên Việt Nam sang nghiên cứu, học tập tại Nhật Bản.

Hay câu chuyện chứa đầy đức hy sinh và nhân ái của Ni sư Thích Tâm Trí, trụ trì chùa Đại Ân Honjo Saitama. Ni sư từng tốt nghiệp thủ khoa Thạc sĩ ngành Triết học Ấn Độ tại Đại học Taisho, hoàn thành Tiến sĩ ngành Triết học Phật giáo, nhận bằng Giáo sư trà đạo Nhật Bản. Ni sư đã miệt mài tổ chức nhiều hoạt động từ thiện, hỗ trợ cộng đồng trong thảm họa động đất, sóng thần, dịch Covid-19, được Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản tặng bằng khen.

Vui mừng gặp gỡ những đại diện ưu tú của cộng đồng trí thức Việt Nam tại đất nước mặt trời mọc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng xúc động bày tỏ: “Được nghe các anh chị, các bạn kể về trải nghiệm, nỗ lực và những thành công của mình, tôi thật vui, thật xúc động và rất đỗi tự hào về những thành tựu mà các bạn đã đạt được. Thành công ở Việt Nam đã là khó, nhưng thành công ở nước ngoài thì còn khó hơn gấp nhiều lần. Bởi ở nhà có người thân bên cạnh hỗ trợ, còn đất khách quê người, một mình phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, phải có tinh thần, ý chí và nghị lực rất lớn mới có thể vượt qua. Những thành công của các anh chị không chỉ làm cho cá nhân mình nổi tiếng mà nó có ý nghĩa lớn hơn rất nhiều khi những thành tựu ấy đã thực sự góp ích cho cộng đồng, cho quê hương".

Chủ tịch nước rất ấn tượng trước tâm sức góp phần đào tạo nhân tài cho nước nhà của vợ chồng chị Thanh Thủy, cũng như hành trình miệt mài tích đức của ni sư Thích Tâm Trí. “Là người Việt thì dù ở bất cứ nơi đâu cũng có thể góp công xây dựng quê hương và thể hiện tinh thần yêu nước của mình. Không phải cứ về nước mới là đóng góp cho đất nước, những câu chuyện hôm nay cho thấy người Việt ở nước ngoài vẫn đóng góp cho đất nước rất nhiều", Chủ tịch nước khẳng định.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng phu nhân thăm gia đình Việt kiều Phạm Văn Tịch ở Hoa Kỳ. Ảnh: QDND.VN Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng phu nhân thăm gia đình Việt kiều Phạm Văn Tịch ở Hoa Kỳ. Ảnh: QDND.VN

TS Nguyễn Hoàng Hải bày tỏ: "Trong 21 năm làm việc tại Nhật Bản, đây là lần đầu tiên chúng tôi được gặp Chủ tịch nước và cảm nhận được tình cảm rất đỗi thân thiện. Chủ tịch nước trao đổi là không cần phải về Việt Nam mới đóng góp được cho Tổ quốc mà trở thành một chuyên gia được chính những người sở tại yêu quý, tin cậy thì mình có thể là cầu nối để đào tạo TS cho Việt Nam, giới thiệu học bổng cho rất nhiều bạn ở trong nước; đồng thời vừa có thể mời các chuyên gia về liên kết, đào tạo ở Việt Nam. Vợ chồng tôi sẽ kiên trì cách làm này". Còn ni sư Thích Tâm Trí xúc động chia sẻ: "Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã ưu ái dành tình cảm sâu đậm cho kiều bào. Chủ tịch nước có nói: Việt Nam là quê hương và Nhật Bản là ngôi nhà của các bạn. Kiều bào cần tích cực hỗ trợ đất nước phát triển bằng tri thức của mình. Chủ tịch nước đã kêu gọi chúng tôi phát huy tình người, lòng nhân ái để đoàn kết, chung chí hướng cùng dựng xây đất nước, đó cũng là cách thể hiện lòng yêu nước của người Việt ở phương xa".

Tiến sĩ Phạm Hùng Cường, Việt kiều tại Nhật Bản tặng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cuốn sách về hydrogen. Ảnh: QDND.VN Tiến sĩ Phạm Hùng Cường, Việt kiều tại Nhật Bản tặng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cuốn sách về hydrogen. Ảnh: QDND.VN

 

Trước khi rời xứ sở hoa anh đào trong chuyến thăm nhiều dấu ấn, Chủ tịch nước đã đến thăm Trung tâm nghiên cứu quốc tế về năng lượng hydrogen tại Đại học Kyushu, nơi có một người Việt Nam khá nổi danh là TS Phạm Hùng Cường. Xúc động và vinh dự được Chủ tịch nước đến thăm, với kinh nghiệm 11 năm nghiên cứu công nghệ pin nhiên liệu thế hệ mới, TS Phạm Hùng Cường, cũng là Phó chủ tịch Hội Chuyên gia Việt Nam-Nhật Bản, mong muốn được góp sức mình vào quá trình chuyển đổi xanh ở Việt Nam.

Nước sở tại là nhà, Việt Nam là quê hương

Tại thủ đô Vienna, trong chương trình thăm chính thức Cộng hòa Áo (tháng 7-2023), dù rất bận rộn với lịch trình dày đặc của chuyến thăm nhưng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vẫn dành thời gian tới tận nơi, thăm hỏi, tặng quà gia đình TS Vật lý học Nguyễn Duy Hà, nhà khoa học người Việt từng tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội; hiện là chuyên gia vật lý lượng tử nhiệt độ thấp, Giáo sư giảng dạy tại Đại học Bách khoa Vienna. Ông thuộc nhóm nghiên cứu số một của Áo và là một trong 7 nhóm nghiên cứu nhiệt độ thấp hàng đầu của châu Âu.

Còn chuyến công tác tới bang California, Hoa Kỳ tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2023 (tháng 11-2023), Chủ tịch nước và phu nhân đã tới thăm gia đình Việt kiều Phạm Văn Tịch, một người khuyết tật nhưng là chuyên gia công nghệ thông tin tại Đại học Berkeley. Nay dù tuổi cao, sức yếu nhưng gia đình ông Tịch vẫn là mái ấm của nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam đang học tập tại khu vực Oakland, California. Chuyến thăm của nguyên thủ quốc gia đến tận nhà của trí thức Việt kiều lần nào cũng gần gũi, ấm áp, thấm đẫm ân tình, truyền đến kiều bào thông điệp sâu sắc: Người Việt Nam ở nước ngoài luôn xem nước sở tại là nhà, nhưng trong thẳm sâu trái tim mỗi người, hai chữ Việt Nam vẫn là mạch nguồn, cội rễ không bao giờ phai.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm gia đình Tiến sĩ Nguyễn Duy Hà tại Cộng hòa Áo. Ảnh: QDND.VN Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm gia đình Tiến sĩ Nguyễn Duy Hà tại Cộng hòa Áo. Ảnh: QDND.VN

Dân tộc Việt Nam luôn trọng người tài, yêu quý trí thức. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng từng khẳng định, Việt Nam có một quan điểm rất mạnh mẽ về xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh “để nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước”. Sức mạnh của một dân tộc không phải nằm ở tài nguyên trong lòng đất, lòng biển mà là ở nguồn nhân lực chất lượng cao, có trí tuệ, tri thức và phẩm giá.

Chủ tịch nước thường chia sẻ: “Sức hút Việt Nam có lẽ đến từ văn hóa, từ những nụ cười, từ niềm lạc quan, bằng lòng hòa hiếu, mến khách, sự cầu thị học hỏi và đến từ những con người yêu nước nồng nàn, coi trọng các giá trị bền vững”.

Trong bối cảnh ngày nay, khi sự chia rẽ và thách thức đang diễn ra ngày càng sâu sắc ở nhiều nơi trên thế giới thì hoạt động kết nối của lãnh đạo cấp cao trong sự mến mộ, chân thành và tin cậy đã đem đến cho kiều bào và trí thức Việt kiều “một ngọn lửa hồng” của lòng yêu nước, của tình quê hương để truyền cảm hứng về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, không ngừng tiếp thêm sức mạnh để đất nước “giải những bài toán khó” trên con đường phát triển; để uy tín và vị thế Việt Nam không ngừng lớn mạnh trên trường quốc tế.

Sức hút Việt Nam có lẽ đến từ văn hóa, từ những nụ cười, từ niềm lạc quan, bằng lòng hòa hiếu, mến khách, sự cầu thị học hỏi và đến từ những con người yêu nước nồng nàn, coi trọng các giá trị bền vững Sức hút Việt Nam có lẽ đến từ văn hóa, từ những nụ cười, từ niềm lạc quan, bằng lòng hòa hiếu, mến khách, sự cầu thị học hỏi và đến từ những con người yêu nước nồng nàn, coi trọng các giá trị bền vững

 

Theo QDND.VN

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo