Thứ Năm, ngày 19 tháng 9 năm 2024

Củ Chi Đất thép thành đồng - Vững bước trên con đường đổi mới

Bộ Tư lệnh Thành phố hỗ trợ bê tông xi măng tuyến hẻm 72, đường số 669 ở xã Phước Thạnh

(Thanhuytphcm.vn) - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, có những địa danh đã trở thành huyền thoại. Trong đó, Củ Chi được mệnh danh là “Đất thép thành đồng”.

Tự hào với Củ Chi anh hùng

Nằm ở cửa ngõ phía tây của Thành phố Sài Gòn - Gia Định, với vị trí địa lý nằm kề trung tâm đầu não của chính quyền miền Nam Việt Nam, Củ Chi luôn là địa bàn trọng điểm, căn cứ địa cách mạng kiên trung trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

57 năm đã đi qua nhưng ký ức của một thời “thà hy sinh tất cả, quyết không làm nô lệ” vẫn vẹn nguyên trong tâm khảm của quân và dân Củ Chi, cùng đồng bào, chiến sĩ cả nước. Nhất là vào thời điểm mùa khô năm 1966-1967, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Củ Chi đã cùng với bộ đội chủ lực kiên cường bám trụ, quyết tâm chiến đấu anh dũng, sáng tạo, đầy quả cảm, không lùi bước trước khó khăn, nguy hiểm.

Đó là dù phải đối đầu với đội quân xâm lược nhà nghề, hiện đại và thiện chiến, phong trào toàn dân đánh Mỹ ở Củ Chi vẫn phát triển và diễn ra sôi nổi, thu hút sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân, từ phụ nữ đến trẻ em và người già.

Đó là nhiều tập thể du kích vừa sản xuất, vừa rào làng chiến đấu, làm nòng cốt cho nhân dân đánh địch bằng muôn ngàn kiểu cách, từ bàn chông đinh, chông tre, đạp lôi, trận địa giả đến cắm bảng “tử địa”.

Nhiều anh hùng tiêu biểu xuất hiện trong thời gian này: Phạm Văn Cội - xã đội trưởng Nhuận Đức; Nguyễn Văn Lịch - chiến sĩ trinh sát, bộ đội địa phương; Hoàng Đình Nghĩa - Tiểu đội trưởng Quân giải phóng và chiến sĩ du kích Tô Văn Đực đã tự tạo vũ khí, tiêu diệt xe bọc thép… Đó là chưa kể biết bao dũng sĩ diệt Mỹ, dũng sĩ diệt cơ giới, dũng sĩ bắn máy bay. Biết bao bậc phụ lão đêm đêm đào hầm nuôi giấu cán bộ cách mạng, ngày đi đấu tranh chính trị, cản đầu xe tăng địch. Những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng hy sinh những người thân yêu nhất của mình vì sự trường tồn của dân tộc... Tất cả làm nên thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, phong phú và đa dạng, mà “Vành đai diệt Mỹ” là điển hình.

Tất cả những tinh thần đó và thành tích đó, quân và dân Củ Chi đã vinh dự được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên dương danh hiệu cao quý “Đất thép thành đồng” và tặng thưởng Huân chương Thành đồng Hạng ba tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua và dũng sĩ các Lực lượng võ trang Nhân dân giải phóng toàn Miền Nam lần thứ hai vào ngày 17/9/1967. Trước đó, vào tháng 10/1966, hội nghị du kích chiến tranh toàn miền Nam lần thứ ba công nhận Củ Chi là một trong ba lá cờ đầu phong trào chiến tranh du kích.

Trung tướng Nguyễn Văn Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP tặng học bổng cho học sinh khó khăn hiếu học ở trường THCS Tân An Hội Trung tướng Nguyễn Văn Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP tặng học bổng cho học sinh khó khăn hiếu học ở trường THCS Tân An Hội

Phát huy truyền thống “Đất thép thành đồng”

Truyền thống cách mạng ấy mãi mãi là niềm tự hào, là hành trang để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Củ Chi vững bước trên con đường đổi mới, dựng xây quê hương.

Hiện nay, huyện đang tập trung cho công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng được tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ hệ thống giao thông đảm bảo mang tính kết nối với các khu vực lân cận; khai thác tiềm năng, lợi thế các di tích văn hóa, lịch sử để phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ, du lịch.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm nông nghiệp dần phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường đô thị. Huyện phát động “Mỗi xã ít nhất một sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên” đã và đang hướng Củ Chi vào việc nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp. Huyện có 43 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt 3 sao, 4 sao và 1 sản phẩm đang đề xuất công nhận 5 sao.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với nâng cao nếp sống văn hóa, văn minh đô thị phát triển sâu rộng. Đến nay, tỷ lệ hộ gia đình văn hóa đạt trên 97%; ấp, khu phố văn hóa 100%. Toàn huyện có 46/114 trường học công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Thực hiện nông thôn mới nâng cao, huyện đạt 8/9 tiêu chí, bình quân 20 xã đạt 16/19 tiêu chí. Thu nhập bình quân của người dân đạt trên 85 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, huyện đã nỗ lực hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của Thành phố giai đoạn 2021-2025.

Công tác xây dựng Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; niềm tin trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân được củng cố. Công tác xây dựng chính quyền được quan tâm. Cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác tiếp xúc, đối thoại và giải quyết kiến nghị, phản ánh, đơn thư của nhân dân đạt trên 98%.

Nồng ấm nghĩa tình của những người con Đất thép

Chiến tranh kết thúc, Củ Chi có 2.135 Mẹ Việt Nam anh hùng (hiện 26 Mẹ còn sống); 13.598 gia đình thương binh, liệt sĩ và 20.208 gia đình có công cách mạng. Công tác đền ơn đáp nghĩa đối với các gia đình chính sách luôn được huyện đặt lên hàng đầu bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế; thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc và truyền thống đạo đức của Đảng với người dân đã một lòng theo Đảng, theo cách mạng. Đặc biệt hướng đến kỷ niệm 57 năm Củ Chi được phong tặng danh hiệu “Đất thép thành đồng” (17/9/1967 - 17/9/2024), những người con của Đất thép xa nhà vẫn vẹn nguyên một tấm lòng, nặng nghĩa, nặng tình với quê hương; quyết tâm đóng góp tâm lực, trí lực, tài lực cùng chung tay xây dựng quê hương.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Nhuận Đức diễu hành nhân kỷ niệm 57 năm Củ Chi được phong tặng danh hiệu “Đất thép thành đồng” Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Nhuận Đức diễu hành nhân kỷ niệm 57 năm Củ Chi được phong tặng danh hiệu “Đất thép thành đồng”

Tiêu biểu là các công trình nâng cấp, sửa chữa Đền tưởng niệm anh hùng liệt sĩ tại xã, thị trấn để nơi thờ cúng được khang trang hơn; tu bổ khu vực Tượng đài Củ Chi đất thép thành đồng; tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ tạo không gian linh thiêng, ấm cúng cho hàng ngàn anh hùng liệt sĩ yên nghỉ; đẩy mạnh tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; lập phòng thờ và tổ chức Lễ giỗ Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng, liệt sĩ, đồng bào, chiến sĩ; xây mới và sửa chữa 4.489 căn nhà tình nghĩa.

Nhiều tuyến đường hoa, đường cờ Tổ quốc khánh thành, đã tô điểm cho bức tranh nông thôn mới thêm rực rỡ, càng tôn lên niềm tự hào dân tộc. Các tuyến đường, tuyến hẻm từ các chương trình chung sức xây dựng nông thôn mới đã góp phần tạo vẻ mỹ quan và thuận lợi cho người dân đi lại, sinh hoạt, sản xuất. Bộ Tư lệnh thành phố hỗ trợ xã Phú Mỹ Hưng nâng cấp sửa chữa 7 tuyến hẻm trên địa bàn xã với kinh phí 2 tỷ đồng; hỗ trợ 150 triệu đồng bê tông xi măng tuyến hẻm 72, đường 669 ở xã Phước Thạnh; hỗ trợ trao tặng 210 suất học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hiếu học; 300 phần quà cho gia đình chính sách và công trình nhà vệ sinh xanh - sạch - đẹp tại một số trường học. Công an Thành phố hỗ trợ xã Phước Thạnh thực hiện công trình “Sân tập thể dục thể thao, công viên cây xanh” có diện tích khoảng gần 1.000 m2, tổng kinh phí trên 200 triệu đồng;...

Trong niềm vui, vinh dự và tự hào 57 năm Củ Chi được phong tặng danh hiệu “Đất thép thành đồng”, Bí thư Huyện ủy Củ Chi Nguyễn Quyết Thắng cho rằng: “Có thể khẳng định, mọi thành quả đều bắt nguồn từ truyền thống yêu nước, anh hùng, bất khuất, luôn đoàn kết, gắn bó máu thịt giữa Đảng và nhân dân. Chúng ta hôm nay phải nỗ lực, biến niềm tự hào thành hành động thiết thực, cụ thể. Có như thế, chúng ta mới có thể phát triển huyện bền vững, tươi đẹp và bình yên, xây dựng cuộc sống người dân được bình an, no ấm và hạnh phúc”.

Kiều Ngân


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo