Đại biểu trao đổi tại hội nghị kết nối đối tác hợp tác trong chuyển đổi số diễn ra hồi đầu tháng 4/2021 (Thanhuytphcm.vn) - Hiệp Hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) và Hội Tin học TPHCM (HCA) được kỳ vọng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện chuyển đổi số với nhiều hoạt động thiết thực. Theo ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học TPHCM, với xu hướng chuyển đổi số, cơ hội từ nhóm khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), hay thậm chí siêu nhỏ, là rất lớn, đầy tiềm năng.
Từ chính quyền số đến kinh tế số
Tập đoàn VNPT trong một hội nghị gần đây không ngại thừa nhận rằng VNPT hiện triển khai thành công những giải pháp rất quy mô cho những tổ chức lớn, nhưng ở thị trường là "rất nhiều" doanh nghiệp SME trên cả nước với nhu cầu đa dạng về nghiệp vụ và mục tiêu kinh doanh, đơn cử như trong phân khúc ứng dụng chăm sóc khách hàng (CRM) hay quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP), thì đơn vị này thực sự gặp khó khăn. Do đó, VNPT không ngần ngại mời gọi cộng đồng doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ thông tin (doanh nghiệp ICT) tại TPHCM trở thành đối tác trong việc cung ứng các giải pháp chuyển đổi số.
Chia sẻ với đại biểu tham dự hội nghị Kết nối đối tác hợp tác trong chuyển đổi số diễn ra hồi đầu tháng 4/2021, đồng chí Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) TPHCM cho rằng thành phố đang thúc đẩy quá trình chuyển động hoạt động của chính quyền trên môi trường số, thúc đẩy việc hình thành chính quyền số, và có những giải pháp thúc đẩy việc chuyển đổi số tại doanh nghiệp.
Đồng chí Võ Thị Trung Trinh cũng chia sẻ thêm rằng từng dự một buổi Cafe doanh nhân HUBA về chủ đề chuyển đổi số do Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM tổ chức, và tại đây đã nghe nhiều chia sẻ kinh nghiệm thiết thực từ một số đại diện doanh nghiệp, doanh nhân về trải nghiệm triển khai chuyển đổi số. "Đây là một mô hình hay, và cần lan tỏa" – đồng chí Võ Thị Trung Trinh nhận định.
Đại diện Sở TTTT TP cũng cho biết thêm rằng, hiện TPHCM tập trung nhiều vào việc tăng cường hỗ trợ hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số, và Sở TTTT đề cao vai trò của các hiệp hội, trong đó có hai hiệp hội lớn là Hiệp hội Doanh nghiệp TP (HUBA) và Hội Tin học TP (HCA). Sắp tới, TPHCM sẽ thông qua hai hiệp hội này tổ chức mạng lưới chuyên gia để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của thành phố, cũng như chuẩn bị sẵn một số sản phẩm để các tổ chức - từ cơ quan nhà nước, chính quyền cho đến doanh nghiệp - dễ dàng tham khảo khi có nhu cầu tìm hiểu về chuyển đổi số.
Được biết, ngoài các hoạt động "bổ trợ kiến thức" cho doanh nghiệp về chuyển đổi số, thông qua Sở KH&CN, TPHCM hiện có chương trình tư vấn cho doanh nghiệp lập quỹ phát triển khoa học công nghệ.
Đáng chú ý, tại một nghị gần đây do Sawaco tổ chức, Phó Giám đốc Sở TTTT Võ Thị Trung Trinh tiếp tục nhấn mạnh rằng TPHCM đã ban hành mục tiêu từ nay đến năm 2025 TP sẽ chuyển đổi số toàn diện, trong đó kinh tế số sẽ đóng góp khoảng 25% tổng thu nhập của địa phương nên việc chuyển đổi số rất quan trọng đối với hiệu quả sản xuất kinh doanh của từng đơn vị và doanh nghiệp.
Theo đồng chí Võ Thị Trung Trinh, đây là vấn đề mới và TPHCM cần nhiều đề án để thực hiện, nhất là cần tập trung tuyên truyền kiến thức rộng rãi về chuyển đổi sao cho hiệu quả đến các đơn vị.
Đáng chú ý, Sở TTTT TP hiện cùng Sở KH&ĐT đã trình UBND TPHCM một số chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, trong đó đề xuất cho doanh nghiệp vay từ Quỹ kích cầu để thực hiện chuyển đổi số. Ngoài ra, TP cũng đẩy mạnh sử dụng Kho dữ liệu dùng chung để chia sẻ dữ liệu với các ngành, lĩnh vực liên quan đến hạ tầng, điện lực, cấp nước để phục vụ cho quá trình chuyển đổi số hiệu quả hơn.
Đừng kết nối… rồi thôi!
Nói về khả năng kết nối khách hàng, ông Quách Ngọc Long, đại diện công ty Workit cho biết bản thân từng tham dự nhiều buổi xúc tiến thương mại, nhưng cuối cùng thì sau sự kiện vẫn là tình trạng "mạnh ai nấy về mà chẳng thấy kết nối gì ở giai đoạn sau". Do đó, ông Quách Ngọc Long đề xuất các hoạt động kết nối doanh nghiệp cung cấp giải pháp chuyển đổi số với khách hàng doanh nghiệp cần được chú trọng hơn trong thời gian tới về tính hiệu quả, đi sâu vào thực chất.
Trong khi đó, ông Lê Trọng Khang, Giám đốc công ty DiCentral cũng cho rằng rất cần sự hỗ trợ từ chính quyền, hiệp hội ngành nghề trên địa bàn trong việc kết nối doanh nghiệp có nhu cầu triển khai chuyển đổi số với doanh nghiệp ICT.
Ông Lê Trọng Khang nhấn mạnh rằng, giải pháp công nghệ thì không cần sàn giao dịch, bởi đây không là hàng hóa bình thường, mà là chuỗi giá trị gia tăng, và đã là giá trị gia tăng thì phải chuyên ngành. Do đó, dưới góc độ doanh nghiệp chuyên cung ứng và triển khai các giải pháp công nghệ thông tin, ông Lê Trọng Khang nêu quan điểm rằng rất cần phía Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM tổ chức các buổi hội thảo, kết nối khách hàng theo từng chủ đề, từng nhóm ngành như vận tải (logistics), chuỗi cung ứng (supply chain), quản trị nhân sự.
"Cung cấp giải pháp, ứng dụng chuyển đổi số không phải là mang một sản phẩm ra giới thiệu, mà cần sự ngồi lại, tư vấn tận tình, thấu đáo giữa doanh nghiệp (cung ứng giải pháp) và khách hàng, những người trực tiếp tham gia vào quy trình nghiệp vụ tại mỗi doanh nghiệp", ông Lê Trọng Khang nói thêm.
Có cùng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Khánh Trang, Giám đốc điều hành công ty EXA bày tỏ ý kiến rằng đã đến lúc Hội Tin học TPHCM cần chủ động với hợp với các hội ngành khác của thành phố để làm tốt và hiệu quả hơn vai trò kết nối, cầu nối và dẫn dắt các doanh nghiệp ICT có quy mô vừa và nhỏ nhằm tạo ra sự liên kết sức mạnh để cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài lần nội địa trên thị trường cung cấp giải pháp chuyển đổi số, đặc biệt ở nhóm khách hàng mục tiêu là doanh nghiệp SME và cả doanh nghiệp siêu nhỏ.
Bà Nguyễn Thị Khánh Trang cũng cho rằng, bên cạnh việc thành phố cần tạo ra một hệ sinh thái (eco-systems) cho cộng đồng doanh nghiệp ICT để các doanh nghiệp này có thể "có đủ tự tin hơn" khi phải cạnh tranh với những "anh lớn" thì chúng ta cần chủ động phân cấp ra từng lớp/cấp doanh nghiệp để phục vụ cho từng đối tượng (khách hàng).
Và như lời ông Ngô Diên Hy, Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ thông tin VNPT (VNPT-IT), một giải pháp của doanh nghiệp ICT hoàn toàn có thể tận dụng hệ thống hơn 5.000 đại lý, nhân viên "bán hàng số" của VNPT trên phạm vi cả nước để tiếp cận khách hàng, và rõ ràng lợi ích kinh tế đang được san sẻ cho cả hai bên, đặc biệt khi mà doanh nghiệp ICT quy mô nhỏ chắc chắn có phần hạn chế trong việc tiếp cận khách hàng, nhưng bù lại là họ rất am tường về nghiệp vụ và nhu cầu từ phía khách hàng đang cần thực hiện chuyển đổi số.