Thứ Ba, ngày 7 tháng 1 năm 2025

Cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam: Không được biến “vàng ròng” thành “đất sét”

Tuy xuống cấp trầm trọng nhưng trụ sở VFS tại số 4 Thụy Khê - Hà Nội vẫn là “đất vàng”. (Nguồn: VTV)

(Thanhuytphcm.vn) – Những ngày qua, dư luận những người làm văn hóa, đặc biệt là các văn nghệ sĩ quan tâm đến câu chuyện cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Chỉ đạo thanh tra toàn bộ quá trình cổ phần hóa (CPH) Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sau chuyến thị sát và làm việc với các bên có liên quan (ngày 21/9) vẫn chưa thể “hạ nhiệt” dư luận hay làm an lòng các nghệ sĩ, đặc biệt là khi nhìn lại việc thương hiệu VFS - biểu tượng của nền điện ảnh quốc gia - bị đánh giá là “vô giá trị”.

60 năm tuổi đời, 400 bộ phim và “0 đồng”

Với các nghệ sĩ và người lao động gắn bó với VFS, những lùm xùm quanh chuyện tiền lương vừa qua chỉ là “giọt nước tràn ly” và không phải đợi đến tận hôm nay họ mới “kêu trời” mà những bức xúc đã gắn liền với quá trình CPH từ năm 2016.

Qua 20 năm hoạt động sa sút, thua lỗ triền miên, hơn ai hết, các nghệ sĩ VFS ý thức được rằng CPH là phương thức khả dĩ để tự cứu mình và đồng lòng ủng hộ chủ trương. Thế nhưng đến tháng 6/2016, nhiều nghệ sĩ tên tuổi như: NSND Nguyễn Thanh Vân, NSND Trà Giang, NSND Minh Châu, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, chủ nhiệm phim Lê Hồng Sơn… đã cùng ký bản kiến nghị gửi các cấp quản lý đề nghị dừng việc CPH VFS vì có những biểu hiện thiếu minh bạch. Nghi vấn đặt ra quanh việc Tổng Công ty Vận tải thủy (VIVASO) chỉ chi hơn 32,5 tỷ đồng đã nắm được 65% tổng giá trị doanh nghiệp (DN), là cổ đông chiến lược sau khi VFS thành công ty cổ phần (còn lại 20% vốn Nhà nước, 10,5% vốn chào bán ra ngoài, 4,5% vốn bán ưu đãi cho cán bộ, công nhân viên VFS). Có lý nào một đơn vị được quyền quản lý và sử dụng gần 14.000 m2 bất động sản, gồm: 2 “khu đất vàng” tại số 4 Thụy Khuê - quận Tây Hồ - Hà Nội (hơn 5.440 m2) và số 6 Thái Văn Lung - Quận 1 - TPHCM (hơn 1.200 m2), với gần 6.400 m2 ở trường quay Cổ Loa - Đông Anh - Hà Nội và hơn 900 m2 tại ngõ 151 Hoàng Hoa Thám - Hà Nội lại chỉ được định giá 50 tỷ đồng?

Đau lòng hơn khi người ta xác định “thương hiệu” một hãng phim quốc gia 60 năm tuổi đời, với 400 bộ phim - trong đó có nhiều kiệt tác điện ảnh: Bao giờ cho đến tháng Mười, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Nổi gió, Chị Tư Hậu, Chung một dòng sông, Em bé Hà Nội, Chị Dậu, Con chim vành khuyên, Vợ chồng A Phủ, Đêm hội Long Trì, Biệt động Sài Gòn… đã bồi đắp tâm hồn nhiều thế hệ người Việt Nam, sở hữu hơn 30 giải thưởng điện ảnh danh giá trong và ngoài nước lại là con số 0 đồng tròn trĩnh! Trong clip gửi ra Hà Nội ủng hộ sự đấu tranh của các nghệ sĩ, NSND Trà Giang phát biểu trong uất ức: “Một xưởng phim không chỉ là cơ sở vật chất, một cái máy quay phim hay là mảnh đất mà còn chính là đội ngũ cán bộ, nghệ sĩ, là của cải làm ra. Cụ thể là hơn 400 bộ phim, mà đó là xương là máu, là tình cảm, là tất cả những gì anh em của VFS cống hiến bao năm qua”. Và nói như NSƯT Minh Đức thì: “Đánh giá thương hiệu VFS bằng 0 là sự xúc phạm với bao nhiêu thế hệ nghệ sĩ”.

Bộ phim Em bé Hà Nội - một trong những niềm tự hào của VFS và điện ảnh Việt Nam Bộ phim Em bé Hà Nội - một trong những niềm tự hào của VFS và điện ảnh Việt Nam

Lách luật và “chơi chiêu”

Trong bức tâm thư rất dài gửi cho báo chí - truyền thông, NSND Thanh Vân (đạo diễn của Đời cát, Người đàn bà mộng du, Trái tim bé bỏng…), cũng là Phó Giám đốc VFS thời chưa CPH, đã chỉ ra những điều mà ông cho là bất thường. Cụ thể, NSND Thanh Vân cho rằng ước tính giá trị đất đai và lợi thế vị trí đất của VFS theo giá thị trường khoảng 2.000 tỷ đồng, chưa kể giá trị thương hiệu với trên 400 bộ phim truyện có từ gần 60 năm thành lập. Thế nhưng các giá trị kể trên lại bị đánh giá bằng 0 với sự đồng ý của Ban CPH Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch (VHTTDL) và VIVASO trở thành cổ đông chiến lược chỉ với 32,5 tỷ đồng cho 65% cổ phần - “rẻ bèo” so với giá trị một hãng phim có bề dày truyền thống. Qua sự kiến nghị của nhiều nghệ sĩ tên tuổi, ngày 28/12/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra kết luận rà soát lại toàn bộ quá trình CPH VFS, chú ý đưa giá trị thương hiệu tương xứng với giá trị truyền thống, lịch sử của VFS vào giá trị doanh nghiệp khi quyết định cổ phần. Thế nhưng ngày 23/6/2017, Bộ VHTTDL ra quyết định thành lập Công ty CP Đầu tư Phát triển Phim truyện Việt Nam thay thế Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam mà hoàn toàn không có giá trị thương hiệu như sự chỉ đạo của Thủ tướng.

“Thông báo tìm nhà đầu tư chiến lược chỉ được đăng vỏn vẹn 3 kỳ trên một tờ báo địa phương là Kinh tế và Đô thị Hà Nội với khổ chữ bé đến mức gần như không thể đọc nổi và ở góc không ai tìm đọc từ ngày 16 đến 18/1/2016. Và đây là tờ báo duy nhất đăng tin. Đến ngày 26/1/2016, chỉ hơn 10 ngày sau thông báo, Ban CPH Bộ VHTTDL đã tuyên bố hết thời hạn đăng ký đấu thầu cổ đông chiến lược cho dự án CPH VFS - thời điểm mà 2 ngày sau đã là ngày nghỉ Tết Âm lịch của công chức. Trong khi đó, hơn 1 năm trước đã có sự hiện diện của VIVASO là nhà đầu tư chiến lược với hồ sơ dày hàng chục kg… Rõ ràng, có những điều thiếu trung thực ở đây. Tôi mong muốn phải có một đơn vị độc lập, có tầm, có tâm hơn rà soát lại toàn bộ quá trình CPH này”, NSND Nguyễn Thanh Vân nhấn mạnh.

Theo quy định pháp luật, lợi thế đất cũng không được tính vào giá trị DN vì 4 mảnh đất VFS đang sử dụng đều là của Nhà nước cho thuê và hàng năm phải nộp tiền thuê đất. Tuy nhiên, nhiều luật sư, chuyên gia tài chính cũng nhìn nhận đây là thiếu sót của Nghị định 59 khi chỉ dựa vào giá đất đã trả cho Nhà nước mà không dựa vào lợi ích đất mang lại để xác định giá trị DN, từ đó tạo kẽ hở pháp luật cho việc chiếm “đất vàng” với giá rẻ, có nguy cơ làm thất thoát tài sản nhà nước.

Vĩ tuyến 17 ngày và đêm của VFS là một trong những tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt Nam Vĩ tuyến 17 ngày và đêm của VFS là một trong những tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt Nam

Theo Tổng Giám đốc Công ty CP Thẩm định giá IVC Phan Vân Hà, căn cứ theo các văn bản quy phạm pháp luật thì đơn vị thẩm định giá chưa có dấu hiệu làm trái luật. Tuy nhiên, ở đây đã không xét đến bản chất đặc thù của VFS - một hãng phim 60 năm tuổi đời với nhiều tác phẩm kinh điển. Trường hợp này vẫn có thể định giá thương hiệu qua lợi ích kinh tế thương hiệu tạo được cho chủ sở hữu thương hiệu. Tương tự, có thể áp dụng phương pháp khác để định giá đất. Đất thuê nhưng bao giờ DN cũng được sử dụng cùng với tài sản, công trình sử dụng trên đất. Tổng khối bất động sản đó sẽ tạo ra lợi ích kinh tế cho DN, đặc biệt ở những địa điểm mà mọi người vẫn gọi là “đất vàng”. Nhận thức được những thiếu sót này, Kiểm toán nhà nước cũng đã kiến nghị Chính phủ yêu cầu khi CPH phải xác định lợi thế đất vào giá trị DN nhằm ngăn chặn tình trạng thất thoát tài sản Nhà nước.

Trong bức “tâm thư” của mình, NSND Thanh Vân cũng đề cập: ngày 16/3/2017, Bộ Tài chính ra văn bản dự thảo Nghị định và tuyên bố trước truyền thông sẽ thay thế Nghị định 59 do Nghị định này có nhiều thiếu sót đặc biệt là việc đặt giá trị đất và giá trị ưu thế đất ra khỏi giá trị DN. Phải chăng lo ngại dự liệu này có hiệu lực mà tiến trình CPH tại VFS đã được thúc đẩy nhanh khi Đại hội Cổ đông lần 1 được tổ chức vào ngày 20/5/2017 và đến 23/6/2017 thì đã có văn bản thành lập Công ty Cổ phần, bỏ qua chỉ đạo rà soát lại quá trình CPH của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 12/2016?

Ngọc Tuyết

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo