Thứ Hai, ngày 9 tháng 12 năm 2024

Chuyên đề giám sát của Quốc hội phải mang tính thời sự và những vấn đề xã hội quan tâm

ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông)

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 29/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Các đại biểu Quốc hội (ĐB) đều bày tỏ thống nhất với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Đồng thời cho rằng, tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát của Quốc hội phải là vấn đề mang tính thời sự và những vấn đề xã hội quan tâm, gắn với quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, có tính tổng hợp thuộc nhiều lĩnh vực và những vấn đề khác.

Các ĐB cũng đề nghị cần quy định rõ phạm vi, thẩm quyền, đối tượng giám sát của các cơ quan giám sát, không để chồng chéo, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân, đối tượng chịu sự giám sát.

Về bổ sung quy định cơ quan có trách nhiệm tham mưu, giúp việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức tiến hành hoạt động giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, không nên luật hóa nội dung này. Cần giao UBTVQH quy định cơ quan có trách nhiệm tham mưu giúp UBTVQH hoặc quy định cụ thể trách nhiệm của Ban Dân nguyện tham mưu, giúp UBTVQH tổ chức hoạt động giám sát là phù hợp. Vì vậy việc đề xuất thêm một cơ quan là không cần thiết.

Quốc hội họp ngày 29/11 Quốc hội họp ngày 29/11

ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông) quan tâm đến tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát. Theo đó, phải bám sát yêu cầu từ thực tiễn của cuộc sống, của các địa phương, các vấn đề còn tồn tại lâu dài chưa được quan tâm... Cần lựa chọn những vấn đề thực tiễn đặt ra đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển, vận động của kinh tế xã hội, lựa chọn những xu hướng cần áp dụng tác động tích cực đến chính sách, vấn đề nóng, vấn đề điểm nóng của hiện tại hoặc tồn đọng lâu dài không được giải quyết mà cử tri đặc biệt quan tâm.

Nêu ý kiến, ĐB Nguyễn Ngọc Xuân (Bình Dương) đề nghị bổ sung thẩm quyền giám sát các cơ quan trung ương tại địa phương cho HĐND cùng cấp. ĐB cho biết, qua thực tiễn hoạt động giám sát tại địa phương, HĐND nhiều nơi kiến nghị Quốc hội xem xét bổ sung mở rộng đối tượng giám, cụ thể: HĐND được quyền giám sát hoạt động của cơ quan trung ương tại địa phương như cục thuế, hải quan, ngân hàng nhà nước Bảo hiểm xã hội cùng cấp… ĐB cũng kiến nghị xem xét bổ sung đại biểu HĐND được quyền chất vấn người đứng đầu các cơ quan thuộc ngành dọc của Trung ương hoạt động tại địa phương…

ĐB Nguyễn Ngọc Xuân cho rằng, quy định chính thức việc HĐND được giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước cùng cấp thuộc trung ương đóng trên địa bàn, nhằm hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước tại địa phương. Qua đó, giúp cho chính quyền trung ương quản lý tốt việc thực hiện chính sách, pháp luật tại địa phương, vừa đảm bảo các định hướng, mục tiêu trung ương giao cho địa phương được thực thi hiệu quả. Với cơ chế kiểm soát của HĐND buộc các cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải có trách nhiệm giải trình, cam kết hành động trước cơ quan đại diện của nhân dân.

ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp)

Theo ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), Quốc hội khóa XV xác định, giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để đổi mới hoạt động của Quốc hội, với tinh thần giám sát không phải để tìm sai sót, hạn chế mà nhằm đồng hành, kiến tạo phát triển và cung cấp dữ liệu đầu vào cho Quốc hội trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Do đó, dự thảo luật phải thực hiện các yêu cầu liên quan đến thời kỳ đổi mới, đồng thời phải xem xét mối liên hệ chặt chẽ với các luật khác có liên quan như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương… trong bối cảnh sắp xếp lại bộ máy hiện nay…

Về quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, ĐB Huỳnh Thị Hằng Nga (Trà Vinh) đề nghị ban soạn thảo quy định thêm về trách nhiệm cụ thể mang tính bắt buộc đối với các chủ thể này. Theo ĐB, cần bổ sung các giải pháp thực sự hiệu quả để theo dõi, đôn đốc, ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan chịu sự giám sát, bảo đảm thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc các kết luận, kiến nghị giám sát. Song song đó, bổ sung quy định chế tài xử lý trong trường hợp quá thời hạn mà cơ quan, cá nhân không thực hiện kết luận, kiến nghị hoặc thực hiện không đúng yêu cầu…

Về nội dung tham gia giám sát của cơ quan, tổ chức, cá nhân, ĐB Huỳnh Thị Hằng Nga đề nghị bổ sung quy định rõ hơn về quyền và trách nhiệm của cá nhân tham gia giám sát, theo đó nên bổ sung quy định nhân dân được tham gia trong hoạt động giám sát, kiểm soát quyền lực nói chung và kiểm soát quyền lực người đứng đầu cơ quan Nhà nước nói riêng.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo