Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Cô Phạm Thị Liễu: Người giáo viên luôn tận tụy, tâm huyết với nghề

Cô Phạm Thị Liễu, giáo viên Trường THCS Tân Phú Trung, huyện Củ Chi

(Thanhuytphcm.vn) - 23 năm gắn bó với nghề, cô Phạm Thị Liễu, giáo viên Trường THCS Tân Phú Trung (huyện Củ Chi), luôn tận tụy, tâm huyết với nghề, hết lòng vì học sinh thân yêu. Bằng trách nhiệm và khả năng chuyên môn vững vàng, cô đã gặt hái được nhiều thành công trong công tác giảng dạy, được học trò và đồng nghiệp tin yêu, quý mến.

Cô Phạm Thị Liễu yêu thích nghề giáo từ nhỏ. Cô kể, lúc nhỏ, cô đã thường chơi trò làm cô giáo với các bạn cùng xóm. Để hiện thực mơ ước đó, sau khi tốt nghiệp THPT, cô đã lựa chọn thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm TPHCM. Ngay sau khi tốt nghiệp, năm 1998, cô được nhận công tác tại Trường THCS Tân Phú Trung, nơi cô đã từng học.

Cô chia sẻ: “Thời gian mới bắt đầu đi dạy, bản thân còn bỡ ngỡ chưa nắm bắt được tâm sinh lý của học sinh, chưa có kinh nghiệm trong giáo dục, học sinh chưa ngoan nên  nhiều lúc cảm thấy buồn. Nhưng với sự giúp đỡ của Ban Giám hiệu, của những thầy cô giáo cũ và sự động viên khích lệ từ phía gia đình, bạn bè nên tôi đã vững tâm và không ngừng học hỏi, tạo động lực phấn đấu trong công tác”. Là giáo viên Địa lý, bộ môn mà nhiều phụ huynh và học sinh coi là môn học phụ, vì vậy, cô đã tích cực học hỏi kinh nghiệm, tự nghiên cứu tài liệu nâng cao qua sách vở, đọc sách báo, xem thời sự, trên internet…, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tạo niềm đam mê cho học sinh. Trong quá trình giảng dạy, cô luôn linh hoạt trong sử dụng các phương pháp dạy học, nỗ lực truyền đạt kiến thức theo cách dễ nhớ, dễ hiểu, tạo điều kiện để học sinh phát huy năng lực tư duy, sáng tạo, nhất là đam mê đối với môn học. Tùy vào học lực của học sinh mà cô áp dụng cách dạy, trao đổi khác nhau để giúp các em hiểu bài nhanh chóng.

Đặc biệt trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi cấp thành phố, cô đã mang về cho đội tuyển của huyện nhiều giải nhất. Để đạt được những thành tích đó cô đã giảng dạy bằng hết tâm huyết của mình. Cô tâm sự: “Qua nhiều năm tham gia công tác bồi dưỡng học sinh giỏi tôi nhận thấy các em có yêu thích, có đam mê mới đăng ký tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi bộ môn của mình nên mình phải tìm cách để thắp lên ngọn lửa đam mê của các em, cung cấp những kiến thức mà mình có được. Tôi luôn hướng cho các em tìm hiểu từ những cái đơn giản nhất và rèn cho các em những kỹ năng, kiến thức khó hơn, cao hơn”.

Đối với những em học yếu, theo cô không phải vì kém thông minh nhưng do một nguyên nhân nào đó làm cho các em chán học, không muốn học. “Là giáo viên, mình phải tìm hiểu xem nguyên nhân do đâu để động viên các em. Trong tiết dạy, tôi thường quan sát, chú ý tìm hiểu xem các em yếu những kiến thức nào để kịp thời bổ sung những kiến thức mà các em còn bị khuyết, giúp đỡ các em. Tôi nghĩ là giáo viên thì phải nghiêm khắc với những học sinh chưa ngoan nhưng cũng phải công bằng và khoan dung với các em”, cô Liễu cho biết.

Để các em học sinh yêu thích môn Địa lý thì trong những giờ dạy, cô luôn tạo tâm thế vui vẻ, lắng nghe, tôn trọng, chia sẻ, khơi dậy sự tự tin trong mỗi học sinh. Cô thường đưa ra những tình huống để kích thích trí tò mò khám phá của học sinh hoặc lồng ghép những mẩu chuyện nhỏ, những hình ảnh, những bài báo… để vừa cung cấp kiến thức mới, vừa giáo dục đạo đức, rèn kỹ năng sống cho các em.

Cô Phạm Thị Liễu trao giấy khen cho các em học sinh, năm 2020 Cô Phạm Thị Liễu trao giấy khen cho các em học sinh, năm 2020

Với cô, học trò là những người em, người con của mình, chính vì vậy, cùng với dạy kiến thức, cô thường xuyên trò chuyện, chỉ bảo các em cách ứng xử với những người xung quanh, dạy cả về tác phong, ngôn từ trong giao tiếp.

Tâm huyết, tận tụy với nghề, sử dụng đúng phương pháp và phát hiện học sinh năng khiếu, cô Liễu đã dày công dạy dỗ, “ươm trồng” nên nhiều học sinh giỏi qua mỗi năm học. Các lớp cô dạy với chất lượng bộ môn đạt tỷ lệ 99% học sinh trên trung bình, trên 80% học sinh đạt loại giỏi, xuất sắc. Riêng từ năm 2017 đến nay, cô đã giảng dạy và bồi dưỡng học sinh giỏi đạt 61 giải cấp thành phố, trong đó có 12 giải nhất.

Năm 2015, cô Phạm Thị Liễu đã được giáo viên tin tưởng bầu làm tổ trưởng chuyên môn. Với vai trò à giáo viên mạng lưới bộ môn Địa lý của huyện Củ Chi, cô đã chủ động xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Cô cũng không ngừng tìm hiểu các văn bản, những quy định, những hướng dẫn mới để triển khai đến giáo viên và hướng dẫn giáo viên cùng thực hiện. Đồng thời, cô thường xuyên lắng nghe, chia sẻ để động viên giúp đỡ đồng nghiệp trong công tác.

Cô Phạm Thị Liễu bên học trò thân yêu Cô Phạm Thị Liễu bên học trò thân yêu

Bằng chính lòng yêu nghề, sự tận tụy, tâm huyết với nghề, cô Phạm Thị Liễu đã có nhiều sáng kiến kinh nghiệm hay như: “Rèn kỹ năng sử dụng bản đồ trong dạy học Địa lý sự phân hóa lãnh thổ lớp 9”, “Vận dụng kiến thức liên môn, môn Văn học trong giảng dạy Địa lý lớp 9”, “Các biện pháp giáo dục đạo đức học sinh trong công tác chủ nhiệm” hay “Phương pháp dạy học phát triển năng lực sử dụng bản đồ, bảng số liệu trong dạy học Địa lý”…

Nhiều năm liền, cô Phạm Thị Liễu vinh dự đạt nhiều danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, cấp huyện; chiến sĩ thi đua cấp cơ sở (năm học 2008 - 2009 đến 2019 - 2020); được nhận nhiều Giấy khen của UBND huyện Củ Chi đạt thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi...

Thầy Đặng Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Phú Trung, cho biết: “Bản thân cô Liễu luôn gương mẫu, tâm huyết với nghề, tận tâm với công việc, có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác chuyên môn cho nhà trường và công tác đào tạo bồi dưỡng học sinh giỏi cấp thành phố. Cô đã nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp thành phố; tập thể nhà trường đã họp xét, đề xuất hồ sơ của cô để Sở Giáo dục và Đào tạo xét chọn giải thưởng Võ Trường Toản năm 2021. Tập thể nhà trường luôn trân trọng ghi nhận những đóng góp của cô Phạm Thị Liễu”.

Thu Hà


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo